Bản dịch và bài hát ở đây.
Hẳn sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau về những hình ảnh và câu chữ kỳ lạ này. Hẳn sẽ có những câu hỏi mãi lởn vởn trong đầu người yêu nó. Nhưng điều đó không ngăn cản chất nhạc chất thơ đi vào lòng người qua làn sương khói bảng lảng huyền bí nhưng lạ thay có gì đó chân thực không hề ảo mị. Ngược lại, nó, những câu hỏi lởn vởn đó là cần thiết bởi sự quyến rũ của cái đẹp và sự thật thường nằm ở miền vô định hơn là vài lời xác quyết. (Đó tiếc thay lại là 1 lời xác quyết)
Nghĩa là những cố gắng giải nghĩa bài này như dưới đây ko chỉ có nguy cơ bày ra một cách hiểu sai lầm mà tệ hơn, còn làm mất cái hay cái đẹp đi như xua đi đám sương mù khỏi bức tranh phong cảnh đang hoàn hảo. Hãy xem đây là những chú giải đọc qua cho vui, chứ đừng bỏ đi những câu hỏi và trả lời của chính mình.
Khổ 1:
The rain falls down on last year's man
That's a jew's harp on the table
That's a crayon in his hand
And the corners of the blueprint are ruined since they rolled
Far past the stems of thumbtacks
That still throw shadows on the wood
And the skylight is like skin for a drum I'll never mend
And all the rain falls down amen
On the works of last year's man
Cơn mưa trút xuống chàng trai năm cũ
Kìa là cái khèn môi trên bàn
Kia, mẩu phấn màu trong tay anh
Và bản phác họa rách sờn đi mấy góc vì chúng cuộn
Quá khỏi hàng đinh mũ chân tăm
Hãy còn ghim bóng mình lên bảng gỗ
Và mái trời giống như da của cái trống mà tôi không vá
Và mưa vẫn mưa rơi, xin dạ,
Trên công trình chàng trai năm qua.
6 câu đầu vẽ ra một khung cảnh một căn phòng và một nhân vật kỳ lạ: chàng trai năm cũ. Cú máy lướt từ người đàn ông này đến những món vật trong phòng_ khèn môi, mẩu phấn màu trong tay, bản phác họa, đinh ghim trên bảng_ với một không khí trầm lắng, sầu thảm và quái lạ. Tất cả đều bất động, chỉ có mưa là động, nhưng cả mưa cũng dường như cũng không có âm thanh.
Khung cảnh cho ta đoán đây là một người làm công việc sáng tạo, một nghệ sỹ đang trong xưởng của mình. Và mưa rơi lên mọi thứ, lên người chàng trai năm cũ và lên bao công trình của anh.
3 câu tiếp theo:
And the skylight is like skin for a drum I'll never mend
And all the rain falls down amen
On the works of last year's man
Sau khi quét quanh phòng, máy quay giờ hướng lên phía trên, nơi từ đó mưa tuôn xuống. “
Và mái trời giống như da của cái trống mà tôi không vá”. Cảm giác quái lạ không giảm đi mà càng tăng lên, căng lên. Skylight là cửa sổ ở mái nhà hoặc tường ngoài để lấy ánh sáng trời. Nhưng “giống như da”, “cái trống”, “tôi không vá” là sao? Ba câu này hát lên nghe như rất có ý nghĩa mà cũng rất mù mịt.
Cho đến khi tôi nhìn thấy ảnh một skylight như thế này, mái trời hình tròn như một mặt trống. Căn phòng_ bốn bề kín bưng như thân trống, mái trời ở đỉnh như mặt trống_ gợi lên một chốn thờ phụng và tôn nghiêm. Ở đó, người bên trong đối diện chỉ với mênh mông cõi lòng và thăm thẳm trời cao. Tất cả những thứ còn lại đều thinh bặt vô ảnh . Căn phòng này, chốn thờ phụng này chẳng phải chính xác là miền sáng tác, là hai chiều kích ý nghĩa nhất đối với con người L.Cohen ư?
Xuất hiện nhân vật “tôi”, người thứ hai trong phòng. Cả khổ thơ dù nói đến chàng trai năm cũ nhưng lại dùng thì hiện tại, còn nhân vật ‘tôi’ thì dùng thì tương lai (
tôi sẽ không vá). Có thể hiểu vào lúc này đây, trong căn phòng ấy, L.Cohen đang chứng kiến chàng L.Cohen năm cũ bằng xương bằng thịt ngay trước mặt.
Và mưa vẫn mưa rơi, xin dạ, trên công trình chàng trai năm qua. Tại sao lại
amen? Khi nhận ra ý nghĩa của căn phòng cũng là lúc bắt đầu có manh mối để hiểu amen. Từ này đi đến đâu trước giờ chỉ phiên âm hoặc giữ nguyên chưa bao giờ cần dịch. Nhưng để hiểu rõ ý L.Cohen, tránh nó thành sáo ngữ cửa miệng hoặc, đối với những người không cùng đạo Chúa, thành một lời vô nghĩa, thì cần thiết phải tìm trở lại nghĩa ban đầu của nó: dạ vâng, xin hãy là như vậy. (Dĩ nhiên một lý do quan trọng nữa là dịch cho nó nghe đỡ lạc vần. :D )
Khổ 2:
I met a lady, she was playing with her soldiers in the dark
Oh one by one she had to tell them
That her name was Joan of Arc
I was in that army, yes I stayed a little while;
I want to thank you, Joan of Arc
For treating me so well
And though I wear a uniform I was not born to fight;
All these wounded boys you lie beside
Goodnight, my friends, goodnight
Tôi gặp một cô, trong bóng đêm nàng đang đùa với lính
Ôi với mỗi anh nàng rồi phải nói rằng
Tên của em: nàng Joan xứ Arc.
Tôi từng ở trong đám ấy, vâng chính tôi một dạo
Tôi muốn tạ ơn em, Joan xứ Arc
Cái ân hảo đãi.
Và dù khoác áo nhà binh, tôi sinh ra phải đâu làm lính
Hỡi những chàng trai thương tích em nằm cạnh bên
Chào nhé, bạn ơi, xin chào.
Joan xứ Arc (tiếng Pháp Jeanne’Arc, tiếng Việt: thánh Giăng-đa) là một cô gái trẻ từng lãnh đạo binh sỹ chiến đấu oanh liệt cho nước Pháp, sau bị giám mục Anh kết tội chết thiêu trên giàn hỏa lúc mới 19 tuổi. Nàng về sau được giáo hội La mã phong thánh. Joan of Arc là một hình ảnh được Leonard Cohen hay dùng và có cả riêng một bài nhạc-thơ rất hay mang tên cô. Người nghe có thể tìm hiểu câu chuyện đời cô để tự rút ra Joan of Arc trong mỗi bài là biểu tượng cho cái gì. Và cả về cuộc đời của L.Cohen nữa. Có người cho rằng Joan xứ Arc ở đây là nói về Nico, một nàng thơ của L.Cohen.
Với tôi, đây là một bài mà L.C viết về sự kết thúc của một chặng đường sáng tác của mình, và nói về một chặng đường mới.
Khổ thơ trên nói đến chặng đường đã qua, có thể hiểu là một giai đoạn mà ông theo đuổi một loại nghệ thuật vị nhân sinh, thứ nghệ thuật mà, như Joan of Arc, giương cao ngọn cờ đấu tranh, kêu gọi người ta cải tạo xã hội dù theo nghĩa dời non lấp bể cải đời hay theo nghĩa phản chiến make love not war. Hẳn L.C cũng từng có thời gian sáng tác với tinh thần nhập thế hướng ngoại như vậy và cũng “được cô hảo đãi”. Nhưng ông “
sinh ra phải đâu làm lính”, đó là những lời chân thật của L.Cohen mà đến khi mất 45 năm sau, cuộc đời và sáng tác của ông là bằng chứng.
Những từ ngữ và ám chỉ khó hiểu: lady, được phong thánh, chơi đùa, trong bóng tối, phải nghiêm giọng với từng anh, nằm cạnh bên. Những ám chỉ có chiều lơi lả kia như khơi mời những dấu hỏi lẩn quất bên dưới cái vỏ thanh cao. Vd như, những chàng trai thương tích em đến nằm cạnh bên phải hiểu thế nào? Nếu hiểu đây là một bài L.C. nói về sáng tác nghệ thuật, thì không phải đó là một hình ảnh rất đắt và gợi, rằng cái duyên sáng tác thường chỉ đến ăn nằm với những tâm hồn nghệ sỹ đang bị tổn thương hay sao? Nếu ‘
nằm cạnh bên’ hiểu như trên, thì “
đang đùa trong bóng tối” có nghĩa là gì?
Với từng anh đó nàng phải xưng tên nghĩa là sao? Người ta có thể mê thích nhạc L.C. ngay từ đầu nhưng lâu lâu mới vỡ ra một câu trả lời, hoặc đặt một câu hỏi mới trước giờ chưa bao giờ thắc mắc, rồi trong quá trình đó, nếu may mắn, bỗng thấy ra một chiều kích ý nghĩa mới mà câu chữ, hình ảnh hiện ra rất đắt, rất đẹp. Đó là những lúc thật tuyệt. Nếu bài thơ-nhạc này còn nói về một chủ đề gì khác, về Nico chẳng hạn, thì tôi nghĩ đây là khổ thơ có cơ duyên nhiều nhất để lộ ra manh mối đó.
Nói đến “để lộ”, hãy nghe khổ 3
I came upon a wedding that old families had contrived;
Bethlehem the bridegroom
Babylon the bride
Great Babylon was naked, oh she stood there trembling for me
And Bethlehem inflamed us both
Like the shy one at some orgy
And when we fell together all our flesh was like a veil
That I had to draw aside to see
The serpent eats its tail
Tôi lọt vào một đám gả hai họ lâu đời khéo khép duyên
Bethlehem là chàng rể
Babylon nàng dâu
Babylon chẳng áo xiêm,ôi nàng đứng đấy run rẩy vì tôi
Còn Bethlehem làm hai chúng tôi bốc hỏa
Như gã thẹn thùng trong một đám truy hoan
Rồi khi ngã vào nhau, xác thịt ấy ôi tấm nhiễu đào
Khiến tôi phải vén lên rồi nhận thấy
Con rắn nào đang tự nuốt đuôi kia.
Chú ý cách dùng từ của L.Cohen. Không biết tôi đã phá hỏng bao nhiêu trong khi dịch càn bài này, nhưng tôi nhìn lời thơ của ông như nhìn một cánh đồng xanh tươi bên dưới đầy mìn và cố dặn mình bước càng dè dặt càng tốt.
Come upon: chứ không phải go to, come to, đi tới. Nó đồng thời mang nghĩa chủ động: tôi đi, lại để ngỏ cho khả năng mang nghĩa thụ động: một chuyện xảy tới với tôi.
Contrive : không phải là mai mối đơn thuần như ghép duyên, mà còn mang cái ý mưu toan, sắp đặt, nhưng chỉ mềm mỏng thôi chứ cũng không phải là ép duyên. Nên,
khép duyên.
Inflame : không phải enrage, angry. Nó vừa có nghĩa là người ta tức giận nổi đóa, vừa có nghĩa đốt cháy lên, khiêu khích.
Veil – draw aside: tấm mạng che mặt- vén mạng lên.
Cũng như Joan xứ Arc, Bethlehem và Babylon là tên 2 thành phố và do đó có thể biểu tượng cho rất nhiều thứ khác nhau tùy người hiểu. Theo cách hiểu ở đây, Bethlehem_ thành phố nơi Jesus chào đời_ tượng trưng cho tôn giáo, đạo đức. Babylon tượng trưng cho thế tục, lạc thú. Sự sống chung hài hòa giữa 2 khía cạnh đời sống này chẳng phải là điều từ bao đời nay con người trần tục vẫn cố sao? Nhưng sự kết hợp đó ko phải là trò chơi giữa những khái niệm trừu tường lý thuyết với nhau. Nó không thể thiếu chủ thể “tôi” (nghĩa chung). Cái tưởng chừng là một đám gả giữa Bethlehem và Babylon thật ra phải là một đám thác loạn tay ba có tôi trong đó. Tôi đến với đám gả này mà chính nó cũng đang đợi tôi. Có người vào tuổi dậy thì, có người phải một ngày nắng xế bên đồi, có người đi tìm, có người không tìm mà một ngày bỗng thấy mình
lọt vào cái đám đó.
Chú ý miêu tả các nhân vật rất đặc sắc: Babylon trần truồng, run rẩy vì tôi. Bethlehem đạo mạo e dè. Bethlehem làm chúng tôi bốc hỏa theo nghĩa nào_ giận dữ hay khiêu khích? Hãy dừng lại nghĩ về nó một chút vì đây là một chỗ rất hay. Ngay khi mình tưởng đã giải mã được nó, đã nhìn rõ vạt cỏ xanh, cũng là lúc nguy cơ dẫm phải mìn cao nhất. :-p
Trong cuộc truy hoan tay ba này, tôi (nghĩa L.Cohen) thấy những cảm xúc lạc thú như một tấm màn che mất điều gì chân thật, khiến ông phải dứt ra để vén màn lên. Câu này gợi nhớ tới bức màn vô minh của dòng sông cảm xúc trong đạo Phật. Gần hơn, tấm màn-mạng che mặt là liên hệ rõ ràng đến Revelation (Sự Vén màn lên)_ một cách diễn đạt trong đạo Chúa, đạo Hồi và đạo Do Thái rằng Chúa trời đôi khi hé lộ Sự Thật bằng cách vén bức màn che phủ mọi thứ lên.
Con rắn tự nuốt đuôi: hình vòng tròn, quay lại từ đầu, vô thủy vô chung. Hình tượng cổ xưa con rắn (vườn địa đàng, Adam & Eva) cho ta thấy
old families (
hai họ lâu đời) ở đây là lâu tới cỡ nào, và cái đám gả này đã được sắp đặt từ bao lâu.
Dùng những hình ảnh như cô dâu động tình,
orgy (đám truy hoan thác loạn, tình dục tập thể) giữa bức tranh đầy hình ảnh tôn giáo từ Thánh kinh mà lại đắt và đẹp; chạm đến chỗ đại đồng tinh yếu của 4 tôn giáo lớn đầy tranh cãi chỉ bằng vài câu ngắn ngủi, đó thực sự là màn trình diễn tối giản bậc thầy. Tối giản hơn nữa chắc chỉ còn niêm hoa vi tiếu. :D
Khổ 4:
Some women wait for Jesus, and some women wait for Cain
So I hang upon my altar
And I hoist my axe again
And I take the one who finds me back to where it all began
When Jesus was the honeymoon
And Cain was just the man
And we read from pleasant Bibles that are bound in blood and skin
That the wilderness is gathering
All its children back again
Có người chờ đợi Giê-su, người thì nơi Cain ngóng vọng
Nên ta hương khói tế đàn này
Và ta giương cao thanh đồ đao
Và ta dắt ai tìm được đến đây, trở lại chốn xưa nơi mọi sự khởi đầu
Khi Giê-su là kỳ trăng mật
Còn Cain, chỉ một chàng trai
Và ta cùng đọc những Thánh kinh tươi sáng, được kết buộc bằng máu và da
Rằng mẹ hồng hoang đang hú gọi
Các con bà quay bước trở về thôi.
Cain: người con trai trưởng của Adam và Eva.
Altar: đàn tế dùng để dâng cúng, hiến tế. My altar: xưởng sáng tạo của người nghệ sỹ này cũng đồng thời là một chốn hiến tế.
Hoist my axe: giương rìu lên, gợi ý đến máu, đến sự hy sinh (sacrifice) trong hiến tế. Có version đề là “voice my acts”_ một tuyên ngôn rõ ràng hơn. Trong tiếng Việt, thanh đồ đao cũng gợi ý đến máu.
Pleasant Bibles that are bound in blood and skin: sự mỉa mai phản tỉnh không bao giờ rời bỏ L.Cohen để mặc ông với mỗi lòng yêu kính thuần thành.
Jesus-Cain lại hai cái tên, hai biểu tượng. Câu đầu thường khiến tôi nhớ tới Trịnh Công Sơn: “
người vinh quang mơ ước địa đàng, người gian nan mơ ước bình thường”. TCS đặt câu hỏi trong khung cảnh xã hội và chỉ ra “
làm sao đến gần hy vọng cuộc vui chung?”. L.Cohen quan tâm đến hành trình cá nhân. Ta ở đây phụng sự tế đàn này, và hãy đến đây rồi đi với ta trên một hành trình.
Đoạn tiếp theo là một tuyên ngôn sáng tác của L.Cohen, là hành trình ông dẫn ta đi. Và nó chỉ dành cho những người “
ai tìm thấy ta”.
Trở lại chốn xưa nơi mọi sự khởi đầu =
con rắn tự cắn đuôi. Hay là, sáng tác của ông, hành trình ông nguyện dắt ta đi không gì khác hơn cái sự thật mà ông nhận thấy đằng sau tấm màn.
Nói đến trở lại chốn xưa, hãy nghe Khổ 5:
The rain falls down on last year's man
An hour has gone by
And he has not moved his hand
But everything will happen if he only gives the word;
The lovers will rise up
And the mountains touch the ground
But the skylight is like skin for a drum I'll never mend
And all the rain falls down amen
On the works of last year's man
Cơn mưa trút xuống chàng trai năm cũ
Một giờ đã trôi qua
Mà anh vẫn dường tượng đá
Nhưng mọi điều sẽ xảy ra chỉ cần một lời anh nói
Những tình nhân sẽ trỗi dậy
Và núi non chạm tới móng nền
Nhưng mái trời giống như da của cái trống mà tôi không vá
Và mưa vẫn mưa rơi, xin dạ,
Trên công trình chàng trai năm qua.
Trở lại căn phòng. Chàng trai năm cũ vẫn ngồi đó, mưa vẫn rơi. Nhưng nếu khổ đầu như một một bức tranh tĩnh vật, một đoạn phim câm lặng u buồn thì khổ này như một đoạn phim fantasy vào cái phút im ắng cuối cùng ngay trước khi phép mầu hiện ra đầy mê hoặc.
Núi non ko vươn lên chạm đến trời cao mà chạm đến móng nền, tình nhân trỗi dậy: những hình ảnh đầy mê hoặc, như pháp thuật.
Chàng trai Cohen năm cũ, người nghệ sỹ năm cũ ấy cũng là một đấng sáng tạo_
the creator. Chỉ cần một từ, một điệu khèn, một nét phấn màu của người nghệ sỹ là những phép mầu diệu kỳ sẽ hiện ra.
Chỉ một lời anh nói.
Nhưng anh ngồi đó, không nói, để mặc mưa rơi trên người anh và trên bao công trình của anh. Và chàng trai Cohen hôm nay cũng ngồi đó. “
Nhưng mái trời giống như da của cái trống mà tôi không vá”. Chú ý sự thay đổi nhỏ trong cách hát, nó không còn là sự mô tả như khổ đầu mà là một lời trần tình đầy cảm thương của L.Cohen hôm nay với L.Cohen năm cũ. Không ai xử lý lời nhạc của ông hay hơn ông, ngay cả khi giọng ông đã khản đặc sau này. Ông tiếc lắm chặng đường đã qua, tội lắm thương lắm con người của ngày hôm qua. Nhưng “
tôi sẽ không vá”. Nhưng trời cứ hãy mưa, tôi xin tuân dạ, amen. Đấy là ý trời hay ý người? Làm sao biết được khi ta ngồi ở trong căn phòng cái trống ấy. Phải chi anh ấy nói chỉ một lời.
Bài hát mở đầu bằng một khổ mưa rơi. Đến cuối bài, L.Cohen đưa ta đến với một khổ mưa rơi nữa: ta dắt ai tìm đến với ta trở lại chốn xưa nơi bài hát khởi đầu. Trong từng khổ này, mưa xuất hiện ở câu đầu tiên và đến câu cuối cùng thì cũng quay trở lại. “
Con rắn tự cắn đuôi” không chỉ ở trong nghĩa ẩn dụ mà còn ở trong hình thức. Chưa hết, về mặt hình ảnh, sau khi máy quay hướng lên mái trời xong thì cũng theo cơn mưa quay trở lại nơi nó bắt đầu: chàng trai & những công trình của anh. Bao nhiêu là sắp đặt công phu, bao nhiêu là tâm sức bỏ vào một lời anh nói, nhưng mà hiện ra cứ nhẹ nhàng như không có gì.
Mưa: nước từ trời. Trong sự xóa sạch phũ phàng của nước mưa có chăng nước mắt thương tiếc của trời? Hay đó là nước thánh chúa rắc ban lên thân xác một người đã dừng lại trong dĩ vãng?
Có thật sự đó là nước thánh từ chúa trên trời? Hay từ đấng sáng tạo đang ngồi ở ngay đây? Ai làm ra mưa?
Bài hát là một lời tiễn biệt đầy yêu thương và cảm thông của một người tài hoa hát lên chôn cất con người tài hoa-chính mình của ngày hôm qua.