Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2007

Trôi theo dòng nước

Bạn gửi tin nhắn hỏi
_ Có hay tin cầu Cần Thơ sập?.
_ Ừ có hay, nhưng lướt sơ qua à, kô có đọc kỹ nội dung.


Thật ra là tôi kô muốn đọc. Hồi sáng thấy cái tiêu đề và hình ảnh sập dầm cầu và giàn giáo, tôi đã có thể mường tượng ra cái cảnh bi đát của nó thế nào. Tôi kô muốn đọc tiếp, bởi tôi không muốn thấy mình trở nên mềm yếu và sầu lụy.

Chắc bạn hiểu tôi nói gì. Ở nơi đây, vào lúc này, tôi có thể làm được gì? Tôi nhớ cái cảm giác của mùa Giáng sinh năm 2004, lúc cơn sóng thần bất ngờ cướp đi sinh mạng của gần 300 ngàn người. Tôi đăng ký vào 1 nhóm thiện nguyện, nhưng rốt cuộc cũng chỉ ở trong danh sách dự bị vì số người đăng ký quá đông. Trong suốt mấy ngày, tôi dán mắt vào tivi và tìm kiếm những tin tức và hình ảnh của sự kiện đó. Con số tử vong tăng lên theo từng giờ, những con số khủng khiếp làm người ta nghẹt thở.

Tôi không muốn đọc tin. Thế có nghĩa hoặc là tôi vô cảm, hoặc là tôi hèn kém. Nhưng thế còn dễ chịu hơn là cái cảm giác mình đang là khán giả của một trận bóng đá đầy căng thẳng, hoặc sụt sùi theo một màn bi kịch đang nghẹt thở ở những nút thắt oan nghiệt. Sau những cao trào của cảm xúc, khán giả sẽ ra về mà lòng nhẹ tênh. Người ta sẽ gói ghém nó lại trong một cái bọc trang nhã rồi lịch sự ném nó đâu đó khỏi cái gánh tâm trí thường trực của mình. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Mọi chuyện rồi sẽ trôi qua trong im lìm, có chăng đôi lúc gợn lại trong ta một chút kỷ niệm xa xôi vô cảm. Tôi nghĩ như vậy thì bất nhẫn với những cảm xúc của mình quá.

Tôi không muốn đọc tin. Bởi tôi sợ cách đưa tin thường do quá nhiệt tình mà đôi khi trở nên sến đến nỗi giả tạo của lối đưa tin nhà mình. Chuyện thật vui đâu cần người chọc cù lét cũng như chuyện thật buồn đâu cần kẻ khóc thuê. Tôi sợ sẽ bắt gặp đâu đấy sự cạnh tranh ngầm giữa những tờ báo xem tờ nào có “lương tâm xã hội” cao hơn, khóc to hơn và lớn tiếng công phẫn hơn. Tôi nghĩ như vậy thì bất nhẫn với bà con, với những nạn nhân của tai nạn này quá. Sự kiện này chỉ cần trình bày một cách trung thực và những con số một mình nó đã quá đủ đau buồn, không cần phải bơm phồng lên làm gì. Đối với tôi, một bức ảnh như bức dưới đây cũng đã hơn cả ngàn lời sáo rỗng vẽ đường cho người khóc.

NGÀY ĐỊNH MỆNH TRÊN CẦU CẦN THƠ
Nguồn: ảnh từ blog của bác VMC



Những giai đoạn của “tình cảm và lương tâm công chúng” sau một sự kiện bi thảm

Không biết tôi chia vậy có chính xác không, nhưng chắc cũng kô có sai lệch gì nhiều. Nếu thấy những diễn biến sự kiện như tôi thấy dưới đây, chắc bạn sẽ hiểu tại sao tôi kô muốn làm “khán giả” của một vở kịch.

1. Kinh hoàng và sốc: công chúng lúc đầu không nhận thấy hết tầm vóc của sự kiện. Có rất ít phản ứng xảy ra trong lúc này.

2. Hy vọng và ứng phó: sau giây phút kinh hoàng lúc đầu, người ta thấy được thiệt hại xảy ra và hiểu được những thiệt hại sẽ tới nếu như không làm gì đó ngay lập tức để giảm thiểu nó lại. Tất cả mọi người đều muốn làm một cái gì đó, bất kể đó là cái gì. Một số người lao vào hiện trường để cứu giúp. Số khác quyên góp nhân lực, vật lực. Cánh phóng viên cố đánh động vào lương tâm dư luận. Bloggers cũng tương tự trên mặt báo của riêng mình. Số còn lại hài lòng với hành động “làm cái gì đó” bằng cách dán mắt vào tivi hoặc mua báo theo dõi sát sao sự kiện đang diễn ra. Những ai không làm được gì, hoặc cảm thấy mình làm không đủ thì cảm thấy hết sức khổ sở, họ “muốn điên lên” được. Như thế cũng còn đỡ hơn một số ít người đem sự nhiệt tình ứng phó của mình áp dụng một cách tiêu cực, chẳng hạn như tung tin đồn bậy, hoặc trong trường hợp sập cầu Cần Thơ là kêu gọi người dân đi hiến máu.

Dẫu có hỗn loạn đến thế nào trong giai đoạn này khi người người bằng cách riêng của mình phản ứng lại với thảm họa, thì đây vẫn là giai đoạn đáng qúy nhất trong chuỗi những diễn biến tâm lý công chúng. Chính ở những hành động hoặc chín chắn có hiệu quả hoặc bộc phát thiếu suy nghĩ này mà cái tình người và cái tính người nó hiện lên sáng rõ lung linh. Hơn nữa, bằng hành động con người mua được hy vọng. Khi nào còn hy vọng khi đó thảm họa vẫn chưa đè được toàn bộ sức nặng gai góc của nó lên trái tim của con người.

Một điều đáng quý nữa của giai đoạn này là lương tâm và tình cảm của công chúng được hướng theo hướng tích cực. Người ta không muốn đổ lỗi cho nhau mà tất cả đều hướng về tìm cách giảm thiểu thiệt hại.

3. Tuyệt vọng và đau khổ: cùng với thời gian trôi đi, hy vọng lùi dần nhường chỗ cho tuyệt vọng. Những ao ước lạc quan cứu sống người ban đầu bây giờ bị thân nhân nếu còn lý trí chấp nhận sự thật đau đớn thầm chuyển thành hy vọng tìm lại được xác con em mình. Nỗi đau thương mất mát đè nặng lên người thân và cả cộng đồng.

4. Phẫn nộ và đòi công lý: Thế nhưng khác với gia đình và người thân của nạn nhân, công chúng có quá ít tình cảm và quá thừa năng lượng so với họ. Họ gạt nhanh những giọt nước mắt dễ dãi rồi chuyển sang lớn tiếng phẫn nộ. Cái năng lượng tràn ngập trong họ lúc đầu hướng vào việc làm gì đó để giảm thiểu thiệt hại bây giờ chuyển hướng sang làm gì đó để lấy lại công bằng cho nạn nhân. Tại sao chuyện xảy ra như vậy? Tại sao đáng lẽ đã thế này nếu như thế kia? Tại sao ông kia phát biểu như vậy? Tại sao người này người nọ không có mặt tại hiện trường? Làm cách nào để tai nạn như vậy không xảy ra nữa? .v.v… Rất nhiều câu hỏi, nhưng câu hỏi quan trọng nhất luôn luôn là “Ai là người chịu trách nhiệm cho chuyện này?”

Công chúng cần một người bước lên giàn hỏa, lên giá treo. Đã chia sẻ những thăng giáng tình cảm, đã góp tay vào xoa dịu nỗi đau, về mặt tâm lý, họ thấy trong mình một cái quyền hiển nhiên được kéo một người nào đó ra trả giá cho những gì họ trải qua. Ở đây tôi không bàn là công luận có nên hoặc có quyền đòi hỏi công lý hay kô, tôi chỉ muốn mô tả cái diễn biến tâm lý của công chúng khi họ xem vấn đề đòi quyền công lý như là vấn đề của chính họ.

Bộ mặt xã hội trở nên xấu xí trong cuộc săn tìm phù thủy này. Tùy tính chất của từng sự kiện mà ít hay nhiều ta sẽ thấy những trò ném đá giấu tay, mượn dao giết người hoặc trơ trẽn phủi tay.

