Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2007

Lạm phát - Tỷ giá tiền tệ 2




Ảnh : The delicate balance. (Nguồn ở đây)



NHẬN ĐỊNH VỀ TỶ GIÁ VND - USD

Do chính sách kinh tế khuyến khích/ dựa vào xuất khẩu nên VN duy trì một đồng tiền yếu, tức để cho đồng VND trượt giá nhẹ trong thời gian dài.

Tuy nhiên, mặc dầu trên danh nghĩa đồng VND mất giá nhẹ so với USD nhưng vì lạm phát của VN cao hơn nhiều ở Mỹ cho nên thực tế là đồng VND tăng giá so với đồng USD. Một đồng tiền tăng nhẹ trong thời gian dài nhưng vẫn tăng xuất khẩu được cho thấy một tín hiệu khả quan về sức cạnh tranh của hàng hóa VN. Điều này về lâu dài tích cực cho sức khỏe của nền kinh tế hơn chính sách kiềm tỷ giá chặt như Trung Quốc.

Khi lượng ngoại tệ USD đổ VN vào nhiều hơn bình thường, NHNN lo ngại sự thay đổi cán cân này làm gây shock tỷ giá đi ngược lại với chính sách tỷ giá trước giờ nên đã tung tiền ra mua USD.

Câu hỏi đặt ra là NHNN hút vào 7 tỷ USD như vừa rồi là quá nhiều hay quá ít? Hoặc nói cách khác liệu trên thị trường hiện giờ, cán cân USD và VND nghiêng về bên nào?

Theo tôi thì trên thị trường không hề ở tình trạng thiếu USD dư VND, lẫn ngược lại thiếu VND và dư USD. Mà nó đang ở tình trạng dư cả USD lẫn dư VND so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Dư VND giải thích cho tình trạng lạm phát. Dư USD do các nguyên nhân tăng cung ở trên, và nó giải thích cho việc đồng USD vẫn không tăng giá mặc dù bị hút dự trữ mạnh, và sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử USD bán không ai mua, các ngân hàng thương mại công bố giá USD mua vào và giá bán ra bằng nhau và đều ở mức sàn. (Nguồn)

Như đã bàn ở trên, yếu tố tâm lý cộng với mức lạm phát cao khiến cho gửi tiền tiết kiệm bằng VND không hấp dẫn. Cũng như một đồng USD yếu và dư thừa khiến cho gửi tiết kiệm bằng USD cũng không hấp dẫn nốt. Cho nên tiền tiết kiệm chảy ra từ ngân hàng đi vào các kênh đầu tư khác, và một phần lớn sẽ lưu thông trên thị trường. Có như thế mới giải thích được hiện tượng các ngân hàng Eximbank, Sacombank , Techcombank , VIB bank đồng loạt tăng lãi suất huy động USD ngay cả khi FED đã và (có xu hướng sẽ tiếp tục ) giảm lãi suất; cùng lúc với hàng loạt ngân hàng thi nhau phá rào tăng lãi suất huy động đồng VND.


Như vậy cán cân USD-VND chỉ là thứ yếu khi giải bài toán tăng trưởng- lạm phát- tỷ giá này. Thay vào đó cái cần quan tâm hàng đầu là cán cân tiền tệ (VND) và hàng hóa.


NHẬN ĐỊNH VỀ LẠM PHÁT

Nguyên nhân tăng lạm phát là tiền lưu thông nhiều hơn hàng hóa. Cái này ai cũng biết.

Cái yếu tố thứ nhất là lượng tiền lưu thông ở trên đã nói rồi. Đó là đồng tiền tăng từ nhiều nguồn trong đó có lượng tiền đổ từ nước ngoài, lượng tiền trước đây nằm ở tiết kiệm và đặc biệt là lượng tiền NHNN in thêm nay đều dồn vào lưu thông.

Trong yếu tố thứ hai là hàng hóa thì có các sản phẩm lương thực và tiêu dùng chiếm một tỷ trọng rất cao trong rổ hàng hóa để tính chỉ số giá cả tiêu dung (CPI). "Các con số thống kê cho thấy giá hàng hóa cho đến nay tăng 6,2%, trong đó giá thực phẩm - chiếm gần phân nửa (42,8%) tổng số rổ giá cả các mặt hàng tiêu dùng - tăng đến 15%." do thiên tai dịch bệnh v.v..." (Nguồn). Cái này nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.

Nguyên nhân thứ hai của việc hàng hóa tăng giá nằm ở vấn đề tăng giá commodities toàn cầu. Giá xăng dầu, phôi sắc thép, kim loại cho đến lương thực trên thị trường thế giới đều tăng. Đây là yếu tố ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.

