Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Christopher Alexander và Về Bản chất của Trật tự_ Phần 7 & Kết

Một ví dụ về quá trình sự sống trong xây nhà


Dưới đây là giới thiệu lược giản quá trình Alexander xây căn nhà cho gia đình Upham vào năm 1993, được ông thuật lại chi tiết ở trong quyển 2 của bộ The Nature of Order. Nó giúp minh họa cụ thể cách mà hình hài căn nhà khai mở như thế nào cũng như phương pháp ông đề xuất có những điều nào giống và khác với các quy trình hiện hành trong ngành xây dựng-kiến trúc. Có vài điểm quan trọng cần lưu ý trước khi đánh giá phương pháp của ông qua ví dụ này.


  • Không phải công trình nào cũng đòi hỏi mức độ công phu như ở đây. Với một tiêu chuẩn khiêm tốn hơn, người ta thường không phải sửa chữa gì nhiều trong quá trình xây dựng mà vẫn có được một căn nhà ổn.

  • Có rất nhiều thay đổi kể cả thay đổi lớn trong suốt quá trình xây nhà Upham. Thay đổi trong lúc xây nhà, theo quy trình thông thường, đồng nghĩa với tốn kém, bực mình và mất thời gian. Nhưng ở đây không phải là loại thay đổi theo kiểu xây xong rồi đập ra sửa lại, thường xảy ra khi một sai sót thiết kế nhỏ ban đầu được để nguyên đến khi nó trở nên nghiêm trọng không sửa không được. Ông dùng những mock-ups, mô hình dựng lên tại chỗ bằng vật liệu rẻ tiền để xác nhận hình dạng thế nào là tốt nhất trước. Sau đó họ xây đúng như mock-ups. Tiếp, họ tập trung làm tốt nhất cái tiếp theo dựa vào những gì có sẵn chứ không quay lại chỉnh sửa cái đã xây xong. Đây là step-wise process, ở mỗi bước đều dựa vào những gì đang có để cố gắng làm đẹp nhất cái tiếp theo. Theo thực tiễn những công trình trung tâm CES của Alexander xây cho khách hàng, phương pháp này hoàn toàn không tốn kém hơn cách xây dựng thông thường.
  • Cần nhắc lại, loại cảm giác mà Alexander hướng tới là cảm giác về sự sống, về tính toàn thể (Xem Phần 3_ Sự sống hay tính toàn thể) Nó được chứng minh là ổn định và khá thống nhất giữa những người khác nhau. Nó khác với loại cảm giác đẹp xấu đến từ gu thẩm mỹ, từ lý luận hay cảm hứng là những thứ dễ thay đổi theo người và theo thời điểm. Nếu hiểu cảm giác theo nghĩa sau, tức nghĩa ta vẫn dùng thông thường, thì sẽ dẫn đến hiểu sai phương pháp và kết quả sẽ không tránh khỏi thay đổi xoành xoạch, xây xong rồi phải đập ra sửa lại trong lúc xây dựng.




Mảnh đất vườn trước khi gia đình Upham mua lại để xây
Mảnh đất này có một khu vườn xinh xắn nằm phía trên một cung đường cong. Mảnh vườn có ý nghĩa rất nhiều đối với cải khu phốyên tĩnh này. Ông nhận thấy để chèn thêm một căn nhà ở đây mà vẫn bảo tồn cái cấu trúc và tính toàn thể của khu vực, ông sẽ phải tìm một cách nào đó để hình dạng và vị trí căn nhà sẽ xây không phá hỏng vẻ đẹp của khu vườn và cái cách mà nó làm đẹp cho con đường.


Model đầu tiên của khu nhà trên địa hình mảnh đất vườn

Theo Alexander, model lúc đầu rất cần phải thật thô thật dễ làm dễ sửa. Một mô hình làm cẩn thận, chi tiết sẽ khiến cho cho việc thay đổi nó khó khăn hơn, ít sáng tạo hơn. Nguy hiểm hơn, một mô hình chi tiết nó sẽ chứa những quyết định về hình dáng tùy ý mà không phải từ quá trình khai mở từng bước của căn nhà. Với một cảm giác lờ mờ về tính cách của ngôi nhà và ý tưởng về khối tích và form ban đầu của công trình, ông cùng cộng sự quay lại miếng đất, cắm những cây cọc để dựng nên khung hình khối của nhà theo đúng kích thước thật. Lúc đó, họ nhận ra những bậc dốc trồng hoa ở đây đẹp hơn là hình dung trước đây. Cái ban công trong ý tưởng ban đầu chừa một chỗ quá hẹp cho nó. Họ chỉnh lại vị trí những cây cọc để chừa ra một mảnh sân rộng rãi hơn. Cũng trong lúc khảo sát ở hiện trường như vậy, hình ảnh một căn phòng có tường vòng cung bắt đầu nhen nhóm trong đầu. Tương tự, lúc này họ cũng cảm thấy hướng tiếp cận căn nhà tự nhiên nhất phải là từ góc sân phía tây dù nó không thuận với con đường giữa garage và nhà. Tiếp theo là quá trình chỉnh sửa mô hình, hoàn thiện hơn thiết kế từ những hiểu biết tại hiện trường, rồi dựng lại khối nhà bằng cọc tạm ở hiện trường, để đi đến mô hình cuối cùng. Nhóm của Alexander đã lên những căn nhà xung quanh phía trên đồi, nhìn từ tất cả cửa sổ ở đó ra xem cái khung nhà tỷ lệ thực đặt ở vị trí nào, độ cao nào sao chỗ căn nhà mới làm đẹp hơn không gian và view từ những cửa sổ hàng xóm thay vì phá hỏng chúng.  Song song đó, họ bắt đầu thử các thiết kế khác nhau bằng mô hình giấy lẫn xây thử bằng vật liệu thật tại hiện trường. Alexander vẫn thiết kếtheo trình tự chung từ cái lớn đến cái bé nhưng ông không răm rắp theo con đường này. Trong lúc cái thiết kế lớn chưa hoàn tất, ông đã bắt nghiên cứu những chi tiết nhỏ như cửa chính, tường, thậm chí chi tiết gạch ốp trang trí dựa theo những gợi ý đến với ông từ hiện trường đó. Ông thuật lại nhiều khi những đột phá ở khi thiết kế một chi tiết mang lại hiểu biết sâu sắc về cá tính căn nhà và giúp đột phá trong thiết kế cái tổng thể căn nhà. Dần dần cảm giác về tính cách của căn nhà nẩy nở rõ ràng hơn. 


Ướm thử mô hình cửa chính được làm rất chi tiết tại công trường
Mock-up bằng carton đầu tiên dựng nên để thử các form, màu sắc khác nhau. Các mẫu tường xây thử nghiệm khác nhau để hình dung cảm giác bề mặt và thiết kế của tường
Dưới đây là mô hình của khối nhà cuối cùng trước khi bắt tay vào xây dựng. Từ mô hình này, họ lập nên bản vẽ căn nhà để xin phép xây dựng. Ông nhấn mạnh là mô hình & vị trí các cây cột nhà được quyết định trước, bản vẽ theo sau. Bản vẽ phụ thuộc vào cây cọc thực tế, chứ không phải ngược lại.


Mô hình thô cuối cùng của khối nhà, trước khi bắt tay vào xây

Alexander cũng sẵn sàng thú nhận là dù trên bản vẽ xây dựng đã an bày vị trí các phòng, ông không thể biết chắc là cảm giác ở đó thế nào. Thậm chí ở tầng hai, ông hầu như không có cảm hứng gì đặc biệt khi sắp xếp chúng. Đối với ông, không có ai và không có cách nào khác biết sâu sắc hết những thứ đó. Mỗi thứ sẽ diễn ra từ từ, và ở mỗi bước, ông sẽ có đủ thông tin và hiểu biết để làm bước kế tiếp tốt nhất. Khi đổ xong nền nhà, cả nhóm sẽ đi lại trên đó, vẽ phấn nơi mà theo bản vẽ sẽ là những tường ngăn. Đây là lần đầu tiên họ mới thực sự có cảm giác rõ ràng cách ngăn phòng có hợp lý không. Vài bức tường ngăn sẽ được dịch đi vài inches. Điều quan trọng lúc này là làm sao ở cả hai bên tường ngăn, từng căn phòng đều đẹp và người ta thấy thoải mái ở đó. Sau đó nhóm dựng tường ngoài. Họ tạo những cốp pha cột di động để dễ bề chỉnh vị trí cây cột đó so với bản vẽ nếu cần. Khi đã hài lòng ở vị trí cuối cùng, họ cố định cột rồi mới đổ bê tông vào cốp pha.

Thử đi lại giữa các phòng xem vị trí cửa nào là tốt nhất với ô gần cửa sổ

Cả nhóm quanh lò sưởi. Cảm nhận xem đó có phải là chỗ làm họ thấy thoải mái nhất so với view, cửa phòng, độ lớn phòng hay không. Kích cỡ lò sưởi có ổn không.

Và họ lặp lại cách làm như thế cho cả căn nhà. Khi nền nhà xong, họ quyết định tiếp làm đẹp hơn từng phòng, từng cây cột nhà, từng cửa sổ. Trong quá trình đó, bản vẽ chỉ là gợi ý. Họ luôn sẵn sàng thay đổi khi ở đó họ cảm thấy có gì không phù hợp, hoặc có gì làm cho không gian đó đẹp hơn hẳn mà lúc vẽ họ không nhận ra. Căn nhà dần dần khai mở theo cách của nó, đôi khi theo một cách bất ngờ. Nhưng do không cố bám theo một hình ảnh cụ thể nào đó, chuyện thay đổi đối với họ là một phần tất yếu để căn nhà đẹp hơn, thay vì là một điều gây stress.


Bản vẽ tầng 1 cuối cùng để nộp Sở xây dựng Berkeley (Trái).  Và bản vẽ tầng 1 thực tế khi xây xong (Phải).



Dưới đây là loạt ảnh hoàn thiện của căn nhà Uphams. Những công trình của Alexander thoạt trông có vẻ không hiện đại nếu như hiểu hiện đại nghĩa là những cái form độc đáo được kỹ thuật kết cấu tiến bộ cho phép, hay vật liệu tân kỳ xa lạ. Thế nhưng bên dưới cái vẻ tầm thường, tưởng như sơ sài là một thứ chất lượng không gian sống mà hầu như tất cả những sự tiến bộ của thời bây khó có thể tạo ra được. Căn nhà toát lên một sự thoải mái đầy sức sống. Không chỉ là ta cảm giác thoải mái khi ở trong nó, mà chính căn nhà tự nó như cũng đang thoải mái (relaxed), duyên dáng hài hòa mà vẫn độc đáo khác biệt. Cũng giống như sự sống ngoài tự nhiên rất hiếm khi phải gồng mình để đẹp.


Ban-công phụ
Sảnh vào. Sảnh được chỉnh lại rộng hơn dự tính ban đầu để có chỗ thêm vào ô sáng xung quanh cửa. Nguyên do tại công trình họ thấy ánh sáng nếu chỉ từ cửa vào như thiết kế ban đầu sẽ không đủ cho phòng sảnh này đẹp.
Phòng khách nhỏ và mãnh liệt sức sống. Từng khung cửa, từng nẹp cửa, pattern trên trần nhà, trên cột nhà đều được họ thiết kế, thử bằng mô hình (giấy, ruy-băng,v.v..)  tại công trình trước khi hoàn thiện. Những cây cột này cũng được ướm thử và xê dịch trước khi cố định. Thay vì chia đều các ô cửa sổ, họ nhận thấy là khi để các cửa sổ ở giữa rộng hơn chỉ một chút so với cửa sổ ở hai biên, cảm giác căn phòng trở nên hay hơn rất nhiều.

Phòng ăn & bếp có lẽ là một phòng khai mở ra tuyệt nhất. Thiết kế ban đầu (bản vẽ nộp xây dựng) sắp đặt một phòng ăn và bếp ở góc phía Tây, bên ngoài phòng sẽ làm một mảnh sân có chỗ ngồi ngắm xuống đường. Khối phòng này có vấn đề là bởi hình dáng cắt khúc chữ L nên dễ có cảm giác ngăn cách giữa khu bếp và khu ăn. Sau khi đổ nền xong, ông mới thấy căn phòng này vẫn chưa ổn nhất. Tại đó họ quyết định bỏ luôn sân ngoài (bởi ngồi thử ở ngoài đó cảm giác hơi chật, và thường người ta cũng ít ngồi như vậy) để làm giàu hơn rộng hơn không gian ở phòng ăn & bếp. Đồng thời, một thay đổi trước đó về kết cấu tường chịu lực để cho phòng sảnh cạnh bên sáng sủa hơn cũng dẫn đến đòi hỏi thay đổi tường ở phòng ăn bếp. Kết quả là họ có một căn phòng rất khác so với thiết kế ban đầu.


Từ phòng bếp nhìn ra, bàn ăn góc bên trái cạnh cửa sổ
Phòng ăn
Không gian cả trong phòng bếp và bên bàn ăn toát ra một chất lượng sức sống rất mãnh liệt mặc dù nó trông đơn sơ mộc mạc, ở đây thiếu hoàn toàn những cố gắng tạo điểm nhấn thị giác theo cách thông thường. Chất lượng đó thật đến mức ta tưởng như có thể chạm được nếm được. Cái lò nướng cũng là kết quả tuyệt vời của quá trình khai mở từng bước, mà nếu áp đặt trước trên bản vẽ và làm đúng y như vậy sẽ hiếm khi đạt nổi. Chỉ cần xoay cửa lò một góc nhỏ, hoặc dịch chuyển vị trí của lò đi dăm mười cm, hoặc làm to hơn một chút là nó sẽ chia cắt căn phòng thành hai khu tách biệt không liên quan gì với nhau. Thay vì như hiện giờ, nó vừa kết nối, vừa phân định, rồi lại kết nối hai khu với nhau một cách hết sức uyển chuyển.