Nếu như giai đọan 2 là đáng quý nhất thì đây là giai đoạn đáng khinh nhất của tâm lý công chúng sau thảm họa. Nó đáng ghét không phải vì người ta thấy được những điều xấu xí không ngờ bị phơi bày ra ánh sáng mà là ở chỗ sự công phẫn ồn ào đầy hồ hởi từ công chúng. Tại sao lại đáng ghét? Bởi vì đấy thực ra chỉ là những xú-páp xả tầm thường của họ. Cái năng lượng tình cảm tích lũy dồi dào lúc đầu cần có chỗ giải phóng. Có quá ít người trong đám “công chúng có lương tâm” chọn con đường tiếp tục giải phóng nó bằng những hành động có ích thầm lặng sau này. Phần lớn chọn con đường không làm gì hơn cho nạn nhân, nhưng nếu chỉ như vậy thì năng lượng không được giải phóng sẽ làm lương tâm của họ cắn rứt. Bằng cách chuyển hóa năng lượng tình cảm thương xót sang năng lượng tình cảm công phẫn và tiết xuất ra ngoài, họ giải phóng năng lượng tích trữ và thuyết phục lương tâm chính mình rằng họ đã làm những gì đáng làm cho nạn nhân để rồi nhẹ nhàng bước sang giai đoạn cuối.

5. Quên lãng: nếu tìm ra kẻ lên giàn thiêu, công chúng sẽ hả hê với lương tâm của mình. Nếu không đủ sức mạnh tinh thần để chỉ rõ kẻ chịu trách nhiệm (vd như trong vụ Sóng thần) hoặc tìm mãi không ra kẻ trực tiếp chịu trách nhiệm, thì công chúng sẽ lôi lên giàn thiêu kẻ chịu trách nhiệm gián tiếp, rồi gói ghém năng lượng còn lại chôn cất đâu đó cho kỹ. Dẫu cho trường hợp nào ở trên đi nữa, thì sự hả hê của lương tri công chúng sẽ diễn ra với rất ít tưởng nhớ đến nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của thảm họa. Bởi đấy thực ra là sự thỏa mãn cho lương tâm của chính họ hơn là sự thỏa mãn vì công lý đã đạt được. Rồi tất cả nhanh chóng chìm vào quên lãng. Người ta thậm chí sẽ không nhớ ra đã có lúc mình “muốn điên lên được” vì số phận của những người dưng mà họ kô còn nhớ đến tên tuổi, quê quán. Chán chả bùôn viết tiếp nữa. hừm.

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2007

Vừa đi vừa chép 2: DAWN




Đây có lẽ là tờ báo “thú vị” nhất mà tui từng đọc. Thử vd vài tin tiêu biểu ở trang nhất và cuối của số báo ngày 14/09 nhé.

- Đánh bom cảm tử ở căn cứ quân sự Haripur

- Thương vong tăng cao ở Waziristan

- Karachi: xe buýt chở sinh viên bị quăng lựu đạn rồi xả súng

- Kohat: 9 cửa hàng bị phá hủy do bom nổ. (Kô thấy nói thương vong ?!)


Phần nào bù trừ với những cái tít u ám trên, nội dung bên trong có thể lại rất thú vị, cười ra nước mắt được. Vd như

Vụ tấn công xe búyt ở Karachi bị nghi ngờ là do xung đột giữa các đoàn hội sinh viên trong trường đại học Karachi. Ngày hôm trước 3 sinh viên đã bị thương khi 2 đoàn này đụng độ nhau trong khuôn viên trường. Cho nên có lẽ đây là một cuộc trả thù giữa các sinh viên với nhau (bằng lựu đạn và xả súng ?!).

Vụ tấn công này rõ ràng làm cho nhiều sinh viên rất bất bình. Ngay lập tức họ đổ ra đường, chặn 1 con đường lại. Một số thể hiện sự tức giận bằng cách hát khẩu hiệu chống chính phủ. Số sinh viên nữa thể hiện nó bằng cách ném đá vào xe cộ qua lại.

Hoặc,

Một cây cầu vượt bị sập. Tờ báo trích dẫn duy nhất phân tích của một người: “nguyên nhân của cầu sập chắc là do trời mưa. Hôm đó mưa lớn.”

Hoặc,

Lãnh đạo chính trị 1 phe chính trị bị cấm vào Karachi. Chính quyền địa phương viện cớ là ông này bị cấm trong vòng 1 tháng vì có dính líu đến vụ hỗn loạn đẫm máu tháng 5 tại đây. Ông ta quyết định cứ bay vào Karachi. Dĩ nhiên chính quyền và quân đội ngăn cản. Dĩ nhiên người phe ông này đổ ra sân bay để đón ổng. Dĩ nhiên mấy người này bị tạm bắt. Dĩ nhiên sân bay bị thắt chặt an ninh, rào chắn từ xa. Dĩ nhiên hàng loạt người phải bỏ xe hơi, vác hành lý đi bộ gần cả cây số để đến ga bay. Nhưng có điều này kô có dĩ nhiên, rất là độc đáo. Cũng trong tin này, 1 quan chức đã dũng cảm và hồn nhiên tuyên bố rằng chính quyền địa phương kô hề có ý định đàn áp chính trị ai hết, cái lệnh cấm ông ta vào Karachi chỉ đơn giản là một trong vài biện pháp được áp dụng để đảm bảo tình trạng giao thông khỏi bị kẹt thôi.

Há há, cái này thì đến Cuội cũng phải bái làm sư phụ rồi.

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

Vừa đi vừa chép 1




Ngày 1:

Trên máy bay

- Chào

- Hi

- Chuyến bay này đi đến K đó nhé.

- Uh tao biết

- Hí hí, tao tưởng tụi bây vô lộn máy bay.

Trên đường

Mỗi chiếc xe buýt là một cá tính riêng biệt. Chưa thấy ở đâu người ta trang trí xe buýt màu mè, rườm rà và đặc sắc đến như vậy. Hơn cả xe đò ở M, và dĩ nhiên ăn đứt xe hoa ở VN. Hôm nào phải rình rình chụp 1 tấm mới được.


Sạch hơn M, ít hào nhoáng và cũng ít nghèo bẩn như M. Con người cũng có vẻ dễ thương hơn, kô thấy cái vẻ hãnh tiến và chụp giựt.


Ngày X: Trong khách sạn

- Ê, tối qua tao thấy có người xuống bơi ở hồ bơi đó.

- Giỡn chơi? Ai mà gan dữ vậy?

- Kô, thiệt mà. Thấy tụi nó quẫy quẫy trong đó 1 hồi.

- Trời, cái hồ nước xanh lè, rêu bám tùm lum đó mà cũng dám thử.


Ngày X+1:

- Này trông kìa, tụi nó đem mấy chậu cây đặt vây quanh hồ lại kìa. Nhìn cũng đẹp chứ.

- Ờ, nhìn đỡ hơn. Không biết tụi nó có định kỳ cọ cái hồ đó kô. Thấy nó đâu đến nỗi khó làm như vậy.

- Thiệt, làm tụi mình chả làm ăn gì được cả. Chán như con gián.

- Chưa chắc, biết đâu mình có thể câu cá ở đó.

Tối nhận được cái này.

Thông báo: Hồ bơi tạm ngưng phục vụ để nâng cấp, thay lớp gạch men trong vòng ... 2 tháng. Mong quý khách thông cảm.

- Ặc, Có được cái ao nước đã là may, còn kô biết quý. Cho chừa.


Ngày Y : MURREE ….. E….. E

- Ê, hôm nay có F1. Chạy qua phòng tao. Hôm nay phải thử bia bọt ở đây coi sao.

- Hay đó, tao kô có mặn mà lắm cái vụ ngồi coi F1 mà nhâm nhi trà đâu.

~...~...~...~

- Alo, cho tôi gọi bia vào phòng.

- Vâng, Murree hả?

- Ủa bộ có bia khác hả? Sao kô thấy trong menu.

- Không có.

- Uh vậy Murree đi, 4 chai.


Một lát sau,

- Bia của ông đây. Ông cho tôi xem cái passport, điền vào cái đơn này. Vầng, ký cam kết vào đây nhé. Cảm ơn.


Bảo đảm là ở sẽ hiếm thấy món bia Murree này ở bên ngoài. Bia khá nhẹ, uống kô sốc, nhưng có hương + vị ngọt khá đậm, mới đầu nhấp vào cứ tưởng có mùi xoài. Có điều rất thú vị, đó là năm ra đời của hãng này. Uống xong cười chết. Bí mật đấy.