Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2007

Karachi ngày ra đi




Hơn 2 tháng ở Pakistan.


Một cái office ngộp mùi khí điều hòa nhiệt độ rỉ, có khi phà hơi ấm vào mặt bức rức khó chịu, có khi lạnh tưởng mình là cục thịt đông. Văn phòng ở tầng 4, nằm sát xa lộ, ngó ra cảng. Lúc mới đến cảm thấy như ngồi ngòai đường bởi tiếng còi xe tải đủ âm điệu, sau người ta giúp khóa tiếng ồn đó bằng cách gắn 1 tấm cách âm dày cả mấy cm bọc toàn cửa sổ. Một sáng thứ hai bước vào chỗ làm, chợt thấy mình bước vào một cái hộp bưng bít im lìm. Từ đấy im ắng những tiếng còi xe và mỗi ngày vài lần tiếc nhớ cái cửa sổ ồn ào kia khi bóng đen bao trùm vì cúp điện. Mỗi sáng đi làm là một cuộc may rủi. Nếu may thì cái thang máy cục cạch bẩn xì đầy muỗi lâu lâu phát ra vài tiếng rắc sẽ hoạt động. Còn không thì phải leo bộ 2 tầng cầu thang bóng loáng và 2 tầng thang bẩn rác để đến cổng văn phòng, nơi một hai chú an ninh ngán ngẩm uể oải đứng dậy bồng súng chào khách đi qua.

Một cái khách sạn đáng lẽ vào hạng sang bậc nhất ở đây nhưng rơi vào tình trạng xuống cấp khó tưởng tượng. Vài ngày một lần chúng tôi đi đổi cái thẻ chìa khóa vào phòng bởi họ kô làm sao chỉnh cho cái thẻ đó hoạt động bình thường được. Sợ nhất là cái thẻ đó chết bất tử khi trên mình chỉ độc 1 bộ đồ mặc ở gym ướt nhem mồ hôi, lúc đó phải hiên ngang và làm cái vẻ thản nhiên nhất có thể đi thanh thản băng qua cái sảnh chính của khách sạn để đổi thẻ. Cái hồ bơi bé tí nước xanh rì như rêu bị đập ngay khi chúng tôi vừa đến, hẹn 1 tháng sau mới xong. Lúc này đã hơn 2 tháng, họ đang đoán năm sau sẽ xong. Có lẽ họ không ngờ trong những vị khách đến ở lại có những người ở dai đến nỗi kiểm chứng được những lời hẹn đó. Cái hành lang đá hoa cương lâu lâu sũng nước vì dột làm anh bạn tôi một lần té sướng mông. Vài ba cái nhà hàng lèo tèo khách, đầu bếp buồn so đứng chơi dao. Có anh đầu bếp người Phi bỏ vợ con đi làm, hợp đồng 2 năm không về, hết giờ làm anh ta đi ngủ bởi ở đây kô có họat động gì khác. Anh bảo tôi anh nhớ vợ con lắm, hết hợp đồng anh quyết kô ký tiếp ở đây mà chắc sẽ tìm việc làm ở châu Âu 2 năm. ?!

Cũng may những phòng chúng tôi ở khá tốt. Đó là một dãy phòng ở một khu riêng của khách sạn, mỗi phòng có 1 tầng lửng để làm phòng ngủ và phòng tắm, còn tầng dưới làm phòng khách và phòng làm việc. Giá 300$/đêm gấp mấy lần phòng bình thường, vậy mà nó còn không chịu miễn phí internet mà cắt cổ đến 30$/ngày, cái gía net mà ở những nơi khác bạn sẽ được hẳn 1 tháng internet tốc độ cao chứ không phải cà xịch cà tang như chỗ này. Ngoài hệ thống lạnh chạy lầm rầm như xe ủi, mấy hôm nay tự nhiên dột nước làm ướt hết giầy của tôi, và một lần bồn tắm xịt ra một thứ nước màu trà sữa (trà nhiều hơn sữa) thì tôi thấy không có gì để phàn nàn về nó.


Hơn 2 tháng ở Karachi.

Một thời khóa biểu tối giản. Vì những lý do an ninh, chúng tôi hạn chế ra đường tối đa. Một cõi đi về giữa văn phòng và khách sạn. Ngày lại ngày giở cái menu quá quen thuộc đến phát ngấy từ sau tuần thứ 2.

Tối tối nếu muốn đổi không khí thì đi tập gym. Ở đây cái gu nhạc thật lạ, họ mở đúng 1 cái băng nhạc mỗi ngày, thứ nhạc pop đã cũ của những năm 80s dù hay nhưng không hợp với không khí tí nào đặc biệt là sau khi nghe đi nghe lại đến lần thứ n+1 (+ + +), hoặc khi ban Europe gào lên lời hứa hẹn It's the "Final" countdown lần nữa. Kinh nhất là ở gym lâu lâu phát lên mấy bài nhạc sến, làm khách đang chạy bộ muốn đứt hơi chỉ muốn give up lăn đùng ra ngủ. Ở sảnh cafe có nhạc sống mỗi đêm. Cái ban nhạc 1 guitar điện, 1 organ, 1 ca sỹ chơi đúng thứ nhạc dở hơi của khách sạn, với cái hơi của ca sỹ còn dở hơn tiếng người ta bị chuột rút. Lũ chúng tôi dù ngán cái phòng ngủ kinh khủng vẫn chưa ai có can đảm buổi tối xuống thưởng thức ở sảnh cafe.

Không có rượu bia. Không ra ngoài nếu không cần thiết. Cafe tôi mang theo chỉ đủ cầm cự 1 tháng rưỡi là hết sạch. Có lần chương trình trao đổi văn hóa của Italy mời đầu bếp trẻ giỏi nhất 2006 của Italy qua Karachi nấu 1 tuần tại Sheraton. Quả là những món tinh tế đến tuyệt vời, nhưng hic đãi món Ý mà kô có rượu vang thì coi như giết đầu bếp rồi.

Một tháng kiêng Ramazan, 4 nhà hàng trong khách sạn đóng cửa còn lại 1.

Một vụ bắn nhau trước khách sạn làm chết 1 cảnh sát. Một vụ đánh bom tự sát làm chết trên 130 người. Một cuộc tự đảo chính lập lờ giữa Tình trạng khẩn cấp và Thiết quân luật.

Đền đặn mỗi ngày trên tờ Dawn là những tin biểu tình, đàn áp, bắn giết, hoặc tin phần tử cực đoan chặt đầu cảnh sát giữa chợ, bắn giết nữ sinh không che mặt. Dĩ nhiên là Dawn không thiếu những tin hài hước vd như sau ngày ban bố tình trạng khẩn cấp, khi toàn bộ đài truyền hình tư nhân bị cắt, chúng tôi bị tịt CNN, BBC và các hãng tin nước ngoài hoàn toàn, vậy mà nhân kỷ niệm ngày thành lập (50 năm?) bộ Thông tin, nguyên 1 trang quảng cáo của Bộ đăng dòng tự khen về việc đất nước Pakistan đang đạt được những tiến bộ về thông tin và tự do báo chí "chưa từng có", dĩ nhiên với ảnh của ngài Bộ trưởng và ngài Tổng thống đáng kính ở đầu trang.

Một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Chiếc xe tải kéo theo bồn xăng lao từ cầu vượt ở trên cao khỏi lan can rớt xuống dưới con đường nhỏ hẹp trước văn phòng mỗi ngày xe chúng tôi đi qua vài lần. Một xe hơi bị đè bẹp, vài chiếc khác hư hao. Chúng tôi ngồi ở lầu 4 thấy sàn rung lên tưởng có nổ bom ở đâu đây. Vậy mà kỳ diệu không ai chết.

Một cái sinh nhật.

Một lần thấy một người đàn bà vừa khóc vừa cầu nguyện trong bệnh viện Aga Khan, bộ áo đen trùm kín người không che nỗi tình thương toát ra nhu mì mà đứt ruột. Chợt nhớ mình lâu rồi như cánh đồng hạn nắc nẻ thiếu mưa.

Một con đường tìm mãi để đi.

Hơn 2 tháng của tôi ở lại với Karachi.

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2007

Karachi - Đường và Xe

ĐƯỜNG RÀY XE LỬA




ĐƯỜNG VÀ PHỐ

Đường sá ở đây sạch sẽ và tốt hơn ở Mumbai. Ấn tượng này có lẽ nhờ vào dân số ít hơn, xe cộ cũng không nhiều bằng Mumbai. Mấy ảnh dưới chụp chủ yếu vào ngày lễ Eid sau tháng chay Ramazan nên đường sá vắng hơn bình thường.





Không khí tranh cử.


Vỉa hè


Vỉa hè


Cầu vượt bên cảng Karachi. Cảng này cấm chụp hình. Ngay cả người ta lang thang ở trên cầu vượt với máy chụp hình sẽ bị cảnh sát mặc thường phục nhắc nhở.


Cầu vượt- Xe tải


XE BUÝT

Những chếc xe buýt trang trí sặc sỡ và rườm rà trên đường phố Karachi là một điểm ít ai có thể không nhận ra ngay được. Nhiều chiếc được trang trí rất công phu, màu sắc rực rỡ, có thêm các vật liệu làm phản quang sáng lấp loáng nữa. Những xe hiện đại hơn thì đơn giản bằng những vệt màu mạnh và nóng.










Ghế nằm và Ghế ngồi

XE TẢI
Có ở nơi đâu mà những chiếc xe chở hàng hóa thô (đôi khi cát, bao tải nông sản, v.v..) lại được đối xử như thế này?

Xe tải ở đây chắc chắn là niềm tự hào của những người chủ và cánh tài xế. Họ chăm chút cái xe thấy thương. Những chiếc xe đều được gắn cho 1 cái mũ ở trên đầu, nhiều cái bằng gỗ chặm khắc hoa văn, những chiếc đơn giản hơn thì cũng phải có sơn vẽ hoa hòe hoa sói. Nhiều khi phần trang trí lấn luôn cả mặt kính xe. Có chiếc trang trí khắp toàn thân (xem ảnh Cầu vượt- Xe tải ở trên). Chuyện làm sao để đọc được cái bảng số xe giữa rừng rậm hoa văn bắt mắt khác không phải là vấn đề quan tâm của họ.

Đi với màu sắc là cái còi xe, cũng đầy nét sáng tạo, và cá tính không kém. Họ thường nhấn còi ngân dài nhiều biến tấu trên đường. Người ta chắc có thể nhận biết từng chiếc xe chỉ qua tiếng còi thay cho cái bảng số vô hồn.




Trước


và Sau


Tốt gỗ hơn tốt nước sơn


Hoa hậu xe tải


XE NGỰA







More Phatographs here.

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2007

Lạm phát - Tỷ giá tiền tệ 2




Ảnh : The delicate balance. (Nguồn ở đây)



NHẬN ĐỊNH VỀ TỶ GIÁ VND - USD

Do chính sách kinh tế khuyến khích/ dựa vào xuất khẩu nên VN duy trì một đồng tiền yếu, tức để cho đồng VND trượt giá nhẹ trong thời gian dài.

Tuy nhiên, mặc dầu trên danh nghĩa đồng VND mất giá nhẹ so với USD nhưng vì lạm phát của VN cao hơn nhiều ở Mỹ cho nên thực tế là đồng VND tăng giá so với đồng USD. Một đồng tiền tăng nhẹ trong thời gian dài nhưng vẫn tăng xuất khẩu được cho thấy một tín hiệu khả quan về sức cạnh tranh của hàng hóa VN. Điều này về lâu dài tích cực cho sức khỏe của nền kinh tế hơn chính sách kiềm tỷ giá chặt như Trung Quốc.

Khi lượng ngoại tệ USD đổ VN vào nhiều hơn bình thường, NHNN lo ngại sự thay đổi cán cân này làm gây shock tỷ giá đi ngược lại với chính sách tỷ giá trước giờ nên đã tung tiền ra mua USD.

Câu hỏi đặt ra là NHNN hút vào 7 tỷ USD như vừa rồi là quá nhiều hay quá ít? Hoặc nói cách khác liệu trên thị trường hiện giờ, cán cân USD và VND nghiêng về bên nào?

