Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Hồ sơ Cambridge Analytica

Cái tên Cambridge Analytica nổi lên ngay sau bầu cử tổng thống Mỹ như là con ách công nghệ quan trọng trong chiến thắng của phe ông Trump. Công ty này được cho là đã phân tích tốt hơn cả so với các công cụ của đối phương trong việc xác định đâu là những khu vực còn chưa nghiêng hẳn theo phe nào, đâu là nhóm cử tri đang lung lay, dễ lung lay vì lý do gì, và nhờ đó tập trung nguồn lực để micro-targeting đánh vào tâm lý vào những đối tượng cần đánh, lật những bang có thể lật, dẫn đến chiến thắng chung cuộc gây choáng váng cả hệ thống chính trị Mỹ.
Giờ đây Christopher Wylie, data scientist (khoa học gia dữ liệu) của công ty C.A trên, vì ăn năn do tội lỗi mình góp phần gây ra, quyết định tuýt còi, chịu đứng ra nói lên những chuyện sai trái bên trong cách thức hoạt động của công ty.

Về bản chất, đây là câu chuyện về một chiến dịch chiến tranh tâm lý bài bản, loại mà một số quân đội đã dùng để đánh lên những cuộc bầu cử ở các nước khác, nhưng khác hẳn về quy mô, tầm vóc và đối tượng.
Những phân tích bằng giải thuật máy tính thường cung cấp hiểu biết về con người chính xác đáng ngạc nhiên. Anh có khuynh hướng chính trị nào, những cái anh “thích” và chia sẻ có nội dung như thế nào, những thứ hút được sự quan tâm của anh là vài dòng chỉ nên ngắn gọn hay phức tạp sâu sắc , loại kích động, nghiêm túc hay hài nhảm, lảng bảng mèo mây hoa nhạc; tin tức ở trang nhà những người bạn nào thường được anh đọc và tương tác nhất…. Thật khó nuốt điều này, nhưng trong nhiều trường hợp, máy hiểu con người nhiều hơn con người hiểu nhau hay ta tự hiểu chính mình. Có những pattern mà con người nghĩ là không liên quan nhưng máy tính với số lượng dữ liệu lớn cho thấy nó có liên quan, vd như thường những người nhấn thích “Tao ghét Israel” trên Facebook cũng là những người thích giầy Nike và bánh sôcôla Kitkat.
Chris Wylie là một người kỳ lạ. Bị tự kỷ và chứng ADHD (thiếu tập trung và tăng động), 16 tuổi nghỉ học thì 17 tuổi đã ngồi làm cho văn phòng lãnh đạo Đảng đối lập ở Canada. 18 tuổi học về data từ cỗ máy vận động tuyên truyền của Obama. 20 tuổi học luật ở trường LSE danh tiếng, rồi nghiên cứu vềdùng học máy để đưa dự đoán khuynh hướng thời trang máy. Năm 24 tuổi, chính Wylie nảy ra ý tưởng mà sau này trở thành nền móng cho công ty Cambridge Analytica và góp sức ban đầu cho đến ngày ý tưởng đó mọc lông cánh và biến thành một con quái vật ngoài tầm định liệu của Chris. Những chính khách Canada bảo anh là một trong những người sáng trí nhất, còn những đồng nghiệp cũ của anh, kể cả những người thích anh, bảo anh ‘Machiavellian’_ tức cáo già, khôn ngoan và cả thủ đoạn. 28 tuổi, khi anh quyết định đứng ra tố cáo với báo chí, ta không thể nào nhìn ra đâu là cậu bé tự kỷ ở cái người thông minh, nhuộm tóc hồng và ăn nói trôi chảy trong video clip này. Rành về chính trị từ nhỏ, thạo thủ thuật tâm lý chiến, hầu như vào bất cứ ai : đây ko hề là con người dễ đọc.
Từ dữ liệu thu hoạch, công ty C.A lập hồ sơ tâm lý của từng người, rồi kết hợp với tâm lý học và mạng xã hội, tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nhắm vào người Mỹ. Họ tạo ra hàng loạt website, bản tin, những mẩu ‘quảng cáo chính trị’ dễ chia sẻ, …, tóm lại là chế ra tất cả những gì cần làm để thu hút quan tâm và làm xoay chuyển quan điểm từng nhóm người. Họ sẽ khéo léo đặt loại tin nào ở trong news feed của ai, số lượng lần cần xuất hiện, thậm chí cần ảnh hưởng lên những người bạn nào, để dần dần thay đổi tâm lý và quan điểm của đối tượng bị nhắm.
Đó là một cuộc chiến tâm lý quy mô và tương quan chưa từng có. Một bên là một nhúm người rất nhỏ, trong bóng tối, tư nhân. Bên kia là cả một quốc gia với thiệt hại đi kèm là tiến trình dân chủ của quốc gia đó. Một bên không cần loa công suất lớn, loa phường hay rải truyền đơn mà chỉ “thì thầm bên tai” từng người, lựa đúng tin mồi để đút lên Facebook nạn nhân. Bên kia là hàng triệu người dùng Facebook không chỉ không có khả năng kháng cự lại cuộc tấn công từ kẻ thù đi guốc trong bụng mình, mà thậm chí còn ko thể biết họ đang bị đánh. Họ tưởng rằng quan điểm chính trị của mình, nếu có thay đổi hay có trở nên vững chắc hơn là do chính họ tự tìm đọc, tự khám phá và gầy dựng nên; rằng phe của họ mới là chính nghĩa, là đa số, còn phe bên kia chắc sống ở thế giới nào khác không thể hiểu nỗi.
Trong big data thì giải thuật chỉ là một yếu tố, hơn thua nhau thường chủ yếu là ở chỗ ai thu hoạch được nhiều dữ liệu / nguyên liệu thô hơn. Cách Cambridge Analytica thu hoạch dữ liệu người dùng FB, qua tiết lộ của Chris Wylie, khiến ta ko khỏi rụng rời. Có một học giả ở trường Cambridge được FB cấp quyền cho mục đích nghiên cứu-giáo dục. Ông này viết 1 cái app trên Amazon, đại loại giống mấy trò chơi trắc nghiệm tính cách nhảm vui vẫn xuất hiện nhan nhản mà trước khi chơi người chơi đồng ý để app đó truy cập dữ liệu Facebook của họ. Nhưng tởm hơn, cái app này được phép lấy luôn thông tin cá nhân của những bạn trong danh sách bạn của người chơi, bất kể những người bạn này không chơi và ko được hỏi có đồng ý hay không.
Nói nôm na là nếu ai đó trong 500 anh em trên mạng của mình chơi trò chơi đó, dữ liệu cá nhân của mình (profile, những status, những likes,…) cũng bị lấy theo mà mình ko hề hay biết và ko có bất cứ dấu hiệu cảnh báo. Trong một số trường hợp, app đó có thể lấy cả tin nhắn cá nhân trên FB.
Trung bình 1 người tham gia chơi cái app trắc nghiệm tâm lý dường như vô hại đó sẽ thu hoạch về cho C.A. hồ sơ của 160 người khác. Tổng cộng họ thu thập được hơn 50 triệu hồ sơ người dùng và khoảng 1/3 trong số đó là ở Bắc Mỹ.
Facebook đổ lỗi cho ông học giả được cấp quyền đã vi phạm mục đích sử dụng. Cambridge Analytica chối hết những cáo buộc này. Nhưng còn bao nhiêu người khác được FB cấp quyền thu hoạch dữ liệu như vậy hoặc nhiều hơn vậy. Và đây mới chỉ là những “người ngoài” của Facebook. Tự bảo vệ mình đang ngày càng trở nên một nhiệm vụ bất khả.