Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Một địa chỉ kiến trúc đáng tham quan ở Đà Nẵng



Quận Hải Châu nằm ở lõi trung tâm Đà Nẵng có nhiều công trình kiến trúc thú vị từ di tích thành cổ cho đến những công trình cao tầng hiện đại nhất. Nếu bạn quan tâm đến thứ kiến trúc hài hòa (*) với con người và môi trường xung quanh sâu sắc thì đừng bỏ qua địa chỉ số 46, 48 đường Nguyễn Chí Thanh.

Trước nhà 46 có một cái cổng vảo đơn giản. Hai cột đá ở hai bên. Một bộ cổng sắt không có gì đặc biệt ở giữa. Phía trên là 1 vòm cong khung sắt vắt giữa hai cột đá, dây leo quấn đầy. Một lối bố trí đơn giản, phổ biến nhưng nó gây một cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu. Cảm xúc đặc biệt đến từ độ sống động của hai cột đá hai bên. Chúng to, dầy, xây lên từ việc sắp những viên đá thô, tô trét vữa sơ sài, kết thúc bằng một viền mép trên đỉnh cột.

Cột đá cổng nhà 46

Chỉ có vậy. Nó không có gì nhiều để mà gọi là thiết kế và bản thân nó đứng một mình chẳng đáng để đến thăm. Thế nhưng điều rất thú ví là ngay sát bên cạnh nó, ở căn nhà 48 cũng có một cái cổng tương tự.

Hai cột đá ở nhà 48 có nhiều điểm giống như nhà 46. Cũng chính xác từ kích cỡ thân cột cho đến viền mép đỉnh đó, cũng xây từ những viên đá kích cỡ tương đương xếp nên. Thậm chí nó cũng là cổng sắt, vòm dây leo xanh phía trên. Nhưng mặc dù trông ổn hơn phần lớn những cái khác, nó lại lu mờ, nhạt nhoà hơn rất nhiều so với cái bên nhà 46, ko phải về màu sắc mà về độ sống động, có "hồn", "cá tính". Chúng hẳn hoàn toàn gần như nhau nếu nằm trên bản vẽ. Thế thì tại sao, cái gì làm chúng khác nhau đến thế?
Cột đá cổng nhà 48

Nhìn qua ảnh ở đây, có lẽ bạn đã có câu trả lời. Nhưng cái điểm khác biệt rút ra từ ảnh chỉ là tiểu tiết, ý phụ, một bài học rút tỉa bên lề. Địa chỉ này vẫn đáng phải đến thăm vì hai lý do chính rất có ý nghĩa mà nếu chỉ nhìn trên mạng sẽ không thay thế được.

Thứ nhất là để đứng gần chúng, đi qua đi lại giữa hai cổng nhà này và tự trải nghiệm cảm giác nó mang lại_ nó thật hay không, nó mạnh yếu thế nào. Chúng ở ngay cạnh nhau, khung cảnh đường phố như nhau, ánh sáng như nhau_ sự quan sát ko bị chi phối vì lý do gián đoạn thời gian hay không gian hay tâm trạng biến đổi của người quan sát. Không dễ có được một đối tượng nghiên cứu vừa ở mức hình học cơ bản, vừa có các điều kiện so sánh lý tưởng như vậy, ngay trong môi trường thực.

Thứ hai là để thoải mái soi từng chi tiết, từng yếu tố khả dĩ tạo ra khác biệt và thử đặt cho mình câu hỏi, nếu là người thiết kế thì có cách chi mà từ bản vẽ và bảng mô tả vật liệu, ta tạo ra được cột ở cổng nhà 46 chứ không phải 48 hay không. Cái cảm giác lúc vẽ bức tường trên giấy có không, nếu có thì nó có giống loại cảm giác khi đứng đó không?  Loại cảm xúc của một bản vẽ biểu cảm có giúp ích gì cho việc tạo ra loại cảm xúc mà vật thể xây dựng sau cùng mang lại không? Làm sao rút ra được bài học này và áp dụng cho những thứ khác chứ không chỉ là một chi tiết đơn giản và tầm thường như cây cột đá này?

Đó là một vấn đề kiến trúc thực sự thâm trầm dù rất nhiều KTS thời hiện đại ko thấy đó là vấn đề của ngành mình hoặc đáng ưu tiên cho sự nghiệp của mình. Nhưng không phải chính nó mới là cái đáng hướng tới hơn thảy đối với chúng ta, những người sống giữa và trong những công trình xây dựng, hay sao?.

---------
(*) hài hòa ở đây không đơn giản nghĩa là các thứ đồ đạc tiệp với nhau, cùng kiểu, trông toát ra chuẩn một phong cách nhất quán như vẫn thường thấy ở các ảnh tạp chí thiết kế. Nó muốn nói đến một cái gì đó như sống động mà chạm đến ta dù chỉ khẽ khàng, nhưng sâu hơn và khiến ta cảm thấy thoải mái với nó, bén rễ quyến luyến cùng năm tháng với nó. Cái cảm xúc Chris đi tìm là cái cảm xúc về nó, mà ông gọi là sự sống hay tính toàn thể

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét