Những ngày này, Tibet và Lhasa đang có biến. Tin tức đều bị nhà cầm quyền phong tỏa nghiêm nhặt. Những bạo loạn rồi cũng qua đi, chỉ có niềm uất hận của những người bị cưỡng đoạt cội nguồn là ở lại, và sự tuyệt vọng của nhóm dân nay đã trở thành thiểu số là tăng lên.
Tiếp tục lục lại 1 vài ghi chép không cũ lắm và cái trí nhớ chưa bị Alzheimer của mình để nhớ về Lhasa.
Nguồn: Ảnh chụp tại tu viện Tashi Lungpo, nơi cư trú của vị Ban Thiền Lama thứ 11 do TQ chọn Ngày ... tháng... năm..
Đi qua khỏi hồ Yamdrok, chúng tôi đang tiến vào Lhasa. Lác đác trên đường đã xuất hiện những một vài xưởng sản xuất lớn, một công ty sản xuất dược cổ truyền Tibet bề thế- bảng hiệu chữ Hoa và chữ Anh. Đi được một lát nữa là đến những tòa nhà sạch sẽ, cao to, cái nào cũng vuông vức nằm giữa một khuôn viên không lớn không nhỏ, cái nào cũng thô thiển vô duyên, giống hệt như những tòa nhà cơ quan công quyền cấp huyện thị mà tôi thấy ở mấy tỉnh nước mình. Rồi một khu công nghiệp phía trước treo bảng quảng cáo thu hút đầu tư. Và chung cư. Và siêu thị. Và nhà hộp.
Chẳng thấy đâu cái kiến trúc kiểu Tibet. Một vài nét trang trí bắt chước hời hợt bề ngoài khó có thể lừa được ai, nhât là đối với những vị khách đã trải qua 5 ngày đi qua những làng quê và thị xã hẻo lánh của Tibet, nơi người Tạng vẫn còn là đa số, mới đến đây.
Rồi chúng tôi cũng đến con đường chính của Lhasa. Cung điện Potala đang lướt qua ở bên trái. Rồi những tòa ngân hàng, bưu điện, shop thời trang san sát nhau trôi từ từ qua cửa kính, thỉnh thoảng bị che khuât bởi những chiếc xe du lịch hoặc người dân băng qua đường. Có một lúc, chỉ thoáng qua thôi, tôi có cảm giác deja-vu, dường như mình đã từng ở đây đi trên con đường này và có lẽ cũng ngồi trong chiếc xe này ngó ra ngoài cửa kính như vậy.
Lấy phòng khách sạn xong. Chúng tôi xuống phố, đi tìm một siêu thị. Những người bạn châu Âu của tôi muốn tìm hiểu sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ở cái siêu thị tại thành phố hẻo lánh này. Còn tôi, tôi muốn tìm một điều thực tế hơn nhiều_ thức ăn. Nếu như người Hán có đem bất cứ điều tốt lành nào cho mảnh đất này, thì đó chỉ có thể là món ăn Tàu. Sau vài ngày phải ăn uống những món của người Tạng, tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy ở đây cuối cùng tôi đã có thể ăn uống ra trò để lấy sức mà tiếp tục sự nghiệp chống bọn bành trướng. Nửa con vịt quay ngậy mỡ tôi mang ra làm mấy người bạn đi chung ái ngại, nhưng rồi họ cũng không thoát khỏi cám dỗ thơm béo này.
Con gái ở đây ăn mặc thật mode. Họ khoác trên mình những chiếc áo choàng nỉ bóng dài ngang gối, cổ áo và lai áo giả lông thú. Quần bó ôm chân và ủng da cao gót. Tay mang găng len và nón úp nửa đầu. Họ làm cho tôi cứ tưởng là mình đang ở một con đường hippy nào đó của Tokyo chứ không phải là đang ở một thành phố ở cao nguyên Thanh Tạng này. (Đấy là tôi hình dung con gái Tokyo ăn mặc như thế chứ tôi chưa có đi qua đấy lần nào. ) Dĩ nhiên đấy là những cô gái gốc Hán. Tôi đang tập làm quen với cảm giác là họ, cùng với những người đàn ông, trẻ nhỏ Hán đang có mặt khắp nơi trên con đường đông đúc này. Họ, chứ không phải người Tibet, đang làm chủ những cửa hiệu, siêu thị, nhà hàng, làm chủ cả đường xá ấm áp trên những chiếc xe hơi, cả vỉa hè tay trong tay ton tả.
