Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

Entry for October 17, 2008

1. Nếu bác Chiến có kháng án

HĐXX đánh giá bị cáo Hải có thái độ thành khẩn khi khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, tuyên phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ, thời hạn thi hành án phạt tính từ ngày có quyết định thi hành án.” _ http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/10/808580/

Giả sử ông Chiến có kháng án và tòa xét xử lại, tôi nghĩ luật sư của ông không nên cãi là ông vô tội làm chi. Vô ích. Thay vào đó, họ nên biết rút kinh nghiệm chứ, nên chịu hèn 1 tý để xin khoan hồng và xin tình tiết giảm nhẹ án có phải hơn không. Ví dụ họ có thể cúi đầu nhận là ông Chiến cũng có tội như ông Hải, nhưng ông Chiến đã thành khẩn hơn, đã tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra hơn anh Hải nhiều. Bằng chứng cúa sự thành khẩn ấy là hàng trăm băng ghi âm mà ông ấy đã cung cấp cho cơ quan điều tra, và khẩn cầu Hội đồng xét xử cho mở những đoạn băng ấy trước tòa để việc điều tra xét xử dễ dàng hơn.

Thế không phải là tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra thì là gì? Không lẽ là tiêu cực giúp đỡ. :D

Không lẽ một bị cáo trước tòa dùng lý lẽ bảo vệ cho mình mà là ngoan cố, thiếu thành khẩn à?


2. Hạn chế xe cá nhân

Hoan hô Sở Giao thông Công chánh Tp HCM. Cuối cùng thì cũng đã dũng cảm nhìn ra con voi lù lù ở trong phòng trong bài toán tình trạng giao thông đô thị.

Chỉ mong là các bác lần này đi cho đến hết đoạn đường, chứ đừng có vì ý kiến bàn ra bàn vào mà đưa ra giải pháp nửa vời. Có những chuyện đụng đến quyền lợi của dân thì bị phản đối là đương nhiên, nhưng nếu theo dân túy mãi thì chỉ là nuôi bệnh ngày càng nặng. À, còn mong là các bác đánh xe 2 bánh nhẹ nhẹ hình thức cho “bình đẳng” thôi, chứ xe 2 bánh còn có lợi hơn cả xe buýt công cộng nhiều.

Chúng ta cần phải làm quen với một sự thật cay đắng là không thể tiếp tục có chuyện mỗi người dân đều có quyền nhong nhong chiếc xế riêng của mình “miễn phí” như nhau. Nó phải là một cái quyền được mua bán. Sẽ có một bộ phận phải từ bỏ chiếc xe riêng của mình. Sẽ có một số “vấn đề” về công bằng xã hội. Sẽ có những vấn đề về cách thực hiện, về cách sử dụng đồng tiền thu về, về tình trạng đường sá chưa ra gì đã đòi thu phí….

Rất nhiều vấn đề đó đều có lý riêng của nó. Nhưng nếu không chịu thay đổi tư duy, chấp nhận cái “bất bình đẳng” xã hội trong việc sử dụng đường sá, thì không bao lâu tất cả chúng ta sẽ đều bình đẳng dàn hàng ngang, chồng lên nhau nhiều lớp trên đường phố.

Cũng như chúng ta có thể đã phải dàn hàng ngang, bình đẳng kéo nhau đi xuống đáy nghèo đói, nếu như đã không chịu Đổi Mới. Đã có những người mất quyền có việc làm, quyền được bao cấp đi học. Đã có những vấn đề về công bằng xã hội, cách đổi mới, về vấn nạn tham nhũng, về suy đồi lối sống v.v… đến bây giờ chúng ta vẫn phải tiếp tục giải quyết. Nhưng cứ phải đổi mới trước để cuộc sống chung có cơ đi lên đã, rồi những vấn đề còn lại có thể (yêu cầu) giải quyết sau.

Đọc "Chuyện đời thường"

Có một anh tên Ngọc, vốn dân tỉnh lẻ lên thành phố. Hằng ngày chạy xe đi làm, anh thường tiện đường mời người đi bộ quá giang. Một lần khi hỏi thăm một cô gái trẻ đợi xe bên đường và ngỏ lời mời cô quá giang, cô gái đã giật mình sợ hãi, từ chối líu cả lưỡi. Anh lấy làm buồn đến mấy tuần.

Anh mang nỗi phiền muộn này giải bày với ông Khánh Đăng, người giữ chuyên mục “Chuyện đời thường” trên báo SGGP. Thư được đăng, rồi những cánh thư của bạn đọc gửi về phản hồi. Có ý kiến chia sẻ với anh và động viên tiếp tục hãy sống tốt và tin vào sự đương nhiên chiến thắng của cái thiện. Nhưng nhiều ý kiến hơn lại đồng tình với sự từ chối của cô gái. Theo họ, không chỉ người nhận cần phải đề phòng, mà ngay cả người cho vô tư như anh cũng cần phải như vậy. Trong thư hồi đáp cuối cùng, anh Ngọc đã hết hoài nghi và chọn sẽ vẫn sống và làm những điều tốt đẹp cho dù chỉ là những chuyện vụn vặt, và cảm ơn những bạn đã đồng cảm với mình.

Chuyện xảy ra vào năm 2000. Khi đó, lòng tốt vô tư đã bắt đầu bị lấn át bởi mối nghi kỵ.

http://f3.yahoofs.com/blog/466a2d0dz4910d545/50/__sr_/282f.jpg?mgAoK.IBxLAhWz2e


Không biết giữa đường phố Sài Gòn hối hả và hỗn tạp của năm 2008 này, liệu những người như anh Ngọc có còn không. Liệu chính anh có còn mời người khác đi quá giang nữa? Và một bức thư tương tự như bức của anh nếu đăng lên báo sẽ nhận được phản hồi thế nào?

Có lẽ tất cả sẽ bảo là anh hâm, điên, dư hơi. À mà có khi lại không phải. Biết đâu thời bây giờ sẽ có không ít cô gái trẻ thoải mái nhận lời mời kia thì sao. Xã hội thay đổi vù vù, nghe bảo bây giờ thậm chí nhiều em teen còn mời mọc các anh xa lạ đến “cứu net” cho mình. Chuyện leo lên xe người lạ để quá giang là chuyện nhỏ. Thời bây giờ sự nghi kỵ có thể đang bắt đầu nhường chỗ cho 1 cái gì khác rồi.

Tôi nhớ hồi ở Mumbai cách đây không lâu. Thỉnh thoảng tui vẫn liều lĩnh tự lái xe đi từ nhà đến nơi tập thể dục. Tôi không muốn phiền người khác chở mình vào cuối tuần. Vả lại, đoạn đường này không dài, xe cộ vắng hơn các khu khác. Trong một lần tự lái xe như thế, lúc tôi đang dừng trước đèn đỏ, chuẩn bị rẽ phải thì có một nhóm học sinh tiểu học đang đứng ở dãy phân cách đi đến gõ cửa xe tôi, định nói gì đó. Khi nhận ra là tôi không nói được tiếng Ấn, tụi nhóc này vừa cố nói bằng tiếng Anh, vừa bằng tiếng tay chân, rằng cho tụi nó xin đi quá giang một đoạn về nhà. Tôi thật sự kinh ngạc. Sao tụi nó lại có thể dạn dĩ và ngây thơ như thế, không lẽ bố mẹ chúng không dạy cho chúng phải biết đề phòng người lạ, ngay cả đơn giản như là nhận 1 cái kẹo? Sau này để ý, tôi mới biết là không chỉ có con nít, mà không ít người lớn ở đây cũng xin quá giang dọc đường. Ở một xứ như Ấn Độ năm 2005, lòng tốt vô tư vẫn còn là một điều bình thường được mong đợi. ?!

*

**

Quyển tản văn “Chuyện Đời Thường” của bác Khánh Đăng có những câu chuyện như chuyện anh Ngọc thế. Nó là tập hợp những bài viết đăng trên mục cùng tên của tác giả trên báo SGGP từ năm 1998 đến năm 2000. Những câu chuyện mà thật khó dùng từ nào hợp lý để tả hơn là từ … đời thường. Không mong đọc được những gì cao xa, chỉ cứ nhẩn nha theo ông nghe kể từng chuyện mắt thấy tai nghe, cùng ông bóc từng lá thư tâm tình của bạn đọc, hoặc ngồi nghe một ông bạn già than phiền, một ông khác nổi hứng yêu bồng bột, …, đôi lúc chợt thấy những bất ngờ rất thú vị, hoặc suy nghĩ miên man về cái tình người, hoặc nhớ tới những chuyện cũng đời thường khác của mình đã quên vì tưởng không có gì đáng nhớ.

Hoặc đơn giản mỉm cười chia sẻ với một ông lão cao niên mà trái tim vẫn còn tươi trẻ.