Cảm giác phố quát (common sense) kiểm soát quá trình tạo hình căn nhà. Nó có hình dạng như vậy là từ quá trình khai mở từng bước, không bị quan tâm đến Hình ảnh cuối cùng (Image) mà đến Thực tế.




Tạm kết Chỉ vì xây một căn nhà đẹp, Alexander đã phải biến mình thành nhà vũ trụ học. Nhưng ông không lập dị hay đơn độc như vài chục năm trước. Những lý thuyết và phát hiện của ông tìm được ngày càng nhiều sự quan tâm và tiếp bước nghiên cứu trong ngành khoa học thiết kế và ngành khoa học mới về hệ phức (vd, những hệ sinh thái, xã hội, big-data, internet, não bộ, thị trường, đô thị, khí hậu, ...). Hy vọng qua phần giới thiệu về Christopher Alexander và bộ The Nature of Order ở đây, ta có thể bắt đầu một cái nhìn mới đầy thú vị. Nó hứa hẹn chỉ ra những minh triết cổ xưa trong các công trình kiến trúc truyền thống tưởng chừng lạc hậu, những quy luật thâm trầm bên dưới một đô thị tự phát hữu cơ, những trật tự có tính cấu trúc bên dưới thế giới hiện tượng. Nó chỉ ra đầy thuyết phục rằng thẩm mỹ không phải là thứ vec-ni của các bố cục trừu tượng, mà nó xuất hiện từ cấu trúc thẳm sâu thông qua một quá trình. Với Alexander, con đường đi tìm Chân, Thiện, Mỹ tưởng đã phân ly giờ lại có cơ hội gặp nhau.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Christopher Alexander và Về Bản chất của Trật tự_ Phần 6

Phương pháp generative

Christopher Alexander: Judo Hall, Eishin Campus, Tokyo
 "Alexander cho rằng cần phải có một quá trình phát triển thích hợp mà ông gọi là quá trình biến đổi bảo toàn cấu trúc. Đó là quá trình biến đổi (transform) và thích ứng (adaptation) dựa trên điều kiện hiện tại nhằm tạo nên một cái toàn thể (the wholeness). Ông triển khai quá trình generative với những thuộc tính được nhà nghiên cứu đô thị Michael Mehaffy trình bày như sau:

  • 1.    Luật xác định quá trình phát triển lần lần, quá trình generative
  • 2.    Luật quy định rằng trong quá trình này, hành động của con người sẽ theo các quy luật, phối hợp với các đánh giá dựa trên cảm xúc trong việc thích ứng với cái đã có trước.
  • 3.    Tại mỗi bước luật dựa trên các điều kiện-đã-trở-thành-hiện-tồn lúc đó như một tổng thể.
  • 4.    Tại mỗi bước nó xác định phần yếu nhất của cấu trúc và hành động để cải thiện và tăng cường cấu trúc.
  • 5.    Tại mỗi bước nó có thể áp dụng các kiểu mẫu và các giải pháp đã được luật hóa trước đó và thay đổi chúng theo điều kiện mới.
  • 6.    Tại mỗi bước nó phân biệt không gian theo một sơ đồ gọi là các “trung tâm”
  • 7.    Các trung tâm được phân biệt thông qua 15 quá trình biến đổi duy trì cấu trúc
  • 8.    Cơ sở hạ tầng theo sau. Giống như quá trình biến đổi hình thức của cơ thể sống (morphogenesis), các mô được hình thành trước, sau đó là các mạch máu. Các kiểu mẫu nhân văn (human pattern) và không gian nhân văn phải đi trước sau đó mới là đường sá, mạng lưới đường ống thoát nước, và những thứ tương tự theo sau chứ không phải ngược lại.
  • 9.    Sự biểu hiện thị giác theo sau. Các kiểu mẫu và không gian nhân văn đi trước, các công trình biểu hiện thị giác và các công trình tạo điểm nhấn theo sau chứ không phải ngược lại. Nếu không chúng ta chỉ đơn giản buộc mọi người sống trong các khối điêu khắc không liên hệ, xa lạ.
  • Vào cuối mỗi chu kỳ, kết quả được đánh giá và chu kỳ được lặp lại. " (*)

Christopher Alexander: Nội thất trong Hội trường lớn, Eishin Campus, Tokyo

Ứng dụng của quy trình generative trong các công trình kiến trúc

Phương pháp generative đi ngược với tư duy thiết kế dựa vào hình ảnh (image-based design thinking) đương thời mà thể hiện rõ nhất qua sự chú trọng ngày càng lớn vào hình ảnh cuối cùng và vào các bản vẽ của nó. "Nếu bạn tạo ra ngay một lúc toàn bộ một công trình lớn chỉ dựa vào một "ánh chớp cảm hứng thiên tài" thì khi nó sai, nó sai theo cả nghìn cách khác nhau. Ngược lại, phương pháp thiết kế từng bước cung cấp phương pháp luận và cơ chếkiểm tra để sửa những sai sót trước khi sai sót nhỏ trở nên nghiêm trọng. Ngay cả chỉ một căn nhà nhỏ cũng là sản phẩm của rất nhiều các quyết định thiết kế. Về mặt toán học, không cách gì có thể ra từng ấy quyết định vào ngay một lúc mà thành công." (**)
Alexander không đồng ý việc ngành kiến trúc đặt nặng vào bản vẽ còn KTS ngày càng đấu tranh sống mái để căn nhà xây lên đúng y đúc như bản vẽ của mình. Thứ nhất bởi vì bản vẽ luôn chứa trong đó nhiều quyết định tùy ý, nhiều giả định mà người ta chỉ có thể kiểm chứng được khi chính họ ở trong môi trường 3D thực. Tại sao anh vẽ cửa sổ như thế này, ở chỗ này, cao như vậy mà không cao hơn một chút, hay dịch qua bên trái một chút? Có rất nhiều khi những quyết định như vậy xuất hiện trong bản vẽ không phải bởi vì vị trí cửa sổ ở đó với kích thước đó là lựa chọn đẹp nhất cho ánh sáng và không gian trong phòng mà bởi vì người ta thấy là_trên bản vẽ_ nó đẹp, hoặc đơn giản là ngay cả khi người ta chưa chắc cái cửa sổ đó phải như thế nào mới đẹp nhất nhưng họ vẫn cần phải vẽ một cái cửa sổ ở đó đã. Thứ hai, bởi vì trong bản vẽ chứa đựng rất nhiều những quyết định tùy ý như vậy, thay vì để cho quá trình xây nhà khai mở từng bước rồi ở mỗi giai đoạn xác nhận hoặc chỉnh sửa những quyết định sai lầm trên bản vẽ, nếu có, theo hoàn cảnh không gian thực tế, thì việc khăng khăng giữ theo bản vẽ chỉ khiến cho mật độ những quyết định sai giữ lại trong hình dáng căn nhà cao hơn.  
Trong thời đại vẽ máy phát triển vượt bậc, ta có thể nghĩ rằng vấn đề khác biệt giữa bản vẽ và thực tế chỉ là chuyện nhỏ, dễ dàng được khắc phục bằng nhiều phối cảnh 3D, kể cả 3D tương tác động. Nhưng không phải hoàn toàn như vậy. Mặc dù bản vẽ và phối cảnh giúp ích rất nhiều trong việc hình dung vật thể được thiết kế, có những thứ chỉ có thể cảm giác được trong môi trường không gian thực, đặc biệt là hình dung về chất lượng không gian bên trong và ngoài vật thể. 

Bản thân tôi đã trải qua một kinh nghiệm như vậy trong lần đi sắm xe ô tô gần đây. Mặc dù tôi đã xem qua hình ảnh thật và cả video của những mẫu xe khác nhau, không gì so sánh được với cảm giác ngồi ở bên trong chúng. Cảm giác nó rộng rãi, chật hẹp, sáng, tối, vững vàng và thoải mái như thế nào khác nhau với từng mẫu xe và chỉ có thể cảm nhận chắc chắn lúc ngồi ở bên trong. Tôi đặt mua một mẫu xe thỏa mãn tiêu chí của mình. Vài ngày sau, trong lúc chờ nhận xe, tôi quay lại salon đóng tiền và nhân tiện ngồi lại vào chiếc xe mẫu mà mình sắp có được. Cũng chiếc xe hôm trước tôi ngồi thử nhưng sao lần này thấy lạ quá. Khi tôi ngồi thả lỏng dựa lưng vào ghế ôm vô lăng thì không sao, nhưng mỗi lần ưỡn người ngồi thẳng lưng hoặc rướn lên trước để làm gì đó thì đầu chạm vào nóc xe thật vướng víu khó chịu. Tôi chỉnh ghế lùi ra sau nhưng nó ko giúp ích được bao nhiêu. Ngay phút đó, một cảm giác sững sờ và gò bó kinh khủng ập đến. Làm sao có thể lái xe cả đoạn đường dài mà chỉ được ngồi khòm khòm lưng tựa vào lưng ghế dù là ghế êm cách mấy đi nữa? Thật không thể tin nổi tôi đã đặt mua một chiếc xe kinh khủng này, đặc biệt thật mỉa mai khi tôi đã chú ý ngồi thử trong nó và lắng nghe cảm giác của mình!? Loay hoay một lúc sau, tôi mới phát hiện ra chiếc ghế tôi ngồi ngoài chỉnh hướng tới lui còn có thể điều chỉnh cao thấp. Một vị khách nào đó trước tôi khi ngồi thử trên xe đã chỉnh ghế lên cao vài cm để vừa tầm mắt họ nhưng lại khiến nó trở nên quá cao với tôi. Tôi chỉ việc hạ ghế xuống và mọi thứ lại trở nên hoàn toàn ổn thỏa. Vấn đề là ngay cả khi tôi có xem có vô số hình ảnh hay bản vẽ nội thất xe, không có gì giúp tôi nhận ra được, giữa rất nhiều các chi tiết nội thất đó, độ cao của ghế xe như trong ảnh có đúng hay sai và nó sẽ ảnh hưởng đến mình thế nào. Ngay cả khi một người có năng lực đọc bản vẽ và hình dung hình dáng cuối cùng của vật thể rất tốt, người đó cũng khó có thể hình dung được cảm giác ở những vị trí khác nhau bên trong vật thể đó như thế nào. Nếu như từng đấy hình ảnh của một sản phẩm được trau chuốt kỹ như xe ô tô còn không giúp ta biết được hết, thì liệu vài bản vẽ, vài phối cảnh máy tính của căn nhà có đủ cung cấp thông tin cần thiết để ta quyết định xây đúng y đúc như vậy không?

Một vấn đề nữa của phối cảnh máy tính là phần lớn nó bị sử dụng sai. Thay vì là một công cụ giúp KTS thử nghiệm những hình dạng khác nhau một cách chân thực nhất có thể, không ít phối cảnh 3D chỉ được sử dụng như một công cụ để trình bày (presentation), được dựng nên khi hình dạng căn nhà đã được quyết định xong và chỉ nhằm mục đích minh họa và thuyết phục chủ đầu tư. Nhiều lúc người ta dùng chiêu trò phối cảnh, bầu trời acid rực rỡ, ánh sáng không thực tế, v.v… để ‘photoshop’ khiến hình ảnh căn nhà trở nên long lanh hấp dẫn hơn và càng xa rời thực tế hơn. Theo Alexander, người ta phải vượt qua ham muốn kiểm soát hình dạng cuối cùng của một công trình, nếu muốn nó thực sự là một công trình sống. Bản vẽ vẫn cần thiết để định hướng căn nhà và để đáp ứng cái đòi hỏi của quy trình xây dựng hiện hành, nhưng chúng chỉ nên là gợi ý. Ở mỗi bước của quá trình xây nhà, người ta cần phải ở đó xem xét và lắng nghe ở không gian thực cái gì là bước tiếp theo hợp lý nhất, làm tăng sự sống của căn nhà nhất, đảm bảo tính toàn thể nhất. Điều này nghe có vẻ viển vông nhưng Alexander không chỉ là một nhà nghiên cứu lý thuyết, ông còn là kiến trúc sư đứng ra trực tiếp xây dựng những công trình theo phương pháp của mình.
Ông gay gắt: " Từ thế kỷ 20 hình ảnh có một quyền năng đặc biệt là nó không phục tùng thực tếvà thậm chí thường là quan trọng hơn thực tế... Những công trình kiến trúc được đánh giá _ ít nhất là bởi các thành viên trong ngành- qua cách nó xuất hiện trên các tạp chí hơn là qua sự hài lòng của những người dùng nó" "Images in the 20th century had a unique power where image became divorced from reality, and often more important than reality... Buildings were judged - at least by members of our own profession - more by the way they looked in magazines than by the satisfaction people felt when using them."

Christopher Alexander: khối nhà khu Cao đẳng, Eishin Campus, Tokyo



Ứng dụng của quy trình generative trong thiết kế đô thị và những lĩnh vực khác
Đô thị cổ Hội An. Ngôn ngữ kiểu mẫu hiện diện rõ rệt, phản ánh pattern sống của người cảng thị một thời. Ở đây có quy trình generative, có sự khai mở từng bước, có thích ứng (adaptation) tại chỗ. Một cái-toàn-thể đẹp & có sự sống

Các đô thị truyền thống cung cấp rất nhiều chất liệu thực tiễn quý giá cho việc nghiên cứu quá trình generative và ứng dụng trong quy hoạch đô thị mới để tạo ra những đô thị đẹp, giàu sức sống.
Ở Việt Nam, có thể tiếp nhận nhiều kiến thức bổ ích về phương pháp này qua Giáo trình thiết kế đô thị_ Phương pháp generative và Ngôn ngữ Kiểu mẫu, 2016 do T.S. Nguyễn Hồng Ngọc_ Đại học Đà Nẵng biên soạn. Ông nghiên cứu chuyên sâu vào các hình thức đô thị bền vững, các luật generative và luật dựa trên hình thức trong thiết kế đô thị; và có nhiều bài giới thiệu về phương pháp generative có thể tham khảo trên blog http://qhdt.blogspot.com


Một rặng san hô do máy tính generate ra (ko phải vẽ ra). Với hiểu biết sâu sắc về thuộc tính tỷ lệ và hình học tương đồng, con người có thể kiến tạo những cấu trúc sống động sâu sắc đến mức ta có thể nhầm đây với 1 cảnh tự nhiên. Prokofiev@wikimediacommons


Tham khảo:
(*) Giáo trình thiết kế đô thị_ Phương pháp generative và Ngôn ngữ kiểu mẫu, Nguyễn Hồng Ngọc, 2016

(**) The "Wholeness-Generating" Technology of Christopher Alexander. Michael Mehaffy and Nikos A. Salingaros http://www.metropolismag.com/Point-of-View/October-2011/The-Wholeness-Generating-Technology-of-Christopher-Alexander/

Christopher Alexander và Về Bản chất của Trật tự_ Phần 5

Mười lăm thuộc tính hay mười lăm phép biến đổi của quy trình sự sống


Khi xem xét thế giới tự nhiên, từ hòn đá vô cơ đến hệ sinh thái phức tạp, từ cấp độ vi phân tử cho đến các vật thể ở tầm vũ trụ, Alexander phát hiện ra về mặt hình học tất cả chúng đều có một hoặc một vài thuộc tính lặp đi lặp lại trong tổng cộng 15 thuộc tính

Ông không khẳng định rằng dứt khoát chỉ có 15 thuộc tính mà thôi nhưng từ nghiên cứu trong vòng 27 năm từ khi hoàn thành Một ngôn ngữ kiểu mẫu ( A Pattern Language_ viết tắt APL) đến khi viết Về bản chất của Trật tự (The Nature of Order_ viết tắt NOO), ông cho rằng số lượng thuộc tính cơ bản nằm ở khoảng đó, không phải là một vài cũng không phải hàng trăm.  (*)
Dưới đây là tên gọi của các thuộc tính.
  • 1.    Các mức tỷ lệ (Levels of scale)
  • 2.    Các trường trung tâm mạnh (Strong centers)
  • 3.    Các đường biên dày (Thick bounderies)
  • 4.    Sự lặp xen kẽ (Alternative repetition)
  • 5.    Không gian tích cực (Positive space)
  • 6.    Hình dạng tốt (Good shape)
  • 7.    Đối xứng cục bộ (Local symmetries)
  • 8.    Đan xen chặt và sự nhập nhằng (Deep interlock and ambiguity)
  • 9.    Sự tương phản (Contrast)
  • 10.  Sự chuyển dần (Gradient)
  • 11.  Sự thô ráp (Roughness)
  • 12.  Tiếng vọng (Echoes)
  • 13.  Khoảng trống (The void)
  • 14.  Mộc mạc và tự tại  (Simplicity and Inner Calm)
  • 15.  Không phân ly  (Not-separateness)


Sương đọng trên mạng nhện.  Thuộc tính Các mức tỷ lệ, Trường trung tâm mạnh.

Trái: "Không gian tích cực" ở cấu trúc tế bào trong mô gỗ.  Phải: "Hình dạng tốt" trong một ngọn sóng bạc đầu

Hình dạng khác nhau của những tinh thể tuyết hình thành tự nhiên. Chú ý đến sự đối xứng ở bậc thứ hai ở từng cánh của ngôi sao tinh thể khiến mỗi cánh trông rất giống nhau, trong khi không có lý do cơ học nào rõ rệt giải thích được điều này. Thuộc tính: đối xứng cục bộ

Ở trong NOO, Alexander đưa ra rất nhiều dẫn chứng cho chúng mà ở khuôn khổ bài này khó có thể giới thiệu chúng xứng đáng.

Để minh họa cho tất cả các thuộc tính xin xem trên blog http://qhdt.blogspot.com và Giáo trình thiết kế đô thị (*), hoặc ở trang tiếng Anh này http://www.tkwa.com/fifteen-properties/ . Tương tự với khái niệm Trường trung tâm  là một khái niệm quan trọng để hiểu rõ về tính toàn thể (the wholeness).

Điều đặc biệt chúng không chỉ là 15 thuộc tính (tĩnh) mà theo ông, còn là 15 phép biến đổi hình học (động) bảo toàn cấu trúc (structure-preserving transformation). Ông chỉ ra rằng trong quá trình thế giới tự nhiên vận động, chúng biến đổi hình dạng theo một hoặc vài trong số 15 phép biến đổi này. Từ 15 phép biến đổi này mà thế giới tự nhiên có được muôn hình vạn trạng đẹp đẽ sống động của nó.

Hay nói một cách khác, nếu như những nhà khoa học chuyên ngành đi tìm các quy trình lý, hóa, sinh, thiên văn, v.v.. để giải thích sự vận động biến đổi của đối tượng quan sát thì lý thuyết này của Alexander cung cấp một cách tiếp cận mới việc nghiên cứu sự biến động của tất cả các đối tượng ở góc độ cấu trúc hình học, qua các quy trình biến đổi bảo toàn cấu trúc. 


Vài hình ảnh về công trình trường trung học và cao đẳng Eishin do Alexander thiết kế.
Trường trung học và cao đẳng Eishin, gần Tokyo.
Các thuộc tính: không gian tích cực giữa các tòa nhà. Các mức tỷ lệ. Đối xứng cục bộ.  Khoảng trống. Tiếng vọng. Mộc mại và tự tại. Thô ráp


Trường trung học và cao đẳng Eishin, gần Tokyo
Các thuộc tính: đường biên dày, sự lặp xen kẽ, đối xứng cục bộ

Xem thêm hình ảnh của Eishin campus ở Katarxis3 http://www.katarxis3.com/Gallery/community/community.htm

Kartaxis3 là tạp chí online do một số nhà khoa học hàng đầu thế giới thuộc nhiều lĩnh vực như vật lý, sinh học, kiến trúc thành lập. Trong đó có những gương mặt rất nổi tiếng như giáo sư Nikos Salingaros, GS toán và vật lý ĐH Texas tại San Antonio, nhà đô thị học được tạp chí quy hoạch Planetizen chọn là người thứ 11 có ảnh hưởng nhất trong quy hoạch đô thị, Michael Mehaffy, nguyên Giám đốc chương trình Đào tạo của Quỹ giáo dục của thái tử Charles, GS thỉnh giảng ĐH Arizona State University, nhà sinh học nổi tiếng Brian Hanson, và đặc biệt là Lucien Steil, tổng biên tập của tạp chí Nature. (*)


* trích Giáo trình thiết kế đô thị_ Phương pháp generative và Ngôn ngữ kiểu mẫu_ viết tắt Giáo trình TKDT)

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Christopher Alexander và Về Bản chất của Trật tự_ Phần 4

Quá trình khai mở (Unfolding process)

Có rất nhiều hệ quả quan trọng từ quan điểm cho rằng sự sống tồn tại ở cấu trúc không gian. Trước hết, cái đẹp là cái chứa trong mình sự sống mãnh liệt. Một thứ gì đó đẹp khi sự hiện diện của nó cái cấu trúc đó ở gần con người làm cho người đó cảm thấy có kinh nghiệm sống sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn. Đi tìm kiếm cái đẹp, đối với Chris Alexander, chính là đi tìm sự sống.

Thứ hai, người ta có thể tạo ra những công trình có sự sống bằng cách lắng nghe cảm giác của mình và bằng những hiểu biết về Quy trình của sự sống (Living process). Để đạt được sự sống trong một cấu trúc nhân tạo (ví dụ như căn nhà, con đường, đô thị, ), có nhiều thứ có thể học được từ sự sống sinh học và từ các quy trình sự sống trong thế giới tự nhiên.

Khi quan sát tự nhiên, Christopher Alexander (NOO 2002) nhận thấy rằng tự nhiên luôn luôn tiến hóa theo quá trình phát triển từng bước (stepwise process), mỗi quá trình phát triển luôn trên nền tảng của cái đã có trước đó và luôn luôn theo hướng tạo ra một toàn thể (the wholeness), mỗi bước phát triển đều chữa lành những gì là khiếm khuyết để tạo ra cái toàn thể lành mạnh hơn. Tự nhiên không có trước một bản vẽ (blueprint) cho chiếc lá, ngọn núi, con sóng, nhưng tự nhiên dựa vào DNA, vào quy luật kiến tạo địa chất,.., rồi từ cái toàn thể cũ sẵn có tạo ra cái toàn thể mới từng bước một. Tất cả đều rất đẹp, rất bền vững. Tự nhiên không lắp ráp từ thành tố lại để tạo nên cái toàn thể mà ở mỗi lúc nó luôn luôn tồn tại như một toàn thể.

Phương cách của tự nhiên là sử dụng một số quy luật, nhiều khi rất đơn giản, khiến tự nhiên phát triển theo quy luật vô cùng đơn giản đó nhưng lại tạo ra một thế giới vô cùng phong phú.  (*) 


Image result for stages of human embryo
Phôi người trong các giai đoạn khác nhau. Ở bất cứ giai đoạn nào, nó đều là một toàn thể. Rồi từ cái toàn thể,cũ dần dần phân hóa ra các bộ phận tùy theo vị trí của chúng và dựa theo bộ luật DNA để tạo ra một toàn thể mới


Lấy ví dụ một cái cây. Trong tự nhiên không có bản vẽ hình dáng của cái cây đó lúc 1 tuổi, lúc 2 tuổi để 'con tạo' sản xuất ra giống vậy. Tự nhiên không làm cái lá, cái rễ rồi ráp nó lại với thân cây để thành cái cây. Ở bất cứ lúc nào, cái cây luôn là một toàn thể đang biến đổi và đang chuyển hóa. Tự nhiên chỉ có mã ADN của cây, rồi tùy theo lượng đất, lượng gió, nắng mưa mà mỗi ngày cây đó khai mở phát triển những hình dạng mới. Mỗi cái lá đều trông giống nhau nhưng đều khác nhau tùy theo vị trí của nó_ mối quan hệ cấu trúc của nó với chi, cành, rễ, với nắng và gió ở vị trí nó.  Trong tự nhiên, nếu ta chiết 2 cây và trồng chúng cạnh nhau, ta có hai cây trông giông giống nhau nhưng không hoàn toàn có hình dạng như nhau. Bởi vì vị trí của từng cây trong không gian khác nhau và trong quá trình phát triển từ bé đến lớn, từng cành cây, từng nhánh rễ, từng chiếc lá dù dựa vào cùng chuỗi ADN hoàn toàn giống nhau vẫn khai mở hình dạng khác nhau cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương của nó.

Hãy hình dung bạn bước đi trong khu vườn mà ở đó hai chục cây bàng đều giống nhau y đúc tới từng cành, từng lá, từng vết sần sùi trên vỏ cây, từng cử động đung đưa. Tôi tin là phần đông con người nếu lạc bước vào sẽ đồng ý là cái khu vườn xanh tươi đó thật sự chết chóc ghê rợn hơn so với một khu vườn toàn xà bần và gạch vụn. Chúng ta thấy nó_ những kiểu mẫu giống nhau nhưng hơi khang khác_ hiện diện ở khắp nơi trong những đám mây, trong những con sóng, trong hình dạng đụn cát sa mạc hay trùng điệp núi đồi, ở mỗi vốc cát, ở mô tế bào dưới kính hiển vi hay từ kính viễn vọng nhìn ra vũ trụ. Những quy trình của sự sống tạo ra những hình dáng, những mẫu form tựa nhau nhưng không bao giờ giống nhau y đúc bất chấp hoàn cảnh tại chỗ của nó. 

Kiến trúc hiện đại vi phạm quy luật này theo hai cách. Hoặc là nó tạo ra những môi trường sống giống nhau y đúc. Hãy nhìn những cái hộp chữ nhật ở những tổ hợp nhà ở chọc trời. Hoặc là nó tạo ra những môi trường sống khác nhau, nhưng theo kiểu tùy ý không tính đến tính toàn thể. Sự khác biệt mà ở đó xuất phát từ trào lưu kiến trúc thịnh hành, theo concept, theo style, theo bất cứ ý tưởng độc đáo nào xuất hiện lúc đó trong đầu của KTS lúc đó. Alexander chống lại cả sự khác biệt theo kiểu này. Nên nhớ, mỗi một chiếc lá ở trên cây hơi khác nhau không phải bởi vì chúng muốn khác nhau, hay chúng thích giống một cái gai cho độc đáo sáng tạo, mà bởi vì cái lá đó mọc lên theo cách thích nghi với cái toàn thể đang có sẵn ở vị trí của nó.



Trái: Căn nhà hình trụ này được xây năm 1980s, bởi KTS Mario Botto_ được vinh danh như một trong những KTS hậu hiện đại xuất sắc nhất. Hình trụ chiếm lĩnh 'concept' của công trình hậu hiện đại này. Sự đối xứng, form của công trình là loại hay ho về mặt trí tuệ nhưng hoàn toàn xa lạ về mặt cảm xúc con người. Nó nông cạn so với một căn nhà đồng quê truyền thống ở Thụy Điển (phải), nơi hình dạng và sự đối xứng “trông có vẻ tầm thường” nhưng chạm được sâu hơn đến con người bất kể họ thuộc nền văn hóa nào. 

