Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2007

Trôi theo dòng nước

Bạn gửi tin nhắn hỏi
_ Có hay tin cầu Cần Thơ sập?.
_ Ừ có hay, nhưng lướt sơ qua à, kô có đọc kỹ nội dung.


Thật ra là tôi kô muốn đọc. Hồi sáng thấy cái tiêu đề và hình ảnh sập dầm cầu và giàn giáo, tôi đã có thể mường tượng ra cái cảnh bi đát của nó thế nào. Tôi kô muốn đọc tiếp, bởi tôi không muốn thấy mình trở nên mềm yếu và sầu lụy.

Chắc bạn hiểu tôi nói gì. Ở nơi đây, vào lúc này, tôi có thể làm được gì? Tôi nhớ cái cảm giác của mùa Giáng sinh năm 2004, lúc cơn sóng thần bất ngờ cướp đi sinh mạng của gần 300 ngàn người. Tôi đăng ký vào 1 nhóm thiện nguyện, nhưng rốt cuộc cũng chỉ ở trong danh sách dự bị vì số người đăng ký quá đông. Trong suốt mấy ngày, tôi dán mắt vào tivi và tìm kiếm những tin tức và hình ảnh của sự kiện đó. Con số tử vong tăng lên theo từng giờ, những con số khủng khiếp làm người ta nghẹt thở.

Tôi không muốn đọc tin. Thế có nghĩa hoặc là tôi vô cảm, hoặc là tôi hèn kém. Nhưng thế còn dễ chịu hơn là cái cảm giác mình đang là khán giả của một trận bóng đá đầy căng thẳng, hoặc sụt sùi theo một màn bi kịch đang nghẹt thở ở những nút thắt oan nghiệt. Sau những cao trào của cảm xúc, khán giả sẽ ra về mà lòng nhẹ tênh. Người ta sẽ gói ghém nó lại trong một cái bọc trang nhã rồi lịch sự ném nó đâu đó khỏi cái gánh tâm trí thường trực của mình. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Mọi chuyện rồi sẽ trôi qua trong im lìm, có chăng đôi lúc gợn lại trong ta một chút kỷ niệm xa xôi vô cảm. Tôi nghĩ như vậy thì bất nhẫn với những cảm xúc của mình quá.

Tôi không muốn đọc tin. Bởi tôi sợ cách đưa tin thường do quá nhiệt tình mà đôi khi trở nên sến đến nỗi giả tạo của lối đưa tin nhà mình. Chuyện thật vui đâu cần người chọc cù lét cũng như chuyện thật buồn đâu cần kẻ khóc thuê. Tôi sợ sẽ bắt gặp đâu đấy sự cạnh tranh ngầm giữa những tờ báo xem tờ nào có “lương tâm xã hội” cao hơn, khóc to hơn và lớn tiếng công phẫn hơn. Tôi nghĩ như vậy thì bất nhẫn với bà con, với những nạn nhân của tai nạn này quá. Sự kiện này chỉ cần trình bày một cách trung thực và những con số một mình nó đã quá đủ đau buồn, không cần phải bơm phồng lên làm gì. Đối với tôi, một bức ảnh như bức dưới đây cũng đã hơn cả ngàn lời sáo rỗng vẽ đường cho người khóc.

NGÀY ĐỊNH MỆNH TRÊN CẦU CẦN THƠ
Nguồn: ảnh từ blog của bác VMC



Những giai đoạn của “tình cảm và lương tâm công chúng” sau một sự kiện bi thảm

Không biết tôi chia vậy có chính xác không, nhưng chắc cũng kô có sai lệch gì nhiều. Nếu thấy những diễn biến sự kiện như tôi thấy dưới đây, chắc bạn sẽ hiểu tại sao tôi kô muốn làm “khán giả” của một vở kịch.

1. Kinh hoàng và sốc: công chúng lúc đầu không nhận thấy hết tầm vóc của sự kiện. Có rất ít phản ứng xảy ra trong lúc này.