Theo tôi thì trên thị trường không hề ở tình trạng thiếu USD dư VND, lẫn ngược lại thiếu VND và dư USD. Mà nó đang ở tình trạng dư cả USD lẫn dư VND so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Dư VND giải thích cho tình trạng lạm phát. Dư USD do các nguyên nhân tăng cung ở trên, và nó giải thích cho việc đồng USD vẫn không tăng giá mặc dù bị hút dự trữ mạnh, và sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử USD bán không ai mua, các ngân hàng thương mại công bố giá USD mua vào và giá bán ra bằng nhau và đều ở mức sàn. (Nguồn)

Như đã bàn ở trên, yếu tố tâm lý cộng với mức lạm phát cao khiến cho gửi tiền tiết kiệm bằng VND không hấp dẫn. Cũng như một đồng USD yếu và dư thừa khiến cho gửi tiết kiệm bằng USD cũng không hấp dẫn nốt. Cho nên tiền tiết kiệm chảy ra từ ngân hàng đi vào các kênh đầu tư khác, và một phần lớn sẽ lưu thông trên thị trường. Có như thế mới giải thích được hiện tượng các ngân hàng Eximbank, Sacombank , Techcombank , VIB bank đồng loạt tăng lãi suất huy động USD ngay cả khi FED đã và (có xu hướng sẽ tiếp tục ) giảm lãi suất; cùng lúc với hàng loạt ngân hàng thi nhau phá rào tăng lãi suất huy động đồng VND.


Như vậy cán cân USD-VND chỉ là thứ yếu khi giải bài toán tăng trưởng- lạm phát- tỷ giá này. Thay vào đó cái cần quan tâm hàng đầu là cán cân tiền tệ (VND) và hàng hóa.


NHẬN ĐỊNH VỀ LẠM PHÁT

Nguyên nhân tăng lạm phát là tiền lưu thông nhiều hơn hàng hóa. Cái này ai cũng biết.

Cái yếu tố thứ nhất là lượng tiền lưu thông ở trên đã nói rồi. Đó là đồng tiền tăng từ nhiều nguồn trong đó có lượng tiền đổ từ nước ngoài, lượng tiền trước đây nằm ở tiết kiệm và đặc biệt là lượng tiền NHNN in thêm nay đều dồn vào lưu thông.

Trong yếu tố thứ hai là hàng hóa thì có các sản phẩm lương thực và tiêu dùng chiếm một tỷ trọng rất cao trong rổ hàng hóa để tính chỉ số giá cả tiêu dung (CPI). "Các con số thống kê cho thấy giá hàng hóa cho đến nay tăng 6,2%, trong đó giá thực phẩm - chiếm gần phân nửa (42,8%) tổng số rổ giá cả các mặt hàng tiêu dùng - tăng đến 15%." do thiên tai dịch bệnh v.v..." (Nguồn). Cái này nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.

Nguyên nhân thứ hai của việc hàng hóa tăng giá nằm ở vấn đề tăng giá commodities toàn cầu. Giá xăng dầu, phôi sắc thép, kim loại cho đến lương thực trên thị trường thế giới đều tăng. Đây là yếu tố ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.

Nguyên nhân thứ ba đó là việc đồng USD mất giá so với vàng và các đồng tiền khác trên thế giới. Khi tỷ giá VND bám tương đối vào đồng USD là chủ yếu, các mặt hàng nhập khẩu bằng ngoại tệ khác như khoáng sản từ Australia, hoặc hàng công nghiệp từ châu Âu, v.v… sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Đây là yếu tố nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước một phần.




Như vậy, khi bàn về vấn đề lạm phát, mặc dù những lý lẽ về việc tăng giá hàng hóa đều có lý nhưng nó không phải là vấn đề có thể xoay chuyển được. Cái vấn đề quan trọng nhất nằm ở chính sách tiền tệ làm sao để giảm lượng tiền lưu thông trên thị trường mà không ảnh hưởng quá xấu lên tăng trưởng.

Lạm phát - Tỷ giá tiền tệ 1




Ảnh : The delicate balance. (Nguồn ở đây)





Lạm phát ở Việt Nam trở thành một chủ đề đáng quan tâm và gây lo ngại khi nó xấp xỉ tiến gần con số 2 chữ số. Có nhiểu ý kiến khác nhau về nguyên nhân, về tác động cũng như về cách kiểm soát lạm phát. Đi cùng với vấn đề lạm phát là chính sách về tỷ giá đồng VND.

Ở đây bằng cách liệt kê ra những gì mình hiểu và xem mối liên hệ giữa chúng, tôi cố thử tiếp cận nó một cách đầy đủ nhất mình có thể thay vì chỉ nêu một vài yếu tố nào đó, đồng thời hy vọng qua đó tôi có thể sắp xếp có trật tự hơn cái mớ kiến thức kinh tế lùng bùng kô căn bản của mình một chút xíu.

USD



Nguồn tăng cung

+ Kiều hối tăng: lượng tiền người Việt ở nước ngoài gửi về trong nước liên tục tăng trong những năm gần đây. Ước lượng 5tỷ USD trong năm 2006 và đầu năm 2007. Riêng các ngân hàng ở tpHCM nhận 3 tỷ kiểu hối trong 10 tháng đầu năm 2007.

+ FDI tăng: theo Bộ KH-ĐT trong 10 tháng năm 2007, cả nước đã thu hút 11,26 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn)

+ FII tăng: dự đoán con số là 1-2 tỷ trong năm 2006 và những tháng đầu năm 2007. Việc gia nhập WTO, thị trường chứng khoán VN tăng trưởng ngoạn mục và nguồn tăng FII gia tăng là ba yếu tố quan hệ thúc đẩy qua lại lẫn nhau trong đó WTO có lẽ là nguyên nhân nguồn, còn tăng FII là ảnh hưởng đích. Vẫn chưa có sự thống nhất về con số FII này, nhưng có thể dự cảm được mối quan tâm của giới đầu tư lớn hơn rất nhiều lần khả năng hút của thị trường chứng khoán.

+ Giảm gửi tiết kiệm bằng USD

Nguồn tăng cầu

- Thâm hụt ngoại thương tăng. Thâm hụt năm 2007 dự báo sẽ là 8 tỷ USD, so với 5.09 tỷ năm 2006. (Nguồn)




- Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ USD: trong những tháng đầu năm NHNN đã mua USD rất mạnh. Theo báo chí thì trong khoảng nửa đầu năm nay NHNN tung ra 112000 tỷ VND để mua 7 tỷ USD. Điều này khiến cho dự trữ ngoại hối của VN tăng mạnh – năm 05 tăng thêm 4% GDP, năm 06 tăng gần 5% GDP, và nửa đầu 07 tăng 14% GDP. Nguyên nhân của chính sách này sẽ bàn ở dưới.

VND

Nguồn tăng cung

+ NHNN tung VND để mua bớt số USD dư thừa trên thị trường.

+ NHNN in thêm tiền VND để mua USD

+ Tín dụng dễ dãi: cho kinh doanh lẫn cho vay chứng khóan. Sau này có vẻ thắt chặt lại (sẽ bàn ở phần sau)

+ Giảm gửi tiết kiệm: (sẽ cần số liệu để chống lưng cho lập luận này) có thể nói năm 2006 có một sự kiện tâm lý lớn là nhà nhà ăn chứng khóan, người người ngủ chứng khoán. Cùng với sự tăng trưởng ngọan mục của thị trường này, người dân bắt đầu suy nghĩ về tài chính và đầu tư nhiều hơn, và hiểu ra là có nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn là gửi tiết kiệm. Nhất là khi cùng với lạm phát cao, lãi suất thực tể của hình thức gửi tiết kiệm nhỏ hơn lãi suất danh nghĩa rất nhiều. Một số lượng tiền lớn chắc chắn rút ra khỏi hình thức tiết kiệm truyền thống và tỏa đi qua các kênh khác.

+ Chi tiêu của chính phủ


Nguồn tăng cầu

- Thị trường chứng khoán




(còn tiếp)




Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2007

Trôi theo dòng nước

Bạn gửi tin nhắn hỏi
_ Có hay tin cầu Cần Thơ sập?.
_ Ừ có hay, nhưng lướt sơ qua à, kô có đọc kỹ nội dung.


Thật ra là tôi kô muốn đọc. Hồi sáng thấy cái tiêu đề và hình ảnh sập dầm cầu và giàn giáo, tôi đã có thể mường tượng ra cái cảnh bi đát của nó thế nào. Tôi kô muốn đọc tiếp, bởi tôi không muốn thấy mình trở nên mềm yếu và sầu lụy.

Chắc bạn hiểu tôi nói gì. Ở nơi đây, vào lúc này, tôi có thể làm được gì? Tôi nhớ cái cảm giác của mùa Giáng sinh năm 2004, lúc cơn sóng thần bất ngờ cướp đi sinh mạng của gần 300 ngàn người. Tôi đăng ký vào 1 nhóm thiện nguyện, nhưng rốt cuộc cũng chỉ ở trong danh sách dự bị vì số người đăng ký quá đông. Trong suốt mấy ngày, tôi dán mắt vào tivi và tìm kiếm những tin tức và hình ảnh của sự kiện đó. Con số tử vong tăng lên theo từng giờ, những con số khủng khiếp làm người ta nghẹt thở.

Tôi không muốn đọc tin. Thế có nghĩa hoặc là tôi vô cảm, hoặc là tôi hèn kém. Nhưng thế còn dễ chịu hơn là cái cảm giác mình đang là khán giả của một trận bóng đá đầy căng thẳng, hoặc sụt sùi theo một màn bi kịch đang nghẹt thở ở những nút thắt oan nghiệt. Sau những cao trào của cảm xúc, khán giả sẽ ra về mà lòng nhẹ tênh. Người ta sẽ gói ghém nó lại trong một cái bọc trang nhã rồi lịch sự ném nó đâu đó khỏi cái gánh tâm trí thường trực của mình. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Mọi chuyện rồi sẽ trôi qua trong im lìm, có chăng đôi lúc gợn lại trong ta một chút kỷ niệm xa xôi vô cảm. Tôi nghĩ như vậy thì bất nhẫn với những cảm xúc của mình quá.

Tôi không muốn đọc tin. Bởi tôi sợ cách đưa tin thường do quá nhiệt tình mà đôi khi trở nên sến đến nỗi giả tạo của lối đưa tin nhà mình. Chuyện thật vui đâu cần người chọc cù lét cũng như chuyện thật buồn đâu cần kẻ khóc thuê. Tôi sợ sẽ bắt gặp đâu đấy sự cạnh tranh ngầm giữa những tờ báo xem tờ nào có “lương tâm xã hội” cao hơn, khóc to hơn và lớn tiếng công phẫn hơn. Tôi nghĩ như vậy thì bất nhẫn với bà con, với những nạn nhân của tai nạn này quá. Sự kiện này chỉ cần trình bày một cách trung thực và những con số một mình nó đã quá đủ đau buồn, không cần phải bơm phồng lên làm gì. Đối với tôi, một bức ảnh như bức dưới đây cũng đã hơn cả ngàn lời sáo rỗng vẽ đường cho người khóc.

NGÀY ĐỊNH MỆNH TRÊN CẦU CẦN THƠ
Nguồn: ảnh từ blog của bác VMC



Những giai đoạn của “tình cảm và lương tâm công chúng” sau một sự kiện bi thảm

Không biết tôi chia vậy có chính xác không, nhưng chắc cũng kô có sai lệch gì nhiều. Nếu thấy những diễn biến sự kiện như tôi thấy dưới đây, chắc bạn sẽ hiểu tại sao tôi kô muốn làm “khán giả” của một vở kịch.

1. Kinh hoàng và sốc: công chúng lúc đầu không nhận thấy hết tầm vóc của sự kiện. Có rất ít phản ứng xảy ra trong lúc này.

2. Hy vọng và ứng phó: sau giây phút kinh hoàng lúc đầu, người ta thấy được thiệt hại xảy ra và hiểu được những thiệt hại sẽ tới nếu như không làm gì đó ngay lập tức để giảm thiểu nó lại. Tất cả mọi người đều muốn làm một cái gì đó, bất kể đó là cái gì. Một số người lao vào hiện trường để cứu giúp. Số khác quyên góp nhân lực, vật lực. Cánh phóng viên cố đánh động vào lương tâm dư luận. Bloggers cũng tương tự trên mặt báo của riêng mình. Số còn lại hài lòng với hành động “làm cái gì đó” bằng cách dán mắt vào tivi hoặc mua báo theo dõi sát sao sự kiện đang diễn ra. Những ai không làm được gì, hoặc cảm thấy mình làm không đủ thì cảm thấy hết sức khổ sở, họ “muốn điên lên” được. Như thế cũng còn đỡ hơn một số ít người đem sự nhiệt tình ứng phó của mình áp dụng một cách tiêu cực, chẳng hạn như tung tin đồn bậy, hoặc trong trường hợp sập cầu Cần Thơ là kêu gọi người dân đi hiến máu.

Dẫu có hỗn loạn đến thế nào trong giai đoạn này khi người người bằng cách riêng của mình phản ứng lại với thảm họa, thì đây vẫn là giai đoạn đáng qúy nhất trong chuỗi những diễn biến tâm lý công chúng. Chính ở những hành động hoặc chín chắn có hiệu quả hoặc bộc phát thiếu suy nghĩ này mà cái tình người và cái tính người nó hiện lên sáng rõ lung linh. Hơn nữa, bằng hành động con người mua được hy vọng. Khi nào còn hy vọng khi đó thảm họa vẫn chưa đè được toàn bộ sức nặng gai góc của nó lên trái tim của con người.

Một điều đáng quý nữa của giai đoạn này là lương tâm và tình cảm của công chúng được hướng theo hướng tích cực. Người ta không muốn đổ lỗi cho nhau mà tất cả đều hướng về tìm cách giảm thiểu thiệt hại.

3. Tuyệt vọng và đau khổ: cùng với thời gian trôi đi, hy vọng lùi dần nhường chỗ cho tuyệt vọng. Những ao ước lạc quan cứu sống người ban đầu bây giờ bị thân nhân nếu còn lý trí chấp nhận sự thật đau đớn thầm chuyển thành hy vọng tìm lại được xác con em mình. Nỗi đau thương mất mát đè nặng lên người thân và cả cộng đồng.

4. Phẫn nộ và đòi công lý: Thế nhưng khác với gia đình và người thân của nạn nhân, công chúng có quá ít tình cảm và quá thừa năng lượng so với họ. Họ gạt nhanh những giọt nước mắt dễ dãi rồi chuyển sang lớn tiếng phẫn nộ. Cái năng lượng tràn ngập trong họ lúc đầu hướng vào việc làm gì đó để giảm thiểu thiệt hại bây giờ chuyển hướng sang làm gì đó để lấy lại công bằng cho nạn nhân. Tại sao chuyện xảy ra như vậy? Tại sao đáng lẽ đã thế này nếu như thế kia? Tại sao ông kia phát biểu như vậy? Tại sao người này người nọ không có mặt tại hiện trường? Làm cách nào để tai nạn như vậy không xảy ra nữa? .v.v… Rất nhiều câu hỏi, nhưng câu hỏi quan trọng nhất luôn luôn là “Ai là người chịu trách nhiệm cho chuyện này?”

Công chúng cần một người bước lên giàn hỏa, lên giá treo. Đã chia sẻ những thăng giáng tình cảm, đã góp tay vào xoa dịu nỗi đau, về mặt tâm lý, họ thấy trong mình một cái quyền hiển nhiên được kéo một người nào đó ra trả giá cho những gì họ trải qua. Ở đây tôi không bàn là công luận có nên hoặc có quyền đòi hỏi công lý hay kô, tôi chỉ muốn mô tả cái diễn biến tâm lý của công chúng khi họ xem vấn đề đòi quyền công lý như là vấn đề của chính họ.

Bộ mặt xã hội trở nên xấu xí trong cuộc săn tìm phù thủy này. Tùy tính chất của từng sự kiện mà ít hay nhiều ta sẽ thấy những trò ném đá giấu tay, mượn dao giết người hoặc trơ trẽn phủi tay.

Nếu như giai đọan 2 là đáng quý nhất thì đây là giai đoạn đáng khinh nhất của tâm lý công chúng sau thảm họa. Nó đáng ghét không phải vì người ta thấy được những điều xấu xí không ngờ bị phơi bày ra ánh sáng mà là ở chỗ sự công phẫn ồn ào đầy hồ hởi từ công chúng. Tại sao lại đáng ghét? Bởi vì đấy thực ra chỉ là những xú-páp xả tầm thường của họ. Cái năng lượng tình cảm tích lũy dồi dào lúc đầu cần có chỗ giải phóng. Có quá ít người trong đám “công chúng có lương tâm” chọn con đường tiếp tục giải phóng nó bằng những hành động có ích thầm lặng sau này. Phần lớn chọn con đường không làm gì hơn cho nạn nhân, nhưng nếu chỉ như vậy thì năng lượng không được giải phóng sẽ làm lương tâm của họ cắn rứt. Bằng cách chuyển hóa năng lượng tình cảm thương xót sang năng lượng tình cảm công phẫn và tiết xuất ra ngoài, họ giải phóng năng lượng tích trữ và thuyết phục lương tâm chính mình rằng họ đã làm những gì đáng làm cho nạn nhân để rồi nhẹ nhàng bước sang giai đoạn cuối.

5. Quên lãng: nếu tìm ra kẻ lên giàn thiêu, công chúng sẽ hả hê với lương tâm của mình. Nếu không đủ sức mạnh tinh thần để chỉ rõ kẻ chịu trách nhiệm (vd như trong vụ Sóng thần) hoặc tìm mãi không ra kẻ trực tiếp chịu trách nhiệm, thì công chúng sẽ lôi lên giàn thiêu kẻ chịu trách nhiệm gián tiếp, rồi gói ghém năng lượng còn lại chôn cất đâu đó cho kỹ. Dẫu cho trường hợp nào ở trên đi nữa, thì sự hả hê của lương tri công chúng sẽ diễn ra với rất ít tưởng nhớ đến nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của thảm họa. Bởi đấy thực ra là sự thỏa mãn cho lương tâm của chính họ hơn là sự thỏa mãn vì công lý đã đạt được. Rồi tất cả nhanh chóng chìm vào quên lãng. Người ta thậm chí sẽ không nhớ ra đã có lúc mình “muốn điên lên được” vì số phận của những người dưng mà họ kô còn nhớ đến tên tuổi, quê quán. Chán chả bùôn viết tiếp nữa. hừm.

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2007

Vừa đi vừa chép 2: DAWN




Đây có lẽ là tờ báo “thú vị” nhất mà tui từng đọc. Thử vd vài tin tiêu biểu ở trang nhất và cuối của số báo ngày 14/09 nhé.

- Đánh bom cảm tử ở căn cứ quân sự Haripur

- Thương vong tăng cao ở Waziristan

- Karachi: xe buýt chở sinh viên bị quăng lựu đạn rồi xả súng

- Kohat: 9 cửa hàng bị phá hủy do bom nổ. (Kô thấy nói thương vong ?!)


