Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Homo Deus : A Brief History of Tomorrow


Vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, loài người thức dậy, vươn vai nhìn quanh và thấy cuộc sống dễ dàng hơn bao giờ hết. Ba kẻ thù truyền kiếp_ nạn đói, bệnh dịch, chiến tranh_ giờ chỉ còn là những bóng ma nhạt nhòa của ngày hôm qua. Tiến bộ khoa học và công nghệ đã đưa con người lần đầu tiên bỏ qua chúng và vượt lên phía trước với tốc độ ngày càng cao. Cùng lúc đó, chủ nghĩa nhân văn tự do (liberal humanism) sau khi đã đánh bại các hệ tư tưởng hiện đại khác, trở thành ngọn đuốc soi đường duy nhất cho nhân loại tiến lên. Chủ nghĩa nhân văn về cơ bản là hệ tư tưởng đặt con người ở vị trí cao nhất và chỉ có con người với ý chí tự do của mình sẽ có quyền mang đến ý nghĩa cho mọi thứ. Nó thay thế hệ tư tưởng cũ của các độc thần giáo với Chúa ngồi ở cái ngai đó.

Họ sẽ tiến lên đâu trên đôi cánh công nghệ và đôi mắt nhân văn tự do? Yuval Noah Harari chỉ ra ba cái đích lớn con người hiện đại muốn và đang đạt tới: trường sinh bất lão, vui sướng triền miên, “tề thiên đại thánh”. Nhiều người nghĩ đây là mơ tưởng hão huyền và xa vời, nhưng từng phần từng phần những giấc mơ đó đang hiện thực hóa nhanh chóng, chúng ta đang nói xa vời là từng mỗi 10 năm, những gì không thể làm được nghĩa là làm được tầm 20 năm. Hãy cẩn thận với mơ ước của mình, nó có thể biến thành sự thật!

Lịch sử không tiến đều, nó dường như đứng yên rất lâu ở một nhà ga rồi bỗng dưng vụt đến một nhà ga khác. Sau vài trăm năm dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn, “con tàu tiến bộ giờ lại một lần nữa rút còi kéo ra khỏi nhà ga_ và đây có lẽ là chuyến tàu cuối cùng rời nhà ga mang tên giống người thông minh (Homo sapiens) . Những ai lỡ mất chuyến tàu này sẽ không có cơ hội lần thứ hai”.

Ai sẽ có cơ hội lên chuyến tàu này? Trước hết, đó là những tín đồ của một tôn giáo xuất hiện gần đây, chủ nghĩa nhân văn kỹ thuật (nhân kỹ? _ techno-humanism), một biến dị của chủ nghĩa nhân văn. Nếu như chặng đường trước đây mục tiêu tiến bộ là để vực những người yếu bệnh, nghèo khó lên mức trung bình, có tác dụng giữ cho xã hội gắn kết, thì con đường phía trước ngày càng chỉ hé ra cho một ít người có điều kiện để nâng cấp từ bình thường lên thành như những vị chúa, những homo deus (thần nhân, tạm dịch ) có năng lực về sức khỏe, tuổi thọ, trí tuệ và cảm xúc vượt ngoài giới hạn con người hữu cơ. Đó có thể bằng biến đổi gien, bằng kết hợp người và các bộ phận sinh học-cơ khí và bằng hàng loạt công nghệ mới của ngành sinh học, nano và máy tính.

Nhưng thậm chí ngay cả những thần nhân đó liệu có bám được lâu trên chuyến tàu này? Một bộ não gắn chip, hay một bộ não biến đổi gien của những thần-nhân kia liệu tranh đua được bao lâu với một bộ não siêu việt nâng cấp không ngừng và ngày càng nhanh của trí thông minh nhân tạo? Sự sống trải qua hơn 4 tỷ năm từ chỉ tiến hóa ở dạng hữu cơ giờ đã có thể nhảy qua hình thái vô cơ, và ở dạng đó nó có khả năng sinh tồn ưu việt hơn hẳn. Dạng sự sống đó đang thai nghén và lớn nhanh dưới sự tiên phong của một nhóm nhỏ người tin một hệ tư tưởng hoàn toàn mới mẻ và theo sau, một cách vô thức và ngây thơ, bởi đám đông hầu hết chúng ta. Hệ tư tưởng đó là chủ nghĩa data (dataism) ở đó data lật đổ con người và chiếm vào vị trí tối thượng họ ngồi mấy trăm năm qua.

Ở chính giờ phút khải hoàn của nó ở đầu thiên niên kỷ thứ ba, chủ nghĩa nhân văn, bằng cách tận tụy đưa con người lên những tầm cao tối thượng, đang đồng thời đào mộ chôn cất loài người. Đa số sẽ nhận ra cái thiên đường mà loài người đang lao tới chính là địa ngục của tuyệt đại đa số giống người thông minh (homo sapiens) hiện nay, những sinh vật rất nhanh chóng trở nên vô dụng, thiểu năng, yếu ớt và thừa thãi. Họ sẽ được đối xử như thế nào, giống loài sẽ tồn tại được bao lâu. Harari nhắc chúng ta nhìn về cách con người đang đối xử với các loài khác, đặc biệt là nhìn vào sự tàn nhẫn cực độ ở ngành chăn nuôi công nghiệp hóa. Phải chăng gần đây người ta quan tâm nhiều hơn đến điểm nhức nhối này bởi vì ngày càng nhiều người lờ mờ hình dung ra những cảnh phim tương tự nhưng với cái twist là con người trong vai sinh vật hạ đẳng hơn?

Ở tuổi 35, nhà sử học người Israel đã gây bất ngờ lớn với thành công vang dội của quyển sách đầu tay Sapiens: A Brief History of Humankind. Rất đáng đọc  ; nếu chỉ được chọn một quyển sách sử để làm tài liệu giảng dạy phổ thông cho toàn thế giới, nó phải nằm trong những quyển đáng cân nhắc nhất. Trong quyển này Harari có nói, rằng lịch sử diễn ra theo những con đường riêng của nó, nhà sử học chỉ có thể nói nó đã diễn ra như thế nào, chứ thật khó nói được tại sao nó diễn ra như vậy. Thường ai chỉ biết một ít về thời đại nào đó thì sẽ rất sẵn sàng lý giải tại sao lúc đó từ lịch sử đi từ A đến B; những người càng biết nhiều hơn về thời đại đó sẽ càng nhận ra con đường từ A đến B không phải đương nhiên thậm chí nhiều khi là con đường đáng lý khó xảy ra hơn. Những người biết tường tận nhất về thời đại đó, không ai khác hơn những người đương thời, thì luôn luôn không biết gì chắc chắn rằng lịch sử sẽ tất yếu rẽ đi hướng nào tiếp. Không có tính tất định (deterministic)_Đó là quy luật sắt của lịch sử.

Do đó tôi bắt đầu đọc quyển 2 này với tâm thế nghi ngại: liệu không phải mâu thuẫn sao khi giờ chính Harari lại đi nói về tương lai, nhất là về tại sao lịch sử sẽ đi từ cái hiện thực 2016 đến cái tương lai đó. Khi gấp trang cuối lại tôi cảm thấy mình bị thuyết phục.

Có hai lý do biện hộ cho hành động của Harari_ một về nội dung, một về ý định. Thứ nhất, là bởi vì lần đầu tiên trong lịch sử loài người toàn thế giới kết nối với nhau thành một cái làng toàn cầu. Quan trọng hơn, cái khối thống nhất này chỉ có duy nhất một bó đuốc dẫn đường là chủ nghĩa nhân văn, mà dựa vào đó các nền tảng giá trị, đạo đức, thiết chế xã hội đương đại được thiết lập. Những tàn dư của các hệ tư tưởng cũ vẫn còn đấy, nhưng từ lâu rồi chúng không còn khả năng đẩy bánh xe lịch sử. Trong vài trăm năm qua, những bộ óc siêu việt nhất của loài người không nghĩ ra được gì hay hơn chủ nghĩa nhân văn. Nó đồng hành với tiến bộ khoa học hiện đại và mang lại ý nghĩa cho mọi thứ trong cuộc sống con người hiện đại. Cho nên, giờ đã có thể xét tương lai một cách hợp lý và tương đối chắc chắn khi ta giả lập bắn đi những mũi tên lịch sử dưới bộ dẫn đường duy nhất hiện có.

Thứ hai, thật ra Harari không hẳn dự đoán về tương lai. Cái hay của Homo deus ở chỗ đây là một quyển sách viêt về tương lai nhưng lại không thực sự có ý định tiên tri nó. Hơn nhiều “nhà tiên tri” ngoài kia, ông rất tỉnh táo nhận ra hạn chế của mình và loài người. Vd như làm sao mà con người homo sapiens có thể hiểu được những con đường mà thần-nhân homo deus sắp xuất hiện sẽ hoạch định? Với một bộ não biến đổi, họ có phổ ý chí, cảm xúc và nhiều trạng thái ý thức mới mẻ ở cái tầm mà chúng ta bất khả tư nghị; cũng giống như làm sao những con dù khôn nhất của loài sói có thể hiểu được ý tưởng binh pháp của Napoleon?. Thay vì đóng vai nhà tiên tri hão, Harari chỉ bày ra ván cờ của 2016, xét tất cả các nước đi có thể có, chỉ ra loài người đều sẽ sớm bị chiếu bí, sẽ game-over như thế nào; rồi mời gọi tất cả chúng ta dừng lại một phút để nghĩ về nó, ngay bây giờ trước khi quá muộn. Ông hy vọng vào hiệu ứng của hệ hỗn loạn bậc 2. (Xem thêm Sapiens, tr.268, 269 về hệ hỗn loạn và nhiệm vụ của sử gia)

Yuval Noah Harari có biệt tài là ông có thể sắp xếp và trình bày mọi thứ một cách thật sáng tỏ mạch lạc, có hệ thống. Những lập luận của ông đều dựa trên kết quả khoa học, với cách phân tích logic, rất tỉnh, không gay gắt nhưng cũng không khoan nhượng, đặc biệt là không thiên vị. Ở quyển 1_ Sapiens: A Brief History of Humankind, ông khiến ta sửng sốt và thú vị bao nhiêu khi hé lộ những mũi tên có khi thâm trầm, tàng ẩn nhưng lại mang tính quyết định nhất của 250,000 năm lịch sử loài người. Ở quyển 2 này, không có nhiều sửng sốt ở đây bởi chúng ta ít nhiều đều lờ mờ nghĩ tới viễn cảnh đen tối phía trước và đều xua nó qua một bên để sống qua ngày hôm nay. Quyển 2 thay cảm giác thú vị bằng lo âu, nhưng bù lại nó đặt lên bàn nhiều vấn đề cấp bách đáng suy nghĩ hơn.

Tôi những mong quyển sách phân tích nhiều hơn đến hai điểm: đạo Phật và CNTB. Nếu chủ nghĩa nhân văn là bộ điều khiển dẫn đường, thì CNTB với cơn nghiện mang tên Tăng trưởng của nó là chính là động cơ đẩy gia tốc của con tàu Hiện Đại. Nếu không làm gì bộ điều khiển được thì có nên làm gì đó với động cơ không? Biết đâu, loài người sẽ học được cách cai nghiện Tăng trưởng, như họ gần đây học được cách kiêng ăn để giữ sức khỏe chính mình. Những hệ tư tưởng phương Đông với đề cao tương quan cân bằng (equilibrium) thay vì cực đoan một chiều, vd như đạo Lão hoặc kinh Dịch, liệu có giá trị gì trong hoàn cảnh mới không? Đặc biệt là đạo Phật. Trong khi chủ nghĩa nhân văn bắt đầu bị lung lay tận nền tảng bởi những phát hiện khoa học mới nhất, có nguy cơ chấm dứt vai trò lịch sử như một Kito giáo của thế kỷ 21, thì đạo Phật lại tiếp tục không mâu thuẫn, thậm chí còn tỏ ra liên quan, với những phát hiện này. Đáng kể nhất là ở kết luận khoa học rằng không có bằng cứ gì ủng hộ thuyết cho rằng tồn tại một cái tôi đích thực nào (no single authentic self) hầu như tương đồng với triết lý “vô ngã” của đạo Phật. Tôi nhớ tới câu nói của Albert Einstein “The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend a personal God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description.”  Sau khi vượt qua được sàng lọc của những thay đổi trời bể của khoa học Vật lý thế kỷ 20, nó dường như đang được khẳng định bởi khoa học Sự sống của thế kỷ 21.

P.S: Việc Harari không đề cập tới đạo Phật là một điều khiến tôi tò mò bởi ngoài việc nó dường như có liên quan và đáng xem xét cho chủ đề quyển sách nói tới thì đây không phải là một đề tài mà nhà sử học gốc Do Thái này không thiết thân. Ngược lại, Harari bắt đầu theo tập dòng thiền Minh Sát (Vipassana) rất nghiêm túc từ những đầu những năm 2000 khi làm nghiên cứu tiến sỹ ở ĐH Oxford. Mỗi ngày ông dành 2h thực tập thiền, và hàng năm ông rút về quy ẩn trong một khóa thiền 30 ngày trong yên lặng, không sách, không mạng xã hội. Chính quyển sách Homo Deus : A Brief History of Tomorrow này, Harari dành tặng cho người thầy của mình, cố thiền sư S.N. Goenka. Tôi chỉ biết hy vọng Harari sẽ đề cập đến những đề tài này trong quyển tới. Biết đâu..


Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

True landscape of architecture


"The true landscape of architecture then, architecture as it must be, is that arrangement of material, windows, seats, roofs,... which, as nearly as possible, helps us arrive at this blissful state. It is generated by the free application of a living adaptive process.

When we think of architecture, we see glossy magazines with shiny pictures: a certain glitzy, but intentionally febrile, sterile style of photograph. Have you ever thought how deeply wrong, how strange this is?

Here is a place my children used to love: a boat dock north of San Francisco, where my family and I sat, and walked, and played for hours. It has an informal character, which is neccessary to the way it works, and the way it allows people to be themselves. What happens here just CANNOT happen so easily within the geometric landscape of our image-full artificial 20th-century architecture ...  ...  No 20th-century architect will proudly say: I did this. Yet, this is where that inner something starts to live and breath.

After all, the true landscape of architecture is the landscape of people nourished, satisfied, living a full life, being happy, a landscape that shows that happiness derived from the surroundings. A true way of photographing architecture will show the drama of human life nourished, because it is steeped in the sun and shade of building form, photographs where the connection is visible, where the dependence of people's smiles, joy, happiness, is visibly connected with the walls, windows and doors, with the arrangement of the town and of the rooms and of the gardens where they are photographed.

As we may see from the examples, this condition of the world is far from the formal, over-geometric, stylized landscape of modernism and postmodernism- far, too, from the stylized landscape of classicism, ancient or modern, with its too-great emphasis on noble proportions and magnificence." Christopher Alexander_The Nature of Order_Vol.3, P.49
In the above picture, the simply-made curving wall, the colored blossoms, the roughness of the path, the tree, surrounded by unplanted earth- nothing too fancy, no flower beds, the telegraph pole, even its clutter helps to maintain the air of freedom. These again are by-products of living process. It is all this which gave the background to these two girls to be so joyful with one another.

This - the unpredictable dynamic temporary sate of life lived - is what we shall expect to see in a true landscape of architecture, and in a true language of architectural photographs.

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Hòa ước _ Treaty

Lời nhạc, thơ của Leonard Cohen không dễ dãi. Nó thường không chấp nhận bán mình cho một ý nghĩa hay một sắc thái tình cảm nào trọn vẹn. Cùng một diễn đạt, nó vượt ra ngoài và nhiều trường hơp hiện ra ở hai thái cực nghĩa đối lập nhau. Cái nào đúng? Cái nào sai? Cái nào Leonard viết cho mình? Cái nào cho ta?

Những lúc khác, nó khiến ta xao động bằng cách dùng từ không ngờ và hình ảnh hút hồn. Người yêu L.C sẽ còn vật lộn trong yêu thương với những ngữ-nghĩa của ông lâu dài. Cũng gần như cách ông vật lộn cả đời với đấng siêu nhiên của mình.

Bài này trước hết là nỗi lòng của L.C với Chúa vào lúc ông ở đoạn kết cuộc đời. Nó cũng có thể là nỗi lòng của Chúa với Quỷ vương. Mà ngược lại cũng đúng, có khác biệt nào giữa hai nhân vật này sao? Ở vài câu đoạn nó cũng là tiếng lòng của hai con người đang vướng vào vòng yêu-hận. Yêu và hận khác biệt thế nào?

Treaty - Hòa Ước


I've seen you change the water into wine
I've seen you change it back to water, too
I sit at your table every night
I try but I just don't get high with you



Ta từng thấy ông hóa nước thành rượu 
Ta cũng thấy ông hóa nó lại nước không
Bên bàn ông ta hàng đêm ngồi rũ
Ta cố nhưng không thể thăng hoa cùng ông

I wish there was a treaty we could sign
I do not care who takes this bloody hill
I'm angry and I'm tired all the time
I wish there was a treaty

I wish there was a treaty
Between your love and mine


Phải chi ký được một hòa ước giữa đôi ta
Ta có sá chi ai quản ngọn đồi máu ngã
Trong triền miên ta giận hờn và mệt lả
Phải chi có được một hòa ước
Phải chi có được một hòa ước
Giữa tình yêu của ông và của ta

Ah, they're dancing in the street — it's Jubilee
We sold ourselves for love but now we're free
I'm so sorry for that ghost I made you be
Only one of us was real and that was me


Ôi phố phường rộn múa ca kìa năm hội toàn xá
Đôi ta bán mình vì yêu nhưng giờ rông rỗi lạ
Ta rất tiếc đã khiến ông thành quỷ ngạ
Chỉ một trong hai ta có thật_ và đó là ta

I haven't said a word since you been gone
That any liar couldn't say as well
I just can't believe the static coming on
You were my ground, my safe and sound
You were my aerial


Từ lúc ông đi ta chưa nói lời nào
Mà một kẻ điêu ngoa không nói nổi
Ta có ngờ đâu điện tích dâng trào
Ông là nơi nối đất_ là vững chãi, thảnh thơi
Ông là dây nối trời

Ah, the fields are crying out — it's Jubilee
We sold ourselves for love but now we're free
I'm so sorry for that ghost I made you be
Only one of us was real and that was me


Ôi khắp trời rộn tiếng kêu kìa năm hội toàn xá
Đôi ta bán mình vì yêu nhưng giờ rông rỗi lạ
Ta rất tiếc đã khiến ông thành quỷ ngạ
Chỉ một trong hai ta có thật_ và đó là ta

I heard the snake was baffled by his sin
He shed his scales to find the snake within
But born again is born without a skin
The poison enters into everything

Ta nghe con rắn nghẹn vì tội nó gây ra
Nó trút vảy ra nhưng bên trong cũng chỉ rắn thôi mà
Nhưng sinh lần nữa là sinh mà đâu có da
Chất độc đó thấm vào trong tất cả

And I wish there was a treaty we could sign
I do not care who takes this bloody hill
I'm angry and I'm tired all the time
I wish there was a treaty, I wish there was a treaty
Between your love and mine

Phải chi ký được một hòa ước giữa đôi ta
Ta có sá chi ai quản ngọn đồi máu ngã
Trong triền miên ta giận hờn và mệt lả
Phải chi có được một hòa ước
Phải chi có được một hòa ước
Giữa tình yêu của ông và của ta


Leonard Cohen_ 2016




Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Dance me to the end of love


Dance me to the end of love _ Hãy nhảy tôi đến tận cùng yêu thương


Một bài hát mà, cũng như nhiều tuyệt phẩm khác của Leonard Cohen, đẹp kinh khủng nhưng còn không lọt được vào album những bài top của ông.




Hãy nghe bài này với lyrics. Những hình ảnh đầy đắm say, những lời mời gọi thiết tha quyến rũ của tình yêu. Những giai điệu đầy hân hoan.

... Dance me to your beauty with a burning violin ...... Dance me to the panic ‘till I’m gathered safely in...... Lift me like an olive branch...... Let me see your beauty when the witnesses are gone... ... Let me feel you moving like they do in Babylon...... Dance me to the wedding now, dance me on and on...... Dance me to the children who are asking to be born...
Nhiều đôi tình nhân yêu bài này đến nỗi nó thường được chọn làm nhạc trong lễ cưới của họ. Đó là lời ca cho một mối tình chân thật, viên mãn, mong ước xây đắp bền lâu. Là ước nguyện được nâng niu, được sánh bước với người mình yêu cho đến cuối cuộc tình.

Bài hát này có một xuất xứ kỳ lạ. Leonard Cohen sáng tác nó sau khi nghe kể lại về chuyện ở trại tập trung của phát xít thời chiến tranh thế giới thứ hai. Trong một số trại này, người ta cho trình diễn tứ tấu đàn dây ngay bên ngoài phòng thiêu khi họ đang thiêu sống tù nhân. Những nhạc công bị bắt phải biểu diễn ở đây cũng là những tù nhân mà số phận của họ rồi cũng giống số phận những người đang bị đốt bên trong.

'Dance Me to the End Of Love' ... it's curious how songs begin because the origin of the song, every song, has a kind of grain or seed that somebody hands you or the world hands you and that's why the process is so mysterious about writing a song. But that came from just hearing or reading or knowing that in the death camps, beside the crematoria, in certain of the death camps, a string quartet was pressed into performance while this horror was going on, those were the people whose fate was this horror also. And they would be playing classical music while their fellow prisoners were being killed and burnt. So, that music, "Dance me to your beauty with a burning violin," meaning the beauty there of being the consummation of life, the end of this existence and of the passionate element in that consummation. But, it is the same language that we use for surrender to the beloved, so that the song — it's not important that anybody knows the genesis of it, because if the language comes from that passionate resource, it will be able to embrace all passionate activity." ~ Leonard Cohen

Hãy nghe lại bài hát này với lyrics. Những lời nhạc bỗng hiện ra hoàn toàn khác, mang màu sắc u tối ghê rợn tột cùng. Những burning violin/ panic/ gathered in/ witnesses/ your beauty.

Wedding nào? Những đứa trẻ đòi được sinh ra nào? Những cử động nhảy nào?

Hãy nghe lại bài hát này ở phần la la la. Nó là tiếng ca hân hoan hay là tiếng gào thét điên loạn? (*)



End of love là cuối cùng của một đoạn tình? hay là tận cùng của lòng thương người? hay sự cạn kiệt tình yêu chúa dành cho loài người?

Hình ảnh bộ tứ tấu đàn dây chơi nhạc cổ điển bên rìa cuộc hỏa thiêu là một hình ảnh điên loạn tột cùng của loài người ở thế kỷ 20. Giai điệu hân hoan ở đây là nỗi hân hoan mất trí, niềm vui cuồng dại tuyệt đối. Chỉ có nó mới đối diện tương xứng với cái ác phi lý tột cùng kia; chứ không thể có nỗi buồn nào, sự phẫn nộ nào khác đủ lớn để bao lấy nó.

Nó gợi cho tôi nhớ tới cái giai điệu vui tươi, lời nhạc hồn nhiên như ngây như dại của Trịnh Công Sơn hát về một đau thương phi lý khác ở Việt Nam.

Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày.Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai 

Hoặc nhớ tới những tràng cười điên dại phi lý của Yue Minjun.



Chỉ có điều, tôi cho ở bài hát này, Leonard Cohen đứng cao hơn Trịnh Công Sơn và Yue Minjun một bậc, là bậc thầy của các bậc thầy. Đối diện với cái điên loạn tột cùng của loài người kia, ông không chỉ phản ứng bằng sự vui tươi điên rồ phi lý mà hơn nữa ông mang đến cho nó một cái đẹp tột cùng. Một cái đẹp, cũng phi lý điên loạn không kém, nhưng đẹp kinh khủng và có khả năng áp chế sự điên rồ kia để cứu lại niềm tin và hy vọng cho con người. Có thể chứa đựng cả sự điên rồ tột cùng và cả cái đẹp tột cùng trong vài đoạn thơ, bài hát có khả năng thôi miên và cuốn người nghe đi mãi “on and on” vào một vùng siêu thực.

Hãy nghe lại bài hát này, như một người tình đã sống qua thế kỷ 20 !

Dance me to your wedding now, dance me on and on.


#LeonardCohen

(*) Đoạn la la la trong bản chính thức (dưới đây) là bản diễn đạt tốt nhất cái biên giới giữa cái la la hân hoan và cái la la điên loạn. Trong một số bản sau, đoạn này mang màu sắc man mác tình, man mác buồn, có lẽ để bài hát trở nên dễ chịu hơn, ít gây đau nhói hơn.

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Christopher Alexander và Về Bản chất của Trật tự_ Phần 7 & Kết

Một ví dụ về quá trình sự sống trong xây nhà


Dưới đây là giới thiệu lược giản quá trình Alexander xây căn nhà cho gia đình Upham vào năm 1993, được ông thuật lại chi tiết ở trong quyển 2 của bộ The Nature of Order. Nó giúp minh họa cụ thể cách mà hình hài căn nhà khai mở như thế nào cũng như phương pháp ông đề xuất có những điều nào giống và khác với các quy trình hiện hành trong ngành xây dựng-kiến trúc. Có vài điểm quan trọng cần lưu ý trước khi đánh giá phương pháp của ông qua ví dụ này.


  • Không phải công trình nào cũng đòi hỏi mức độ công phu như ở đây. Với một tiêu chuẩn khiêm tốn hơn, người ta thường không phải sửa chữa gì nhiều trong quá trình xây dựng mà vẫn có được một căn nhà ổn.

  • Có rất nhiều thay đổi kể cả thay đổi lớn trong suốt quá trình xây nhà Upham. Thay đổi trong lúc xây nhà, theo quy trình thông thường, đồng nghĩa với tốn kém, bực mình và mất thời gian. Nhưng ở đây không phải là loại thay đổi theo kiểu xây xong rồi đập ra sửa lại, thường xảy ra khi một sai sót thiết kế nhỏ ban đầu được để nguyên đến khi nó trở nên nghiêm trọng không sửa không được. Ông dùng những mock-ups, mô hình dựng lên tại chỗ bằng vật liệu rẻ tiền để xác nhận hình dạng thế nào là tốt nhất trước. Sau đó họ xây đúng như mock-ups. Tiếp, họ tập trung làm tốt nhất cái tiếp theo dựa vào những gì có sẵn chứ không quay lại chỉnh sửa cái đã xây xong. Đây là step-wise process, ở mỗi bước đều dựa vào những gì đang có để cố gắng làm đẹp nhất cái tiếp theo. Theo thực tiễn những công trình trung tâm CES của Alexander xây cho khách hàng, phương pháp này hoàn toàn không tốn kém hơn cách xây dựng thông thường.
  • Cần nhắc lại, loại cảm giác mà Alexander hướng tới là cảm giác về sự sống, về tính toàn thể (Xem Phần 3_ Sự sống hay tính toàn thể) Nó được chứng minh là ổn định và khá thống nhất giữa những người khác nhau. Nó khác với loại cảm giác đẹp xấu đến từ gu thẩm mỹ, từ lý luận hay cảm hứng là những thứ dễ thay đổi theo người và theo thời điểm. Nếu hiểu cảm giác theo nghĩa sau, tức nghĩa ta vẫn dùng thông thường, thì sẽ dẫn đến hiểu sai phương pháp và kết quả sẽ không tránh khỏi thay đổi xoành xoạch, xây xong rồi phải đập ra sửa lại trong lúc xây dựng.




