Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Một địa chỉ kiến trúc đáng tham quan ở Đà Nẵng



Quận Hải Châu nằm ở lõi trung tâm Đà Nẵng có nhiều công trình kiến trúc thú vị từ di tích thành cổ cho đến những công trình cao tầng hiện đại nhất. Nếu bạn quan tâm đến thứ kiến trúc hài hòa (*) với con người và môi trường xung quanh sâu sắc thì đừng bỏ qua địa chỉ số 46, 48 đường Nguyễn Chí Thanh.

Trước nhà 46 có một cái cổng vảo đơn giản. Hai cột đá ở hai bên. Một bộ cổng sắt không có gì đặc biệt ở giữa. Phía trên là 1 vòm cong khung sắt vắt giữa hai cột đá, dây leo quấn đầy. Một lối bố trí đơn giản, phổ biến nhưng nó gây một cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu. Cảm xúc đặc biệt đến từ độ sống động của hai cột đá hai bên. Chúng to, dầy, xây lên từ việc sắp những viên đá thô, tô trét vữa sơ sài, kết thúc bằng một viền mép trên đỉnh cột.

Cột đá cổng nhà 46

Chỉ có vậy. Nó không có gì nhiều để mà gọi là thiết kế và bản thân nó đứng một mình chẳng đáng để đến thăm. Thế nhưng điều rất thú ví là ngay sát bên cạnh nó, ở căn nhà 48 cũng có một cái cổng tương tự.

Hai cột đá ở nhà 48 có nhiều điểm giống như nhà 46. Cũng chính xác từ kích cỡ thân cột cho đến viền mép đỉnh đó, cũng xây từ những viên đá kích cỡ tương đương xếp nên. Thậm chí nó cũng là cổng sắt, vòm dây leo xanh phía trên. Nhưng mặc dù trông ổn hơn phần lớn những cái khác, nó lại lu mờ, nhạt nhoà hơn rất nhiều so với cái bên nhà 46, ko phải về màu sắc mà về độ sống động, có "hồn", "cá tính". Chúng hẳn hoàn toàn gần như nhau nếu nằm trên bản vẽ. Thế thì tại sao, cái gì làm chúng khác nhau đến thế?
Cột đá cổng nhà 48

Nhìn qua ảnh ở đây, có lẽ bạn đã có câu trả lời. Nhưng cái điểm khác biệt rút ra từ ảnh chỉ là tiểu tiết, ý phụ, một bài học rút tỉa bên lề. Địa chỉ này vẫn đáng phải đến thăm vì hai lý do chính rất có ý nghĩa mà nếu chỉ nhìn trên mạng sẽ không thay thế được.

Thứ nhất là để đứng gần chúng, đi qua đi lại giữa hai cổng nhà này và tự trải nghiệm cảm giác nó mang lại_ nó thật hay không, nó mạnh yếu thế nào. Chúng ở ngay cạnh nhau, khung cảnh đường phố như nhau, ánh sáng như nhau_ sự quan sát ko bị chi phối vì lý do gián đoạn thời gian hay không gian hay tâm trạng biến đổi của người quan sát. Không dễ có được một đối tượng nghiên cứu vừa ở mức hình học cơ bản, vừa có các điều kiện so sánh lý tưởng như vậy, ngay trong môi trường thực.

Thứ hai là để thoải mái soi từng chi tiết, từng yếu tố khả dĩ tạo ra khác biệt và thử đặt cho mình câu hỏi, nếu là người thiết kế thì có cách chi mà từ bản vẽ và bảng mô tả vật liệu, ta tạo ra được cột ở cổng nhà 46 chứ không phải 48 hay không. Cái cảm giác lúc vẽ bức tường trên giấy có không, nếu có thì nó có giống loại cảm giác khi đứng đó không?  Loại cảm xúc của một bản vẽ biểu cảm có giúp ích gì cho việc tạo ra loại cảm xúc mà vật thể xây dựng sau cùng mang lại không? Làm sao rút ra được bài học này và áp dụng cho những thứ khác chứ không chỉ là một chi tiết đơn giản và tầm thường như cây cột đá này?

Đó là một vấn đề kiến trúc thực sự thâm trầm dù rất nhiều KTS thời hiện đại ko thấy đó là vấn đề của ngành mình hoặc đáng ưu tiên cho sự nghiệp của mình. Nhưng không phải chính nó mới là cái đáng hướng tới hơn thảy đối với chúng ta, những người sống giữa và trong những công trình xây dựng, hay sao?.

---------
(*) hài hòa ở đây không đơn giản nghĩa là các thứ đồ đạc tiệp với nhau, cùng kiểu, trông toát ra chuẩn một phong cách nhất quán như vẫn thường thấy ở các ảnh tạp chí thiết kế. Nó muốn nói đến một cái gì đó như sống động mà chạm đến ta dù chỉ khẽ khàng, nhưng sâu hơn và khiến ta cảm thấy thoải mái với nó, bén rễ quyến luyến cùng năm tháng với nó. Cái cảm xúc Chris đi tìm là cái cảm xúc về nó, mà ông gọi là sự sống hay tính toàn thể

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Bốn bước để có một căn phòng tốt

Mỗi căn phòng đều trải qua 4 giai đoạn khai mở. Buớc đầu tiên liên quan đến vị trí của nó; bước thứ hai những thứ bên trong nó, những trường trung tâm chính; bước thứ ba liên quan đến cấu trúc thứ cấp (những trường trung tâm nhỏ hơn); bước thứ tư đến tính tĩnh tại của nó. Trong một căn phòng tạo ra từ sự khai mở thật sự, bốn bước này mang đến sự sống cho căn phòng.


1. Vị trí căn phòng: trong giai đoạn đầu của thiết kế, căn phòng được hình thành đầu tiên là từ vị trí: thường là tên, kích cỡ, và vị trí ước chừng. Có người cho rằng cứ đặt căn phòng đâu đó cũng được, rồi sau đó sẽ dùng vật liệu, đồ đạc, thảm rèm,v.v.. để thổi hồn vào cho nó sinh động. Một lối tiếp cận sai lầm. Những trường trung tâm mang lại sự sống cho căn phòng là những thứ nằm ngoài cái phòng. Trên thảy tất cả, căn phòng được phát cho sự sống là tự vị trí của nó ở đâu trong dòng di chuyển của con người, từ ánh sáng tự nhiên trong phòng, từ mối tương quan của nó với cái thế giới bên ngoài cửa sổ_ đó là ba thứ chính yếu nhất. Những thứ này chỉ có thể giải quyết ngay từ khâu sắp xếp đầu tiên chứ ko phải sau này.

Nếu áp dụng quy trình cơ bản, mỗi phòng sẽ được chọn/sắp xếp để chính nó trở thành một trường trung tâm_ điều đó đòi hỏi nó phải chiếm một vị trí nhất định trong dòng di chuyển và có một chất lượng ánh sáng tự nhiên nhất định. Và khi thực hiện quy trình này cho toàn bộ tất cả các căn phòng, nó chi phối mạnh mẽ đến đường biên của khối nhà. Những mối tương quan giữa căn phòng với thế giới bên ngoài bốn bức tường này có ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự thành công hay thất bại của căn phòng.


2. Những trường trung tâm của căn phòng: giờ đến bước bố trí và tạo ra những trường trung tâm trong phòng. Đây là bước tinh tế nhất và cũng cực khó, bởi những trường trung tâm định tính căn phòng, mà mình phải tạo ra, thường là vô hình. Loại không gian “căn phòng” có đặc điểm là các trường trung tâm của nó hầu như luôn là những mẩu không gian (rỗng) hơn là những cấu trúc vật thể (đặc). Ở mỗi căn phòng, mình phải tìm ra những vùng thiết yếu, rồi cùng với sự kết hợp giữa dòng di chuyển và ánh sáng, biến vùng đó trở nên một trường trung tâm có sức sống.
Thường trong một căn phòng, những trường trung tâm được xác định bởi hai yếu tố: (1) nó là một vùng đọng bên dòng chảy di chuyển và (2) nó gần ánh sáng. Căn phóng có trường trung tâm tốt khi mà tạo được một chỗ có đồng thời cả hai đặc điểm đó, rồi lại còn được làm mạnh mẽ giàu sức sống hơn bằng quy trình cơ bản để phát triển khai mở với những thành tố bục cửa sổ, trần nhà, đồ gỗ, điểm nhấn, v.v...


3. Cấu trúc thứ cấp: những cấu trúc thứ cấp_ những thứ được xây, những cấu trúc vật chất, hình học, cần phải ăn rơ với nhau, và chúng quyết định sự liền mạch và cảm xúc của căn phòng. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên và từng là một phần cốt lõi của bất cứ nền kiến trúc truyền thống nào, vậy mà thật đáng ngạc nhiên cách mà nó hầu như biến mất và quên lãng trong các công trình kiến trúc thế kỷ 20.
Một lần nữa, ở đây quy trinh cơ bản sẽ giúp ích rất nhiều. Bằng cách lặp lại quy trình cơ bản để khai mở từng bước, mỗi bước làm một thứ hướng đến gần hơn cái hình thù và ý tưởng căn phòng đang dần có hình hài trong đầu bạn. Lắng nghe nó, quan tâm đến tính toàn thể nhưng đừng bận tâm nhiều đến mặt bằng / bản vẽ tổng thể.
Chúng ta hãy đi vào cụ thể. Hãy giả sử bạn đã đến chỗ đất định xây, xác định vị trí tốt nhất để đặt một phòng quan trọng. Bạn đã đứng ở chỗ đó, hài lòng là “từ bên trong nhìn ra”, nó đúng là một chỗ đẹp, có tương quan tốt với không gian và địa hình bên ngoài. Dùng quy trình cơ bản, bạn đi bước tiếp theo bằng cách tôn tạo trường trung tâm mà ta đã định trong đầu này. Dĩ nhiên bạn muốn ánh sáng trong phòng đẹp. Do đó ta phải chừa một vùng quang đãng phía ngoài rìa phòng để cho ánh sáng đi vào được đẹp_ ta phải làm cửa sổ đẹp. Tự nhiên, căn phòng giờ đây đã có được những nét rõ rệt hơn hẳn trong thiết kế đang thành hình. Nó “nổi bật”, nó có phần tường bao sáng tỏ và nó bắt đầu góp phần định hình phần căn nhà xung quanh phòng này.


4. Tĩnh tại: yên tĩnh, lắng đọng, an bình, vui tươi, giản dị. Sau những bước khai mở, phân hóa, thêm thắt là bước dẹp bỏ những gì rườm rà và chỉ giữ lại những thứ thật sự mang đến cho ta sự thoải mái và tĩnh lặng.

Về nguyên tắc, căn phòng là sự hiển lộ và hóa thiêng của cuộc đời. Nó là cuộc đời của ta hiển bày ra. Bản thân căn phòng, giống như cái nôi hoặc mớ tích góp của một đời sống, về bản chất chính là nơi của thiên vạn hỷ lạc sầu bi, là chỗ chứa đựng cuộc đời bạn và phần đời của con bạn; là phần xác thịt, mang tính trật tự vật lý, của cái mà tâm hồn bạn từng là và đang là.

Có lẽ đó mới là mục đích thật sự của căn phòng. Nó cần phải thoải mái, nhưng là thoải mái thật sự, thoải mái ở tận tầng linh hồn bên trong. Một căn phòng tốt phải tuyệt đối dễ chịu, cả trong tâm hồn lẫn ở sự êm ái của nệm êm, ánh sáng dịu, tiếng chim ca, nước chảy, một nhành dây leo xanh uốn quanh nở trộm một hai bông hoa, vẳng tiếng trẻ thơ nô đùa và người thân yêu cười nói…. Quá nhiều người đã đánh mất đi sự thính nhạy đối với cái thoải mái dễ chịu bình dị này.

Làm sao để tạo được sự tĩnh tại? Nói chung nó đơn giản thôi nhưng đòi hỏi phải tập trung và lắng nghe chính mình. Hãy đứng ở trong căn phòng đó. Tự hỏi mình là ta nên đặt ở kia cái gì_ một loại đá nào đó ở mép trên lò sưởi, một màu tường nào đó, khoét cửa sổ hay cửa ra vào theo hình dáng nào đó , v.v… Với mỗi thứ, ta hỏi, nó có mang lại sự tĩnh tại trong ta nhiều hơn không? Nếu có, giữ thiết kế hay món đồ đó. Nếu không, loại nó đi. Cứ như vậy đối với mọi thứ xung quanh bạn.

Tóm tắt từ  Christopher Alexander, The Nature of Order, Book 3, Chapter 13



"In principle, a room is the sanctification and illumination of a life. It is your life made manifest. The room itself, like a cradle or a gathering together of a life, is, in its essence, the place of thousand joys and sorrows, the receptacle of your life and your children's lives, the embodiment, in physical order, of what yout spirit has been and has become.

That is, perhaps, a true purpose of a room. It is comfort, but true comfort, an inner spiritual comfort. When i describe it as spiritual it sounds ascetic, and too much connected with self-awareness. A good room is utterly comfortable. It is the real comfort, the comfort of the soul: but also the comfort of pillows, soft light, soubds just right for the ear, birds singing.a solitaryvine running up the front door and bearing ine, two, then three blossoms, the comfort of the paint outside on the building, thr feeling of happiness i feel when I come home to the deep reddish rose of my own house, the cages with hamsters stuck all iver the house, and the way my children squeal and play with those cages, the oil paints all over my studio, the voice of my dear wife singing, coming up from the room below. That is real comfort "
_ NOO, p.438, book 3