2. Hy vọng và ứng phó: sau giây phút kinh hoàng lúc đầu, người ta thấy được thiệt hại xảy ra và hiểu được những thiệt hại sẽ tới nếu như không làm gì đó ngay lập tức để giảm thiểu nó lại. Tất cả mọi người đều muốn làm một cái gì đó, bất kể đó là cái gì. Một số người lao vào hiện trường để cứu giúp. Số khác quyên góp nhân lực, vật lực. Cánh phóng viên cố đánh động vào lương tâm dư luận. Bloggers cũng tương tự trên mặt báo của riêng mình. Số còn lại hài lòng với hành động “làm cái gì đó” bằng cách dán mắt vào tivi hoặc mua báo theo dõi sát sao sự kiện đang diễn ra. Những ai không làm được gì, hoặc cảm thấy mình làm không đủ thì cảm thấy hết sức khổ sở, họ “muốn điên lên” được. Như thế cũng còn đỡ hơn một số ít người đem sự nhiệt tình ứng phó của mình áp dụng một cách tiêu cực, chẳng hạn như tung tin đồn bậy, hoặc trong trường hợp sập cầu Cần Thơ là kêu gọi người dân đi hiến máu.

Dẫu có hỗn loạn đến thế nào trong giai đoạn này khi người người bằng cách riêng của mình phản ứng lại với thảm họa, thì đây vẫn là giai đoạn đáng qúy nhất trong chuỗi những diễn biến tâm lý công chúng. Chính ở những hành động hoặc chín chắn có hiệu quả hoặc bộc phát thiếu suy nghĩ này mà cái tình người và cái tính người nó hiện lên sáng rõ lung linh. Hơn nữa, bằng hành động con người mua được hy vọng. Khi nào còn hy vọng khi đó thảm họa vẫn chưa đè được toàn bộ sức nặng gai góc của nó lên trái tim của con người.

Một điều đáng quý nữa của giai đoạn này là lương tâm và tình cảm của công chúng được hướng theo hướng tích cực. Người ta không muốn đổ lỗi cho nhau mà tất cả đều hướng về tìm cách giảm thiểu thiệt hại.

3. Tuyệt vọng và đau khổ: cùng với thời gian trôi đi, hy vọng lùi dần nhường chỗ cho tuyệt vọng. Những ao ước lạc quan cứu sống người ban đầu bây giờ bị thân nhân nếu còn lý trí chấp nhận sự thật đau đớn thầm chuyển thành hy vọng tìm lại được xác con em mình. Nỗi đau thương mất mát đè nặng lên người thân và cả cộng đồng.

4. Phẫn nộ và đòi công lý: Thế nhưng khác với gia đình và người thân của nạn nhân, công chúng có quá ít tình cảm và quá thừa năng lượng so với họ. Họ gạt nhanh những giọt nước mắt dễ dãi rồi chuyển sang lớn tiếng phẫn nộ. Cái năng lượng tràn ngập trong họ lúc đầu hướng vào việc làm gì đó để giảm thiểu thiệt hại bây giờ chuyển hướng sang làm gì đó để lấy lại công bằng cho nạn nhân. Tại sao chuyện xảy ra như vậy? Tại sao đáng lẽ đã thế này nếu như thế kia? Tại sao ông kia phát biểu như vậy? Tại sao người này người nọ không có mặt tại hiện trường? Làm cách nào để tai nạn như vậy không xảy ra nữa? .v.v… Rất nhiều câu hỏi, nhưng câu hỏi quan trọng nhất luôn luôn là “Ai là người chịu trách nhiệm cho chuyện này?”

Công chúng cần một người bước lên giàn hỏa, lên giá treo. Đã chia sẻ những thăng giáng tình cảm, đã góp tay vào xoa dịu nỗi đau, về mặt tâm lý, họ thấy trong mình một cái quyền hiển nhiên được kéo một người nào đó ra trả giá cho những gì họ trải qua. Ở đây tôi không bàn là công luận có nên hoặc có quyền đòi hỏi công lý hay kô, tôi chỉ muốn mô tả cái diễn biến tâm lý của công chúng khi họ xem vấn đề đòi quyền công lý như là vấn đề của chính họ.

Bộ mặt xã hội trở nên xấu xí trong cuộc săn tìm phù thủy này. Tùy tính chất của từng sự kiện mà ít hay nhiều ta sẽ thấy những trò ném đá giấu tay, mượn dao giết người hoặc trơ trẽn phủi tay.

Nếu như giai đọan 2 là đáng quý nhất thì đây là giai đoạn đáng khinh nhất của tâm lý công chúng sau thảm họa. Nó đáng ghét không phải vì người ta thấy được những điều xấu xí không ngờ bị phơi bày ra ánh sáng mà là ở chỗ sự công phẫn ồn ào đầy hồ hởi từ công chúng. Tại sao lại đáng ghét? Bởi vì đấy thực ra chỉ là những xú-páp xả tầm thường của họ. Cái năng lượng tình cảm tích lũy dồi dào lúc đầu cần có chỗ giải phóng. Có quá ít người trong đám “công chúng có lương tâm” chọn con đường tiếp tục giải phóng nó bằng những hành động có ích thầm lặng sau này. Phần lớn chọn con đường không làm gì hơn cho nạn nhân, nhưng nếu chỉ như vậy thì năng lượng không được giải phóng sẽ làm lương tâm của họ cắn rứt. Bằng cách chuyển hóa năng lượng tình cảm thương xót sang năng lượng tình cảm công phẫn và tiết xuất ra ngoài, họ giải phóng năng lượng tích trữ và thuyết phục lương tâm chính mình rằng họ đã làm những gì đáng làm cho nạn nhân để rồi nhẹ nhàng bước sang giai đoạn cuối.

5. Quên lãng: nếu tìm ra kẻ lên giàn thiêu, công chúng sẽ hả hê với lương tâm của mình. Nếu không đủ sức mạnh tinh thần để chỉ rõ kẻ chịu trách nhiệm (vd như trong vụ Sóng thần) hoặc tìm mãi không ra kẻ trực tiếp chịu trách nhiệm, thì công chúng sẽ lôi lên giàn thiêu kẻ chịu trách nhiệm gián tiếp, rồi gói ghém năng lượng còn lại chôn cất đâu đó cho kỹ. Dẫu cho trường hợp nào ở trên đi nữa, thì sự hả hê của lương tri công chúng sẽ diễn ra với rất ít tưởng nhớ đến nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của thảm họa. Bởi đấy thực ra là sự thỏa mãn cho lương tâm của chính họ hơn là sự thỏa mãn vì công lý đã đạt được. Rồi tất cả nhanh chóng chìm vào quên lãng. Người ta thậm chí sẽ không nhớ ra đã có lúc mình “muốn điên lên được” vì số phận của những người dưng mà họ kô còn nhớ đến tên tuổi, quê quán. Chán chả bùôn viết tiếp nữa. hừm.

7 nhận xét:

  1. Mình nghĩ y chang bạn Phá!!!!!!!

    Trả lờiXóa
  2. Những điều bác phân tích mới là 1 nửa câu chuyện. Trước 1 sự kiện như vậy, điều đầu tiên, có trước mọi lý luận là 1 thứ tình thương vô ngã. Sau đó nhìn ra thì đại khái như bác nói. Vậy còn nhìn vô chính mình thì sao???