Mảnh đất vườn trước khi gia đình Upham mua lại để xây
Mảnh đất này có một khu vườn xinh xắn nằm phía trên một cung đường cong. Mảnh vườn có ý nghĩa rất nhiều đối với cải khu phốyên tĩnh này. Ông nhận thấy để chèn thêm một căn nhà ở đây mà vẫn bảo tồn cái cấu trúc và tính toàn thể của khu vực, ông sẽ phải tìm một cách nào đó để hình dạng và vị trí căn nhà sẽ xây không phá hỏng vẻ đẹp của khu vườn và cái cách mà nó làm đẹp cho con đường.


Model đầu tiên của khu nhà trên địa hình mảnh đất vườn

Theo Alexander, model lúc đầu rất cần phải thật thô thật dễ làm dễ sửa. Một mô hình làm cẩn thận, chi tiết sẽ khiến cho cho việc thay đổi nó khó khăn hơn, ít sáng tạo hơn. Nguy hiểm hơn, một mô hình chi tiết nó sẽ chứa những quyết định về hình dáng tùy ý mà không phải từ quá trình khai mở từng bước của căn nhà. Với một cảm giác lờ mờ về tính cách của ngôi nhà và ý tưởng về khối tích và form ban đầu của công trình, ông cùng cộng sự quay lại miếng đất, cắm những cây cọc để dựng nên khung hình khối của nhà theo đúng kích thước thật. Lúc đó, họ nhận ra những bậc dốc trồng hoa ở đây đẹp hơn là hình dung trước đây. Cái ban công trong ý tưởng ban đầu chừa một chỗ quá hẹp cho nó. Họ chỉnh lại vị trí những cây cọc để chừa ra một mảnh sân rộng rãi hơn. Cũng trong lúc khảo sát ở hiện trường như vậy, hình ảnh một căn phòng có tường vòng cung bắt đầu nhen nhóm trong đầu. Tương tự, lúc này họ cũng cảm thấy hướng tiếp cận căn nhà tự nhiên nhất phải là từ góc sân phía tây dù nó không thuận với con đường giữa garage và nhà. Tiếp theo là quá trình chỉnh sửa mô hình, hoàn thiện hơn thiết kế từ những hiểu biết tại hiện trường, rồi dựng lại khối nhà bằng cọc tạm ở hiện trường, để đi đến mô hình cuối cùng. Nhóm của Alexander đã lên những căn nhà xung quanh phía trên đồi, nhìn từ tất cả cửa sổ ở đó ra xem cái khung nhà tỷ lệ thực đặt ở vị trí nào, độ cao nào sao chỗ căn nhà mới làm đẹp hơn không gian và view từ những cửa sổ hàng xóm thay vì phá hỏng chúng.  Song song đó, họ bắt đầu thử các thiết kế khác nhau bằng mô hình giấy lẫn xây thử bằng vật liệu thật tại hiện trường. Alexander vẫn thiết kếtheo trình tự chung từ cái lớn đến cái bé nhưng ông không răm rắp theo con đường này. Trong lúc cái thiết kế lớn chưa hoàn tất, ông đã bắt nghiên cứu những chi tiết nhỏ như cửa chính, tường, thậm chí chi tiết gạch ốp trang trí dựa theo những gợi ý đến với ông từ hiện trường đó. Ông thuật lại nhiều khi những đột phá ở khi thiết kế một chi tiết mang lại hiểu biết sâu sắc về cá tính căn nhà và giúp đột phá trong thiết kế cái tổng thể căn nhà. Dần dần cảm giác về tính cách của căn nhà nẩy nở rõ ràng hơn. 


Ướm thử mô hình cửa chính được làm rất chi tiết tại công trường
Mock-up bằng carton đầu tiên dựng nên để thử các form, màu sắc khác nhau. Các mẫu tường xây thử nghiệm khác nhau để hình dung cảm giác bề mặt và thiết kế của tường
Dưới đây là mô hình của khối nhà cuối cùng trước khi bắt tay vào xây dựng. Từ mô hình này, họ lập nên bản vẽ căn nhà để xin phép xây dựng. Ông nhấn mạnh là mô hình & vị trí các cây cột nhà được quyết định trước, bản vẽ theo sau. Bản vẽ phụ thuộc vào cây cọc thực tế, chứ không phải ngược lại.


Mô hình thô cuối cùng của khối nhà, trước khi bắt tay vào xây

Alexander cũng sẵn sàng thú nhận là dù trên bản vẽ xây dựng đã an bày vị trí các phòng, ông không thể biết chắc là cảm giác ở đó thế nào. Thậm chí ở tầng hai, ông hầu như không có cảm hứng gì đặc biệt khi sắp xếp chúng. Đối với ông, không có ai và không có cách nào khác biết sâu sắc hết những thứ đó. Mỗi thứ sẽ diễn ra từ từ, và ở mỗi bước, ông sẽ có đủ thông tin và hiểu biết để làm bước kế tiếp tốt nhất. Khi đổ xong nền nhà, cả nhóm sẽ đi lại trên đó, vẽ phấn nơi mà theo bản vẽ sẽ là những tường ngăn. Đây là lần đầu tiên họ mới thực sự có cảm giác rõ ràng cách ngăn phòng có hợp lý không. Vài bức tường ngăn sẽ được dịch đi vài inches. Điều quan trọng lúc này là làm sao ở cả hai bên tường ngăn, từng căn phòng đều đẹp và người ta thấy thoải mái ở đó. Sau đó nhóm dựng tường ngoài. Họ tạo những cốp pha cột di động để dễ bề chỉnh vị trí cây cột đó so với bản vẽ nếu cần. Khi đã hài lòng ở vị trí cuối cùng, họ cố định cột rồi mới đổ bê tông vào cốp pha.

Thử đi lại giữa các phòng xem vị trí cửa nào là tốt nhất với ô gần cửa sổ

Cả nhóm quanh lò sưởi. Cảm nhận xem đó có phải là chỗ làm họ thấy thoải mái nhất so với view, cửa phòng, độ lớn phòng hay không. Kích cỡ lò sưởi có ổn không.

Và họ lặp lại cách làm như thế cho cả căn nhà. Khi nền nhà xong, họ quyết định tiếp làm đẹp hơn từng phòng, từng cây cột nhà, từng cửa sổ. Trong quá trình đó, bản vẽ chỉ là gợi ý. Họ luôn sẵn sàng thay đổi khi ở đó họ cảm thấy có gì không phù hợp, hoặc có gì làm cho không gian đó đẹp hơn hẳn mà lúc vẽ họ không nhận ra. Căn nhà dần dần khai mở theo cách của nó, đôi khi theo một cách bất ngờ. Nhưng do không cố bám theo một hình ảnh cụ thể nào đó, chuyện thay đổi đối với họ là một phần tất yếu để căn nhà đẹp hơn, thay vì là một điều gây stress.


Bản vẽ tầng 1 cuối cùng để nộp Sở xây dựng Berkeley (Trái).  Và bản vẽ tầng 1 thực tế khi xây xong (Phải).



Dưới đây là loạt ảnh hoàn thiện của căn nhà Uphams. Những công trình của Alexander thoạt trông có vẻ không hiện đại nếu như hiểu hiện đại nghĩa là những cái form độc đáo được kỹ thuật kết cấu tiến bộ cho phép, hay vật liệu tân kỳ xa lạ. Thế nhưng bên dưới cái vẻ tầm thường, tưởng như sơ sài là một thứ chất lượng không gian sống mà hầu như tất cả những sự tiến bộ của thời bây khó có thể tạo ra được. Căn nhà toát lên một sự thoải mái đầy sức sống. Không chỉ là ta cảm giác thoải mái khi ở trong nó, mà chính căn nhà tự nó như cũng đang thoải mái (relaxed), duyên dáng hài hòa mà vẫn độc đáo khác biệt. Cũng giống như sự sống ngoài tự nhiên rất hiếm khi phải gồng mình để đẹp.


Ban-công phụ
Sảnh vào. Sảnh được chỉnh lại rộng hơn dự tính ban đầu để có chỗ thêm vào ô sáng xung quanh cửa. Nguyên do tại công trình họ thấy ánh sáng nếu chỉ từ cửa vào như thiết kế ban đầu sẽ không đủ cho phòng sảnh này đẹp.
Phòng khách nhỏ và mãnh liệt sức sống. Từng khung cửa, từng nẹp cửa, pattern trên trần nhà, trên cột nhà đều được họ thiết kế, thử bằng mô hình (giấy, ruy-băng,v.v..)  tại công trình trước khi hoàn thiện. Những cây cột này cũng được ướm thử và xê dịch trước khi cố định. Thay vì chia đều các ô cửa sổ, họ nhận thấy là khi để các cửa sổ ở giữa rộng hơn chỉ một chút so với cửa sổ ở hai biên, cảm giác căn phòng trở nên hay hơn rất nhiều.

Phòng ăn & bếp có lẽ là một phòng khai mở ra tuyệt nhất. Thiết kế ban đầu (bản vẽ nộp xây dựng) sắp đặt một phòng ăn và bếp ở góc phía Tây, bên ngoài phòng sẽ làm một mảnh sân có chỗ ngồi ngắm xuống đường. Khối phòng này có vấn đề là bởi hình dáng cắt khúc chữ L nên dễ có cảm giác ngăn cách giữa khu bếp và khu ăn. Sau khi đổ nền xong, ông mới thấy căn phòng này vẫn chưa ổn nhất. Tại đó họ quyết định bỏ luôn sân ngoài (bởi ngồi thử ở ngoài đó cảm giác hơi chật, và thường người ta cũng ít ngồi như vậy) để làm giàu hơn rộng hơn không gian ở phòng ăn & bếp. Đồng thời, một thay đổi trước đó về kết cấu tường chịu lực để cho phòng sảnh cạnh bên sáng sủa hơn cũng dẫn đến đòi hỏi thay đổi tường ở phòng ăn bếp. Kết quả là họ có một căn phòng rất khác so với thiết kế ban đầu.


Từ phòng bếp nhìn ra, bàn ăn góc bên trái cạnh cửa sổ
Phòng ăn
Không gian cả trong phòng bếp và bên bàn ăn toát ra một chất lượng sức sống rất mãnh liệt mặc dù nó trông đơn sơ mộc mạc, ở đây thiếu hoàn toàn những cố gắng tạo điểm nhấn thị giác theo cách thông thường. Chất lượng đó thật đến mức ta tưởng như có thể chạm được nếm được. Cái lò nướng cũng là kết quả tuyệt vời của quá trình khai mở từng bước, mà nếu áp đặt trước trên bản vẽ và làm đúng y như vậy sẽ hiếm khi đạt nổi. Chỉ cần xoay cửa lò một góc nhỏ, hoặc dịch chuyển vị trí của lò đi dăm mười cm, hoặc làm to hơn một chút là nó sẽ chia cắt căn phòng thành hai khu tách biệt không liên quan gì với nhau. Thay vì như hiện giờ, nó vừa kết nối, vừa phân định, rồi lại kết nối hai khu với nhau một cách hết sức uyển chuyển.

Cảm giác phố quát (common sense) kiểm soát quá trình tạo hình căn nhà. Nó có hình dạng như vậy là từ quá trình khai mở từng bước, không bị quan tâm đến Hình ảnh cuối cùng (Image) mà đến Thực tế.




Tạm kết Chỉ vì xây một căn nhà đẹp, Alexander đã phải biến mình thành nhà vũ trụ học. Nhưng ông không lập dị hay đơn độc như vài chục năm trước. Những lý thuyết và phát hiện của ông tìm được ngày càng nhiều sự quan tâm và tiếp bước nghiên cứu trong ngành khoa học thiết kế và ngành khoa học mới về hệ phức (vd, những hệ sinh thái, xã hội, big-data, internet, não bộ, thị trường, đô thị, khí hậu, ...). Hy vọng qua phần giới thiệu về Christopher Alexander và bộ The Nature of Order ở đây, ta có thể bắt đầu một cái nhìn mới đầy thú vị. Nó hứa hẹn chỉ ra những minh triết cổ xưa trong các công trình kiến trúc truyền thống tưởng chừng lạc hậu, những quy luật thâm trầm bên dưới một đô thị tự phát hữu cơ, những trật tự có tính cấu trúc bên dưới thế giới hiện tượng. Nó chỉ ra đầy thuyết phục rằng thẩm mỹ không phải là thứ vec-ni của các bố cục trừu tượng, mà nó xuất hiện từ cấu trúc thẳm sâu thông qua một quá trình. Với Alexander, con đường đi tìm Chân, Thiện, Mỹ tưởng đã phân ly giờ lại có cơ hội gặp nhau.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Christopher Alexander và Về Bản chất của Trật tự_ Phần 6

Phương pháp generative

Christopher Alexander: Judo Hall, Eishin Campus, Tokyo
 "Alexander cho rằng cần phải có một quá trình phát triển thích hợp mà ông gọi là quá trình biến đổi bảo toàn cấu trúc. Đó là quá trình biến đổi (transform) và thích ứng (adaptation) dựa trên điều kiện hiện tại nhằm tạo nên một cái toàn thể (the wholeness). Ông triển khai quá trình generative với những thuộc tính được nhà nghiên cứu đô thị Michael Mehaffy trình bày như sau:

  • 1.    Luật xác định quá trình phát triển lần lần, quá trình generative
  • 2.    Luật quy định rằng trong quá trình này, hành động của con người sẽ theo các quy luật, phối hợp với các đánh giá dựa trên cảm xúc trong việc thích ứng với cái đã có trước.
  • 3.    Tại mỗi bước luật dựa trên các điều kiện-đã-trở-thành-hiện-tồn lúc đó như một tổng thể.
  • 4.    Tại mỗi bước nó xác định phần yếu nhất của cấu trúc và hành động để cải thiện và tăng cường cấu trúc.
  • 5.    Tại mỗi bước nó có thể áp dụng các kiểu mẫu và các giải pháp đã được luật hóa trước đó và thay đổi chúng theo điều kiện mới.
  • 6.    Tại mỗi bước nó phân biệt không gian theo một sơ đồ gọi là các “trung tâm”
  • 7.    Các trung tâm được phân biệt thông qua 15 quá trình biến đổi duy trì cấu trúc
  • 8.    Cơ sở hạ tầng theo sau. Giống như quá trình biến đổi hình thức của cơ thể sống (morphogenesis), các mô được hình thành trước, sau đó là các mạch máu. Các kiểu mẫu nhân văn (human pattern) và không gian nhân văn phải đi trước sau đó mới là đường sá, mạng lưới đường ống thoát nước, và những thứ tương tự theo sau chứ không phải ngược lại.
  • 9.    Sự biểu hiện thị giác theo sau. Các kiểu mẫu và không gian nhân văn đi trước, các công trình biểu hiện thị giác và các công trình tạo điểm nhấn theo sau chứ không phải ngược lại. Nếu không chúng ta chỉ đơn giản buộc mọi người sống trong các khối điêu khắc không liên hệ, xa lạ.
  • Vào cuối mỗi chu kỳ, kết quả được đánh giá và chu kỳ được lặp lại. " (*)

Christopher Alexander: Nội thất trong Hội trường lớn, Eishin Campus, Tokyo

Ứng dụng của quy trình generative trong các công trình kiến trúc

Phương pháp generative đi ngược với tư duy thiết kế dựa vào hình ảnh (image-based design thinking) đương thời mà thể hiện rõ nhất qua sự chú trọng ngày càng lớn vào hình ảnh cuối cùng và vào các bản vẽ của nó. "Nếu bạn tạo ra ngay một lúc toàn bộ một công trình lớn chỉ dựa vào một "ánh chớp cảm hứng thiên tài" thì khi nó sai, nó sai theo cả nghìn cách khác nhau. Ngược lại, phương pháp thiết kế từng bước cung cấp phương pháp luận và cơ chếkiểm tra để sửa những sai sót trước khi sai sót nhỏ trở nên nghiêm trọng. Ngay cả chỉ một căn nhà nhỏ cũng là sản phẩm của rất nhiều các quyết định thiết kế. Về mặt toán học, không cách gì có thể ra từng ấy quyết định vào ngay một lúc mà thành công." (**)
Alexander không đồng ý việc ngành kiến trúc đặt nặng vào bản vẽ còn KTS ngày càng đấu tranh sống mái để căn nhà xây lên đúng y đúc như bản vẽ của mình. Thứ nhất bởi vì bản vẽ luôn chứa trong đó nhiều quyết định tùy ý, nhiều giả định mà người ta chỉ có thể kiểm chứng được khi chính họ ở trong môi trường 3D thực. Tại sao anh vẽ cửa sổ như thế này, ở chỗ này, cao như vậy mà không cao hơn một chút, hay dịch qua bên trái một chút? Có rất nhiều khi những quyết định như vậy xuất hiện trong bản vẽ không phải bởi vì vị trí cửa sổ ở đó với kích thước đó là lựa chọn đẹp nhất cho ánh sáng và không gian trong phòng mà bởi vì người ta thấy là_trên bản vẽ_ nó đẹp, hoặc đơn giản là ngay cả khi người ta chưa chắc cái cửa sổ đó phải như thế nào mới đẹp nhất nhưng họ vẫn cần phải vẽ một cái cửa sổ ở đó đã. Thứ hai, bởi vì trong bản vẽ chứa đựng rất nhiều những quyết định tùy ý như vậy, thay vì để cho quá trình xây nhà khai mở từng bước rồi ở mỗi giai đoạn xác nhận hoặc chỉnh sửa những quyết định sai lầm trên bản vẽ, nếu có, theo hoàn cảnh không gian thực tế, thì việc khăng khăng giữ theo bản vẽ chỉ khiến cho mật độ những quyết định sai giữ lại trong hình dáng căn nhà cao hơn.  
Trong thời đại vẽ máy phát triển vượt bậc, ta có thể nghĩ rằng vấn đề khác biệt giữa bản vẽ và thực tế chỉ là chuyện nhỏ, dễ dàng được khắc phục bằng nhiều phối cảnh 3D, kể cả 3D tương tác động. Nhưng không phải hoàn toàn như vậy. Mặc dù bản vẽ và phối cảnh giúp ích rất nhiều trong việc hình dung vật thể được thiết kế, có những thứ chỉ có thể cảm giác được trong môi trường không gian thực, đặc biệt là hình dung về chất lượng không gian bên trong và ngoài vật thể. 

Bản thân tôi đã trải qua một kinh nghiệm như vậy trong lần đi sắm xe ô tô gần đây. Mặc dù tôi đã xem qua hình ảnh thật và cả video của những mẫu xe khác nhau, không gì so sánh được với cảm giác ngồi ở bên trong chúng. Cảm giác nó rộng rãi, chật hẹp, sáng, tối, vững vàng và thoải mái như thế nào khác nhau với từng mẫu xe và chỉ có thể cảm nhận chắc chắn lúc ngồi ở bên trong. Tôi đặt mua một mẫu xe thỏa mãn tiêu chí của mình. Vài ngày sau, trong lúc chờ nhận xe, tôi quay lại salon đóng tiền và nhân tiện ngồi lại vào chiếc xe mẫu mà mình sắp có được. Cũng chiếc xe hôm trước tôi ngồi thử nhưng sao lần này thấy lạ quá. Khi tôi ngồi thả lỏng dựa lưng vào ghế ôm vô lăng thì không sao, nhưng mỗi lần ưỡn người ngồi thẳng lưng hoặc rướn lên trước để làm gì đó thì đầu chạm vào nóc xe thật vướng víu khó chịu. Tôi chỉnh ghế lùi ra sau nhưng nó ko giúp ích được bao nhiêu. Ngay phút đó, một cảm giác sững sờ và gò bó kinh khủng ập đến. Làm sao có thể lái xe cả đoạn đường dài mà chỉ được ngồi khòm khòm lưng tựa vào lưng ghế dù là ghế êm cách mấy đi nữa? Thật không thể tin nổi tôi đã đặt mua một chiếc xe kinh khủng này, đặc biệt thật mỉa mai khi tôi đã chú ý ngồi thử trong nó và lắng nghe cảm giác của mình!? Loay hoay một lúc sau, tôi mới phát hiện ra chiếc ghế tôi ngồi ngoài chỉnh hướng tới lui còn có thể điều chỉnh cao thấp. Một vị khách nào đó trước tôi khi ngồi thử trên xe đã chỉnh ghế lên cao vài cm để vừa tầm mắt họ nhưng lại khiến nó trở nên quá cao với tôi. Tôi chỉ việc hạ ghế xuống và mọi thứ lại trở nên hoàn toàn ổn thỏa. Vấn đề là ngay cả khi tôi có xem có vô số hình ảnh hay bản vẽ nội thất xe, không có gì giúp tôi nhận ra được, giữa rất nhiều các chi tiết nội thất đó, độ cao của ghế xe như trong ảnh có đúng hay sai và nó sẽ ảnh hưởng đến mình thế nào. Ngay cả khi một người có năng lực đọc bản vẽ và hình dung hình dáng cuối cùng của vật thể rất tốt, người đó cũng khó có thể hình dung được cảm giác ở những vị trí khác nhau bên trong vật thể đó như thế nào. Nếu như từng đấy hình ảnh của một sản phẩm được trau chuốt kỹ như xe ô tô còn không giúp ta biết được hết, thì liệu vài bản vẽ, vài phối cảnh máy tính của căn nhà có đủ cung cấp thông tin cần thiết để ta quyết định xây đúng y đúc như vậy không?

Một vấn đề nữa của phối cảnh máy tính là phần lớn nó bị sử dụng sai. Thay vì là một công cụ giúp KTS thử nghiệm những hình dạng khác nhau một cách chân thực nhất có thể, không ít phối cảnh 3D chỉ được sử dụng như một công cụ để trình bày (presentation), được dựng nên khi hình dạng căn nhà đã được quyết định xong và chỉ nhằm mục đích minh họa và thuyết phục chủ đầu tư. Nhiều lúc người ta dùng chiêu trò phối cảnh, bầu trời acid rực rỡ, ánh sáng không thực tế, v.v… để ‘photoshop’ khiến hình ảnh căn nhà trở nên long lanh hấp dẫn hơn và càng xa rời thực tế hơn. Theo Alexander, người ta phải vượt qua ham muốn kiểm soát hình dạng cuối cùng của một công trình, nếu muốn nó thực sự là một công trình sống. Bản vẽ vẫn cần thiết để định hướng căn nhà và để đáp ứng cái đòi hỏi của quy trình xây dựng hiện hành, nhưng chúng chỉ nên là gợi ý. Ở mỗi bước của quá trình xây nhà, người ta cần phải ở đó xem xét và lắng nghe ở không gian thực cái gì là bước tiếp theo hợp lý nhất, làm tăng sự sống của căn nhà nhất, đảm bảo tính toàn thể nhất. Điều này nghe có vẻ viển vông nhưng Alexander không chỉ là một nhà nghiên cứu lý thuyết, ông còn là kiến trúc sư đứng ra trực tiếp xây dựng những công trình theo phương pháp của mình.
Ông gay gắt: " Từ thế kỷ 20 hình ảnh có một quyền năng đặc biệt là nó không phục tùng thực tếvà thậm chí thường là quan trọng hơn thực tế... Những công trình kiến trúc được đánh giá _ ít nhất là bởi các thành viên trong ngành- qua cách nó xuất hiện trên các tạp chí hơn là qua sự hài lòng của những người dùng nó" "Images in the 20th century had a unique power where image became divorced from reality, and often more important than reality... Buildings were judged - at least by members of our own profession - more by the way they looked in magazines than by the satisfaction people felt when using them."

Christopher Alexander: khối nhà khu Cao đẳng, Eishin Campus, Tokyo



Ứng dụng của quy trình generative trong thiết kế đô thị và những lĩnh vực khác
Đô thị cổ Hội An. Ngôn ngữ kiểu mẫu hiện diện rõ rệt, phản ánh pattern sống của người cảng thị một thời. Ở đây có quy trình generative, có sự khai mở từng bước, có thích ứng (adaptation) tại chỗ. Một cái-toàn-thể đẹp & có sự sống

Các đô thị truyền thống cung cấp rất nhiều chất liệu thực tiễn quý giá cho việc nghiên cứu quá trình generative và ứng dụng trong quy hoạch đô thị mới để tạo ra những đô thị đẹp, giàu sức sống.
Ở Việt Nam, có thể tiếp nhận nhiều kiến thức bổ ích về phương pháp này qua Giáo trình thiết kế đô thị_ Phương pháp generative và Ngôn ngữ Kiểu mẫu, 2016 do T.S. Nguyễn Hồng Ngọc_ Đại học Đà Nẵng biên soạn. Ông nghiên cứu chuyên sâu vào các hình thức đô thị bền vững, các luật generative và luật dựa trên hình thức trong thiết kế đô thị; và có nhiều bài giới thiệu về phương pháp generative có thể tham khảo trên blog http://qhdt.blogspot.com


Một rặng san hô do máy tính generate ra (ko phải vẽ ra). Với hiểu biết sâu sắc về thuộc tính tỷ lệ và hình học tương đồng, con người có thể kiến tạo những cấu trúc sống động sâu sắc đến mức ta có thể nhầm đây với 1 cảnh tự nhiên. Prokofiev@wikimediacommons


Tham khảo:
(*) Giáo trình thiết kế đô thị_ Phương pháp generative và Ngôn ngữ kiểu mẫu, Nguyễn Hồng Ngọc, 2016

(**) The "Wholeness-Generating" Technology of Christopher Alexander. Michael Mehaffy and Nikos A. Salingaros http://www.metropolismag.com/Point-of-View/October-2011/The-Wholeness-Generating-Technology-of-Christopher-Alexander/