Thứ Tư, 10 tháng 12, 2008

Dưới gốc cây đại bồ đề

Hôm nay đang chạy xe trên đường thì tự dưng nhớ đến chuyện một năm trước hồi ở Bồ Đề Đạo Tràng do cô Linh kể.

Trước lúc tôi về, cô có tặng tôi một chiếc lá cô nhặt được dưới gốc cây Đại Bồ Đề, nơi Phật Thích Ca đạt đại ngộ. Cô nói cái cây này lạ lắm, cành lá um tùm vậy mà rất hiếm khi rụng chiếc lá nào. Không dễ gì mà nhặt được 1 cái lá rụng. Mỗi lần có gió lớn là nhiều người ngồi ở dưới gốc cây đều ngước lên để xem có cái lá nào rụng không, chỉ mong được may mắn lá rụng gần chỗ mình. Cô Linh nhờ ở đó lâu và cũng thường xuyên đến đền Mahabodhi vào sáng sớm nên mới có vài lá để dành.

Quả là một món quà quý giá. Mấy ngày tôi ở đó có bao giờ thấy cái lá nào rụng đâu. Trong khi xung quanh gốc cây lúc nào cũng có cả trăm người, tính luôn cả khuôn viên của đền thì số người ở đó nhiều khi tụ về trên cả ngàn người. Họ đến đó để ngồi thiền, để cầu nguyện, để nghe giảng đạo. Ai nấy cũng trang nghiêm, thành kính. Nếu lá có rụng thì có khi vào tay một người trong số đó ngay cả trước khi nó kịp chạm đất. Tôi nghĩ là dù có ở đó thêm cả tuần nữa thì cơ hội nhặt một chiếc lá của tôi cũng nhỏ nhoi vô cùng.

Bodhi tree leaf by metabrilliant.

Chợt thấy tức cười với cái hình ảnh đó.

Dưới gốc cây đại bồ đề. Hàng trăm Phật tử từ khắp nơi về hội tụ, tọa thiền. Một số ngước mắt nhìn lên mỗi khi có một cơn gió lớn.


Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

Entry for October 17, 2008

1. Nếu bác Chiến có kháng án

HĐXX đánh giá bị cáo Hải có thái độ thành khẩn khi khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, tuyên phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ, thời hạn thi hành án phạt tính từ ngày có quyết định thi hành án.” _ http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/10/808580/

Giả sử ông Chiến có kháng án và tòa xét xử lại, tôi nghĩ luật sư của ông không nên cãi là ông vô tội làm chi. Vô ích. Thay vào đó, họ nên biết rút kinh nghiệm chứ, nên chịu hèn 1 tý để xin khoan hồng và xin tình tiết giảm nhẹ án có phải hơn không. Ví dụ họ có thể cúi đầu nhận là ông Chiến cũng có tội như ông Hải, nhưng ông Chiến đã thành khẩn hơn, đã tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra hơn anh Hải nhiều. Bằng chứng cúa sự thành khẩn ấy là hàng trăm băng ghi âm mà ông ấy đã cung cấp cho cơ quan điều tra, và khẩn cầu Hội đồng xét xử cho mở những đoạn băng ấy trước tòa để việc điều tra xét xử dễ dàng hơn.

Thế không phải là tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra thì là gì? Không lẽ là tiêu cực giúp đỡ. :D

Không lẽ một bị cáo trước tòa dùng lý lẽ bảo vệ cho mình mà là ngoan cố, thiếu thành khẩn à?


2. Hạn chế xe cá nhân

Hoan hô Sở Giao thông Công chánh Tp HCM. Cuối cùng thì cũng đã dũng cảm nhìn ra con voi lù lù ở trong phòng trong bài toán tình trạng giao thông đô thị.

Chỉ mong là các bác lần này đi cho đến hết đoạn đường, chứ đừng có vì ý kiến bàn ra bàn vào mà đưa ra giải pháp nửa vời. Có những chuyện đụng đến quyền lợi của dân thì bị phản đối là đương nhiên, nhưng nếu theo dân túy mãi thì chỉ là nuôi bệnh ngày càng nặng. À, còn mong là các bác đánh xe 2 bánh nhẹ nhẹ hình thức cho “bình đẳng” thôi, chứ xe 2 bánh còn có lợi hơn cả xe buýt công cộng nhiều.

Chúng ta cần phải làm quen với một sự thật cay đắng là không thể tiếp tục có chuyện mỗi người dân đều có quyền nhong nhong chiếc xế riêng của mình “miễn phí” như nhau. Nó phải là một cái quyền được mua bán. Sẽ có một bộ phận phải từ bỏ chiếc xe riêng của mình. Sẽ có một số “vấn đề” về công bằng xã hội. Sẽ có những vấn đề về cách thực hiện, về cách sử dụng đồng tiền thu về, về tình trạng đường sá chưa ra gì đã đòi thu phí….

Rất nhiều vấn đề đó đều có lý riêng của nó. Nhưng nếu không chịu thay đổi tư duy, chấp nhận cái “bất bình đẳng” xã hội trong việc sử dụng đường sá, thì không bao lâu tất cả chúng ta sẽ đều bình đẳng dàn hàng ngang, chồng lên nhau nhiều lớp trên đường phố.

Cũng như chúng ta có thể đã phải dàn hàng ngang, bình đẳng kéo nhau đi xuống đáy nghèo đói, nếu như đã không chịu Đổi Mới. Đã có những người mất quyền có việc làm, quyền được bao cấp đi học. Đã có những vấn đề về công bằng xã hội, cách đổi mới, về vấn nạn tham nhũng, về suy đồi lối sống v.v… đến bây giờ chúng ta vẫn phải tiếp tục giải quyết. Nhưng cứ phải đổi mới trước để cuộc sống chung có cơ đi lên đã, rồi những vấn đề còn lại có thể (yêu cầu) giải quyết sau.

Đọc "Chuyện đời thường"

Có một anh tên Ngọc, vốn dân tỉnh lẻ lên thành phố. Hằng ngày chạy xe đi làm, anh thường tiện đường mời người đi bộ quá giang. Một lần khi hỏi thăm một cô gái trẻ đợi xe bên đường và ngỏ lời mời cô quá giang, cô gái đã giật mình sợ hãi, từ chối líu cả lưỡi. Anh lấy làm buồn đến mấy tuần.

Anh mang nỗi phiền muộn này giải bày với ông Khánh Đăng, người giữ chuyên mục “Chuyện đời thường” trên báo SGGP. Thư được đăng, rồi những cánh thư của bạn đọc gửi về phản hồi. Có ý kiến chia sẻ với anh và động viên tiếp tục hãy sống tốt và tin vào sự đương nhiên chiến thắng của cái thiện. Nhưng nhiều ý kiến hơn lại đồng tình với sự từ chối của cô gái. Theo họ, không chỉ người nhận cần phải đề phòng, mà ngay cả người cho vô tư như anh cũng cần phải như vậy. Trong thư hồi đáp cuối cùng, anh Ngọc đã hết hoài nghi và chọn sẽ vẫn sống và làm những điều tốt đẹp cho dù chỉ là những chuyện vụn vặt, và cảm ơn những bạn đã đồng cảm với mình.

Chuyện xảy ra vào năm 2000. Khi đó, lòng tốt vô tư đã bắt đầu bị lấn át bởi mối nghi kỵ.

http://f3.yahoofs.com/blog/466a2d0dz4910d545/50/__sr_/282f.jpg?mgAoK.IBxLAhWz2e


Không biết giữa đường phố Sài Gòn hối hả và hỗn tạp của năm 2008 này, liệu những người như anh Ngọc có còn không. Liệu chính anh có còn mời người khác đi quá giang nữa? Và một bức thư tương tự như bức của anh nếu đăng lên báo sẽ nhận được phản hồi thế nào?

Có lẽ tất cả sẽ bảo là anh hâm, điên, dư hơi. À mà có khi lại không phải. Biết đâu thời bây giờ sẽ có không ít cô gái trẻ thoải mái nhận lời mời kia thì sao. Xã hội thay đổi vù vù, nghe bảo bây giờ thậm chí nhiều em teen còn mời mọc các anh xa lạ đến “cứu net” cho mình. Chuyện leo lên xe người lạ để quá giang là chuyện nhỏ. Thời bây giờ sự nghi kỵ có thể đang bắt đầu nhường chỗ cho 1 cái gì khác rồi.

