Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Christopher Alexander và Về Bản chất của Trật tự_ Phần 3

Sự sống hay tính toàn thể

Trong thời đại khi người ta không có một thang giá trị phổ quát cho cái đẹp, giới kiến trúc sư đều cố gắng đưa ra những lý thuyết mới, những giá trị mới, hoặc đưa cái tôi độc đáo của mình vào mỗi công trình thì Christopher Alexander đưa ra một tiêu chí quái lạ và “vô nghĩa” ở trong thời đại này để đánh giá một công trình. Đó là liệu công trình đó “có sự sống” hay không.

Đối với Chris Alexander, “Sự sống” và “có sự sống” là một thuộc tính cố hữu của cấu trúc hình học. Đây là một quan điểm khoa học và triết học có tính cách mạng ở tầm vóc vượt rất xa ngoài lãnh địa kiến trúc. Theo ông, bất cứ cấu trúc hình học nào của vật chất trong không gian cũng mang trong mình một thuộc tính sự sống ở cấp độ ít hay nhiều. Theo cách hiểu truyền thống được khoa học chấp nhận, duy chỉ có sự sống sinh học là có nghĩa. Nhưng theo ông, sự sống sinh học ở cái cây, con cá,v.v.. cũng chỉ là một dạng đặc biệt của sự sống mà ở đó các cấu trúc hình học sắp xếp theo một lớp trật tự riêng. Tuy nhiên không phải chỉ có loại sự sống đó, mà một cái bàn, một chiếc xe, căn nhà, cái hồ, viên đá, … cũng chứa trong mình sự sống. Cái thước đo để nhận diện “đo đạc” sự sống này nằm ở cảm giác của con người.

Ông xem quan điểm của mình là bước tiếp nối của thế giới quan của triết gia Descartes.Gần 400 năm trước, Rene Descartes đã đưa ra một quan điểm rằng, nếu chúng ta tưởng tượng như thể mình tách ra khỏi thế giới và quan sát nó, chúng ta sẽ có cách xem xét thế giới tự nhiên một cách khách quan, ở đó các hiện tượng và thuộc tính không phụ thuộc vào người xem. Bằng cách xem xét đó, những hiểu biết về thế giới sẽ trở nên phổ quát, chính xác và sâu sắc hơn rất nhiều. Descartes cho rằng, nếu như có vài nghìn người trên khắp thế giới cùng thực tập phép xem xét đó thì chỉ sau hai ba trăm năm, loài người sẽ hiểu hết mọi ngọn ngành của thế giới tự nhiên. Descartes đã gạt bỏ cảm giác của con người như một thứ dễ thay đổi, không thể tin tưởng được và chỉ tin vào tư duy với câu nói nổi tiếng “Cogito ergo sum”_ tôi nghi ngờ nên tôi tồn tại. Ông trở thành người đặt nền móng cho Hiện đại và được xem như cha đẻ của triết học hiện đại phương Tây. Chỉ sau vài trăm năm dựa trên quan điểm chủ nghĩa hiện đại, khoa học đã có những bước tiến khổng lồ, những hiểu biết của khoa học tiến bộ phi thường và cả bộ mặt thế giới cũng thay đổi hoàn toàn.

Nhưng vượt quá đề xuất ban đầu, thay vì chỉ là một phép quan sát thế giới vật chất, phương pháp mà Descartes đề xuất giờ trở thành cách duy nhất con người hiện đại có thể hình dung thế giới. Thay vì thử tưởng tượng thế giới khách quan độc lập với thế giới chủ quan, con người giờ chỉ có thể thấy rằng thế giới khách quan là độc lập với thế giới chủ quan và không thể tưởng tượng khác đi được. Hệ quả là những thứ thuộc về cảm giác của con người, thuộc thế giới chủ quan, được xem như là những thứ không đáng tin cậy, không khoa học, bởi vì nó biến đổi tùy ý vào từng người (arbitrary). Một trong những nạn nhân của thế giới quan hiện đại là cái Đẹp. Bởi vì cái Đẹp nằm ở cảm giác, một thứ khác nhau trong đôi mắt người nhìn theo cái thế giới quan Descartes, nó trở thành một khái niệm tùy ý thay vì một tính chất phổ quát.

Xã hội đặt lên vai của ngành kiến trúc một trọng trách to lớn là xây dựng nên một thế giới nhân tạo đẹp, thế nhưng làm sao ngành kiến trúc đảm đương được nhiệm vụ này trong khi chính những người trong ngành không thống nhất được với nhau thế nào là đẹp. Trong thế giới quan hiện đại, Đẹp muốn hiểu thế nào cũng được và tùy vào mắt mỗi người. Kiến trúc hiện đại, bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, chảy theo nhiều trào lưu với nhiều tiêu chí khác nhau nhưng không phải cái Đẹp. Người kiến trúc sư vẫn luôn cố đi tìm cái đẹp, nhưng cái đẹp giờ chỉ là một giả tiêu chí nằm sau tính thực dụng, tính độc đáo, tính khác biệt, tính công năng cơ khí, tính biểu tượng, v.v.., tùy theo KTS và trường phái khác nhau, bởi những thứ kia là những thứ khách quan, có thể lý luận, được chấp nhận là mang tính khoa học trong giới học thuật. Những công trình trông rất thô bạo của những năm 1950-1970 (brutalist architecture) vẫn trở thành một trào lưu kiến trúc thịnh hành được bởi vì một nhóm người thấy nó hấp dẫn ở khía cạnh trí tuệ và có lẽ cả thẩm mỹ; trong khi không có cơ sở khách quan nào, một lý luận nào bác bỏ được cái đẹp trong mắt họ. Và không chỉ một trào lưu đó. Từng tốp những anh thợ may khôn khéo thay phiên nhau khoác lên mình vị hoàng đế cái áo mới họ may. Và công chúng nếu không tung hô cái áo ấy đẹp thì cũng tự nghi ngờ cái nhìn của chính mình mà chấp nhận, trừ phi họ còn giữ được dôi mắt trong sáng như chú bé.

Alexander không phải là người duy nhất lên tiếng phê phán sự khủng hoảng về cái đẹp trong ngành kiến trúc. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề phê phán và giải pháp ở tầm căn bản hơn_ đó là một cách nhìn mới, vượt ngoài thế giới quan Descartes, như một cách nhìn khoa học tiếp theo, bổ sung cho cách nhìn Descartes. Ở thế giới quan đó, cảm giác của con người được tính đến. Ngoài việc cho là các cấu trúc vật chất đều mang sự sống, Alexander cho là thước đo của thuộc tính đó nằm ở cảm giác con người và đó là một thước đo đáng tin cậy. Ông và các đồng nghiệp có nhiều thử nghiệm nghiên cứu trong đó nhóm nghiên cứu hỏi một nhóm người khác nhau chọn lựa giữa hai bức ảnh, hai vật thể, hai khung cảnh khác nhau cái nào "có sự sống" nhiều hơn, cái nào chạm đến họ sâu hơn, v.v…   Kết quả các trắc nghiệm cho thấy một sự thống nhất cao độ trong kết quả chọn lựa dù những người được trắc nghiệm có nền tảng văn hóa, gu thẩm mỹ, v.v khác nhau. Ông cho rằng, sự thống nhất cao của kết quả chọn lựa này là một chứng cớ khoa học đủ xác đáng để khẳng định cảm giác có thể là một thước đo khách quan. Nếu đặt đúng câu hỏi để người ta lắng nghe thứ cảm giác "về sự sống" này thì kết quả trắc nghiệm cho thấy nó không phải một thứ ngẫu nhiên thay đổi tùy ý (arbitrary) theo từng người.


Đối với ông, một cấu trúc đẹp là một cấu trúc chứa mãnh liệt trong mình một thuộc tính gọi là sự sống. Cấu trúc ở đây bao gồm tất cả những sự sắp xếp hình học của vật chất_ có thể là bờ ao, núi đồi, tế bào, cái ghế, thành phố…  Nếu ta xét rằng bởi cấu trúc nằm trong không gian, nó là một phần của những cấu trúc không gian lớn hơn cũng như chính nó được cấu thành bởi những cấu trúc không gian nhỏ hơn. Do đó, một cấu trúc có sự sống mãnh liệt khi từng bộ phận của nó cũng có sự sống mãnh liệt bổ trợ cho nó, đồng thời nó cũng bổ trợ cho thuộc tính sự sống của cấu trúc lớn hơn. Ngược lại, cấu trúc lớn hơn cũng bổ trợ cho nó, và nó cho cấu trúc nhỏ hơn. Đây là sự tương hỗ hai chiều. 

Một cấu trúc có sự sống cao độ khi nó hài hòa và tôn tạo môi trường hình học xung quanh, đồng thời cũng được môi trường xung quanh làm nổi bật cái cá tính của nó hơn.Một  cấu trúc dị dạng với khung cảnh thì nó làm giảm đi sự sống của cấu trúc xung quanh, đồng thời cấu trúc xung quanh cũng tổn hại đến sự sống của chính nó. Do đó, thuộc tính sự sống còn được gọi là tính toàn thể và Alexander dùng nó với ý nghĩa tương đương.

Với cái nhìn này, một căn nhà đẹp không thể chỉ là cái nhà trông đẹp, mà hình dạng cái không gian bên ngoài mà căn nhà này tạo ra cũng phải đẹp_ cái khoảnh sân, khu vườn, con đường, khu phố cũng phải trở nên đẹp hơn vì sự xuất hiện của căn nhà đó. Tất cả phải hợp với nhau như một toàn thể.

Căn nhà cottage đồng quê. Tính cách của nó có được từ những trường trung tâm mạnh, hoa, cổng hoa, cột gỗ, mảng tường vữa

Quan điểm của Chris Alexander có nhiều nét tương đồng với những quan điểm truyền thống ở cả phương đông lẫn phương tây có trước thời hiện đại. Ví dụ ở phương Tây người ta tìm kiếm tỷ lệ vàng của hình chữ nhật_ một tỷ lệ được đa số đồng ý là tạo ra hình chữ nhật đẹp nhất. Ở Nhật, khái niệm “sự sống” này rất gần với thuyết vật linh thời thượng cổ ở đó người ta tin mỗi cái cây, hòn đá, mỗi không gian đều có linh hồn, có thần tính. Ở Việt Nam, ta thấy dấu vết của sự hiểu biết này nằm ở những cách người Việt nói cái vật này nhìn "có hồn’, hay căn nhà này trông thiếu ‘sinh khí’, hay vẽ truyền "thần". Tuy nhiên, nó khác với quan điểm truyền thống ở chỗ cơ bản là nó không chỉ dựa vào niềm tin mà xem xét vấn đề với những phương pháp khoa học, có cơ sở để lý luận, để bị phản bác hoặc được củng cố phát triển. Alexander thậm chí tiếp cận vấn đề này bằng chứng minh toán học và đặt nền móng cho các bài toán toán học liên quan đến tính toàn thể và cấu trúc có sự sống. (NOO, quyển 1, P.445-476)

Theo Alexander, phải chấp nhận cảm giác như là một thước đo có thể tin cậy được thì cảm giác của con người mới có chỗ đứng trong các lý thuyết. Khi đó người ta mới có thể nói về cái Đẹp theo nghĩa nó thật sự chạm được đến con người. Dĩ nhiên trong thực hành, phần lớn các kiến trúc sư vẫn đi tìm cái đẹp và những người không bị cuốn hẳn vào những cực đoan của các trào lưu hiện đại khác nhau của thế kỷ 20 vẫn dựa ít nhiều vào cảm giác, nhưng bởi vì cảm giác không tồn tại và không được chấp nhận đúng vị trí xứng đáng của nó trong các lý luận khoa học, công cuộc tìm kiếm đó gây ra nhiều thất vọng và làm phá hại cái toàn thể hơn là thành công.


Một điểm thú vị và quan trọng của liên quan đến tính toàn thể
. Quan điểm các chi tiết lắp ghép lại thành một toàn thể là một quan điểm máy móc của thế giới quan Descartes cơ khí. Thế giới tự nhiên và những cấu trúc có sự sống (living structure) nhân tạo không bao giờ được tạo thành bầng cách ráp các chi tiết với nhau. Ở đó, cái toàn thể luôn luôn có sẵn và có trước. Các chi tiết là từ cái toàn thể phân hóa mà ra, hay nói cách khác, cái toàn thể tạo ra cái chi tiết 





Ở trên là Bốn chân dung tự họa của danh họa Matisse: những chi tiết (cằm, mắt, mũi) trong mỗi chân dung đều khác nhau, nhưng cái toàn thể (cái ông Matisse) vẫn giống nhau.  Trong hội họa, cũng như trong kiến trúc, cái toàn thể là cái có thật nằm bên dưới bề mặt (những chi tiết) và mới là cái cốt yếu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét