Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Christopher Alexander và Về Bản chất của Trật tự_ Phần 5

Mười lăm thuộc tính hay mười lăm phép biến đổi của quy trình sự sống


Khi xem xét thế giới tự nhiên, từ hòn đá vô cơ đến hệ sinh thái phức tạp, từ cấp độ vi phân tử cho đến các vật thể ở tầm vũ trụ, Alexander phát hiện ra về mặt hình học tất cả chúng đều có một hoặc một vài thuộc tính lặp đi lặp lại trong tổng cộng 15 thuộc tính

Ông không khẳng định rằng dứt khoát chỉ có 15 thuộc tính mà thôi nhưng từ nghiên cứu trong vòng 27 năm từ khi hoàn thành Một ngôn ngữ kiểu mẫu ( A Pattern Language_ viết tắt APL) đến khi viết Về bản chất của Trật tự (The Nature of Order_ viết tắt NOO), ông cho rằng số lượng thuộc tính cơ bản nằm ở khoảng đó, không phải là một vài cũng không phải hàng trăm.  (*)
Dưới đây là tên gọi của các thuộc tính.
  • 1.    Các mức tỷ lệ (Levels of scale)
  • 2.    Các trường trung tâm mạnh (Strong centers)
  • 3.    Các đường biên dày (Thick bounderies)
  • 4.    Sự lặp xen kẽ (Alternative repetition)
  • 5.    Không gian tích cực (Positive space)
  • 6.    Hình dạng tốt (Good shape)
  • 7.    Đối xứng cục bộ (Local symmetries)
  • 8.    Đan xen chặt và sự nhập nhằng (Deep interlock and ambiguity)
  • 9.    Sự tương phản (Contrast)
  • 10.  Sự chuyển dần (Gradient)
  • 11.  Sự thô ráp (Roughness)
  • 12.  Tiếng vọng (Echoes)
  • 13.  Khoảng trống (The void)
  • 14.  Mộc mạc và tự tại  (Simplicity and Inner Calm)
  • 15.  Không phân ly  (Not-separateness)


Sương đọng trên mạng nhện.  Thuộc tính Các mức tỷ lệ, Trường trung tâm mạnh.

Trái: "Không gian tích cực" ở cấu trúc tế bào trong mô gỗ.  Phải: "Hình dạng tốt" trong một ngọn sóng bạc đầu

Hình dạng khác nhau của những tinh thể tuyết hình thành tự nhiên. Chú ý đến sự đối xứng ở bậc thứ hai ở từng cánh của ngôi sao tinh thể khiến mỗi cánh trông rất giống nhau, trong khi không có lý do cơ học nào rõ rệt giải thích được điều này. Thuộc tính: đối xứng cục bộ

Ở trong NOO, Alexander đưa ra rất nhiều dẫn chứng cho chúng mà ở khuôn khổ bài này khó có thể giới thiệu chúng xứng đáng.

Để minh họa cho tất cả các thuộc tính xin xem trên blog http://qhdt.blogspot.com và Giáo trình thiết kế đô thị (*), hoặc ở trang tiếng Anh này http://www.tkwa.com/fifteen-properties/ . Tương tự với khái niệm Trường trung tâm  là một khái niệm quan trọng để hiểu rõ về tính toàn thể (the wholeness).

Điều đặc biệt chúng không chỉ là 15 thuộc tính (tĩnh) mà theo ông, còn là 15 phép biến đổi hình học (động) bảo toàn cấu trúc (structure-preserving transformation). Ông chỉ ra rằng trong quá trình thế giới tự nhiên vận động, chúng biến đổi hình dạng theo một hoặc vài trong số 15 phép biến đổi này. Từ 15 phép biến đổi này mà thế giới tự nhiên có được muôn hình vạn trạng đẹp đẽ sống động của nó.

Hay nói một cách khác, nếu như những nhà khoa học chuyên ngành đi tìm các quy trình lý, hóa, sinh, thiên văn, v.v.. để giải thích sự vận động biến đổi của đối tượng quan sát thì lý thuyết này của Alexander cung cấp một cách tiếp cận mới việc nghiên cứu sự biến động của tất cả các đối tượng ở góc độ cấu trúc hình học, qua các quy trình biến đổi bảo toàn cấu trúc. 


Vài hình ảnh về công trình trường trung học và cao đẳng Eishin do Alexander thiết kế.
Trường trung học và cao đẳng Eishin, gần Tokyo.
Các thuộc tính: không gian tích cực giữa các tòa nhà. Các mức tỷ lệ. Đối xứng cục bộ.  Khoảng trống. Tiếng vọng. Mộc mại và tự tại. Thô ráp


Trường trung học và cao đẳng Eishin, gần Tokyo
Các thuộc tính: đường biên dày, sự lặp xen kẽ, đối xứng cục bộ

Xem thêm hình ảnh của Eishin campus ở Katarxis3 http://www.katarxis3.com/Gallery/community/community.htm

Kartaxis3 là tạp chí online do một số nhà khoa học hàng đầu thế giới thuộc nhiều lĩnh vực như vật lý, sinh học, kiến trúc thành lập. Trong đó có những gương mặt rất nổi tiếng như giáo sư Nikos Salingaros, GS toán và vật lý ĐH Texas tại San Antonio, nhà đô thị học được tạp chí quy hoạch Planetizen chọn là người thứ 11 có ảnh hưởng nhất trong quy hoạch đô thị, Michael Mehaffy, nguyên Giám đốc chương trình Đào tạo của Quỹ giáo dục của thái tử Charles, GS thỉnh giảng ĐH Arizona State University, nhà sinh học nổi tiếng Brian Hanson, và đặc biệt là Lucien Steil, tổng biên tập của tạp chí Nature. (*)


* trích Giáo trình thiết kế đô thị_ Phương pháp generative và Ngôn ngữ kiểu mẫu_ viết tắt Giáo trình TKDT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét