"Việt Nam có một địa chính trị quan trọng..."
Không ít lần tôi nghe báo chí nhắc đến địa chính trị VN như thế. Cũng không ít lần tôi nghe người ta bảo nhau như thế như là một cái gì đó đáng mừng, đáng tự hào tự hào vì đâu phải nước nào cũng có địa chính trị quan trọng như vậy đâu.
Ừ, thì cho tôi mừng ké với. Tại vì địa chính trị quan trọng nên nghe nói là nước này nước kia muốn o bế ta. Xem ra cũng như cô nàng đỏm dáng được nhiều anh dòm ngó, còn đỡ hơn là một cô gái ngồi trơ giữa chợ chả ma nào dừng qua bắt chuyện.
Ờ nhưng mà cho tôi hỏi vài câu trước đã, trước khi tui cùng các bạn cụng ly uống mừng cái gọi là tài nguyên địa chính trị của ta.
1. Ủa, địa chính trị của VN quan trọng đến cỡ nào?
Đọc qua báo chí, hoặc mấy bài phân tích của học giả này, nhà phân tích nọ, tui có cảm tưởng như mình đang ngồi trên vị trí chiếu tướng của bàn cờ châu Á- Thái Bình Dương. Hai lý do phổ biến mà họ đưa ra là:
- VN nằm ngay cạnh con đường vận chuyển hàng hải từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương- một trong những con đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới.
- VN nằm ở cửa ngõ của Trung Quốc hướng về phía Nam.
Về lý do con đường hàng hải.
Hiện giờ, con đường ngắn nhất đi từ Ấn Độ Dương sang TBD là đi qua eo biển Malacca, xuống đến Singapore và vòng lên trở lại biển Đông. Thái Lan có kế hoạch đào kênh đã rút ngắn con đường này, đồng thời hy vọng sẽ vươn lên trở thành nước điều tiết chính con đường này (Tuy nhiên, tôi rất nghi ngờ sự khả thi của dự án này, nếu có dịp sẽ trình bày sau).
Tui thiết nghĩ, vị trí một nước quan trọng đến đâu còn tùy coi ảnh hưởng nước đó có thể chi phối con đường hàng hải đến mức nào. Thử giở tấm bản đồ ra xem, lạ chưa, cái nước có ảnh hưởng quan trọng nhất đến con đường này không phải là VN. Chính Indonesia, với hàng chục nghìn hòn đảo trải thành một vòng cung khép kín ngăn cách 2 đại dương mới là nước có vai trò quan trọng nhất. Giả dụ như, một ngày nào đó, chính phủ nước này tuyên bố phong tỏa lãnh hải của mình. Chắc chắn, Đông Bắc Á sẽ lo chết ngộp, và cả khu vực sẽ rơi vào mất ổn định.
Thế còn nếu như các bác ở Hà Nội một ngày nào đó nổi hứng lên tuyên bố y vậy? Ặc ặc, hài quá. Tôi thấy nó chả ảnh hưởng gì nhiều cả. Tàu bè trên tuyến hàng hải này vẫn có thể an toàn đi qua hướng lãnh hải của Philipines khi ngang qua biển Đông- tuyến đường vận chuyển không vì thế mà trở nên dài hơn bao nhiêu. VN có thể chỉ ảnh hưởng, thay đổi tuyến đường một tý, chứ không thể gây ảnh hưởng đáng kể nào.
Vậy thì xét về con đường hàng hải, vị trí VN không cho nhiều lợi thế về địa chính trị như nhiều người tưởng. Về tầm quan trọng, tui nghĩ mình còn phải xếp sau Malaysia, Singapore và Thái Lan. Có chăng lợi thế về địa kinh tế là chuyện đáng bàn hơn.
Về lý do cửa ngõ phía Nam của Trung Quốc
Có thể xem đây là lý do thuyết phục hơn. Tuy nhiên cũng cần biết là TQ gần đây đẩy mạnh hợp tác cả về kinh tế lẫn quân sự với Myanma. Họ đã tự mở cho mình con đường xuống Nam thẳng qua Ân Độ Dương mà kô cần qua biển Đông. Vị trí “cửa ngõ” của VN vì thế mà cũng giảm đi tầm quan trọng một ít. Đó là nói về tầm quan trọng tiềm năng, bởi vì nếu nói thẳng ra thì trên thực tế đã bao giờ VN đóng vai trò cửa ngõ đâu.