Tôi nhớ hồi ở Mumbai cách đây không lâu. Thỉnh thoảng tui vẫn liều lĩnh tự lái xe đi từ nhà đến nơi tập thể dục. Tôi không muốn phiền người khác chở mình vào cuối tuần. Vả lại, đoạn đường này không dài, xe cộ vắng hơn các khu khác. Trong một lần tự lái xe như thế, lúc tôi đang dừng trước đèn đỏ, chuẩn bị rẽ phải thì có một nhóm học sinh tiểu học đang đứng ở dãy phân cách đi đến gõ cửa xe tôi, định nói gì đó. Khi nhận ra là tôi không nói được tiếng Ấn, tụi nhóc này vừa cố nói bằng tiếng Anh, vừa bằng tiếng tay chân, rằng cho tụi nó xin đi quá giang một đoạn về nhà. Tôi thật sự kinh ngạc. Sao tụi nó lại có thể dạn dĩ và ngây thơ như thế, không lẽ bố mẹ chúng không dạy cho chúng phải biết đề phòng người lạ, ngay cả đơn giản như là nhận 1 cái kẹo? Sau này để ý, tôi mới biết là không chỉ có con nít, mà không ít người lớn ở đây cũng xin quá giang dọc đường. Ở một xứ như Ấn Độ năm 2005, lòng tốt vô tư vẫn còn là một điều bình thường được mong đợi. ?!

*

**

Quyển tản văn “Chuyện Đời Thường” của bác Khánh Đăng có những câu chuyện như chuyện anh Ngọc thế. Nó là tập hợp những bài viết đăng trên mục cùng tên của tác giả trên báo SGGP từ năm 1998 đến năm 2000. Những câu chuyện mà thật khó dùng từ nào hợp lý để tả hơn là từ … đời thường. Không mong đọc được những gì cao xa, chỉ cứ nhẩn nha theo ông nghe kể từng chuyện mắt thấy tai nghe, cùng ông bóc từng lá thư tâm tình của bạn đọc, hoặc ngồi nghe một ông bạn già than phiền, một ông khác nổi hứng yêu bồng bột, …, đôi lúc chợt thấy những bất ngờ rất thú vị, hoặc suy nghĩ miên man về cái tình người, hoặc nhớ tới những chuyện cũng đời thường khác của mình đã quên vì tưởng không có gì đáng nhớ.

Hoặc đơn giản mỉm cười chia sẻ với một ông lão cao niên mà trái tim vẫn còn tươi trẻ.

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

Random thoughts

Dạo này vừa bận vừa bí, chả có tinh thần blog gì nữa. Nói như bạn FR, (còn bạn FR nói như một người khác) có thể là vì những con sông đã cạn nguồn rồi.

Một blogger nổi tiếng hình như đã có nói/viết đại khái là, ngày xưa người ta cần phải có dao súng để cướp tiền, ngày nay những tên cướp chỉ cần cổ phần hóa, IPO và … bán cổ phiếu ra công chúng (VN ).

Bác Tề Phi viết entry A Nation in Debt, nói về cái gốc của cuộc khủng hoảng phố Wall bây giờ là do triết lý phát triển kinh tế dựa trên việc mang nợ_ một vấn đề đã được nói đến nhưng hầu như (đã) không nhiều người quan tâm. Nước Mỹ thực tế là một tên cướp táo tợn và lộng hành nhất _ khi có thể tiêu pha hoang phí và bán những khoản nợ của mình ra công chúng thế giới.

Vậy những ai đang bị cướp? Đó là những người bỏ tiền vào thị trường Mỹ và, cùng với những động thái mới nhất của FED, những người đóng thuế ở Mỹ.

Credit crisis không phải chỉ là khủng hoảng tín dụng, nó cần được hiểu là khủng hoảng lòng tin.

Tôi tự hỏi, Trung Quốc với nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình sẽ hành động thế nào? Nếu giữ USD, họ lỗ.. Nếu bán USD để mua vàng chẳng hạn, họ sẽ làm giảm giá trị của phần USD trong kho dự trữ của mình thêm nữa. Họ đang là nạn nhân của một vụ cướp. Trừ phi họ đổ tiền dự trữ vào để mua tài sản của Mỹ. Nước Mỹ ngoài việc đang được quốc hữu hóa, có thể tương lai sẽ được Trung Quốc hóa.

Xem lại cái blog entry 1 năm trước về The Credit Crunch, bản chất vấn đề vẫn không thay đổi mặc dù bây giờ nó đã không còn mang tên khủng hoảng vay nợ nhà, mà chuyển thành khủng hoảng tài chính. Một năm sau nữa, liệu nó sẽ mang tên là khủng hoảng suy thoái kinh tế - xã hội?

Giữa những tin giật gân đảo điên này, sẽ thật boring nếu như mình biết sẽ luôn có 1 mái nhà để quay về, và một người để lắng nghe.

<

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2008

Đánh mất

Vậy là tôi mất laptop, mất luôn cả đĩa cứng ngoài lưu trữ dữ liệu phòng hờ.

The image “http://www.artandperception.com/v01/wp-content/uploads/2007/08/blur-eye.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.


Phải cần vài ngày tôi mới tin vào cái hiện thực đó. Phải chăng tôi mong chờ vào cái sự cao quý trung thực của người dân xứ này. Hay là trong thâm tâm tôi chưa chịu chấp nhận cái sự thật đau lòng này.

Có những thứ tôi đã bỏ ra nhiều thời gian và tâm huyết để làm. Có khi mai này sẽ cần tới, hoặc biết đâu cũng sẽ chìm nghỉm trong biển những thứ sẽ bị bỏ quên. Bây giờ nghĩ lại, vô số thời gian ấy đã dường như vô nghĩa.

Có những khoảnh khắc, tôi lưu lại qua những tấm hình. Có khi chỉ là một phút nhố nhăng, cũng có khi là đánh dấu cho những vùng đất và chặng đường mình đã đi qua. Bây giờ nghĩ lại, chúng chỉ còn lại trong vùng trí nhớ.

Mà trí nhớ thì sẽ nhạt nhòa. Thời gian phủ từng lớp mờ mờ lên vùng trí nhớ của ta theo cách riêng của nó. Có khi cay nghiệt, có khi nhân từ nhưng theo cách của nó.

Liệu tôi sẽ nhớ về tôi thế nào cái lúc man mác tiếng rao kinh chiều Pangandaran, lúc bùi ngùi sớm Borobudur, lúc bồng bềnh một mình trong bể nước nóng gần Bandung giữa rừng xanh mây khói? Chỉ mới 6 năm, vậy mà đã quên đi nhiều quá. Liệu sau này tôi còn nhớ chi tiết nào về nó? Hay thậm chí tôi sẽ còn nhớ gì về nó không?

Và như thế đó, từng đoạn từng đoạn kỷ niệm đã từng được ân cần lưu giữ, gói ghém. Bây giờ nghĩ lại, cứ như là vừa đánh mất tuổi hai mươi.




Nghĩ lại thêm lần nữa, quyết định là tuổi hai mươi của mình dĩ nhiên là tươi đẹp hết cỡ, những nơi mình đi qua tuyệt vời hơn NatGeo, những người mình gặp đều rất có duyên. Luôn thế. Phải thế.


Nhắn tin:

Các bạn già yêu dấu làm ơn lục lại album và gửi cho tớ mấy tấm hình cũ nhá. Hình của bạn già và của P nữa. Nếu không gửi thì biết đâu trong tương lai u mờ nào đó tui sẽ nhớ là “once upon a time, you look just as … .. as you look now”

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2008

Một kịch bản đen tối

Vậy là bạn nghĩ cái sự tồi tệ nhất đã trôi qua rồi. Lạm phát tháng 6 sụt xuống cái rụp. Giá ngoại tệ chợ đen đã được kéo xuống dưới 17000 VND/ USD gần bằng giá chính thức. Thị trường chứng khoán đã tăng điểm liên tục trong 2 tuần. Có lẽ nó đã chạm đáy?! Người ta đổ tiền ùn ùn vào mua cổ phiếu. Cò OTC đã bắt đầu làm giá trở lại. FDI vẫn đổ vào VN với tốc độ cao, mà có mấy siêu dự án nhiều tỷ.


Còn nữa, một vài dự án bất động đã tan băng, đà giảm chựng lại. Và ngạc nhiên chưa, các ngân hàng công bố lợi nhuận nửa năm 2008 rất khả quan và cao hơn năm trước.

Nghĩa là gói giải pháp của chính phủ phát huy tác dụng rồi? Bây giờ thêm vài cái báo lạc quan của khoai tây nữa là chúng ta có thể gác lại quá khứ hướng tới tương lai.

Thế còn mấy cái vấn đề tồn tại của nền kinh tế mà mấy tháng nay người ta chẩn đủ thứ bệnh đâu rồi nhỉ. Bao nhiêu căn bệnh kinh niên mà chỉ 1 toa thuốc tài chính và vài tuyên bố giãn đầu tư đã có thể phát huy tác dụng cấp thời như vậy?

Tương lai sẽ thế nào nhỉ? Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã có câu trả lời. Bạn có thể tham khảo 3 kịch bản của họ. Có điều là cả 3 kịch bản này đều đưa ra các giả sử chỉ số này thế này thì lạm phát sẽ thế kia, v.v… mà không thấy kịch bản nói nhiều đến sự kiện. Tui nghĩ nói kiểu vậy thì đừng nói là 3, chứ có 5 hay 10 kịch bản cũng viết được tuốt.

Hay là thử cái kịch bản đen tối này của tui.

Trước hết, tui thấy những thông tin tốt lành được đánh bóng kiểu như vầy khó mà đủ để lấy lại lòng tin_ từ chuyện giá USD, lợi nhuận ngân hàng, cho đến lạm phát và chứng khóan.

Đợt USD tăng rồi giảm vừa qua có thể xem như 1 đợt đầu cơ, dự trữ. Sau khi đã đầu cơ vào sắt thép, xi măng, gạo, và đẩy tất cả chúng lên cao ngất ngưỡng để kiếm lời, người ta cần phải bỏ tiền vào 1 chỗ khác. Họ đã chọn USD, và cũng như các đợt đầu cơ trước, đã xuất hiện những tin đồn rất hợp lý. Giá USD đã tăng vọt, một số người đã kiếm xong lời. Bây giờ là lúc thoát ra và đầu cơ vào 1 cái khác. Có vẻ như là thị trường chứng khoán lại được chọn bởi giá hàng hóa đã cao thế này khó mà đẩy tiếp lên nổi. Liệu đợt tăng giá chứng khoán này sẽ kéo bao lâu? Hay sẽ như gạo và USD?

Lạm phát so với tháng 6 này lạm phát chỉ có thể tăng. Vừa qua khỏi ngày 1/7, các mặt hàng nhập khẩu đồng loạt tăng một mức đáng sửng sốt _ 20% . Chỉ trong vài ngày và 20% _ quả là những con số hứa hẹn CPI tháng 7 sẽ gây ấn tượng. Ngày 8/7, trong cuộc họp giao ban, các tập đoàn thép, than khoáng sản,v.v.. đã lại đòi tăng giá. Không biết chính phủ có đủ sức kềm giá bao lâu nữa, khi mà giá thị trường thế giới của giấy , đồng , thiếc, nhôm, cafe , bông , cao su , ..., đều tăng mạnh. Thực tế từ việc kềm giá gạo và sắt thép vừa qua cho thấy khi giá thị trường thế giới tăng cao, thật khó mà giữ giá trong nước cho dù bằng biện pháp hành chính cấm xuất gạo hay bằng việc giảm cầu và kềm giá.

Chỉ biết là nhiều khả năng chính phủ sẽ tăng giá xăng 1 mức lớn nếu giá dầu thô vẫn tiếp tục giữ ở mức cao như hiện nay. Từ đợt tăng giá xăng trước vào tháng 2/08 đến nay, giá dầu thô thế giới đã kịp tăng thêm trên 40%. Mà với tình hình giá trị USD suy giảm và các bạn Iran phải khoe đồ chơi với Israel và Mỹ thì chuyện giá dầu xuống trước ông Bush là hơi khó tưởng tượng.

Chính phủ vẫn còn chần chờ tăng giá xăng có lẽ vì muốn tìm 1 giải pháp để chuyện tăng giá này kô ảnh hưởng quá xấu lên lạm phát. Giải pháp đó chắc sẽ lại là 1 đợt tín phiếu bắt buộc mới. Còn nhớ đợt tăng giá xăng vừa rồi. Ngày 18/2 , thông báo phát hành tín phiếu trong vòng 1 tháng tới để thu tiền về. Ngày 25/2 , tăng giá xăng thêm 1500đ/l.

Giá xăng tăng sẽ khiến các mặt hàng khác tăng giá. Lạm phát sẽ lại vượt lên cao. Và vì vậy là đồng VND lại sẽ tiếp tục sụt giá so với USD.

Cũng may là không phải mọi thứ đều sẽ tăng vọt. Chính phủ đã quyết định kềm giá từ giờ đến cuối năm một số mặt hàng thiết yếu_ trong đó quan trọng nhất là điện. Có lẽ vì vậy mà chuyện tiết kiệm điện tiếp tục chỉ là vấn đề xuất hiện ở trên mặt báo thay vì các siêu thị, công sở và phố xá. Và các doanh nghiệp sản xuất (và người tiêu dùng cuối cùng) hãy chuẩn bị sống với hiện thực chi phí hàng hóa tăng cao do điện bị cắt thường xuyên liên tục.

Đợt tín phiếu bắt buộc mới (nếu có) này sẽ tiếp tục thách thức và sàng lọc lại hệ thống ngân hàng ở VN. Cả một hệ thống đã cho vay quá tay, tăng trưởng tín dụng nhảy vọt trong năm qua. Thật khó mà tưởng tượng là tất cả chúng có được sức khỏe tốt như trong báo cáo của Sacombank. Ngay cả với STB, cầu cho họ đã làm tốt như báo cáo.

Và nghĩa là chúng ta sẽ có 1 vòng bán tháo ra của chứng khoán và bất động sản mới, kèm theo các đợt sáp nhập ngân hàng.

Ngó qua bên Mỹ, lục lại cái blog từ tháng 8 năm ngoái , kể từ dấu hiệu đáng lo của thị trường bđs subprime xuất hiện hồi đầu năm 2007, nó đã lan sang hệ thống tài chính tháng 8/07 và tiếp tục gây ảnh hưởng xấu cho đến bây giờ (tháng 7/2008). Ngay lúc này, chính cả Freddie Mac và Fannie Mae mấy hôm nay còn đang lung lay, mà hậu quả của nó nếu sụp đổ sẽ khủng khiếp trên thị trường BĐS Mỹ.

Chính phủ Mỹ rồi sẽ phải can thiệp kô cho 2 thằng này vỡ. Nhưng tui thấy so với thằng Mỹ, VN mình quá giỏi.

Chắc chắn là các thể chế tài chính của mình đã cho vay bất động sản 1 cách có kỷ luật hơn Mỹ nhiều. Chắc bong bóng nhà đất ở VN trong 2 năm vừa qua được thổi chậm hơn bất động sản của Mỹ. Chắc là hệ thống ngân hàng của mình có nguồn vốn mạnh hơn, quản trị rủi ro tốt hơn. Chứ không thì làm sao mà họ hơn 1 năm rưỡi rồi mà vẫn còn nằm ở khủng hoảng còn BĐS mình thì đã "chạm đáy" và thóat khỏi chỉ sau 4 tháng như bài báo này gợi ‎ý.

Ở trên là một kịch bản u ám, nhưng vẫn chưa đến nỗi là kịch bản của khủng hoảng. Và có lẽ nó không đến nỗi u ám như cái bảng giá của Freddie Mac trong vòng năm vừa qua.

Dĩ nhiên chúng ta có mọi lý do để tin rằng mình sẽ làm tốt hơn họ.

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2008

Sáng lan man nhạc

Sáng chủ nhật, đi ăn ở quán cafe với mấy đứa em. Ở đây có ban nhạc người Phi hát buổi sáng, lại phục vụ theo yêu cầu của khách nữa. Và dĩ nhiên là dù khách có yêu cầu hay không thì những bài hát của họ cũng phần lớn là những bài pop và sến phổ biến ở các tập nhạc English top songs mà hồi đó học trung học thấy có bán đầy.

Một đoạn chat chit sms làm nhớ đến bài hát của The Bee Gees.

Chuyện gì đã xảy ra với âm nhạc từ giữa những năm 90s nhỉ? Đã không còn những ban nhạc đầy tài năng, cá tính. Không còn chất cháy bỏng, chất đam mê và rồ dại. Âm nhạc nhường chỗ cho show biz, và đằng sau những điệu nhảy uốn éo, những kỹ thuật ánh sáng trình diễn, những tin lá cải đời tư, âm nhạc mất dần cái “live” của mình.

Cố nghe Britney, hay xem Ricky Martin, hoặc như sáng nay thử ngồi nghe với open-minded 1 bài hát “big hit” được yêu cầu_ “Because of you”, vẫn không tìm thấy cái chất liệu sống của nhạc đằng sau nó, và hiểu rằng, 10 năm nữa, sẽ khó có dịp nào tôi tình cờ nhớ lại bài hát này như cách tôi đang nhớ bài của Bee Gees chẳng hạn.

Chuyện xảy ở ở ngoài thì cũng xảy ra ở VN dù có chậm hơn một tí. Nhưng nhạc nước ngoài có dở cũng kô sao, nhạc Việt mà suy đồi thì khổ sở lắm, tại vì cái ca từ của nó đâm vào tai mình sâu hơn.

Mà nghĩ cũng buồn cười. Tôi trước giờ vẫn nghĩ là VN mình ngày trước đã đi đầu thế giới trong công nghệ biểu diễn nhạc nhẹ. Có sự chuyên nghiệp hóa rõ ràng giữa nhạc sỹ, ca sỹ và nhạc công. Mỗi bài hát có thể được trình bày bởi nhiều ca sỹ. Kết quả là với mỗi bài hát, mỗi dòng nhạc, người nghe có thể chọn cho mình một version trình bày tốt nhất. Nhạc sỹ cạnh tranh với nhạc sỹ, ca sỹ so tài với ca sỹ. Khán giả (và có thể là âm nhạc) là người chiến thắng.

Nhưng hình như người ta cảm thấy xấu hổ về điều đó (chắc tại nó kô có giống ngoại lắm). Cho nên họ chạy theo những phi vụ độc quyền bài hát, dựng hàng rào để cho các ca sỹ khác không chen vào vạch cho thính giả thấy sự yếu kém trong xử lý bài hát của mình. Trong khi từ bóng đá cho đến làm phim người ta thấy rõ lợi ích của việc chuyên nghiệp hóa, thì ở âm nhạc, VN mình từ chuyên nghiệp hóa lại vận động chuyển sang ôm đồm độc quyền hóa.

Hay đơn giản là tại vì tôi già? Age sucks.

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2008

Những bộ thắng trên chiếc xe nhấn ga hết cỡ

Tốc độ không thể bền vững nếu như bạn cứ rồ hết máy lao vun vút trên một chiếc xe đã gỡ thắng. Sớm hoặc muộn, bạn và có thể cả một số người khác sẽ phải trả giá......

Và những hành khách chúng ta đang trả giá cho sự bùng nổ tốc độ tăng trưởng thiếu kiểm soát của năm vừa qua.

Khi những cái thắng (phanh) được dùng đến

Bắt đầu từ đầu năm 2008, khi NHNN đã thắng gấp bằng cách siết chặt hạn mức tín dụng, nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và nhất là bán ra tín phiếu bắt buộc để thu về lượng tiền VND trị giá 7tỷ USD, hệ thống ngân hàng và nền kinh tế lập tức bị rơi vào trạng thái shock. NHNN đã không có những điều chỉnh từng bước, không có những thông cáo định hướng trước những quyết định của mình để nền kinh tế giảm nhiệt dần. Từ đó đến bây giờ, hệ thống ngân hàng vẫn chưa có vẻ gì là thoát khỏi tình trạng sốc do cú thắng đó. Lãi suất huy động tiếp tục tăng cao, đến đầu tháng 6/08 lãi suất ngắn hạn vài tháng đã ở mức 15.5% /năm. Hệ quả đi kèm là những khó khăn cho các doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán và thị trường BĐS có thể bị tuyên bố là đã chết vào thời điểm này. Quả bóng đầu đã nổ, còn cái sau hiện ở mức đang xìu.


Mặc dù những biện pháp siết chặt tiền tệ của NHNN được đánh giá là đúng hướng, cách thực thi nó khiến cho xuất hiện tác động dây chuyền ngoài mong muốn và làm cho bức tranh kinh tế xã hội có thêm những gam màu u ám mà ít người có thể hình dung được lúc ban đầu.


Sự khan hiếm tiền mặt và chạy đua lãi suất huy động của các ngân hàng đã khiến SBV nhấp cú thắng tiếp theo có tính hành chính phi thị trường_ áp dụng trần lãi suất quá thấp so với tình hình thực tế. Điều này làm tăng tâm ly’‎ bất an và tạo ra một luồng tiền lớn nằm bên ngoài ngân hàng. Không có TTCK và BĐS để hấp thu, không có sự tin tưởng vào môi trường kinh doanh nói chung cũng như viễn cảnh các doanh nghiệp và các dự án nói riêng, dòng tiền này đổ dồn vào phần an toàn nhất_ đầu cơ hàng hóa, vàng và ngoại tệ mạnh. Sự lưu chuyển của nó lúc này lúc khác tạo ra những cơn sốt giá hàng hóa, giá vàng, giá USD. Điều này tự nó làm tăng thêm tâm ly’ bất an và đẩy dòng cuốn đầu cơ càng lúc càng vượt ra khỏi tầm kiểm soát.



Nếu như cú thắng tiền tệ ở trên có vẻ quá gắt và quyết liệt, thì những cú thắng khác trong gói giải pháp chống lạm phát hoàn toàn mờ nhạt, không thấy rõ tác dụng của nó trừ biện pháp khống chế giá một số mặt hàng thiết yếu cho đến hết tháng 6-08. Uy tín của các cơ quan điều hành bị xói mòn trước việc có những khoảng cách quá lớn giữa tuyên bố và hành động, giữa hành động và hiệu quả. (vd như những tuyên bố về kiểm soát giá vật liệu xây dựng, tuyên bố về việc cứu chứng khoán cũng như sự vào cuộc của TCT Quản l‎y’ vốn và đầu tư SCIS).

Ở lúc này, có lẽ người dân cần nhất là thấy được sự quyết tâm và năng lực của chính phủ trong việc kềm chế lạm phát.

Quyết tâm

Bên cạnh những tuyên bố về quyết tâm của chính phủ, cũng như là việc đưa ra các gói giải pháp, người ta còn muốn thấy chúng được thực hiện tới đâu.

Một trong những giải pháp được cho là đúng hướng là cắt giảm chi tiêu công và đầu tư. Được đưa ra từ đầu năm như là một trong những biện pháp chính, cho đến tháng 6, danh sách những dự án sẽ hoãn hoặc cắt giảm vẫn chưa được gút lại. Theo ông Nguyễn Đình Cung - trưởng ban kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, "Trong tổng số đầu tư từ ngân sách năm 2007 khoảng 112.000 tỉ đồng, phải cắt được cỡ 20.000 tỉ mới thật sự có ý nghĩa trong việc chống lạm phát”. Trong khi “tính đến ngày 19/5, mới có 30 địa phương và chín bộ, ngành gửi báo cáo về số công trình dự định cắt giảm với gần 600 dự án, tương đương khoảng 2.000 tỉ đồng.” (Con số này theo Bộ KH-ĐT là 4000 tỷ). (Tuổi Trẻ 26/05)


Thử làm một phép so sánh, bảo tàng Hà Nội vừa mới được
khởi công cách đây vài ngày có số vốn là 2.300 tỷ đồng.

Chống lạm phát bằng cắt giảm chi tiêu công đòi hỏi sự quyết tâm của chính phủ, “cần sự can đảm của Thủ tướng và các bộ trưởng” bởi nó động chạm đến quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích. Người dân và giới đầu tư cần phải thấy được là lợi ích của dân và nền kinh tế nói chung được đặt ưu tiên trên lợi ích của những nhóm nhỏ người. Trong khi đó, ngòai những tuyên bố chủ quan của các quan chức, những cuộc chất vấn trước Quốc hội mà diễn biến và nội dung có thể đoán trước được, thì những tín hiệu hành động thực tế mà họ thấy được lại có vẻ đi theo chiều ngược lại, chẳng hạn như quyết tâm… mở rộng Hà Nội, quyết tâm khởi công xây dựng bảo tàng, và các ly’ do viện dẫn tại sao kô có thể cắt giảm nhiều hơn nữa.


Việc cắt giảm chi tiêu công có đến 20 nghìn tỷ (hoặc giảm 10% tương đương 11 nghìn tỷ) nếu thực hiện được dẫu sao vẫn chỉ là một phần tương đối nhỏ so với những gì chính phủ có thể làm. Những dự án chi tiêu này về danh nghĩa là những dự án công ích, việc cắt giảm nó có thể ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Trong khi đó, một mảng lớn khác ít được đề cập trong việc cắt giảm tổng đầu tư chi tiêu xã hội là việc cắt giảm các dự án ở những tập đòan kinh tế nhà nước. Về mặt nguyên tác, những tập đoàn này hoạt động độc lập về tài chính, cho nên không thể chịu những chỉ thị hành chính cắt giảm chi tiêu như UBND và cơ quan nhà nước các cấp, nhưng Nhà nước với số vốn chi phối của mình, nếu thực sự quyết tâm, có thể áp đặt ‎y’ chí cắt giảm đầu tư những dự án chưa cần thiết lên các tập đoàn này.


Cho đến giờ, vẫn chưa có vẻ gì mảng này sẽ được động đến. Thay vào đó là những lời biện hộ cho việc đầu tư tràn lan ngoài ngành và những con số khó tin từ bộ Tài chính trong lần giải trình gần đây trước Quốc hội: “"Trong năm, có một số tập đoàn và tổng công ty Nhà nước đầu tư ra ngoài DN, đặc biệt là đầu tư vào một số lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản, nhưng tổng giá trị đầu tư chỉ bằng 1,85% vốn chủ sở hữu và bằng 0,78% giá trị tổng tài sản.Với con số này thì tình hình chung chưa có vấn đề gì nguy hiểm", Bộ trưởng Ninh quả quyết. Ông Ninh cho rằng, tổng số vốn các DN "con cưng" này đầu tư vào chứng khoán chỉ khoảng 1.061 tỉ đồng, chiếm 0,31% vốn chủ sở hữu và bằng 0,13% giá trị tài sản.” (Thanh Niên 31/05/08)
.
Phải chăng đây chỉ là những con số mà các tập đoàn đầu tư trực tiếp, chưa tính đến phần đầu tư của hàng loạt các công ty con, công ty góp vốn mà tập đoàn đã lập ra để đầu tư trong những năm vừa qua?


Năng lực


Đến thời điểm này, cái thắng chi tiêu công và đầu tư từ các tập đòan NN chưa được sử dụng quyết tâm. Còn cái thắng tiền tệ đã được áp dụng hết khả năng của nó. Các công ty hầu như không còn có khả năng vay tiền, hoặc phải vay với một lãi suất nguy hiểm trên 20%/năm. Vậy mà giá cả vẫn tiếp tục tăng. Ở đây việc tăng giá hàng hóa có lẽ phải giải thích bằng sự yếu kém của cái thắng khác_ năng lực quản ly’ của nhà nước trong khâu phân phối và chống đầu cơ.


Có một sự buông lỏng quản ly’ trong việc kiểm soát tính minh bạch của khâu phân phối trong nhiều năm qua, mà nguyên nhân hẳn gắn liền với lợi ích của một số nhóm người có quyền lợi liên quan. Giá thuốc trong nhiều năm đã là một vấn đề nhức nhối không quản ly’ được (mặc dù múôn quản ly’ nó có vẻ không khó lắm). Giá xi-măng và sắt thép bị chi phối bởi một nhóm các đại ly’. Tình trạng này có vẻ đã quá lan tràn đến nỗi nó đã có thể xảy ra ở ngay cả với mặt hàng kô thiết yếu, của 1 cty tư nhân nước ngòai_ hãng xe Honda với dòng xe Air Blade.


Sự câu kết lũng đoạn trong khâu phân phối hình thành từ trước cộng với yếu tố đầu cơ đang ngày càng có thêm momentum gần đây đã làm cho giá hàng hóa vẫn giữ ở mức cao một cách méo mó bất chấp quy luật cung-cầu. Trong tình hình các dự án xây dựng đều giãn hoặc tạm ngừng thi công thì xi-măng vẫn tiếp tục khan hiểm, giá tăng lên đến gần 80-100%?!, giá sắt thép vẫn lên cao trong khi phôi thép ứ đọng và phải xuất khẩu bớt.


Đã đến lúc chính phủ cần cấp bách chấn chỉnh lại khâu phân phối để chống đầu cơ và lũng đoạn giá trước khi toàn xã hội chạy đua tích trữ như thời trước những năm 1989. Có thể bắt đầu bằng biện pháp hành chính_ rà soát và trám lại những lỗ hổng trong luật để ngăn chặn tỉnh trạng lũng đoạn và đầu cơ trong phân phối. Trước mắt khi thời hạn ghim giá đến cuối tháng 6 sắp hết, chính phủ nên đưa ra những quy định tạm thời về việc thời hạn tối đa găm giữ hàng và áp dụng biên độ dao động giá bán cho phép theo từng qu‎y’ một cách hợp lý, kèm theo lộ trình áp dụng những hình thức xử phạt thật nghiêm. Việc này cũng sẽ đòi hỏi nhiều quyết tâm của chính phủ, nhưng vấn đề nằm ở năng lực điều hành là chủ yếu.





Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2008

Pháp_ Cafe không đá, champaign và hàu sống

Paris:

Paris cuối xuân, trời mát lạnh và ngày dài ra. Một căn phòng nhỏ yên tĩnh ngó ra mảnh sân cour de massacre u tịch. Mơn mởn lá xanh rắc lất phất những cánh hoa tím nhạt, vẫn không lấp nổi một cái gì đó lảng bảng u uất ở dưới sân.


ở Place du Tertre_ Montmartre

Những nơi tôi đã đến_ những Notre Dame, Montmartre, Arch du Triomphe, tour Eiffel, sông Sein và những gì loanh quanh nơi ấy. Trừ mảnh sân u tịch kia, danh sách những chỗ này không có gì đặc biệt. Đó là những nơi mà một du khách ngồi tầng trên những xe búyt mui trần tấp nập mùa này cũng sẽ đi qua. Chỉ khác họ một ít, tôi vuốt ve Paris em bằng đôi chân háo hức của mình.

Paris dịu dàng pha lẫn kiêu sa. Những lối nhỏ hồn nhiên uốn quanh Montmartre nằm liền kề nẻo đường cám dỗ dẫn đến Moulin Rouge. Những ga tàu điện chứa trong mình đời sống. Chiếc cầu Carrousel về đêm rộn ràng bạn hữu và chuếnh choáng những đôi nhân tình. Paris này hẳn khác Paris em? Như ly cafe không đá anh uống trọn những ngày ở đấy.

Nhả nhớt / Ngả ngớn / Nghiêng ngả /Nghiện ngập ?

Clermont – Ferrand:


Nắng trên đường và nắng trên cây

Nằm đâu đó giữa những cánh đồng hoa cải, có một nước Pháp nhỏ xinh với những căn nhà đồng quê hàng trăm năm tuổi. Con đường chính đi qua trung tâm thị xã cũng có lẽ là con đường chính duy nhất ở đấy. Nơi đây, những ngày này vẻ bình yên cố hữu đang bị xáo trộn ghê gớm bởi một sự kiện vui hiếm có_ một đám cưới. Bằng hữu từ phương xa kéo về. Hàng xóm xung quanh kéo lại. Những người đàn ông vừa uống bia, champaign rose vừa chơi petanque. Những người đàn bà nấu nướng và dọn dẹp. (Sao hầu như không thấy trẻ con?) Đội bô lão tập lại bài dân vũ cưới. Ông thị trưởng vụng về trước nghi thức không quen. Rồi cả đoàn xe cưới nhấn kèn inh ỏi suốt đoạn đường đưa nàng về dinh, mặc kệ những con ngựa ngơ ngác ngoài đồng nếu có vô tình thắc mắc sao không ai khớp kiệu da cho chúng.

Bretagne:

Trên chiếc xe Mercedes đã hằn khắc nhiều dấu vết tuổi tác, ba người bạn đồng hành đã có nhiều năm tháng sau lưng cùng tôi đi dong ruổi một vùng mà thời gian dường như đã mãi ở lại. Đôi khi trên những con đường nơi đây, tôi gặp lại một châu Âu trong tưởng tượng của mình, một châu Âu xưa cũ trong ảnh mà mình đã xem hồi còn nhỏ. Đó là những con đường quanh co, nơi có những căn nhà mái ngói dốc và cửa sổ xuyên mái, thấp thoáng đằng sau bức tường gạch hoặc vài cành cây.


Hogmead ? Nearly there, but not quite a wizard's place. It's Saint Michel's.


Dĩ nhiên Bretagne có nhiều hơn thế. Nó còn có lần trốn vé trơ trẽn ở mont St. Michel, lần ra bờ biển Cancale ăn tươi nuốt sống hàu một cách (ngon ) dã man, có St. Malo với pháo đài và thành quách, có Dinard sang trọng và đẹp đẽ, có những điểm dừng chân, những bến biển vắng đã từng tắm táp niềm đam mê lang bạt của một mái đầu không còn xanh lắm, có một mái nhà, một mảnh vườn và những công trình còn dang dở, còn để mong chờ.

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2008

Chúc mừng nha! ! !




10/05/08

Vậy là thêm 1 bạn già làm đám cưới. Nói chính xác (mà cũng sai bét) ra thì đây là làm đám cưới lần 2.

Lần trước K làm đám cưới tui không nhớ là K có cảm giác ra làm sao, vui buồn mệt oải thảnh thơi thế nào? Nhưng bây giờ thì tui đoán ra rồi. Chắc hẳn K đã kể với Nh là vui dữ lắm. Cho nên bạn già ham vui mới nằng nặc đòi làm đến 2 lần cho sướng. (và không nghi ngờ gì nữa, một trong những điều sung sướng là mỗi lần làm đều có cớ để ép uổng tui ).

Bạn bè đã lâu. Tưởng cũng đã hiểu nhau quá nhiều. Thế mà cũng khá thường xuyên tui chả hiểu nổi Nh những điều nho nhỏ . Và ngược lại, tui lâu lâu lại khiến Nh bị hố vì một số điều lơn lớn . Vượt qua tất cả những hiểu lầm đó, chỉ còn tình bạn già là ở lại. À quên, còn cả sự tự tin không lung lay về sự hiểu biết về nhau đó nữa. Lần gặp lại này, tui vẫn (tin / tưởng là mình) nhận ra ở bạn già một người mà mình biết, mặc dù đã bao nhiêu thay đổi ở ngoài. Còn ở bạn già thì vẫn chắc nịch “Tui hiểu P quá mà”. Vậy nghĩa là…?

Chúc mừng Fr & Nh lần nữa nha.… Chúc một cuộc sống mới luôn vui vẻ và toại nguyện. Có lẽ những lời chúc dài dòng không cần thiết cho những người bạn già đã quá hiểu nhau, nhỉ?

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2008

Mờ ảo Sài Gòn

Get this widget | Track details | eSnips Social DNA

Sài Gòn tháng tư, trời nắng hâm hâm. Ánh nắng như rang đôi cánh tay người lái xe trên phố. Sài Gòn giữa trưa, đường phố lao xao những người kéo ra hàng quán. Những con đường xa khu trung tâm cũng vắng vẻ ít nhiều. Chỉ còn lại gió và nắng, bỏng cháy rơn ran trên da thịt.

Sài Gòn chợt mưa. Gió rộn ràng kéo mây ùn về tít mù trên tầng không, gió len vào những tán cây, rủ rê từng đám lá bối rối thả mình theo những điệu nhảy xoáy tròn quấn siết.

Rồi mưa. Mưa vừa đủ to để khách đi đường khoác vội áo đi mưa, cũng vừa đủ nhẹ để không làm gió ngại. Những hạt mưa và lá cây cùng bay bay trên phố, làm ướt mềm một Sài Gòn tưởng đã quá khô khan.

Cũng khô khan như người khách đi đường, lọt thỏm trong bộ áo mưa lùng thùng, thít chặt bởi chiếc mũ bảo hộ, rào chắn qua mặt nạ bụi và xa cách đằng sau cặp kính râm, hắn và cuộc sống ngoài kia tiếp xúc với nhau qua những cận vệ vô tri vô giác.

Trưa nay, hơi thở người ấy len từ mặt nạ lên phủ một lớp màn mờ ảo lên cảnh vật mỗi nơi hắn nhìn, mưa ngoài trời vỡ ra trên kính làm lấm tấm thêm bức tranh vốn giờ đã như hư như thực. Ở phía bên kia của tấm kính râm, Sài Gòn ướt mềm với vài cánh áo mưa đang chấp chới trong mưa. Ở phía bên này, Sài Gòn mờ tỏ theo từng nhịp thở … bình yên.

http://pro.corbis.com/images/42-15556886.jpg?size=572&uid=%7B26074C82-A5D0-4D26-804E-B863FA91CF4D%7D

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2008

Hạnh phúc trong tầm tay

và ví tiền .


Bạn đang lo lắng?

Bạn là nhân viên công / tư chức. Bạn phân vân số tiền lương tháng còn lại của mình, sau khi vượt qua sự kiểm toán của bà vợ, thì nên xài vào việc gì tốt cho sức khỏe và hạnh phúc của mình nhất.

Bạn là người nội trợ. Bạn cảm thấy bị stress và phẫn nộ mỗi lần xách giỏ đi chợ. Điều đó có hại cho sức khỏe và sự tươi trẻ của bạn.

Bạn là nhà đầu tư. Bạn hoang mang khi đồng vốn của mình bị thập diện mai phục, bị đánh te tát sứt mẻ từ chứng khoán, đến USD và vàng, và BĐS. Tàn quân còn lại không biết nấp vào đâu đang làm bạn mất ăn mất ngủ.

Chúng tôi có thể giúp bạn. Dựa trên một thành tựu khoa học mới nhất của Đại học British Columbia, Canada, chúng tôi đã phát triển một hệ thống cho phép bạn có cơ hội tận hưởng hạnh phúc của mình một cách trọn vẹn, dễ dàng và thường xuyên. Thật đơn giản, bài báo trên đã nói lên bí quyết của hạnh phúc về mặt lý thuyết, chúng tôi cung cấp giải pháp thực tiễn cho nó.

Hãy gọi điện cho chúng tôi : 969442779 (WOWIHAPPY) ngay bây giờ.

Dedicate: xin cảm ơn ĐH Columbia, và bạn G, người đã cung cấp ý tưởng cho dự án này. Quý vị sẽ có được vinh dự ưu tiên là khách hàng được tạo cơ hội hạnh phúc đầu tiên của chương trình này.

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2008

Lhasa mùa đông

Những ngày này, Tibet và Lhasa đang có biến. Tin tức đều bị nhà cầm quyền phong tỏa nghiêm nhặt. Những bạo loạn rồi cũng qua đi, chỉ có niềm uất hận của những người bị cưỡng đoạt cội nguồn là ở lại, và sự tuyệt vọng của nhóm dân nay đã trở thành thiểu số là tăng lên.

Tiếp tục lục lại 1 vài ghi chép không cũ lắm và cái trí nhớ chưa bị Alzheimer của mình để nhớ về Lhasa.




Nguồn: Ảnh chụp tại tu viện Tashi Lungpo, nơi cư trú của vị Ban Thiền Lama thứ 11 do TQ chọn



Ngày ... tháng... năm..

Đi qua khỏi hồ Yamdrok, chúng tôi đang tiến vào Lhasa. Lác đác trên đường đã xuất hiện những một vài xưởng sản xuất lớn, một công ty sản xuất dược cổ truyền Tibet bề thế- bảng hiệu chữ Hoa và chữ Anh. Đi được một lát nữa là đến những tòa nhà sạch sẽ, cao to, cái nào cũng vuông vức nằm giữa một khuôn viên không lớn không nhỏ, cái nào cũng thô thiển vô duyên, giống hệt như những tòa nhà cơ quan công quyền cấp huyện thị mà tôi thấy ở mấy tỉnh nước mình. Rồi một khu công nghiệp phía trước treo bảng quảng cáo thu hút đầu tư. Và chung cư. Và siêu thị. Và nhà hộp.

