Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2006

Mô hình về sự Thiếu hiểu biết




Hồi tôi học trung học, đã bắt đầu nghe các thầy bảo: người ta càng biết nhiều sẽ càng thấy mình chẳng biết gì hết. Cái chuyện này đối với tôi hơi bị khó hiểu à nha. Tức là Càng học thì càng ngu? – hé hé, như vậy thì khỏi học cho rồi. Hay là “Càng học nhiều thì lại càng khiêm tốn”? – Cái này nghe có lý hơn, nhưng mà đâu phải ai biết nhiều cũng khiêm tốn.


 May quá tôi tìm ra được một cách để tự giải thích cái chuyện khó hiểu này một cách rất khoa học, chính xác hơn là một cách rất hình học. Hmm, hay là gọi nó là Mô hình Kiến thức và Sự Thiếu Hiểu biết vậy.  (Bạn an tâm, nhìn cái ảnh mô hình này cũng sù sì, nhưng mà không có liên quan gì đến Đừng chết vì thiếu hiểu biết ở đây đâu).


 Này nhé, nhìn vào mô hình ở trên, kiến thức của loài người cũng giống như là một vòng tròn sạch sẽ ở giữa. Bao nhiêu những điều lờ mờ, nghi hoặc đã được Nghiên cứu, Khám phá, và Nhận thức xóa sạch và thay vào đó bằng Kiến thức. Thế nhưng những gì con người hiện biết có thể xem như là một vòng tròn nằm giữa một biển vô tận những điều con người chưa biết và còn cần phải khám phá.


Đường chu vi vòng tròn chính là ranh giới giữa cái điều đã biết và điều không biết. Đó cũng chính là biên giới của nhận thức của con người. Chỉ ở nơi đây con người mới biết cái-mà-họ-không-biết. Còn nằm hẳn bên ngoài vòng tròn là bao nhiêu điều mà người ta thậm chí không hề ý thức đến, bởi Kiến thức chưa thể bắc cầu đến được. Đó là những điểm-mà-người-ta-không-biết-là-mình-không-biết.


Càng biết nhiều, vòng tròn Kiến thức càng mở rộng ra, vươn đến những biên giới xa hơn. Cùng lúc, chu vi vòng tròn càng tăng lên. Người ta càng nhận thức được là có nhiều cái họ không biết hơn. Nó giải thích hoàn hảo kết luận của mấy ông thầy tôi.


Cái mô hình này có thể giải thích với kiến thức của nhân loại nói chung, và kiến thức của mỗi người nói riêng.


 Thế đấy, như vậy là tôi đã tự thuyết phục được mình tại sao người ta càng biết nhiều thì càng thấy mình ngu. Bây giờ điều còn lại làm tôi băn khoăn chỉ là không biết vế ngược lại có đúng không- tức là “người ta càng thấy mình ngu thì tức là người ta càng biết nhiều.”


 


Hmm. Tại vì tôi thấy mình dạo này càng ngày càng ngu.Image

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2006

Chuyện cái thắng (2)




Tôi bắt đầu thích cái thắng xe không lâu sau khi tôi bắt đầu biết đi xe gắn máy. Ở miền bắc người ta gọi nó là cái phanh xe. Thắng xe có nhiều loại khác nhau – thắng bố, thắng dĩa, thắng hơi, thắng thủy lực, v.v…  Nhưng đó thật sự không phải là cái thu hút tôi (dĩ nhiên rồi). Cái tôi thấy rất hay ở thắng xe là cái vai trò của nó.


 


Thắng xe có nhiệm vụ giảm tốc độ của xe khi cần thiết. Cùng với động cơ và hệ thống bẻ lái, thắng xe là một trong ba thành phần quan trọng nhất của bất cứ sự di chuyển bằng xe có kiểm soát nào. Thắng xe trước hết là để giảm tốc độ của xe, nhưng cái quan trọng hơn không phải là để làm giảm tốc độ mà ngược lại, để làm cho xe có thể đi nhanh hơn.


 


Để cho xe có thể đi nhanh hơn, trước hết chúng ta phải có một bộ thắng tốt hơn.


 


Hãy tưởng tượng, với một bộ thắng tay dùng cho xe đạp, bạn có thể nào phóng trên chiếc Honda Dream 60 km/giờ? Tất nhiên là không rồi. Dĩ nhiên chúng ta đang ngầm giả định với nhau là cả bạn và tôi đều có tâm thần bình thường và đều muốn đi tới nơi mà mình muốn tới. Tốc độ không thể bền vững nếu như bạn cứ rồ hết máy lao vun vút trên một chiếc xe đã gỡ thắng. Sớm hoặc muộn, bạn và có thể cả một số người khác sẽ phải trả giá. Từ chiếc xe đạp đến chiếc xe đua thể thức một, mỗi bước đột phá trong tốc độ đều diễn ra chỉ khi sự đột phá trong thắng xe cho phép.


 


Nghĩa là, càng muốn đi nhanh ta càng cần phải có cái thắng tốt. Cái thắng xe vừa tương khắc lại vừa tương sinh với tốc độ xe.


 


Cũng đúng với hầu hết cái vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Tai họa xảy ra khi người ta tìm cách loại bỏ đi những ‘cái thắng’ vì chỉ nhìn thấy tác dụng ‘giảm tốc độ’ của nó mà không thấy tác dụng tích cực kia. Người ta giết hại chim cú, và rắn vì nghĩ chúng làm phá hoại mùa màng để rồi mùa màng thất bát vì sâu, chuột. Người ta gò ép con mình từ bỏ những thú vui, những trò chơi mất thời gian để dồn sức cắm đầu vào sách vở để rồi những đứa bé lớn lên như những cái máy thô cứng.


 


Cho đến giờ, nền dân chủ giới thiệu cho xã hội loài người một cơ chế thắng xe tốt nhất. Ở trong bất cứ hướng đi nào của xã hội, bên cạnh lực lượng thúc đẩy cũng đều có ít nhiều lực hãm nội tại, giúp định hướng và kiểm soát chiếc xe lao về phía trước. Có thể nó sẽ không nhanh bằng những cỗ xe buông thắng, nhưng nó không hứa hẹn một tai nạn chắc chắn như những chuyến xe bão táp kia.


 


Dù cho người cầm lái có tài giỏi (hoặc may mắn) đến mức nào đi nữa, nếu khôn ngoan ông ta phải biết rằng mình chỉ có thể lái nhanh đến mức độ nào đó trên cỗ xe của mình. Muốn đi nhanh hơn nữa, chỉ rồ tay ga thì không đủ, ông ta còn cần phải nâng cấp cái bộ thắng xe của mình.