    Trả lờiXóa
  3. Bạn già,
    Viết rất tốt. Phân tích sâu sắc và trí tuệ. Các giai đoạn tình cảm của công chúng được chia chính xác và hợp lý. Tui đọc xong cũng thấy mình là một trong những 'công chúng', cũng có những diễn biến tình cảm như Phát đã nêu.
    Có chăng là Phát hơi bi quan khi bàn về giai doạn 4. Ừ, thì đúng rồi. Đó là giai đoạn đòi hỏi công lý. Có thể sẽ tóm được thủ phạm, hoặc, nhiều khả năng hơn, sẽ có 1 con dê bị đem đi tế. Hehe, vậy thì sao chứ? Ít nhất nó cũng đem lại 1 số hệ quả có lợi:
    1. Vì sợ hãi, hoặc vì lương tâm cắn rứt, những người có liên quan sẽ trở nên cẩn thận hơn, và có trách nhiệm hơn (bằng cách thực hiện đầy đủ các thủ tục về quy trình xây dựng).
    2. Những người không có liên quan sẽ nhìn lại mình, và cảnh giác. Ví dụ sau vụ cầu Cần Thơ, toàn bộ các công trình cầu ở TP HCM đã được xem xét lại để đảm bảo an toàn 100%.
    Giai đoạn 5 - quên lãng, cũng là 1 bước hợp lý. Sau khi chân lý đã được đòi, thì người ta nên quên đi, và làm những việc có ích cho những người còn sống. Chẳng phải bạn già vẫn luôn suy nghĩ như vậy sao? Còn chuyện chân lý là gì thì cũng phức tạp. Có đôi lúc nó hiển hiện rõ ràng, làm người ta trăn trở day dứt. Nhưng cũng đôi khi nó mờ ảo, bởi sự che chở, sự thiếu minh bạch, hoặc thiếu thông tin. Và như vậy thì làm gì được hả bạn già? Ặc ặc, không lan man nữa, không thì lại chạy sang chủ đề khác.
    Phát viết:
    "Người ta thậm chí sẽ không nhớ ra đã có lúc mình “muốn điên lên được” vì số phận của những người dưng mà họ kô còn nhớ đến tên tuổi, quê quán."
    Chẳng lẽ lại phải nhớ? Sau giai doạn 4, chỉ có 2 khả năng xảy ra:
    a. Đòi lại được công lý. Vậy thì phải quên đi và tiếp tục cuộc sống tốt đẹp này.
    b. Không đòi được công lý, bởi vì người có trách nhiệm đã khéo léo che đậy và phủi tay.
    Đa phần công chúng sẽ phải quên đi, và tiếp tục sống, cho những người liên hệ trực tiếp tới họ, như gia đình, bạn bè, người quen biết ... Bạn già không thể đòi hỏi công chúng nhảy dựng lên, gào thét giận dữ, cho đến khi không còn sức lực và gục ngã, bởi vì công chúng, kể cả tui và bạn, trước hết là những người bình thường, có những mối bận tâm hàng ngày phải giải quyết.
    Riêng tôi, những giai đoạn trải qua như thế này:
    - (Đọc lướt qua tiêu đề. Cầu Cần Thơ bị sập.) Ừ nhỉ, lại 1 cái cầu bị sập.
    - Khoan đã, cầu Cần Thơ lớn hơn cả cầu Mỹ Thuận nữa. Dự án lớn vậy, sao lại thế?
    - Ồ, mấy chục người chết lận.
    - (Đọc sơ qua về những hoàn cảnh gia đình. Mẹ già đợi con, vợ chờ chồng, con chờ cha. Báo chí vẫn motif cũ. Nhưng bắt đầu cảm thấy đau xót.)
    - Đọc tin cập nhập. Gần 50 người chết, rồi hơn 100 người bị thương. Ở đâu ra nhiều quá vậy?
    - Tại sao đến bây giờ vẫn chưa biết rõ là chuyện gì đã xảy ra?
    Và rồi sẽ bước qua giai đoạn quên lãng. Cũng giống như bạn, tui cũng không làm được gì. Mà nếu có ở VN tui cũng không làm được gì. Chỉ tự nhủ, trong công việc tui sẽ làm hết trách nhiệm của mình. Tui không có nhiều kinh nghiệm, và đã bỏ nghề xây dựng cũng lâu lắm rồi, nhưng tui tin chuyện lần này vốn đã có thể tránh được nếu như đa số mọi người làm đúng trách nhiệm của mình (đa số thôi, không cần tất cả đâu). Ví dụ:
    - Thiết kế: đất đồng bằng Sông Cửu Long yếu, nên phải tính toán cẩn thận...
    - Thi công: thiết kế đã ổn rồi. Hehe xây thôi. Á, sao trời lại mưa thế này? À, khối bê tông này đúng nguyên tắc là sau 3 ngày sẽ chịu đủ lực. Không biết có đúng không nữa, vì dạo này trời mưa. Thôi kệ.
    - Giám sát thi công (đến xem): Ối giời, 3 ngày là lý thuyết. Tao thấy bê tông chưa đủ lực. Ráng đợi vài ngày nữa đi.
    - Kỹ sư công trình độc lập (ví dụ thôi): Sao cái giàn giáo này có vẻ không an toàn nhỉ? (ngồi tình toán lại, rồi la toáng lên) trời ạ hệ số an toàn chỉ có 15%? (sao đó gởi email đi cho ai đó phàn nàn)
    Không viết tiếp được? Thôi gởi comment 2 vậy.

    Trả lờiXóa
  4. - Quản lý dự án (sau khi nhận được email): Ối giời, vẽ chuyện. Người ta đã tính toán hết rồi, an toàn 300% chứ sao 15% được. (rồi chợt đắn đo suy nghĩ). Nhưng mà thằng này đã khuyến cáo thế, thì mình cũng nên tính lại, rồi ném cái bảng tính vào mặt nó để sau này khỏi rách việc. Nhưng mà vẫn phải tính, dù gì cũng liên quan đến công nhân làm trên giàn giáo. Thằng Tí đâu, vào tính cái này cho anh coi?
    Và điều đó đã không xảy ra.
    Chỉ là giả định. Chi tiết chắc chắn phức tạp hơn nhiều. Tui tin rằng thất bại lần này chủ yếu không phải là ơ vấn đề kỹ thuật, mà là ở quy trình.
    À, bữa trước hỏi chuyện, không có ý định trách móc gì đâu. Định cập nhật tin tức và bàn luận thôi. Bạn bè lâu năm rồi, không lẽ lại không hiểu nhau (-:

    Trả lờiXóa
  5. Ặc ặc bạn già, dĩ nhiên là hiểu chứ. Thực ra P chỉ theo gió bẻ măng, mượn dao giết người, nhân câu chuyện chat chít nọ mà kéo vào nói chuyện khác thôi chứ nào có nghĩ bạn già trách móc gì đâu. (Gió với măng, dao với giết người, kô chừng P cũng ở giai đoạn 4 đấy. hehe).
    Mà P cũng kô có định trách móc ai hết, ngay cả là trách móc công chúng. Nếu có ai đấy tự xem mình là một phần của công chúng đọc những dòng đó mà cảm thấy đụng chạm cá nhân thì hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của P khi viết. Vả lại điều đó cũng hơi mâu thuẫn. Ý của P là nếu coi mình là 1 phần của public thì hãy "don't take it personally. Take it publicly. ;) ).
    Như P đã nói ở trên, vấn đề P viết kô có đề cập đến chuyện công chúng có nên công phẫn không, có nên quẳng nỗi đau đi mà vui sống không. Nếu có được hỏi thì cũng như bạn già, P sẽ trả lời là nên lắm chứ. Nếu không có công phẫn, lương tri xã hội sẽ suy đồi không cứu vãn được, xã hội sẽ còn tiếp tục hứng chịu những thảm họa do thiếu trách nhiệm hoặc vô đạo đức của một nhóm người thiểu số gây ra. Nếu không có công phẫn, cái năng lượng tình cảm tích lũy sẽ không tiết xuất ra ngoài được một cách chính đáng thì nó sẽ trở nên rất nguy hiểm đối với cá nhân và xã hội.
    P cũng không "đòi hỏi công chúng nhảy dựng lên, gào thét giận dữ, cho đến khi không còn sức lực và gục ngã" mà ngược lại, P hoàn toàn không muốn như vậy. Con người cần quên lãng (và/hoặc tha thứ), bởi không có trái tim nào đủ lớn đến nỗi có thể chất chứa những nỗi đau thu nhận mãi được.
    Nhưng chuyện "nên hay không nên" thuộc về phạm trù của ý thức và không phải là nội dung P định trình bày. Những diễn biến của tâm lý P trình bày thuộc về phạm trù hạ ý thức (subconcious mind), nó nằm bên dưới suy nghĩ có ý thức của công chúng và vì vậy không nên lấy nó ra đánh giá đạo đức của những cá nhân là một phần của công chúng ấy.
    Khi họ tung tin đồn thất thiệt là bệnh viện thiếu máu trầm trọng, phải chăng là họ có ý đồ xấu xí muốn xuyên tạc sự thật? Hay là nhiều khả năng là họ có ý định tốt nhưng cái thôi thúc cần làm một cái gì đó đi mạnh hơn cái lý trí thực tế của họ?
    Khi họ lớn tiếng yêu cầu công lý, bên dưới những lý lẽ hợp tình hợp lý, có chăng một nhu cầu rửa sạch lương tâm để cá nhân có thể thanh thản lãng quên?
    Các câu hỏi như thế là vấn đề P muốn nói tới. Những nhu cầu, diễn biến tâm lý đó dù đáng ghét nhưng vẫn là một phần rất thật của tính người. Làm sao có thể trách ai được khi họ sống thật với tính người? Và khi P dùng chữ "tầm thường", nó cần được hiểu theo nghĩa "bình thường" về mặt đạo đức. Nó chỉ có nghĩa "tầm thường" về mặt hạ ý thức so với những giá trị công lý "cao thượng" của ý thức công chúng ra sức lý luận.
    Nhân đây cũng nói thêm về khái niệm "công chúng" dùng ở đây. Những diễn biến tâm lý tình cảm của "công chúng" này nên được xem như là những luồng diễn biến tâm lý chủ đạo lấn át trong cộng đồng. Công chúng là tập hợp nhiều cá nhân và mặc dù những trình tự diễn biến xuất phát từ quan sát tâm lý của cộng đồng này có thể áp dụng tốt lên phần lớn cá nhân, không phải cá nhân nào cũng trải qua những bước đó giống nhau hoàn toàn.
    Có những cá nhân hoàn toàn tự chuyển hóa và nuôi dưỡng được tình cảm của mình trong giai đoạn 2 mà không cần viện đến sự chuyển hóa thụ động sang năng lượng tiêu cực của giai đọan 4. Ngược lại, có những cá nhân hầu như không hề dừng lại ở giai đoạn 2 và 3, mà tiến thẳng hùng hồn vào giai đoạn 4.
    Do đó, chỉ nên xem nó ở mức độ diễn biến tâm lý chủ đạo của công chúng, hoặc có áp dụng lên cá nhân thì chỉ ở mức độ tham khảo mà thôi. Mình biết cái quy trình bình thường nó là như vậy để tự xét mình nằm ở đâu trong chuyện quan sát subconcious mind của mình. Thế thôi. Chứ không phải ai trong công chúng cũng sẽ đều qua 5 giai đoạn một cách "tầm thường" như nhau cả. :-)
    @FR: hí hí.

    Trả lờiXóa
  6. @Tung H: tớ không rõ, chờ nghe bác nói vậy. :)

    Trả lờiXóa
  7. Vừa thử trả lời bác (entry) 1 lần mà chưa xong :)

    Trả lờiXóa