Chẳng thấy đâu cái kiến trúc kiểu Tibet. Một vài nét trang trí bắt chước hời hợt bề ngoài khó có thể lừa được ai, nhât là đối với những vị khách đã trải qua 5 ngày đi qua những làng quê và thị xã hẻo lánh của Tibet, nơi người Tạng vẫn còn là đa số, mới đến đây.

Rồi chúng tôi cũng đến con đường chính của Lhasa. Cung điện Potala đang lướt qua ở bên trái. Rồi những tòa ngân hàng, bưu điện, shop thời trang san sát nhau trôi từ từ qua cửa kính, thỉnh thoảng bị che khuât bởi những chiếc xe du lịch hoặc người dân băng qua đường. Có một lúc, chỉ thoáng qua thôi, tôi có cảm giác deja-vu, dường như mình đã từng ở đây đi trên con đường này và có lẽ cũng ngồi trong chiếc xe này ngó ra ngoài cửa kính như vậy.

Lấy phòng khách sạn xong. Chúng tôi xuống phố, đi tìm một siêu thị. Những người bạn châu Âu của tôi muốn tìm hiểu sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ở cái siêu thị tại thành phố hẻo lánh này. Còn tôi, tôi muốn tìm một điều thực tế hơn nhiều_ thức ăn. Nếu như người Hán có đem bất cứ điều tốt lành nào cho mảnh đất này, thì đó chỉ có thể là món ăn Tàu. Sau vài ngày phải ăn uống những món của người Tạng, tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy ở đây cuối cùng tôi đã có thể ăn uống ra trò để lấy sức mà tiếp tục sự nghiệp chống bọn bành trướng. Nửa con vịt quay ngậy mỡ tôi mang ra làm mấy người bạn đi chung ái ngại, nhưng rồi họ cũng không thoát khỏi cám dỗ thơm béo này.

Con gái ở đây ăn mặc thật mode. Họ khoác trên mình những chiếc áo choàng nỉ bóng dài ngang gối, cổ áo và lai áo giả lông thú. Quần bó ôm chân và ủng da cao gót. Tay mang găng len và nón úp nửa đầu. Họ làm cho tôi cứ tưởng là mình đang ở một con đường hippy nào đó của Tokyo chứ không phải là đang ở một thành phố ở cao nguyên Thanh Tạng này. (Đấy là tôi hình dung con gái Tokyo ăn mặc như thế chứ tôi chưa có đi qua đấy lần nào. ) Dĩ nhiên đấy là những cô gái gốc Hán. Tôi đang tập làm quen với cảm giác là họ, cùng với những người đàn ông, trẻ nhỏ Hán đang có mặt khắp nơi trên con đường đông đúc này. Họ, chứ không phải người Tibet, đang làm chủ những cửa hiệu, siêu thị, nhà hàng, làm chủ cả đường xá ấm áp trên những chiếc xe hơi, cả vỉa hè tay trong tay ton tả.

Người Tibet bản địa vẫn có ở đó. Họ không biến mất khỏi đây mà chỉ bị chìm khuất giữa đám đông nhộn nhịp này. Đó là một nhóm những ông bà già áo quần đen đũa, tóc thắt bím, tay cầm bánh xe nguyện xoay xoay, tay kia dắt nhau trên đường kéo đến cung điện Potala. Đó là những cậu thanh niên trai tráng tuổi chừng đôi mươi ngồi bên vệ đường vừa vỗ tay vừa hát ăn xin. Là một bà già đứng ở góc ngã tư, tay hơu hơu, người nhún nhảy, miệng cất lên lanh lảnh một bài dân ca nghe não ruột. Ở đây có một nghề mà người Tạng được độc quyền làm không bị cạnh tranh_ đạp xe thồ. Người Hán thì ngược lại_ tài xế taxi. Dưới bầu không khí loãng ở độ cao này, khi chúng tôi phải vừa đi bộ vừa nghỉ để lấy sức, họ phải kiếm miếng ăn bằng cách gồng mình đem cả sức nặng cơ thể chuyển từ bàn đạp này sang bàn đạp khác để cố chen chân giữa những chiếc xe cơ giới cửa kính đóng cao. Vậy mà, mùa đông cao nguyên chỉ vừa mới bắt đầu.

Tôi vào một tiệm internet. Đã gần 1 tuần tôi hầu như không có liên lạc gì với thế giới bên ngoài. Tiệm net ở đây trên cả trăm máy, chiếm trọn tầng một trung tâm thương mại cũ, vậy mà hầu như không còn máy trống. Ở trên mạng thì ra mấy ngày nay đang sôi sục sự kiện thành phố Tam Sa(*) . Có thể thấy cái bầu không khí nóng hổi đó trên các báo online, các bloggers treo cờ trên mạng bàn luận sôi nổi chuyện biểu tình phản đối. Cái không khí ấy biến thành một vụ tranh cãi và thóa mạ đông người ở một blog mà tôi biết chỉ vì anh đã đưa ra một chọn lựa “không thể chấp nhận được” trong những chọn lựa của một trưng cầu y’ kiến online. Nó thậm chí lan cả vào làm nóng cái forum yên bình vắng vẻ mà tôi hay lui tới. Vậy mà lúc này đây tôi cảm thấy thật dửng dưng và ngao ngán. Hết nửa giờ internet, tôi đứng dậy đi về. Xung quanh tôi, hàng trăm những con người trẻ tuổi ở đây vẫn đang tiếp tục dán mắt vào máy tính. Họ xem phim trên mạng, gọi điện hoặc chơi game online. Tất cả đều trông uể oải bất cần. Có lẽ không ai trong số họ quan tâm hay biết đến cái tên quần đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa. Có lẽ đối với họ, Tam Sa cũng là tất yếu như Lhasa, kiểu như của Caesar phải trở về với Caesar. Có chăng người Tạng sẽ quan tâm đến cái tin này. Nhưng tôi không thấy họ ở trong cái tiệm net đông người này. Họ đang bận làm tôi tớ ở ngoài kia, trên chính cái mảnh đất mà đáng ra họ phải là chủ này.

Tôi bước ra đường. Kéo chiếc áo khoác vào thật sát người rồi rảo bước đi về. Trời u u lạnh. Mùa đông Lhasa chỉ vừa mới bắt đầu.



(*) Chính quyền Nam Hải về sau đã bác bỏ thông tin về việc thành lập thành phố Tam Sa này.

** Những người dân bình thường thì ở đâu cũng vậy, họ chỉ cố gắng mưu cầu hạnh phúc cho mình. Bài này chỉ nói lên cái nhìn chủ quan và bất bình đối với chính sách của giới cầm quyền ở đây, chứ không phải đối với người Hán.

Thứ Sáu, 29 tháng 2, 2008

Entry for March 01, 2008

Thoughts on random issues.
The image “http://www1.istockphoto.com/file_thumbview_approve/2334825/2/istockphoto_2334825_puzzled_kids_cartoon.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.

Giá xăng thả nổi. Làm đúng nhưng chưa đủ. Đúng là bởi vì cứ bù lỗ xăng dầu thì không phải là cách Nhà nước trợ giúp có hiệu quả những người cần trợ giúp trong xã hội. Nếu để cho cơ chế thị trường tự giải quyết thì nó giúp cho việc sử dụng năng lượng có hiệu quả hơn, nạn buôn lậu xăng dầu cũng dứt, còn nhà nước có thể sử dụng số tiền trợ giúp đó để hỗ trợ người thu nhập thấp. Nói là chưa đủ là bởi vì 2 lý do. Một là cơ chế và khả năng hỗ trợ người/ ngành của ta còn yếu kém và đầy tiêu cực, chắc chắn sẽ rơi vãi số tiền hỗ trợ nhiều vùng, nhiều nhóm dân vào túi tư. Cái thứ hai quan trọng hơn, đó là vấn đề cạnh tranh của các công ty kinh doanh xăng dầu. Nếu đã để vấn đề xăng dầu vô bàn tay thị trường mà không có sự cạnh tranh thực sự trong lĩnh vực này, thì người dân chắc chắn lãnh đủ. Các công ty kinh doanh xăng dầu kiếm lợi nhuận chắc chắn từ việc nhập và bán, trong khi không chịu áp lực phải dự báo, đánh giá đúng tình hình và giá cả, để có thể tích trữ hoặc hoãn nhập nhằm làm cho chi phí thấp nhất. Thiết nghĩ cần phải có ít nhất 1 nhà bán lẻ nước ngoài tham gia vào thị trường để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Về lâu dài, cơ quan bảo đảm cạnh tranh của VN phải đủ mạnh để chắc chắn là các công ty này ko có làm giá với nhau trên thị trường VN.

Giá đất đã tăng. Giá vàng đang tăng. Giá lương thực tiếp tục tăng. Lãi suất tiền gửi/ vay vọt tăng. EVN đề nghị tăng giá điện lên 6.6% . Cái gì sẽ kềm giá lại? Ai giúp người nghèo?

Vậy mà, ở một nơi, "người ta" coi chuyện mưu sinh trên vỉa hè là di chứng làng xã lạc hậu. Ở nơi khác, "người ta"không thấy có vấn đề gì khi cấm xe ba bánh thô sơ lưu hành. Những số phận ảnh hưởng bới những quyết định thiếu cân nhắc đó không có tiếng nói, và hình như không phải là thứ đáng quan tâm so với vàng, USD, BĐS hoặc TTCK.

Nói về TTCK. Chuyện nó lao dốc là một đề tài đã cũ, cũng không cần phải bàn nhiều. Cái đáng bực mình là đây đó thỉnh thoảng xuất hiện mấy bài phỏng vấn kiểu như cái này . Rõ ràng nhà đầu tư mong đợi NN làm 1 cái gì đó để vực Vn-Index đi lên, và cả UBCKNN cũng có nguyện vọng như vậy. Nhưng tại sao lại phải như vậy?
Thị trường là một sân chơi giữa những người có nhận định trái ngược nhau (bulls & bears). Nhiệm vụ của UBCKNN là làm thế nào để mở rộng nhiều trò chơi, nhiều suất chơi, và đóng vai trò trọng tài đảm bảo cho 2 nhóm chơi này đấu với nhau 1 cách công bằng, thông qua đó các nhà trò và người chơi giỏi sẽ hưởng lợi. Đằng này, UBCKNN lại muốn đứng về phe bulls. Và những "nhà đầu tư" đã ăn dầy mà còn không biết ngượng. Họ mang lòng tham, và tiền (túi hoặc vay) vào để kiếm bộn tiền khi thị trường đi lên, và sự ỷ lại, mong chờ nhà nước giúp họ đỡ thua lỗ khi thị trường đi xuống !?!?! Chừng nào mà UBCKNN còn nhầm lẫn giữa "phát triển thị trường" và "vực dậy Vn-index" thì chừng đó ta còn phải tiếp tục lo ngại.

Nhân ngày thầy thuốc, đọc "Nước Mắt" ở đây mà thấy thương cho những thầy thuốc nói chung, và nhất là thầy thuốc Việt Nam. Họ phải hy sinh nhiều quá. Thậm chí vì áp lực công việc, thầy thuốc VN chắc phải hy sinh (hoặc bị tước mất) cả những giây phút cho phép mình khóc như những đồng nghiệp của họ ở Pháp. Chúc mừng ngày Thầy thuốc. Cầu mong họ không phải đánh mất mình vì bất cứ lý do gì.

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2008

Đón mặt trời

Lục lại một ít ghi chép không cũ lắm post lên để trả nợ với mình và 1 cơ số bạn già hay nhắc nhở.



Nepal _ Nagarkot

Đường từ Bhaktapur đi Nagarkot hẹp, nhiều ổ gà như hầu hết những con đường ở đây. Tôi vất vả lắm mới bám kịp chiếc Pulsa 250cc của Jorge & Lourdes. Đi được một lát thì trời chuyển sang nhá nhem tối, chúng tôi vừa đến chân đồi của Nagarkot.

Đường leo lên đồi ngoằn nghèo. Trời tối dần. Còn lạ xe, tôi không chỉnh được đèn pha rọi xuống mặt đường mà chỉ mở được cho nó pha từ xa. Điều này quả là vô cùng bất tiện trên những khúc đồi ngoằn nghèo bởi tôi khó đoán được mặt đường ở những khúc cua trước mặt xuất hiện liên tục. Cũng không thể dừng xe để tìm nút chỉnh đèn pha được vì như thế có nghĩa là sẽ lạc mất Jorge với chiếc xe vun vút khi thoắt khi hiện ở phía trước. Ở nguyên đoạn đường đồi này, nơi người ta bảo là vẫn có thú hoang sinh sống, bị bỏ lại phía sau đồng nghĩa với lạc lối bởi hình như không có chiếc xe nào khác leo đồi vào giờ này.

Trời lạnh. Bóng tối xuống nhanh. Cả hai xe lao nhanh nhất có thể. Đôi lúc tôi sững sờ bởi một bầu trời hoàng hôn đang chết lịm huy hoàng, cái huy hoàng rực rỡ của một đám tang trần trụi không bị những công trình xây dựng che giấu và ánh đèn vàng vọt an ủi. Đôi lúc tôi nhảy cồm lên trên yên vì chiếc xe lọt vào ổ voi.

Trời tối hẳn. Cái lạnh buốt len lỏi qua 2 lớp găng tay, vài ba lớp áo chống nhiệt. Vun vút trên 2 chiếc xe, chúng tôi tiếp tục leo đồi. Một bên là vách đồi cây cối rậm rạp đen mờ mờ lướt qua. Một bên là vầng trăng khuyết lưỡi liềm trắng ngần đính giữa trời bởi những chiếc ghim nhỏ lấp lánh. Phía trước là con đường gập ghềnh tối đen và khúc khuỷu. Cảm giác tự do và hoang khoái như trào lên trong máu. Tôi đang phóng xe giữa một vùng đồi núi đen ngòm lạnh sương, nơi mà tôi chưa từng lên kế hoạch đến đâyvà hoàn toàn không có ý thức được mình đang thực sự ở chỗ nào, còn bao lâu nữa sẽ tới nơi mình muốn đến. Trước mắt, tôi cứ tung vó trên yên ngựa sắt, để mặc cho cái lạnh của sương, cái hoang dã của núi rừng, và cái ghê rợn của bóng tối thấm mềm vào da thịt của mình đã. Ngày mai, tôi sẽ đón mặt trời mọc ở đỉnh Nagarkot.

Hừng đông. Đỉnh đồi Nagarkot.

Từ đỉnh đồi này, phong cảnh Nepal nhìn rất đẹp. Đằng xa, những ngọn núi trắng xóa vào tầm cao nhất trái đất tương phản hẳn với những ngọn đồi xanh rì xung quanh thung lũng Kathmandu nơi đây. Có những đỉnh núi còn đang phun mây tuyết lên bầu trời đông mờ xám. Còn ở xung quanh đây, ở giữa những ngọn đồi bên dưới chúng tôi đang chảy nhẹ một dòng sông sương mây trắng xốp. Phong cảnh thật yên bình mà kỳ vĩ.

Mặt trời lên. Một chấm nhỏ sáng lóe giữa 2 khe núi ở đằng xa. Mặt trời hồi sinh sau một đêm trở nên dịu dàng, tươi mát. Vài tiếng reo lên thích thú từ ngọn tháp canh ở giữa đỉnh đồi nơi chúng tôi đứng. Chúng tôi chỉ đi vòng quanh đỉnh đồi, bên dưới chân tháp canh. Tôi lăng xăng chỉnh cái tripod rồi chụp hình. Lourdes cũng vậy với cái camera nhỏ của mình. Jorge thì ngồi vào 1 bệ đá nhỏ, dựa lưng vào 1 cái cột lùn, mắt lim dim hướng về đằng đông. Lần thứ 2 đến đây, anh ta không màng đến chuyện chụp hình nữa mà chỉ hoàn toàn để mình đắm chìm vào giây phút kỳ diệu này.

Tôi thèm được như Jorge. Nhưng tôi còn cái máy ảnh. Nagarkot còn đang biến mình khoe sắc. Những chóp tuyết trắng xóa đằng xa vừa chợt ửng vàng. . Lòng tôi còn tham ái muốn giữ lại cái giây phút này cho mai sau. Cho nên tôi vẫn còn bỏ qua cái lạc thú của hiện tại, chưa thể nhắm mắt lại mà ngồi xuống như Jorge.