Một công trình kiến trúc hiện đại nổi tiếng khác: Habitat 67 của KTS Moshe Safdie. Được xây cho Expo 67 nó trở thành một trong những tòa nhà đáng kể nhất tại Canada. Concept của nó là từ những module tiền chế người ta lắp ghép chúng với nhau để tạo thành khối nhà. Tổng cộng có 354 modules như vậy lắp nên Habitat 67 với 158 căn hộ, mỗi căn hộ đều có sân vườn riêng. Thật là một ý tưởng tuyệt vời và một thiết kế thông minh. Thành công của nó hứa hẹn giải quyết bài toán nhà ở giá thấp mà vẫn có môi trường sống tốt. Thế nhưng mặc dù công trình này ngay lập tức đặt Moshe Safdie lên bệ phóng danh vọng và được xem như một kỳ tích kiến trúc hiện đại, nó cuối cùng không thành công trong bài toán mà nó định giải quyết.
Habitat 67 nhìn từ đường

A wide image showing a complete view of Habitat 67 as seen from the port.
Habitat 67 nhìn từ cảng Montreal

Đây là loại công trình mà Alexander phê phán. Bởi vì nó đi từ các bộ phận giống nhau mang từ nơi khác đến ráp thành cái toàn thể, những căn nhà xây theo kiểu trò chơi lego này đi ngược với quy trình của sự sống, do đó không thể tạo ra sự sống mãnh liệt. Nó sẽ chỉ gây thất vọng cho dù ý tưởng có hấp dẫn và người ta có thiết kế công năng tốt thế nào đi nữa.

Một nghệ sỹ tài năng khác của Canada, Leonard Cohen, nhìn ra sự chết chóc, thiếu nhân văn ở tòa nhà Habitat 67 này.





Tham khảo:

(*) 
Giáo trình thiết kế đô thị_ Phương pháp generative và Ngôn ngữ kiểu mẫu, Nguyễn Hồng Ngọc, 2016

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Christopher Alexander và Về Bản chất của Trật tự_ Phần 3

Sự sống hay tính toàn thể

Trong thời đại khi người ta không có một thang giá trị phổ quát cho cái đẹp, giới kiến trúc sư đều cố gắng đưa ra những lý thuyết mới, những giá trị mới, hoặc đưa cái tôi độc đáo của mình vào mỗi công trình thì Christopher Alexander đưa ra một tiêu chí quái lạ và “vô nghĩa” ở trong thời đại này để đánh giá một công trình. Đó là liệu công trình đó “có sự sống” hay không.

Đối với Chris Alexander, “Sự sống” và “có sự sống” là một thuộc tính cố hữu của cấu trúc hình học. Đây là một quan điểm khoa học và triết học có tính cách mạng ở tầm vóc vượt rất xa ngoài lãnh địa kiến trúc. Theo ông, bất cứ cấu trúc hình học nào của vật chất trong không gian cũng mang trong mình một thuộc tính sự sống ở cấp độ ít hay nhiều. Theo cách hiểu truyền thống được khoa học chấp nhận, duy chỉ có sự sống sinh học là có nghĩa. Nhưng theo ông, sự sống sinh học ở cái cây, con cá,v.v.. cũng chỉ là một dạng đặc biệt của sự sống mà ở đó các cấu trúc hình học sắp xếp theo một lớp trật tự riêng. Tuy nhiên không phải chỉ có loại sự sống đó, mà một cái bàn, một chiếc xe, căn nhà, cái hồ, viên đá, … cũng chứa trong mình sự sống. Cái thước đo để nhận diện “đo đạc” sự sống này nằm ở cảm giác của con người.

Ông xem quan điểm của mình là bước tiếp nối của thế giới quan của triết gia Descartes.Gần 400 năm trước, Rene Descartes đã đưa ra một quan điểm rằng, nếu chúng ta tưởng tượng như thể mình tách ra khỏi thế giới và quan sát nó, chúng ta sẽ có cách xem xét thế giới tự nhiên một cách khách quan, ở đó các hiện tượng và thuộc tính không phụ thuộc vào người xem. Bằng cách xem xét đó, những hiểu biết về thế giới sẽ trở nên phổ quát, chính xác và sâu sắc hơn rất nhiều. Descartes cho rằng, nếu như có vài nghìn người trên khắp thế giới cùng thực tập phép xem xét đó thì chỉ sau hai ba trăm năm, loài người sẽ hiểu hết mọi ngọn ngành của thế giới tự nhiên. Descartes đã gạt bỏ cảm giác của con người như một thứ dễ thay đổi, không thể tin tưởng được và chỉ tin vào tư duy với câu nói nổi tiếng “Cogito ergo sum”_ tôi nghi ngờ nên tôi tồn tại. Ông trở thành người đặt nền móng cho Hiện đại và được xem như cha đẻ của triết học hiện đại phương Tây. Chỉ sau vài trăm năm dựa trên quan điểm chủ nghĩa hiện đại, khoa học đã có những bước tiến khổng lồ, những hiểu biết của khoa học tiến bộ phi thường và cả bộ mặt thế giới cũng thay đổi hoàn toàn.

Nhưng vượt quá đề xuất ban đầu, thay vì chỉ là một phép quan sát thế giới vật chất, phương pháp mà Descartes đề xuất giờ trở thành cách duy nhất con người hiện đại có thể hình dung thế giới. Thay vì thử tưởng tượng thế giới khách quan độc lập với thế giới chủ quan, con người giờ chỉ có thể thấy rằng thế giới khách quan là độc lập với thế giới chủ quan và không thể tưởng tượng khác đi được. Hệ quả là những thứ thuộc về cảm giác của con người, thuộc thế giới chủ quan, được xem như là những thứ không đáng tin cậy, không khoa học, bởi vì nó biến đổi tùy ý vào từng người (arbitrary). Một trong những nạn nhân của thế giới quan hiện đại là cái Đẹp. Bởi vì cái Đẹp nằm ở cảm giác, một thứ khác nhau trong đôi mắt người nhìn theo cái thế giới quan Descartes, nó trở thành một khái niệm tùy ý thay vì một tính chất phổ quát.

Xã hội đặt lên vai của ngành kiến trúc một trọng trách to lớn là xây dựng nên một thế giới nhân tạo đẹp, thế nhưng làm sao ngành kiến trúc đảm đương được nhiệm vụ này trong khi chính những người trong ngành không thống nhất được với nhau thế nào là đẹp. Trong thế giới quan hiện đại, Đẹp muốn hiểu thế nào cũng được và tùy vào mắt mỗi người. Kiến trúc hiện đại, bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, chảy theo nhiều trào lưu với nhiều tiêu chí khác nhau nhưng không phải cái Đẹp. Người kiến trúc sư vẫn luôn cố đi tìm cái đẹp, nhưng cái đẹp giờ chỉ là một giả tiêu chí nằm sau tính thực dụng, tính độc đáo, tính khác biệt, tính công năng cơ khí, tính biểu tượng, v.v.., tùy theo KTS và trường phái khác nhau, bởi những thứ kia là những thứ khách quan, có thể lý luận, được chấp nhận là mang tính khoa học trong giới học thuật. Những công trình trông rất thô bạo của những năm 1950-1970 (brutalist architecture) vẫn trở thành một trào lưu kiến trúc thịnh hành được bởi vì một nhóm người thấy nó hấp dẫn ở khía cạnh trí tuệ và có lẽ cả thẩm mỹ; trong khi không có cơ sở khách quan nào, một lý luận nào bác bỏ được cái đẹp trong mắt họ. Và không chỉ một trào lưu đó. Từng tốp những anh thợ may khôn khéo thay phiên nhau khoác lên mình vị hoàng đế cái áo mới họ may. Và công chúng nếu không tung hô cái áo ấy đẹp thì cũng tự nghi ngờ cái nhìn của chính mình mà chấp nhận, trừ phi họ còn giữ được dôi mắt trong sáng như chú bé.

