Và những hành khách chúng ta đang trả giá cho sự bùng nổ tốc độ tăng trưởng thiếu kiểm soát của năm vừa qua.
Khi những cái thắng (phanh) được dùng đến
Bắt đầu từ đầu năm 2008, khi NHNN đã thắng gấp bằng cách siết chặt hạn mức tín dụng, nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và nhất là bán ra tín phiếu bắt buộc để thu về lượng tiền VND trị giá 7tỷ USD, hệ thống ngân hàng và nền kinh tế lập tức bị rơi vào trạng thái shock. NHNN đã không có những điều chỉnh từng bước, không có những thông cáo định hướng trước những quyết định của mình để nền kinh tế giảm nhiệt dần. Từ đó đến bây giờ, hệ thống ngân hàng vẫn chưa có vẻ gì là thoát khỏi tình trạng sốc do cú thắng đó. Lãi suất huy động tiếp tục tăng cao, đến đầu tháng 6/08 lãi suất ngắn hạn vài tháng đã ở mức 15.5% /năm. Hệ quả đi kèm là những khó khăn cho các doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán và thị trường BĐS có thể bị tuyên bố là đã chết vào thời điểm này. Quả bóng đầu đã nổ, còn cái sau hiện ở mức đang xìu.Mặc dù những biện pháp siết chặt tiền tệ của NHNN được đánh giá là đúng hướng, cách thực thi nó khiến cho xuất hiện tác động dây chuyền ngoài mong muốn và làm cho bức tranh kinh tế xã hội có thêm những gam màu u ám mà ít người có thể hình dung được lúc ban đầu.
Sự khan hiếm tiền mặt và chạy đua lãi suất huy động của các ngân hàng đã khiến SBV nhấp cú thắng tiếp theo có tính hành chính phi thị trường_ áp dụng trần lãi suất quá thấp so với tình hình thực tế. Điều này làm tăng tâm ly’ bất an và tạo ra một luồng tiền lớn nằm bên ngoài ngân hàng. Không có TTCK và BĐS để hấp thu, không có sự tin tưởng vào môi trường kinh doanh nói chung cũng như viễn cảnh các doanh nghiệp và các dự án nói riêng, dòng tiền này đổ dồn vào phần an toàn nhất_ đầu cơ hàng hóa, vàng và ngoại tệ mạnh. Sự lưu chuyển của nó lúc này lúc khác tạo ra những cơn sốt giá hàng hóa, giá vàng, giá USD. Điều này tự nó làm tăng thêm tâm ly’ bất an và đẩy dòng cuốn đầu cơ càng lúc càng vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Nếu như cú thắng tiền tệ ở trên có vẻ quá gắt và quyết liệt, thì những cú thắng khác trong gói giải pháp chống lạm phát hoàn toàn mờ nhạt, không thấy rõ tác dụng của nó trừ biện pháp khống chế giá một số mặt hàng thiết yếu cho đến hết tháng 6-08. Uy tín của các cơ quan điều hành bị xói mòn trước việc có những khoảng cách quá lớn giữa tuyên bố và hành động, giữa hành động và hiệu quả. (vd như những tuyên bố về kiểm soát giá vật liệu xây dựng, tuyên bố về việc cứu chứng khoán cũng như sự vào cuộc của TCT Quản ly’ vốn và đầu tư SCIS).
Ở lúc này, có lẽ người dân cần nhất là thấy được sự quyết tâm và năng lực của chính phủ trong việc kềm chế lạm phát.
Quyết tâm
Bên cạnh những tuyên bố về quyết tâm của chính phủ, cũng như là việc đưa ra các gói giải pháp, người ta còn muốn thấy chúng được thực hiện tới đâu.
Một trong những giải pháp được cho là đúng hướng là cắt giảm chi tiêu công và đầu tư. Được đưa ra từ đầu năm như là một trong những biện pháp chính, cho đến tháng 6, danh sách những dự án sẽ hoãn hoặc cắt giảm vẫn chưa được gút lại. Theo ông Nguyễn Đình Cung - trưởng ban kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, "Trong tổng số đầu tư từ ngân sách năm 2007 khoảng 112.000 tỉ đồng, phải cắt được cỡ 20.000 tỉ mới thật sự có ý nghĩa trong việc chống lạm phát”. Trong khi “tính đến ngày 19/5, mới có 30 địa phương và chín bộ, ngành gửi báo cáo về số công trình dự định cắt giảm với gần 600 dự án, tương đương khoảng 2.000 tỉ đồng.” (Con số này theo Bộ KH-ĐT là 4000 tỷ). (Tuổi Trẻ 26/05)
Thử làm một phép so sánh, bảo tàng Hà Nội vừa mới được khởi công cách đây vài ngày có số vốn là 2.300 tỷ đồng.
Chống lạm phát bằng cắt giảm chi tiêu công đòi hỏi sự quyết tâm của chính phủ, “cần sự can đảm của Thủ tướng và các bộ trưởng” bởi nó động chạm đến quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích. Người dân và giới đầu tư cần phải thấy được là lợi ích của dân và nền kinh tế nói chung được đặt ưu tiên trên lợi ích của những nhóm nhỏ người. Trong khi đó, ngòai những tuyên bố chủ quan của các quan chức, những cuộc chất vấn trước Quốc hội mà diễn biến và nội dung có thể đoán trước được, thì những tín hiệu hành động thực tế mà họ thấy được lại có vẻ đi theo chiều ngược lại, chẳng hạn như quyết tâm… mở rộng Hà Nội, quyết tâm khởi công xây dựng bảo tàng, và các ly’ do viện dẫn tại sao kô có thể cắt giảm nhiều hơn nữa.