Người Tibet bản địa vẫn có ở đó. Họ không biến mất khỏi đây mà chỉ bị chìm khuất giữa đám đông nhộn nhịp này. Đó là một nhóm những ông bà già áo quần đen đũa, tóc thắt bím, tay cầm bánh xe nguyện xoay xoay, tay kia dắt nhau trên đường kéo đến cung điện Potala. Đó là những cậu thanh niên trai tráng tuổi chừng đôi mươi ngồi bên vệ đường vừa vỗ tay vừa hát ăn xin. Là một bà già đứng ở góc ngã tư, tay hơu hơu, người nhún nhảy, miệng cất lên lanh lảnh một bài dân ca nghe não ruột. Ở đây có một nghề mà người Tạng được độc quyền làm không bị cạnh tranh_ đạp xe thồ. Người Hán thì ngược lại_ tài xế taxi. Dưới bầu không khí loãng ở độ cao này, khi chúng tôi phải vừa đi bộ vừa nghỉ để lấy sức, họ phải kiếm miếng ăn bằng cách gồng mình đem cả sức nặng cơ thể chuyển từ bàn đạp này sang bàn đạp khác để cố chen chân giữa những chiếc xe cơ giới cửa kính đóng cao. Vậy mà, mùa đông cao nguyên chỉ vừa mới bắt đầu.
Tôi vào một tiệm internet. Đã gần 1 tuần tôi hầu như không có liên lạc gì với thế giới bên ngoài. Tiệm net ở đây trên cả trăm máy, chiếm trọn tầng một trung tâm thương mại cũ, vậy mà hầu như không còn máy trống. Ở trên mạng thì ra mấy ngày nay đang sôi sục sự kiện thành phố Tam Sa(*) . Có thể thấy cái bầu không khí nóng hổi đó trên các báo online, các bloggers treo cờ trên mạng bàn luận sôi nổi chuyện biểu tình phản đối. Cái không khí ấy biến thành một vụ tranh cãi và thóa mạ đông người ở một blog mà tôi biết chỉ vì anh đã đưa ra một chọn lựa “không thể chấp nhận được” trong những chọn lựa của một trưng cầu y’ kiến online. Nó thậm chí lan cả vào làm nóng cái forum yên bình vắng vẻ mà tôi hay lui tới. Vậy mà lúc này đây tôi cảm thấy thật dửng dưng và ngao ngán. Hết nửa giờ internet, tôi đứng dậy đi về. Xung quanh tôi, hàng trăm những con người trẻ tuổi ở đây vẫn đang tiếp tục dán mắt vào máy tính. Họ xem phim trên mạng, gọi điện hoặc chơi game online. Tất cả đều trông uể oải bất cần. Có lẽ không ai trong số họ quan tâm hay biết đến cái tên quần đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa. Có lẽ đối với họ, Tam Sa cũng là tất yếu như Lhasa, kiểu như của Caesar phải trở về với Caesar. Có chăng người Tạng sẽ quan tâm đến cái tin này. Nhưng tôi không thấy họ ở trong cái tiệm net đông người này. Họ đang bận làm tôi tớ ở ngoài kia, trên chính cái mảnh đất mà đáng ra họ phải là chủ này.
Tôi bước ra đường. Kéo chiếc áo khoác vào thật sát người rồi rảo bước đi về. Trời u u lạnh. Mùa đông Lhasa chỉ vừa mới bắt đầu.
(*) Chính quyền Nam Hải về sau đã bác bỏ thông tin về việc thành lập thành phố Tam Sa này.** Những người dân bình thường thì ở đâu cũng vậy, họ chỉ cố gắng mưu cầu hạnh phúc cho mình. Bài này chỉ nói lên cái nhìn chủ quan và bất bình đối với chính sách của giới cầm quyền ở đây, chứ không phải đối với người Hán.