Alexander không phải là người duy nhất lên tiếng phê phán sự khủng hoảng về cái đẹp trong ngành kiến trúc. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề phê phán và giải pháp ở tầm căn bản hơn_ đó là một cách nhìn mới, vượt ngoài thế giới quan Descartes, như một cách nhìn khoa học tiếp theo, bổ sung cho cách nhìn Descartes. Ở thế giới quan đó, cảm giác của con người được tính đến. Ngoài việc cho là các cấu trúc vật chất đều mang sự sống, Alexander cho là thước đo của thuộc tính đó nằm ở cảm giác con người và đó là một thước đo đáng tin cậy. Ông và các đồng nghiệp có nhiều thử nghiệm nghiên cứu trong đó nhóm nghiên cứu hỏi một nhóm người khác nhau chọn lựa giữa hai bức ảnh, hai vật thể, hai khung cảnh khác nhau cái nào "có sự sống" nhiều hơn, cái nào chạm đến họ sâu hơn, v.v…   Kết quả các trắc nghiệm cho thấy một sự thống nhất cao độ trong kết quả chọn lựa dù những người được trắc nghiệm có nền tảng văn hóa, gu thẩm mỹ, v.v khác nhau. Ông cho rằng, sự thống nhất cao của kết quả chọn lựa này là một chứng cớ khoa học đủ xác đáng để khẳng định cảm giác có thể là một thước đo khách quan. Nếu đặt đúng câu hỏi để người ta lắng nghe thứ cảm giác "về sự sống" này thì kết quả trắc nghiệm cho thấy nó không phải một thứ ngẫu nhiên thay đổi tùy ý (arbitrary) theo từng người.


Đối với ông, một cấu trúc đẹp là một cấu trúc chứa mãnh liệt trong mình một thuộc tính gọi là sự sống. Cấu trúc ở đây bao gồm tất cả những sự sắp xếp hình học của vật chất_ có thể là bờ ao, núi đồi, tế bào, cái ghế, thành phố…  Nếu ta xét rằng bởi cấu trúc nằm trong không gian, nó là một phần của những cấu trúc không gian lớn hơn cũng như chính nó được cấu thành bởi những cấu trúc không gian nhỏ hơn. Do đó, một cấu trúc có sự sống mãnh liệt khi từng bộ phận của nó cũng có sự sống mãnh liệt bổ trợ cho nó, đồng thời nó cũng bổ trợ cho thuộc tính sự sống của cấu trúc lớn hơn. Ngược lại, cấu trúc lớn hơn cũng bổ trợ cho nó, và nó cho cấu trúc nhỏ hơn. Đây là sự tương hỗ hai chiều. 

Một cấu trúc có sự sống cao độ khi nó hài hòa và tôn tạo môi trường hình học xung quanh, đồng thời cũng được môi trường xung quanh làm nổi bật cái cá tính của nó hơn.Một  cấu trúc dị dạng với khung cảnh thì nó làm giảm đi sự sống của cấu trúc xung quanh, đồng thời cấu trúc xung quanh cũng tổn hại đến sự sống của chính nó. Do đó, thuộc tính sự sống còn được gọi là tính toàn thể và Alexander dùng nó với ý nghĩa tương đương.

Với cái nhìn này, một căn nhà đẹp không thể chỉ là cái nhà trông đẹp, mà hình dạng cái không gian bên ngoài mà căn nhà này tạo ra cũng phải đẹp_ cái khoảnh sân, khu vườn, con đường, khu phố cũng phải trở nên đẹp hơn vì sự xuất hiện của căn nhà đó. Tất cả phải hợp với nhau như một toàn thể.

Căn nhà cottage đồng quê. Tính cách của nó có được từ những trường trung tâm mạnh, hoa, cổng hoa, cột gỗ, mảng tường vữa

Quan điểm của Chris Alexander có nhiều nét tương đồng với những quan điểm truyền thống ở cả phương đông lẫn phương tây có trước thời hiện đại. Ví dụ ở phương Tây người ta tìm kiếm tỷ lệ vàng của hình chữ nhật_ một tỷ lệ được đa số đồng ý là tạo ra hình chữ nhật đẹp nhất. Ở Nhật, khái niệm “sự sống” này rất gần với thuyết vật linh thời thượng cổ ở đó người ta tin mỗi cái cây, hòn đá, mỗi không gian đều có linh hồn, có thần tính. Ở Việt Nam, ta thấy dấu vết của sự hiểu biết này nằm ở những cách người Việt nói cái vật này nhìn "có hồn’, hay căn nhà này trông thiếu ‘sinh khí’, hay vẽ truyền "thần". Tuy nhiên, nó khác với quan điểm truyền thống ở chỗ cơ bản là nó không chỉ dựa vào niềm tin mà xem xét vấn đề với những phương pháp khoa học, có cơ sở để lý luận, để bị phản bác hoặc được củng cố phát triển. Alexander thậm chí tiếp cận vấn đề này bằng chứng minh toán học và đặt nền móng cho các bài toán toán học liên quan đến tính toàn thể và cấu trúc có sự sống. (NOO, quyển 1, P.445-476)

Theo Alexander, phải chấp nhận cảm giác như là một thước đo có thể tin cậy được thì cảm giác của con người mới có chỗ đứng trong các lý thuyết. Khi đó người ta mới có thể nói về cái Đẹp theo nghĩa nó thật sự chạm được đến con người. Dĩ nhiên trong thực hành, phần lớn các kiến trúc sư vẫn đi tìm cái đẹp và những người không bị cuốn hẳn vào những cực đoan của các trào lưu hiện đại khác nhau của thế kỷ 20 vẫn dựa ít nhiều vào cảm giác, nhưng bởi vì cảm giác không tồn tại và không được chấp nhận đúng vị trí xứng đáng của nó trong các lý luận khoa học, công cuộc tìm kiếm đó gây ra nhiều thất vọng và làm phá hại cái toàn thể hơn là thành công.


Một điểm thú vị và quan trọng của liên quan đến tính toàn thể
. Quan điểm các chi tiết lắp ghép lại thành một toàn thể là một quan điểm máy móc của thế giới quan Descartes cơ khí. Thế giới tự nhiên và những cấu trúc có sự sống (living structure) nhân tạo không bao giờ được tạo thành bầng cách ráp các chi tiết với nhau. Ở đó, cái toàn thể luôn luôn có sẵn và có trước. Các chi tiết là từ cái toàn thể phân hóa mà ra, hay nói cách khác, cái toàn thể tạo ra cái chi tiết 





Ở trên là Bốn chân dung tự họa của danh họa Matisse: những chi tiết (cằm, mắt, mũi) trong mỗi chân dung đều khác nhau, nhưng cái toàn thể (cái ông Matisse) vẫn giống nhau.  Trong hội họa, cũng như trong kiến trúc, cái toàn thể là cái có thật nằm bên dưới bề mặt (những chi tiết) và mới là cái cốt yếu.