Việc cắt giảm chi tiêu công có đến 20 nghìn tỷ (hoặc giảm 10% tương đương 11 nghìn tỷ) nếu thực hiện được dẫu sao vẫn chỉ là một phần tương đối nhỏ so với những gì chính phủ có thể làm. Những dự án chi tiêu này về danh nghĩa là những dự án công ích, việc cắt giảm nó có thể ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Trong khi đó, một mảng lớn khác ít được đề cập trong việc cắt giảm tổng đầu tư chi tiêu xã hội là việc cắt giảm các dự án ở những tập đòan kinh tế nhà nước. Về mặt nguyên tác, những tập đoàn này hoạt động độc lập về tài chính, cho nên không thể chịu những chỉ thị hành chính cắt giảm chi tiêu như UBND và cơ quan nhà nước các cấp, nhưng Nhà nước với số vốn chi phối của mình, nếu thực sự quyết tâm, có thể áp đặt y’ chí cắt giảm đầu tư những dự án chưa cần thiết lên các tập đoàn này.
Cho đến giờ, vẫn chưa có vẻ gì mảng này sẽ được động đến. Thay vào đó là những lời biện hộ cho việc đầu tư tràn lan ngoài ngành và những con số khó tin từ bộ Tài chính trong lần giải trình gần đây trước Quốc hội: “"Trong năm, có một số tập đoàn và tổng công ty Nhà nước đầu tư ra ngoài DN, đặc biệt là đầu tư vào một số lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản, nhưng tổng giá trị đầu tư chỉ bằng 1,85% vốn chủ sở hữu và bằng 0,78% giá trị tổng tài sản.Với con số này thì tình hình chung chưa có vấn đề gì nguy hiểm", Bộ trưởng Ninh quả quyết. Ông Ninh cho rằng, tổng số vốn các DN "con cưng" này đầu tư vào chứng khoán chỉ khoảng 1.061 tỉ đồng, chiếm 0,31% vốn chủ sở hữu và bằng 0,13% giá trị tài sản.” (Thanh Niên 31/05/08) . Phải chăng đây chỉ là những con số mà các tập đoàn đầu tư trực tiếp, chưa tính đến phần đầu tư của hàng loạt các công ty con, công ty góp vốn mà tập đoàn đã lập ra để đầu tư trong những năm vừa qua?
Năng lực
Đến thời điểm này, cái thắng chi tiêu công và đầu tư từ các tập đòan NN chưa được sử dụng quyết tâm. Còn cái thắng tiền tệ đã được áp dụng hết khả năng của nó. Các công ty hầu như không còn có khả năng vay tiền, hoặc phải vay với một lãi suất nguy hiểm trên 20%/năm. Vậy mà giá cả vẫn tiếp tục tăng. Ở đây việc tăng giá hàng hóa có lẽ phải giải thích bằng sự yếu kém của cái thắng khác_ năng lực quản ly’ của nhà nước trong khâu phân phối và chống đầu cơ.
Có một sự buông lỏng quản ly’ trong việc kiểm soát tính minh bạch của khâu phân phối trong nhiều năm qua, mà nguyên nhân hẳn gắn liền với lợi ích của một số nhóm người có quyền lợi liên quan. Giá thuốc trong nhiều năm đã là một vấn đề nhức nhối không quản ly’ được (mặc dù múôn quản ly’ nó có vẻ không khó lắm). Giá xi-măng và sắt thép bị chi phối bởi một nhóm các đại ly’. Tình trạng này có vẻ đã quá lan tràn đến nỗi nó đã có thể xảy ra ở ngay cả với mặt hàng kô thiết yếu, của 1 cty tư nhân nước ngòai_ hãng xe Honda với dòng xe Air Blade.
Sự câu kết lũng đoạn trong khâu phân phối hình thành từ trước cộng với yếu tố đầu cơ đang ngày càng có thêm momentum gần đây đã làm cho giá hàng hóa vẫn giữ ở mức cao một cách méo mó bất chấp quy luật cung-cầu. Trong tình hình các dự án xây dựng đều giãn hoặc tạm ngừng thi công thì xi-măng vẫn tiếp tục khan hiểm, giá tăng lên đến gần 80-100%?!, giá sắt thép vẫn lên cao trong khi phôi thép ứ đọng và phải xuất khẩu bớt.
Đã đến lúc chính phủ cần cấp bách chấn chỉnh lại khâu phân phối để chống đầu cơ và lũng đoạn giá trước khi toàn xã hội chạy đua tích trữ như thời trước những năm 1989. Có thể bắt đầu bằng biện pháp hành chính_ rà soát và trám lại những lỗ hổng trong luật để ngăn chặn tỉnh trạng lũng đoạn và đầu cơ trong phân phối. Trước mắt khi thời hạn ghim giá đến cuối tháng 6 sắp hết, chính phủ nên đưa ra những quy định tạm thời về việc thời hạn tối đa găm giữ hàng và áp dụng biên độ dao động giá bán cho phép theo từng quy’ một cách hợp lý, kèm theo lộ trình áp dụng những hình thức xử phạt thật nghiêm. Việc này cũng sẽ đòi hỏi nhiều quyết tâm của chính phủ, nhưng vấn đề nằm ở năng lực điều hành là chủ yếu.