Trong
Bạn có biết là theo đạo Hồi, hoàng đế Shah Jahan có quyền có 4 bà vợ, nhưng vì tình yêu với Mumtaz Mahal, ông chỉ lấy một mình bà làm vợ duy nhất, và sau 19 năm sống chung với nhau, ông sống phần còn lại của đời mình một mình, bỏ ra 22 năm để theo dõi việc xây dựng Taj Mahal cho bà? (Tôi không có hỏi số phi tần của ông :o) )
Bạn có biết người ta đã dùng trên cả ngàn thớt voi để vận chuyển nguyên liệu xây dựng nó? Từ đá cẩm thạch tận Rajasthan, đến ngọc thạch anh ở Punjab, ngọc bích và pha lê ở Trung Hoa, và nhiều đá quý khác từ Tây Tạng, Sri Lanka, Afghanistan và Arabia. Một nhà kiến trúc sư nổi tiếng từ Ba Tư (người ta bây giờ bảo là ông là kiến trúc sư giỏi nhất Bắc bán cầu thời bấy giờ) đã thuyết phục được hoàng đế qua mô hình bằng gỗ của mình giữa nhiều mô hình kiến trúc khác.
Bạn có biết người ta bảo rằng chỉ qua một đêm sau khi vợ mất, râu và tóc của nhà vua đã trở nên bạc trắng?
Bạn có biết toàn lăng tẩm vĩ đại này được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng là để biểu tượng cho sự thanh khiết của bà hoàng hậu? Người ta nói là ước muốn của hoàng đế lúc đấy là ông sẽ cho xây dựng một lăng tẩm của mình cách đấy vài dặm bên kia dòng sông Yamuna linh thiêng. Lăng của ông sẽ có màu đen và sẽ có một chiếc cầu bắc giữa hai lăng mộ này để chỉ riêng ông và bà đến tìm nhau giữa thinh không thoát tục. Tiếc là cuối đời ông bị con mình lật đổ và bị nhốt trong một buồng của pháo đài Agra. Cho đến lúc mất đi, ông hàng ngày chỉ có thể ngắm Taj Mahal của mình từ nơi xa ấy.
Bạn có biết cuối cùng ông được chôn bên cạnh mộ của vợ trong cùng ngôi đền ái tình ấy? Bên trong lăng mộ, cạnh quách của bà hoàng hậu nằm ở vị trí trung tâm, quách của ông hoàng đế si tình này nằm khiêm tốn bên cạnh như là sự tôn vinh cuối cùng mà ông có thể dâng hiến cho bà. Một kết cục buồn, nhưng có hậu và nỗi trớ trêu của số phận chỉ làm cho câu chuyện của họ đẹp hơn .
Bạn có biết .....? .......? ......? ....
Tôi bị choáng ngợp. Bao nhiêu hình ảnh mà tôi xem qua không chuẩn bị cho tôi được nhiều khi đặt chân đến đây. Chỉ cổng vào khu lăng tẩm riêng mình nó cũng xứng đáng là một công trình đáng chiêm ngưỡng. Qua khỏi cổng, trông về phía xa, ở cuối tấm thảm nước kia là Taj Mahal. Bên trái là một ngôi đền Hồi giáo sừng sững, chính diện hướng về lăng_ hướng mặt trời mọc. Để cho cân đối, người ta cho xây một công trình tương tự ngôi đền ở phía bên kia hướng về phía mặt trời lặn. Taj Mahal nằm giữa, cao lớn mà mềm mại.
Có lẽ những mái vòm cong của kiến trúc Hồi giáo đã thu hút tôi. Hoặc có lẽ do những nét chạm nổi theo môtip cây hoa rất công phu trên đá cẩm thạch. Hay phải chăng nhờ những đường nét hoa văn trang trí bằng đá quý màu chạm chìm thật tinh xảo. Có lẽ là tất cả, nhưng chính cái màu trắng của ngôi đền mới khiến tôi speechless. Giữa một buổi sáng lạnh mát và trời trong nắng dịu, cái màu tinh khiết ấy vươn lên cao mãi theo những đường cong dịu dàng thanh thoát của một công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Và tôi chỉ muốn ngồi bệt xuống sàn ngắm mãi nó.
Cái đẹp thật lạ. Đôi khi nó như một môn khoa học_ chỉ tiết lộ những bí mật của mình cho nhà nghiên cứu chịu bỏ công tìm tòi để hiểu nó. Càng tìm hiểu sâu, ông ta càng thấy thú vị và mê đắm nó cho dù bao người xung quanh nhìn nó dưới ánh mắt gì đi nữa. Cũng đôi khi cái đẹp như một bản năng_ nó hiển nhiên, trực nhận, không cần giải thích, không cần xưng tụng, nó vượt qua những rào cản văn hóa, tôn giáo, không gian và thời gian. Taj Mahal đẹp như thế.
Cái đẹp thật lạ. Tưởng phù phiếm là thế nhưng nó lại có một sức mạnh to lớn trước lý trí. Trước cái đẹp, lý trí phải cuống cuồng chống đỡ bằng những vũ khí sắc bén hùng mạnh của mình. Vậy mà nó vẫn thường phải quy phục cái-phù-phiếm-thiếu-logic-không-thể-hiểu-nỗi đó. Chả trách xưa nay anh hùng khó vượt mỹ nhân quan. Mới ngày hôm trước, tôi còn e dè, nghi ngờ, tìm ra không ít những lý lẽ hạ thấp cái gọi là kỳ quan này. Thế mà bây giờ tôi muốn tin cả những gì người ta kể về nó_ không cần thắc mắc đâu là huyền thoại còn đâu là sự thật. Bây giờ tôi thích gọi nó là Ngôi đền hơn là lăng tẩm_ Ngôi đền tình yêu. Bây giờ những lý lẽ còn sót lại của tôi ngày hôm qua chạy va vào nhau lộn xộn, ngả loảng xoảng vô nghĩa chả còn phân biệt ra nữa. Và như muốn tung ra một đòn quyết tử cuối cùng, chúng vùng lên. “ Nhưng ông hoàng đế này đã dùng nô lệ và tù binh để xây dựng nó, phải không?” _ tôi nén vẻ đắc chí hỏi người hướng dẫn. “_ Không, không có ai trong số họ bị ép uổng. Hoàng đế Shah Jahan đã trả công những người xây dựng ấy và nhà kiến trúc sư rất hậu hỹ trong suốt 22 năm trời.”. Mắt ông ta ánh lên tự hào thật khó ưa, rồi chúng lim dim lại nhìn tôi đắc thắng “ và cho đến tận bây giờ, ông ta vẫn đang tạo ra việc làm cho hàng triệu người chúng tôi”. Thế là hết. Ông ấy đã tước bỏ của lý lẽ tôi cái quyền được thua trong danh dự. Chúng rên lên yếu ớt “Đừng tin, đừng tin ông ấy. Hãy kiểm chứng lại”. Tôi mỉm cười. Ở trước Taj Mahal, tôi muốn tin.
...