Phần nào bù trừ với những cái tít u ám trên, nội dung bên trong có thể lại rất thú vị, cười ra nước mắt được. Vd như

Vụ tấn công xe búyt ở Karachi bị nghi ngờ là do xung đột giữa các đoàn hội sinh viên trong trường đại học Karachi. Ngày hôm trước 3 sinh viên đã bị thương khi 2 đoàn này đụng độ nhau trong khuôn viên trường. Cho nên có lẽ đây là một cuộc trả thù giữa các sinh viên với nhau (bằng lựu đạn và xả súng ?!).

Vụ tấn công này rõ ràng làm cho nhiều sinh viên rất bất bình. Ngay lập tức họ đổ ra đường, chặn 1 con đường lại. Một số thể hiện sự tức giận bằng cách hát khẩu hiệu chống chính phủ. Số sinh viên nữa thể hiện nó bằng cách ném đá vào xe cộ qua lại.

Hoặc,

Một cây cầu vượt bị sập. Tờ báo trích dẫn duy nhất phân tích của một người: “nguyên nhân của cầu sập chắc là do trời mưa. Hôm đó mưa lớn.”

Hoặc,

Lãnh đạo chính trị 1 phe chính trị bị cấm vào Karachi. Chính quyền địa phương viện cớ là ông này bị cấm trong vòng 1 tháng vì có dính líu đến vụ hỗn loạn đẫm máu tháng 5 tại đây. Ông ta quyết định cứ bay vào Karachi. Dĩ nhiên chính quyền và quân đội ngăn cản. Dĩ nhiên người phe ông này đổ ra sân bay để đón ổng. Dĩ nhiên mấy người này bị tạm bắt. Dĩ nhiên sân bay bị thắt chặt an ninh, rào chắn từ xa. Dĩ nhiên hàng loạt người phải bỏ xe hơi, vác hành lý đi bộ gần cả cây số để đến ga bay. Nhưng có điều này kô có dĩ nhiên, rất là độc đáo. Cũng trong tin này, 1 quan chức đã dũng cảm và hồn nhiên tuyên bố rằng chính quyền địa phương kô hề có ý định đàn áp chính trị ai hết, cái lệnh cấm ông ta vào Karachi chỉ đơn giản là một trong vài biện pháp được áp dụng để đảm bảo tình trạng giao thông khỏi bị kẹt thôi.

Há há, cái này thì đến Cuội cũng phải bái làm sư phụ rồi.

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

Vừa đi vừa chép 1




Ngày 1:

Trên máy bay

- Chào

- Hi

- Chuyến bay này đi đến K đó nhé.

- Uh tao biết

- Hí hí, tao tưởng tụi bây vô lộn máy bay.

Trên đường

Mỗi chiếc xe buýt là một cá tính riêng biệt. Chưa thấy ở đâu người ta trang trí xe buýt màu mè, rườm rà và đặc sắc đến như vậy. Hơn cả xe đò ở M, và dĩ nhiên ăn đứt xe hoa ở VN. Hôm nào phải rình rình chụp 1 tấm mới được.


Sạch hơn M, ít hào nhoáng và cũng ít nghèo bẩn như M. Con người cũng có vẻ dễ thương hơn, kô thấy cái vẻ hãnh tiến và chụp giựt.


Ngày X: Trong khách sạn

- Ê, tối qua tao thấy có người xuống bơi ở hồ bơi đó.

- Giỡn chơi? Ai mà gan dữ vậy?

- Kô, thiệt mà. Thấy tụi nó quẫy quẫy trong đó 1 hồi.

- Trời, cái hồ nước xanh lè, rêu bám tùm lum đó mà cũng dám thử.


Ngày X+1:

- Này trông kìa, tụi nó đem mấy chậu cây đặt vây quanh hồ lại kìa. Nhìn cũng đẹp chứ.

- Ờ, nhìn đỡ hơn. Không biết tụi nó có định kỳ cọ cái hồ đó kô. Thấy nó đâu đến nỗi khó làm như vậy.

- Thiệt, làm tụi mình chả làm ăn gì được cả. Chán như con gián.

- Chưa chắc, biết đâu mình có thể câu cá ở đó.

Tối nhận được cái này.

Thông báo: Hồ bơi tạm ngưng phục vụ để nâng cấp, thay lớp gạch men trong vòng ... 2 tháng. Mong quý khách thông cảm.

- Ặc, Có được cái ao nước đã là may, còn kô biết quý. Cho chừa.


Ngày Y : MURREE ….. E….. E

- Ê, hôm nay có F1. Chạy qua phòng tao. Hôm nay phải thử bia bọt ở đây coi sao.

- Hay đó, tao kô có mặn mà lắm cái vụ ngồi coi F1 mà nhâm nhi trà đâu.

~...~...~...~

- Alo, cho tôi gọi bia vào phòng.

- Vâng, Murree hả?

- Ủa bộ có bia khác hả? Sao kô thấy trong menu.

- Không có.

- Uh vậy Murree đi, 4 chai.


Một lát sau,

- Bia của ông đây. Ông cho tôi xem cái passport, điền vào cái đơn này. Vầng, ký cam kết vào đây nhé. Cảm ơn.


Bảo đảm là ở sẽ hiếm thấy món bia Murree này ở bên ngoài. Bia khá nhẹ, uống kô sốc, nhưng có hương + vị ngọt khá đậm, mới đầu nhấp vào cứ tưởng có mùi xoài. Có điều rất thú vị, đó là năm ra đời của hãng này. Uống xong cười chết. Bí mật đấy.

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2007

The Credit Crunch




Mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, liệu chúng ta sắp chứng kiến một cuộc khủng hoảng mới? Lướt qua một loạt báo mạng VN, chỉ duy nhất một tin đề cập về vấn đề này trong số rất nhiều tin ít quan trọng hơn.

The below writing contains personal opionions. Any comments or different opinions are welcome.

The credit crunch

What

It’s a liquidity problem. Financial institutions had over-committed in giving out high-risk loans and in financing M&As, LBOs. Since late 2006, when the subprime (high-risk) mortgage proved to be troublesome, several lenders went bankrupts. This leads to a concern to the level of exposure the financial institutions have.

A credit crunch makes it nearly impossible for companies to borrow because lenders are scared of bankruptcies or defaults, which result in higher rates.

Concerns

The US mortgage has totaled to US$ 600 billions. The estimated credit default is about US$100-200 billions. This is not too much for the US market to absorb. However, there are a few factors that signify the credit crunch.

  1. Spreading credit problem: from a sub-prime US mortgage, the credit problem has spreaded to hedge funds that bought home mortgage-backed securities, to corporate junk bonds, and to other areas which has no US exposure.
  2. A recent over-aggressive M&As, LBOs, private equity plays have resulted huge credit commitment. The credit problem may affect the banks ability to finance these deals.
  3. Transparency: A system of complex, complicated financial instruments and ever-increasing dependence between markets and between financial institutions has made it very hard to estimate the true extent of the impact.
  4. Possible adverse impact to the US economy: banks have tighten their credit business. This will lead to less loans, less consuming, less manufacturing especially in big dollar items such as houses and cars, less jobs, and so on.




KKey developments

- Early 2007 : sub-prime mortgage melt-down.

- 21 Jun 07 : Two investment funds (US$ 1.5 billions) of Bear Stearns crashed.

- 30 Jul 07 : State-own and private German banks bailed out IKB Deutsche Industriebank with US$ 4.8b fund. IKB announced huge loss link to US sub-prime one week after it said it faced no risk.

- 02 Aug 07 : American Home Mortgage Investment files for bankruptcy protection.

- 07 Aug 07 : US Fed keeps interest rate steady, calmed market.

- 09 Aug 08 : BNP Paribas suspended 3 funds (US$ 3b) because of no liquidity, trigger panic button, after last week bank executive had claimed of little exposure.

- 09 Aug 07 : Central banks rushed to pump money to the markets. ECB 94.8b Euro, US Fed $24b.

- 10 Aug 07 : ECB 61.1b Euro, US Fed $19b, BoJ 1.0 trillion yen, Reserve bank of Australia A$ 4.95b.

How does the US mortgage problem affect world-wide markets?

Europe: the affect of the US credit problem to Europe is more direct and visible.

Large banks in Europe have direct operations in the US. Many exposes to the US home mortgage melt-down like BNP Paribas. This leaves Europe in a situation very similar to that of the US.

Asian markets: will be bearish for 3 indirect reasons

- Asian markets often trail the performance of Wall Street, which will be very gloomy and shaky for some time to come.

- During turmoil time like these, investors will play defensive. Since emerging markets are deemed high-risk, we should expect an out-flow of capital from these markets.

- US is the biggest market for most Asian countries. A possible downturn of US economy and consumption will dampen growth of the local companies and support more sell-offs in the markets .


How does it affect VN market?

China and Vietnam markets should be considered pre-matured. Capital flow limits, capped foreign ownership and minimal exposure to US credit market will allow VN market to continue traveling its own course. However, the local retail investors’ (and the so-called financial press’) current only obsession seem to be the activities of “khoai-tây” funds, and whatever “market overview” reports of khoai-tây financial institutions that they can get hold of.

Given the global gloomy outlook and a high-risk profile of Vietnamese market, the khoai-tây at best won’t add more money here for now. In short, there’s not much to cheers about.

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2007

Entry for July 14, 2007

Đẹp như chuyện cổ tích.




Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2007

Entry for Thứ 7, 07/07/07 - Bảy cái bẫy




Bị Tag. Nói đúng hơn là tự tag mình theo gợi ý của một người bạn nhắc khéo của một bạn khác. Nghe thảm nhỉ.

Tui vẫn không quen nói về mình. Định làm không nghe-không thấy-không biết nhưng lại mắc thêm cái tội không-an. Cho nên nhân hôm nay ngày 7 tháng 7 năm 07, tui nhiệt liệt kỷ niệm ngày này bằng 7 điều sự thật vớ vỉn về mình cũng hay.

  1. Tui nhiều khi hổng có hiểu chính tui. Cái này phải viết làm sự thật đầu tiên, nó có tác dụng như là disclaimer cho mấy cái viết ở dưới. Sau khi hiểu được sự thật này thì các bạn mới có cơ sở thật sự vững chắc để đọc tíếp, kẻo bị sụp bẫy.
  2. Tui vẫn đang học cách sống hòa bình với mình. Viết câu này tự dặn mình: “Sự sống- đó là điều kỳ diệu của Tạo hóa. Sống an lạc- đó là điều kỳ diệu của chính bản thân ta”. Có đôi khi, tui thấy được điều kỳ diệu của tạo hóa, và rất thường xuyên, tui thấy sự tầm thường của bản thân. Thời gian còn lại, tui…. mù .
  3. Tui yêu gia đình và rất quý những người bạn của mình. Nhưng hình như khó gần và không dễ kết bạn.
  4. Lý lịch trích ngang: tuổi ngựa, dân Sài Gòn, gốc lung lay, tự nghĩ mình Việt hơn nhiều người Việt nhưng một số bạn già không nghĩ thế.
  5. Học: Cấp 1 & 2 học ở Trần Bội Cơ. Suy nghĩ đầu tiên thoáng qua trong đầu khi lần đầu đậu giải hs giỏi quận (lớp 3) là không biết trường mình có đi đêm với mấy thầy cô chấm giải hay không . Lời khen “phê” nhất trong thời phổ thông là của cô Liên dạy Văn 9. Cô bảo là mình viết văn có phong cách, sau khi giải thích với lớp rằng những nhà văn tồn tại được không chỉ viết hay mà còn phải có phong cách . Tui thấy cô nói chí lý quá, mặc dù mấy thầy cô dạy Văn trước và sau đó rõ ràng không chia sẻ suy nghĩ đó của cô Liên và tui qua những con điểm bất công quá thể . Cấp 3 học Lê Hồng Phong. Suy nghĩ duy nhất trong đầu sau khi đọc bảng điểm trúng tuyển vào CL là Xe ơi đừng có đụng tui chết nha, để tui về nhà báo chuyện lạ có thực. Sau này nghĩ lại thì thấy có lẽ Pheidippides khi báo tin trận Marathon cũng chắc cũng bắt chước mình đây mà. Đại học học ở Bách Khoa, những chuỗi ngày chạy cong đít giữa giảng đường và đi làm thêm, một lối dạy và học hết sức công nghiệp. Sau đại học là thất học. Nhìn lại suốt chặng đường đi học, nếu như cái trí nhớ selective của tui đúng, thì tui chưa từng bao giờ quay cóp, mặc dù chuyện xì xầm trao đổi, đầu mày cuối mặt, v.v…trong phòng thi luôn là một “phong cách” đặc trưng của tui.
  6. Chơi: từ sau dạo nghiện Nitendo Mario và chấm chấm, tui tránh những trò ăn chơi có thể gây nghiện. Mặc dù vậy, tui vẫn bị dính vào 2 cái. Café và net nó làm khổ tui. Những đam mê dập dềnh không gây nghiện: nhạc, âm thanh, nuôi cá cảnh, biết đâu sắp tới sẽ là chụp ảnh nữa.
  7. Cuối cùng, nói về cái avatar trên 360 này nhé. Tui mượn tạm cái poster của film “Eternal Sunshine of the spotless mind” bởi nghĩ là cái spotless mind nó gần với my clueless mind nhất . Nếu để ý bạn sẽ thấy tui thêm 1 chữ ‘d’ nho nhỏ, màu đỏ đằng sau chữ FINE. The idea is…. , mà chắc bạn đoán ra rồi đấy. Có điều chữ ‘d’ đó nhỏ quá, mà blog cũng chả có gì, cho nên phải mượn cái entry này để thanh minh , kẻo mang tiếng là hách xì xằng hoài cũng khổ.

Khà khà, bây giờ đến thời điểm hồi hộp cho những ai đang đọc blog entry này – Tag 7 người tiếp theo. Thú thật ra trải qua lần bị tag này, tui không nỡ ép ai hết. Vả lại, nhìêu người tui muốn tag đã bị lên giàn thiêu trước, hoặc đã bị bạn khác tag rồi, có tag thêm cũng phí quota. Vậy các bạn cứ tự nguyện tag mình nhé, sau đó vào comment báo cho tui biết. Xin gợi ý danh sách sau: các bạn già yêu vấu (kô được giả vờ chối nhá), bạn ngầu, bạn today, bạn mac4u, chị Bến và bác K Hâm, bạn Apo.

Thể lệ tag ở đây.

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2007

Sh!t

Báo trước là cái entry này hơi bốc mùi, đề nghị đeo khẩu trang trước khi đọc. Và vì lý do nhân đạo, sẽ không có ảnh minh họa cho entry này.

Shit happens. (Chả biết dịch làm sao cho đúng câu này). Có bao giờ bạn nhìn một việc diễn ra rồi ngao ngán kết luận như vậy chưa?

A: Đúng là shit!
B: Cái gì shit? Cuộc đời này toàn là shit đó thôi. Mà anh tưởng là shit nó ở yên 1 chỗ như anh thấy đấy à. Không đâu, shit liên tục dội xuống người của anh, liên tục xảy ra. Tất cả chúng ta đều không thoát khỏi nó, chỉ khác là chúng ta ứng phó với nó thế nào thôi.
Người đạo Thiên chúa bảo: nếu shit xảy ra, đó là do con ... đáng bị như vậy.
Người đạo Tin lành: cầu cho ... shit xảy ra với người khác.
Ngừơi đạo Ấn giáo: cái shit này đã xảy ra rồi.
Người đạo Hồi: shit là ý của Allah
Người đạo Phật: nếu quán chiếu kỹ, nó không hẳn là shit đâu.
Người Do Thái: tại sao shit chỉ xảy ra với dân chúng con?
còn
Người tu Thiền: hãy lắng nghe .... âm thanh của shit đang xảy ra.

Trên đây là mẩu đối thoại mà tôi còn nhớ được trong phim Scream of the Ants giữa một anh chàng bi quan trước cuộc sống và một nhà tu. Đây là một bộ phim rất thú vị về Ấn Độ và những hành trình du lịch tâm linh đến đất nước này. Đầy triết lý, nhưng lại hết sức hóm hỉnh, nhẹ nhàng. Nên tìm xem, biết đâu nó giúp cho bạn chọn được cách ứng phó thích hợp khi shit happens.

Bác Google mách là ở trên mạng còn có những cách ứng phó khác của những người khác nhau nữa. Thấy có vài cái cũng hấp dẫn. Vd như
Người tư bản: Cái shit đó là của tao.
Người cộng sản: Cần phải chia sẻ shit đó cho mọi người.

Người Việt: ..... (ah cái này thì bác google kiếm mãi chả ra).

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2007

Chống Anh-Tanh




Dạo này thỉnh thoảng lại nghe thiên hạ kháo nhau chuyện bác này đòi chống Anh-Tanh, bác kia biểu lật Niêu-Tông, tui nhớ tới cái câu chuyện lật đổ vĩ nhân của mình hồi đó.

Cái hồi đó đó. Tui nghe bảo là vận tốc ánh sáng trong chân không C là vận tốc lớn nhất, cái này là tiên đề mà không chứng minh thì phải. Tui thấy mình đã tìm ra cái "lỗ đen" to đùng trong cái lý thuyết của ông Anh-Tanh mà chưa ai thấy ra. Sau đây là đại khái đoạn đối thoại với thầy dạy Lý mà tui còn nhớ, lúc trên đường ra cổng giữ xe.

P: Thầy, em thấy cái ông này ổng nói sai. Em nghĩ C chưa phải là vận tốc lớn nhất.

Thầy: Sao vậy?

P: Em thấy vận tốc ánh sáng không có nhanh bằng vận tốc... ánh mắt.

Thầy _ trố mắt, nhìn mặt kỳ kỳ

P (nói nhanh): Tại vì em vd có ngôi sao đó trên trời, ánh sáng phải mất vài chục năm mới đi từ ngôi sao đó đến trái đất. Trong khi đó, em chỉ việc ..errr.. phóng... ánh mắt thì chưa tới 1 giây, ánh mắt em đã đến ngôi sao đó rồi. Vậy vận tốc ánh mắt của em phải nhanh hơn chứ.

Thầy: (sém xỉu vì cười, nhưng biết kềm chế rồi giải thích gì đó. Lúc đó thì quê quá nên đầu óc tui cho vào chỉ được 1 ít. Chỉ biết là mình sai bét mà còn láo. hehe)

Thôi thì tự an ủi mình vậy. Người ta nhìn thấy đại dương sâu thẳm bên trong đôi mắt. Còn tui thấy được cả chiều sâu vũ trụ trong đó.