Nguyên nhân thứ ba đó là việc đồng USD mất giá so với vàng và các đồng tiền khác trên thế giới. Khi tỷ giá VND bám tương đối vào đồng USD là chủ yếu, các mặt hàng nhập khẩu bằng ngoại tệ khác như khoáng sản từ Australia, hoặc hàng công nghiệp từ châu Âu, v.v… sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Đây là yếu tố nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước một phần.




Như vậy, khi bàn về vấn đề lạm phát, mặc dù những lý lẽ về việc tăng giá hàng hóa đều có lý nhưng nó không phải là vấn đề có thể xoay chuyển được. Cái vấn đề quan trọng nhất nằm ở chính sách tiền tệ làm sao để giảm lượng tiền lưu thông trên thị trường mà không ảnh hưởng quá xấu lên tăng trưởng.

Lạm phát - Tỷ giá tiền tệ 1




Ảnh : The delicate balance. (Nguồn ở đây)





Lạm phát ở Việt Nam trở thành một chủ đề đáng quan tâm và gây lo ngại khi nó xấp xỉ tiến gần con số 2 chữ số. Có nhiểu ý kiến khác nhau về nguyên nhân, về tác động cũng như về cách kiểm soát lạm phát. Đi cùng với vấn đề lạm phát là chính sách về tỷ giá đồng VND.

Ở đây bằng cách liệt kê ra những gì mình hiểu và xem mối liên hệ giữa chúng, tôi cố thử tiếp cận nó một cách đầy đủ nhất mình có thể thay vì chỉ nêu một vài yếu tố nào đó, đồng thời hy vọng qua đó tôi có thể sắp xếp có trật tự hơn cái mớ kiến thức kinh tế lùng bùng kô căn bản của mình một chút xíu.

USD



Nguồn tăng cung

+ Kiều hối tăng: lượng tiền người Việt ở nước ngoài gửi về trong nước liên tục tăng trong những năm gần đây. Ước lượng 5tỷ USD trong năm 2006 và đầu năm 2007. Riêng các ngân hàng ở tpHCM nhận 3 tỷ kiểu hối trong 10 tháng đầu năm 2007.

+ FDI tăng: theo Bộ KH-ĐT trong 10 tháng năm 2007, cả nước đã thu hút 11,26 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn)

+ FII tăng: dự đoán con số là 1-2 tỷ trong năm 2006 và những tháng đầu năm 2007. Việc gia nhập WTO, thị trường chứng khoán VN tăng trưởng ngoạn mục và nguồn tăng FII gia tăng là ba yếu tố quan hệ thúc đẩy qua lại lẫn nhau trong đó WTO có lẽ là nguyên nhân nguồn, còn tăng FII là ảnh hưởng đích. Vẫn chưa có sự thống nhất về con số FII này, nhưng có thể dự cảm được mối quan tâm của giới đầu tư lớn hơn rất nhiều lần khả năng hút của thị trường chứng khoán.

+ Giảm gửi tiết kiệm bằng USD

Nguồn tăng cầu

- Thâm hụt ngoại thương tăng. Thâm hụt năm 2007 dự báo sẽ là 8 tỷ USD, so với 5.09 tỷ năm 2006. (Nguồn)




- Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ USD: trong những tháng đầu năm NHNN đã mua USD rất mạnh. Theo báo chí thì trong khoảng nửa đầu năm nay NHNN tung ra 112000 tỷ VND để mua 7 tỷ USD. Điều này khiến cho dự trữ ngoại hối của VN tăng mạnh – năm 05 tăng thêm 4% GDP, năm 06 tăng gần 5% GDP, và nửa đầu 07 tăng 14% GDP. Nguyên nhân của chính sách này sẽ bàn ở dưới.

VND

Nguồn tăng cung

+ NHNN tung VND để mua bớt số USD dư thừa trên thị trường.

+ NHNN in thêm tiền VND để mua USD

+ Tín dụng dễ dãi: cho kinh doanh lẫn cho vay chứng khóan. Sau này có vẻ thắt chặt lại (sẽ bàn ở phần sau)

+ Giảm gửi tiết kiệm: (sẽ cần số liệu để chống lưng cho lập luận này) có thể nói năm 2006 có một sự kiện tâm lý lớn là nhà nhà ăn chứng khóan, người người ngủ chứng khoán. Cùng với sự tăng trưởng ngọan mục của thị trường này, người dân bắt đầu suy nghĩ về tài chính và đầu tư nhiều hơn, và hiểu ra là có nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn là gửi tiết kiệm. Nhất là khi cùng với lạm phát cao, lãi suất thực tể của hình thức gửi tiết kiệm nhỏ hơn lãi suất danh nghĩa rất nhiều. Một số lượng tiền lớn chắc chắn rút ra khỏi hình thức tiết kiệm truyền thống và tỏa đi qua các kênh khác.

+ Chi tiêu của chính phủ


Nguồn tăng cầu

- Thị trường chứng khoán




(còn tiếp)