- o -
Vậy nên ai đó có mừng về Địa chính trị của VN thì hãy khoan mừng vội. Mở bản đồ ra xem thì hình như mình kô có đến nỗi tốt như người ta hát cho mình tin đâu. Đó là tôi nghĩ vậy, có chỗ nào nhìn chưa ra thì mong các bác chỉ thêm.
Ừ thì địa chính trị của ta nó không phải là quan trọng bậc nhất Đông Nam Á, nhưng cứ chấp nhận với nhau là cũng quan trọng đi. Vậy cho tui hỏi tiếp…
2. Địa chính trị quan trọng có gì mà đáng mừng?
Tui tự hỏi, cái gì khiến cho một nước có địa chính trị quan trọng. Có hai yếu tố. Thứ nhất là yếu tố địa lý (dĩ nhiên rồi). Cái này là do trời đặt đâu mình nằm đấy, miễn kiện cáo gì. Cái thứ hai là yếu tố nhân tạo. Cái này theo tui mới đáng bàn.
Giả dụ như nước Nhật ngày xưa, và cả Đông Bắc Á bây giờ không có sự phát triển về kinh tế kỳ diệu như thế, thì có thể nào con đường vận chuyển đó có vai trò đáng kể như bây giờ? Cũng như trên con đường tơ lụa thời xưa, các nước vùng Trung Á trên con đường này chỉ có vai trò địa chính trị quan trọng khi mà có sự giao thương giữa 2 cực giàu có châu Âu và Trung Quốc. Khi con đường này kô còn được sử dụng và thay bằng đường biển, yếu tố địa lý một mình nó chẳng còn có ý nghĩa gì trong cấu thành địa chính trị.
Giả dụ nước TQ không hùng cường, thì VN có được cái vị trí địa chính trị đó?
Ví von trong nội bộ nước mình, chuyện tự hào về địa chính trị của mình, đối với tui, nó cũng nực cười như một anh dân làng ở một tỉnh nghèo miền Trung, nơi thắt lưng của đất nước, bảo là tôi tự hào vì địa chính trị của tỉnh tôi bởi nó nằm trên con đường huyết mạch Sài Gòn – TpHCM và Hà Nội. Hoặc như anh dân buôn làng ở Tây Nguyên tự hào cái địa lý của mình đối với sự sống còn về mặt quân sự của miền Nam ngày xưa.
Tui không những thấy nó nực cười, mà còn thấy kệch cỡm và đáng xấu hổ vì chuyện đó. Tại sao kô biến mình thành một cực- một Sài Gòn, Hà Nội, một Trung Quốc, Nhật Bản-tặng cái vai trò địa chính trị đó cho những nước xung quanh?
Địa chính trị quan trọng đồng nghĩa với anh chả làm được cái gì so với cái anh nhà ở ngõ dưới, hoặc cái anh hàng xóm của anh. Nghĩa là anh vô tích sự nhưng chó ngáp phải ruồi nên ba mẹ để lại cho anh cái nhà nằm ở đầu ngõ lối vào nhà mấy anh kia.
Chả thấy tự hào ở đâu, tui chỉ thấy đáng nhục thì đúng hơn.
Đó là chưa kể đến cái địa chính trị quan trọng mang lại không chỉ cơ hội cho ta mừng mà còn cả thách thức để ta lo. Nằm dưới TQ có nghĩa là ở làm rào dậu cho vùng ĐNÁ, đưa cổ ra hứng trước chuyện rủi ro nếu ông anh này ho hen, có nghĩa là nước ngoài sẽ muốn can thiệp vào chuyện nội bộ nước ta nhiều hơn. Nếu không đủ mạnh và khéo, một nước có địa chính trị quan trọng sẽ trở thành một chiến trường ngầm cho các thế lực trong khu vực xâu xé gây ảnh hưởng, hoặc tệ hại hơn là trở thành một chiến trường thực. Lịch sử không thiếu vd cho trường hợp này, và hy vọng là người VN kô cần phải bị nhắc bài học lịch sử.
- o -
Vậy nên, nếu lần sau bạn nghe ai nói về Địa chính trị của VN với những hàm ý mừng, hãy nhớ là ta cũng nên lo. Nếu họ thấy nên tự hào, hãy nhắc là mình cũng nên biết nhục.
Hoặc, nếu có thể, bạn hỏi người ấy dùm tôi hai câu hỏi ở trên với.