Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Christopher Alexander và Về Bản chất của Trật tự_ Phần 2

Sơ lược về lý thuyết của Alexander trong The Nature of Order

Thế giới mà con người xây ra có hình hài như thế nào phụ thuộc vào những pattern sống của xã hội đó. Cách họ mua sắm, gửi thư, gửi tiết kiệm, mua nhà, di chuyển hay thư giãn, uống cà phê, lát vỉa hè hay quy hoạch đường cao tốc, loại thực phẩm họ ăn, v.v… đều để lại dấu vết kiến tạo và xây dựng lên thế giới. Hàng trăm nghìn những quá trình lặp đi lặp lại như vậy, những pattern như vậy của con người và các định chế trong xã hội là nguồn khởi phát và thứ quy định nên hình dạng của thế giới nhân tạo.

Lấy ví dụ cách người ta di chuyển. Khi ý tưởng mỗi người có một chiếc xe hơi riêng khởi nguồn từ nước Mỹ trở thành một cách sống, một pattern phổ biến, thì hình dạng đô thị mà nó tạo ra cũng khác so với loại đô thị cũ đã cơ bản hình thành từ trước thời có xe hơi. So với một đô thị tiêu biểu ở châu Âu nơi thành phố nén lại hơn, nơi người dân đi lại trên phương tiện công cộng và tàu điện nhiều hơn, thì ở Mỹ, do pattern ai ai cũng đi lại bằng xe ô tô riêng, xuất hiện phổ biến những đại siêu thị rất to ở vùng xa, nơi xe có thể đậu dễ dàng, người ta có thể chất rất nhiều hàng mỗi lần đi mua sắm. Người dân sống giãn ra ở những căn nhà rộng rãi vùng ven cách trung tâm thành phố đến vài chục km. Những căn nhà như thế, đến lượt nó, khiến đường sá cũng xây nhiều hơn gấp bội. Những hàng quán mọc rải rác thay vì tập trung từng cụm ở góc phố cho người đi bộ ghé qua. Con người cũng ít tiếp xúc nhau hơn. Chỉ một pattern này đã khiến thành phố Mỹ có hình dạng rất khác với các thành phố cổ của châu Âu.

Pattern của một khu ngoại ô thành phố ở Mỹ

Về cơ bản, lập luận và lý thuyết của ngôn ngữ kiểu mẫu như sau. (1) Trong những nền văn hóa truyền thống, ở những môi trường xây dựng thành công, người ta luôn xây bằng ngôn ngữ kiểu mẫu (dù họ không nghĩ ra khái niệm và đặt thuật ngữ như vậy). Những ngôn ngữ này chỉ cho người dân cách xây dựng vô số các công trình khác nhau bằng cách tổ hợp và tái tổ hợp những kiểu mẫu, đồng thời chứa đựng trong quy trình của nó một sự đảm bảo khiêm tốn rằng công trình xây lên sẽ thành công. (2) Mỗi nền văn hóa có ngôn ngữ kiểu mẫu riêng của mình. (3) Về cơ bản các kiểu mẫu là dựa vào nhu cầu và sự hiểu biết của con người. Chúng phản chiếu những nhu cầu thực tiễn sâu sắc của con người dưới dạng những quy tắc hình dạng có thể đưa vào xây dựng một cách hiệu quả để đáp ứng nhu cầu đó. (4) Mặc dù các patterns của mỗi nền văn hóa đều có nét đặc sắc riêng và nhu cầu của con người cũng rất đa dạng, nhưng bên trong chúng có một phần nội hàm cốt lõi_ phần cấu trúc trung tâm_ là giống nhau và không thay đổi. 

Nhóm của Alexander trong quyển APL phát hiện và chỉ ra một phần của cái lõi trung tâm đó, gồm 253 kiểu mẫu. Điều hay là, không phải chỉ có từng đó pattern. Với cách hiểu này, người ta có thể tự quan sát trong môi trường mình và rút ra những pattern khác. Đặc biệt là, ngôn ngữ kiểu mẫu có thể được tạo mới cho phù hợp với thời đại nếu như, cũng như ngôn ngữ truyền thống, nó chứa đựng những hiểu biết mới, những nét văn hóa mới và nhu cầu mới của con người trong thời đại.

Mặc dù APL rất thành công, và vẫn tiếp tục có giá trị, sau vài chục năm ông nhận thấy có người chỉ áp dụng nó nửa vời mà không hiểu tinh thần của nó, và có người áp dụng nó mà vẫn không ra một công trình đẹp. Vấn đề là cần có một phương pháp phát triển hình dạng (generative process, morphogenetic process) để đi kèm và giúp một kiểu mẫu có hình dạng đẹp. Nhưng trước khi đi vào phương pháp generative, ta hãy làm quen với một khái niệm cơ bản trong quan điểm của Alexander_ Sự sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét