Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Christopher Alexander và Về Bản chất của Trật tự_ Phần 7 & Kết

Một ví dụ về quá trình sự sống trong xây nhà


Dưới đây là giới thiệu lược giản quá trình Alexander xây căn nhà cho gia đình Upham vào năm 1993, được ông thuật lại chi tiết ở trong quyển 2 của bộ The Nature of Order. Nó giúp minh họa cụ thể cách mà hình hài căn nhà khai mở như thế nào cũng như phương pháp ông đề xuất có những điều nào giống và khác với các quy trình hiện hành trong ngành xây dựng-kiến trúc. Có vài điểm quan trọng cần lưu ý trước khi đánh giá phương pháp của ông qua ví dụ này.


  • Không phải công trình nào cũng đòi hỏi mức độ công phu như ở đây. Với một tiêu chuẩn khiêm tốn hơn, người ta thường không phải sửa chữa gì nhiều trong quá trình xây dựng mà vẫn có được một căn nhà ổn.

  • Có rất nhiều thay đổi kể cả thay đổi lớn trong suốt quá trình xây nhà Upham. Thay đổi trong lúc xây nhà, theo quy trình thông thường, đồng nghĩa với tốn kém, bực mình và mất thời gian. Nhưng ở đây không phải là loại thay đổi theo kiểu xây xong rồi đập ra sửa lại, thường xảy ra khi một sai sót thiết kế nhỏ ban đầu được để nguyên đến khi nó trở nên nghiêm trọng không sửa không được. Ông dùng những mock-ups, mô hình dựng lên tại chỗ bằng vật liệu rẻ tiền để xác nhận hình dạng thế nào là tốt nhất trước. Sau đó họ xây đúng như mock-ups. Tiếp, họ tập trung làm tốt nhất cái tiếp theo dựa vào những gì có sẵn chứ không quay lại chỉnh sửa cái đã xây xong. Đây là step-wise process, ở mỗi bước đều dựa vào những gì đang có để cố gắng làm đẹp nhất cái tiếp theo. Theo thực tiễn những công trình trung tâm CES của Alexander xây cho khách hàng, phương pháp này hoàn toàn không tốn kém hơn cách xây dựng thông thường.
  • Cần nhắc lại, loại cảm giác mà Alexander hướng tới là cảm giác về sự sống, về tính toàn thể (Xem Phần 3_ Sự sống hay tính toàn thể) Nó được chứng minh là ổn định và khá thống nhất giữa những người khác nhau. Nó khác với loại cảm giác đẹp xấu đến từ gu thẩm mỹ, từ lý luận hay cảm hứng là những thứ dễ thay đổi theo người và theo thời điểm. Nếu hiểu cảm giác theo nghĩa sau, tức nghĩa ta vẫn dùng thông thường, thì sẽ dẫn đến hiểu sai phương pháp và kết quả sẽ không tránh khỏi thay đổi xoành xoạch, xây xong rồi phải đập ra sửa lại trong lúc xây dựng.




Mảnh đất vườn trước khi gia đình Upham mua lại để xây
Mảnh đất này có một khu vườn xinh xắn nằm phía trên một cung đường cong. Mảnh vườn có ý nghĩa rất nhiều đối với cải khu phốyên tĩnh này. Ông nhận thấy để chèn thêm một căn nhà ở đây mà vẫn bảo tồn cái cấu trúc và tính toàn thể của khu vực, ông sẽ phải tìm một cách nào đó để hình dạng và vị trí căn nhà sẽ xây không phá hỏng vẻ đẹp của khu vườn và cái cách mà nó làm đẹp cho con đường.


Model đầu tiên của khu nhà trên địa hình mảnh đất vườn

Theo Alexander, model lúc đầu rất cần phải thật thô thật dễ làm dễ sửa. Một mô hình làm cẩn thận, chi tiết sẽ khiến cho cho việc thay đổi nó khó khăn hơn, ít sáng tạo hơn. Nguy hiểm hơn, một mô hình chi tiết nó sẽ chứa những quyết định về hình dáng tùy ý mà không phải từ quá trình khai mở từng bước của căn nhà. Với một cảm giác lờ mờ về tính cách của ngôi nhà và ý tưởng về khối tích và form ban đầu của công trình, ông cùng cộng sự quay lại miếng đất, cắm những cây cọc để dựng nên khung hình khối của nhà theo đúng kích thước thật. Lúc đó, họ nhận ra những bậc dốc trồng hoa ở đây đẹp hơn là hình dung trước đây. Cái ban công trong ý tưởng ban đầu chừa một chỗ quá hẹp cho nó. Họ chỉnh lại vị trí những cây cọc để chừa ra một mảnh sân rộng rãi hơn. Cũng trong lúc khảo sát ở hiện trường như vậy, hình ảnh một căn phòng có tường vòng cung bắt đầu nhen nhóm trong đầu. Tương tự, lúc này họ cũng cảm thấy hướng tiếp cận căn nhà tự nhiên nhất phải là từ góc sân phía tây dù nó không thuận với con đường giữa garage và nhà. Tiếp theo là quá trình chỉnh sửa mô hình, hoàn thiện hơn thiết kế từ những hiểu biết tại hiện trường, rồi dựng lại khối nhà bằng cọc tạm ở hiện trường, để đi đến mô hình cuối cùng. Nhóm của Alexander đã lên những căn nhà xung quanh phía trên đồi, nhìn từ tất cả cửa sổ ở đó ra xem cái khung nhà tỷ lệ thực đặt ở vị trí nào, độ cao nào sao chỗ căn nhà mới làm đẹp hơn không gian và view từ những cửa sổ hàng xóm thay vì phá hỏng chúng.  Song song đó, họ bắt đầu thử các thiết kế khác nhau bằng mô hình giấy lẫn xây thử bằng vật liệu thật tại hiện trường. Alexander vẫn thiết kếtheo trình tự chung từ cái lớn đến cái bé nhưng ông không răm rắp theo con đường này. Trong lúc cái thiết kế lớn chưa hoàn tất, ông đã bắt nghiên cứu những chi tiết nhỏ như cửa chính, tường, thậm chí chi tiết gạch ốp trang trí dựa theo những gợi ý đến với ông từ hiện trường đó. Ông thuật lại nhiều khi những đột phá ở khi thiết kế một chi tiết mang lại hiểu biết sâu sắc về cá tính căn nhà và giúp đột phá trong thiết kế cái tổng thể căn nhà. Dần dần cảm giác về tính cách của căn nhà nẩy nở rõ ràng hơn. 


Ướm thử mô hình cửa chính được làm rất chi tiết tại công trường
Mock-up bằng carton đầu tiên dựng nên để thử các form, màu sắc khác nhau. Các mẫu tường xây thử nghiệm khác nhau để hình dung cảm giác bề mặt và thiết kế của tường
Dưới đây là mô hình của khối nhà cuối cùng trước khi bắt tay vào xây dựng. Từ mô hình này, họ lập nên bản vẽ căn nhà để xin phép xây dựng. Ông nhấn mạnh là mô hình & vị trí các cây cột nhà được quyết định trước, bản vẽ theo sau. Bản vẽ phụ thuộc vào cây cọc thực tế, chứ không phải ngược lại.


Mô hình thô cuối cùng của khối nhà, trước khi bắt tay vào xây

Alexander cũng sẵn sàng thú nhận là dù trên bản vẽ xây dựng đã an bày vị trí các phòng, ông không thể biết chắc là cảm giác ở đó thế nào. Thậm chí ở tầng hai, ông hầu như không có cảm hứng gì đặc biệt khi sắp xếp chúng. Đối với ông, không có ai và không có cách nào khác biết sâu sắc hết những thứ đó. Mỗi thứ sẽ diễn ra từ từ, và ở mỗi bước, ông sẽ có đủ thông tin và hiểu biết để làm bước kế tiếp tốt nhất. Khi đổ xong nền nhà, cả nhóm sẽ đi lại trên đó, vẽ phấn nơi mà theo bản vẽ sẽ là những tường ngăn. Đây là lần đầu tiên họ mới thực sự có cảm giác rõ ràng cách ngăn phòng có hợp lý không. Vài bức tường ngăn sẽ được dịch đi vài inches. Điều quan trọng lúc này là làm sao ở cả hai bên tường ngăn, từng căn phòng đều đẹp và người ta thấy thoải mái ở đó. Sau đó nhóm dựng tường ngoài. Họ tạo những cốp pha cột di động để dễ bề chỉnh vị trí cây cột đó so với bản vẽ nếu cần. Khi đã hài lòng ở vị trí cuối cùng, họ cố định cột rồi mới đổ bê tông vào cốp pha.

Thử đi lại giữa các phòng xem vị trí cửa nào là tốt nhất với ô gần cửa sổ

Cả nhóm quanh lò sưởi. Cảm nhận xem đó có phải là chỗ làm họ thấy thoải mái nhất so với view, cửa phòng, độ lớn phòng hay không. Kích cỡ lò sưởi có ổn không.

Và họ lặp lại cách làm như thế cho cả căn nhà. Khi nền nhà xong, họ quyết định tiếp làm đẹp hơn từng phòng, từng cây cột nhà, từng cửa sổ. Trong quá trình đó, bản vẽ chỉ là gợi ý. Họ luôn sẵn sàng thay đổi khi ở đó họ cảm thấy có gì không phù hợp, hoặc có gì làm cho không gian đó đẹp hơn hẳn mà lúc vẽ họ không nhận ra. Căn nhà dần dần khai mở theo cách của nó, đôi khi theo một cách bất ngờ. Nhưng do không cố bám theo một hình ảnh cụ thể nào đó, chuyện thay đổi đối với họ là một phần tất yếu để căn nhà đẹp hơn, thay vì là một điều gây stress.


Bản vẽ tầng 1 cuối cùng để nộp Sở xây dựng Berkeley (Trái).  Và bản vẽ tầng 1 thực tế khi xây xong (Phải).



Dưới đây là loạt ảnh hoàn thiện của căn nhà Uphams. Những công trình của Alexander thoạt trông có vẻ không hiện đại nếu như hiểu hiện đại nghĩa là những cái form độc đáo được kỹ thuật kết cấu tiến bộ cho phép, hay vật liệu tân kỳ xa lạ. Thế nhưng bên dưới cái vẻ tầm thường, tưởng như sơ sài là một thứ chất lượng không gian sống mà hầu như tất cả những sự tiến bộ của thời bây khó có thể tạo ra được. Căn nhà toát lên một sự thoải mái đầy sức sống. Không chỉ là ta cảm giác thoải mái khi ở trong nó, mà chính căn nhà tự nó như cũng đang thoải mái (relaxed), duyên dáng hài hòa mà vẫn độc đáo khác biệt. Cũng giống như sự sống ngoài tự nhiên rất hiếm khi phải gồng mình để đẹp.


Ban-công phụ
Sảnh vào. Sảnh được chỉnh lại rộng hơn dự tính ban đầu để có chỗ thêm vào ô sáng xung quanh cửa. Nguyên do tại công trình họ thấy ánh sáng nếu chỉ từ cửa vào như thiết kế ban đầu sẽ không đủ cho phòng sảnh này đẹp.
Phòng khách nhỏ và mãnh liệt sức sống. Từng khung cửa, từng nẹp cửa, pattern trên trần nhà, trên cột nhà đều được họ thiết kế, thử bằng mô hình (giấy, ruy-băng,v.v..)  tại công trình trước khi hoàn thiện. Những cây cột này cũng được ướm thử và xê dịch trước khi cố định. Thay vì chia đều các ô cửa sổ, họ nhận thấy là khi để các cửa sổ ở giữa rộng hơn chỉ một chút so với cửa sổ ở hai biên, cảm giác căn phòng trở nên hay hơn rất nhiều.

Phòng ăn & bếp có lẽ là một phòng khai mở ra tuyệt nhất. Thiết kế ban đầu (bản vẽ nộp xây dựng) sắp đặt một phòng ăn và bếp ở góc phía Tây, bên ngoài phòng sẽ làm một mảnh sân có chỗ ngồi ngắm xuống đường. Khối phòng này có vấn đề là bởi hình dáng cắt khúc chữ L nên dễ có cảm giác ngăn cách giữa khu bếp và khu ăn. Sau khi đổ nền xong, ông mới thấy căn phòng này vẫn chưa ổn nhất. Tại đó họ quyết định bỏ luôn sân ngoài (bởi ngồi thử ở ngoài đó cảm giác hơi chật, và thường người ta cũng ít ngồi như vậy) để làm giàu hơn rộng hơn không gian ở phòng ăn & bếp. Đồng thời, một thay đổi trước đó về kết cấu tường chịu lực để cho phòng sảnh cạnh bên sáng sủa hơn cũng dẫn đến đòi hỏi thay đổi tường ở phòng ăn bếp. Kết quả là họ có một căn phòng rất khác so với thiết kế ban đầu.


Từ phòng bếp nhìn ra, bàn ăn góc bên trái cạnh cửa sổ
Phòng ăn
Không gian cả trong phòng bếp và bên bàn ăn toát ra một chất lượng sức sống rất mãnh liệt mặc dù nó trông đơn sơ mộc mạc, ở đây thiếu hoàn toàn những cố gắng tạo điểm nhấn thị giác theo cách thông thường. Chất lượng đó thật đến mức ta tưởng như có thể chạm được nếm được. Cái lò nướng cũng là kết quả tuyệt vời của quá trình khai mở từng bước, mà nếu áp đặt trước trên bản vẽ và làm đúng y như vậy sẽ hiếm khi đạt nổi. Chỉ cần xoay cửa lò một góc nhỏ, hoặc dịch chuyển vị trí của lò đi dăm mười cm, hoặc làm to hơn một chút là nó sẽ chia cắt căn phòng thành hai khu tách biệt không liên quan gì với nhau. Thay vì như hiện giờ, nó vừa kết nối, vừa phân định, rồi lại kết nối hai khu với nhau một cách hết sức uyển chuyển.

Cảm giác phố quát (common sense) kiểm soát quá trình tạo hình căn nhà. Nó có hình dạng như vậy là từ quá trình khai mở từng bước, không bị quan tâm đến Hình ảnh cuối cùng (Image) mà đến Thực tế.




Tạm kết Chỉ vì xây một căn nhà đẹp, Alexander đã phải biến mình thành nhà vũ trụ học. Nhưng ông không lập dị hay đơn độc như vài chục năm trước. Những lý thuyết và phát hiện của ông tìm được ngày càng nhiều sự quan tâm và tiếp bước nghiên cứu trong ngành khoa học thiết kế và ngành khoa học mới về hệ phức (vd, những hệ sinh thái, xã hội, big-data, internet, não bộ, thị trường, đô thị, khí hậu, ...). Hy vọng qua phần giới thiệu về Christopher Alexander và bộ The Nature of Order ở đây, ta có thể bắt đầu một cái nhìn mới đầy thú vị. Nó hứa hẹn chỉ ra những minh triết cổ xưa trong các công trình kiến trúc truyền thống tưởng chừng lạc hậu, những quy luật thâm trầm bên dưới một đô thị tự phát hữu cơ, những trật tự có tính cấu trúc bên dưới thế giới hiện tượng. Nó chỉ ra đầy thuyết phục rằng thẩm mỹ không phải là thứ vec-ni của các bố cục trừu tượng, mà nó xuất hiện từ cấu trúc thẳm sâu thông qua một quá trình. Với Alexander, con đường đi tìm Chân, Thiện, Mỹ tưởng đã phân ly giờ lại có cơ hội gặp nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét