Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2008

Một kịch bản đen tối

Vậy là bạn nghĩ cái sự tồi tệ nhất đã trôi qua rồi. Lạm phát tháng 6 sụt xuống cái rụp. Giá ngoại tệ chợ đen đã được kéo xuống dưới 17000 VND/ USD gần bằng giá chính thức. Thị trường chứng khoán đã tăng điểm liên tục trong 2 tuần. Có lẽ nó đã chạm đáy?! Người ta đổ tiền ùn ùn vào mua cổ phiếu. Cò OTC đã bắt đầu làm giá trở lại. FDI vẫn đổ vào VN với tốc độ cao, mà có mấy siêu dự án nhiều tỷ.


Còn nữa, một vài dự án bất động đã tan băng, đà giảm chựng lại. Và ngạc nhiên chưa, các ngân hàng công bố lợi nhuận nửa năm 2008 rất khả quan và cao hơn năm trước.

Nghĩa là gói giải pháp của chính phủ phát huy tác dụng rồi? Bây giờ thêm vài cái báo lạc quan của khoai tây nữa là chúng ta có thể gác lại quá khứ hướng tới tương lai.

Thế còn mấy cái vấn đề tồn tại của nền kinh tế mà mấy tháng nay người ta chẩn đủ thứ bệnh đâu rồi nhỉ. Bao nhiêu căn bệnh kinh niên mà chỉ 1 toa thuốc tài chính và vài tuyên bố giãn đầu tư đã có thể phát huy tác dụng cấp thời như vậy?

Tương lai sẽ thế nào nhỉ? Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã có câu trả lời. Bạn có thể tham khảo 3 kịch bản của họ. Có điều là cả 3 kịch bản này đều đưa ra các giả sử chỉ số này thế này thì lạm phát sẽ thế kia, v.v… mà không thấy kịch bản nói nhiều đến sự kiện. Tui nghĩ nói kiểu vậy thì đừng nói là 3, chứ có 5 hay 10 kịch bản cũng viết được tuốt.

Hay là thử cái kịch bản đen tối này của tui.

Trước hết, tui thấy những thông tin tốt lành được đánh bóng kiểu như vầy khó mà đủ để lấy lại lòng tin_ từ chuyện giá USD, lợi nhuận ngân hàng, cho đến lạm phát và chứng khóan.

Đợt USD tăng rồi giảm vừa qua có thể xem như 1 đợt đầu cơ, dự trữ. Sau khi đã đầu cơ vào sắt thép, xi măng, gạo, và đẩy tất cả chúng lên cao ngất ngưỡng để kiếm lời, người ta cần phải bỏ tiền vào 1 chỗ khác. Họ đã chọn USD, và cũng như các đợt đầu cơ trước, đã xuất hiện những tin đồn rất hợp lý. Giá USD đã tăng vọt, một số người đã kiếm xong lời. Bây giờ là lúc thoát ra và đầu cơ vào 1 cái khác. Có vẻ như là thị trường chứng khoán lại được chọn bởi giá hàng hóa đã cao thế này khó mà đẩy tiếp lên nổi. Liệu đợt tăng giá chứng khoán này sẽ kéo bao lâu? Hay sẽ như gạo và USD?

Lạm phát so với tháng 6 này lạm phát chỉ có thể tăng. Vừa qua khỏi ngày 1/7, các mặt hàng nhập khẩu đồng loạt tăng một mức đáng sửng sốt _ 20% . Chỉ trong vài ngày và 20% _ quả là những con số hứa hẹn CPI tháng 7 sẽ gây ấn tượng. Ngày 8/7, trong cuộc họp giao ban, các tập đoàn thép, than khoáng sản,v.v.. đã lại đòi tăng giá. Không biết chính phủ có đủ sức kềm giá bao lâu nữa, khi mà giá thị trường thế giới của giấy , đồng , thiếc, nhôm, cafe , bông , cao su , ..., đều tăng mạnh. Thực tế từ việc kềm giá gạo và sắt thép vừa qua cho thấy khi giá thị trường thế giới tăng cao, thật khó mà giữ giá trong nước cho dù bằng biện pháp hành chính cấm xuất gạo hay bằng việc giảm cầu và kềm giá.

Chỉ biết là nhiều khả năng chính phủ sẽ tăng giá xăng 1 mức lớn nếu giá dầu thô vẫn tiếp tục giữ ở mức cao như hiện nay. Từ đợt tăng giá xăng trước vào tháng 2/08 đến nay, giá dầu thô thế giới đã kịp tăng thêm trên 40%. Mà với tình hình giá trị USD suy giảm và các bạn Iran phải khoe đồ chơi với Israel và Mỹ thì chuyện giá dầu xuống trước ông Bush là hơi khó tưởng tượng.

Chính phủ vẫn còn chần chờ tăng giá xăng có lẽ vì muốn tìm 1 giải pháp để chuyện tăng giá này kô ảnh hưởng quá xấu lên lạm phát. Giải pháp đó chắc sẽ lại là 1 đợt tín phiếu bắt buộc mới. Còn nhớ đợt tăng giá xăng vừa rồi. Ngày 18/2 , thông báo phát hành tín phiếu trong vòng 1 tháng tới để thu tiền về. Ngày 25/2 , tăng giá xăng thêm 1500đ/l.

Giá xăng tăng sẽ khiến các mặt hàng khác tăng giá. Lạm phát sẽ lại vượt lên cao. Và vì vậy là đồng VND lại sẽ tiếp tục sụt giá so với USD.

Cũng may là không phải mọi thứ đều sẽ tăng vọt. Chính phủ đã quyết định kềm giá từ giờ đến cuối năm một số mặt hàng thiết yếu_ trong đó quan trọng nhất là điện. Có lẽ vì vậy mà chuyện tiết kiệm điện tiếp tục chỉ là vấn đề xuất hiện ở trên mặt báo thay vì các siêu thị, công sở và phố xá. Và các doanh nghiệp sản xuất (và người tiêu dùng cuối cùng) hãy chuẩn bị sống với hiện thực chi phí hàng hóa tăng cao do điện bị cắt thường xuyên liên tục.

Đợt tín phiếu bắt buộc mới (nếu có) này sẽ tiếp tục thách thức và sàng lọc lại hệ thống ngân hàng ở VN. Cả một hệ thống đã cho vay quá tay, tăng trưởng tín dụng nhảy vọt trong năm qua. Thật khó mà tưởng tượng là tất cả chúng có được sức khỏe tốt như trong báo cáo của Sacombank. Ngay cả với STB, cầu cho họ đã làm tốt như báo cáo.

Và nghĩa là chúng ta sẽ có 1 vòng bán tháo ra của chứng khoán và bất động sản mới, kèm theo các đợt sáp nhập ngân hàng.

Ngó qua bên Mỹ, lục lại cái blog từ tháng 8 năm ngoái , kể từ dấu hiệu đáng lo của thị trường bđs subprime xuất hiện hồi đầu năm 2007, nó đã lan sang hệ thống tài chính tháng 8/07 và tiếp tục gây ảnh hưởng xấu cho đến bây giờ (tháng 7/2008). Ngay lúc này, chính cả Freddie Mac và Fannie Mae mấy hôm nay còn đang lung lay, mà hậu quả của nó nếu sụp đổ sẽ khủng khiếp trên thị trường BĐS Mỹ.

Chính phủ Mỹ rồi sẽ phải can thiệp kô cho 2 thằng này vỡ. Nhưng tui thấy so với thằng Mỹ, VN mình quá giỏi.

Chắc chắn là các thể chế tài chính của mình đã cho vay bất động sản 1 cách có kỷ luật hơn Mỹ nhiều. Chắc bong bóng nhà đất ở VN trong 2 năm vừa qua được thổi chậm hơn bất động sản của Mỹ. Chắc là hệ thống ngân hàng của mình có nguồn vốn mạnh hơn, quản trị rủi ro tốt hơn. Chứ không thì làm sao mà họ hơn 1 năm rưỡi rồi mà vẫn còn nằm ở khủng hoảng còn BĐS mình thì đã "chạm đáy" và thóat khỏi chỉ sau 4 tháng như bài báo này gợi ‎ý.

Ở trên là một kịch bản u ám, nhưng vẫn chưa đến nỗi là kịch bản của khủng hoảng. Và có lẽ nó không đến nỗi u ám như cái bảng giá của Freddie Mac trong vòng năm vừa qua.

Dĩ nhiên chúng ta có mọi lý do để tin rằng mình sẽ làm tốt hơn họ.

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2008

Sáng lan man nhạc

Sáng chủ nhật, đi ăn ở quán cafe với mấy đứa em. Ở đây có ban nhạc người Phi hát buổi sáng, lại phục vụ theo yêu cầu của khách nữa. Và dĩ nhiên là dù khách có yêu cầu hay không thì những bài hát của họ cũng phần lớn là những bài pop và sến phổ biến ở các tập nhạc English top songs mà hồi đó học trung học thấy có bán đầy.

Một đoạn chat chit sms làm nhớ đến bài hát của The Bee Gees.

Chuyện gì đã xảy ra với âm nhạc từ giữa những năm 90s nhỉ? Đã không còn những ban nhạc đầy tài năng, cá tính. Không còn chất cháy bỏng, chất đam mê và rồ dại. Âm nhạc nhường chỗ cho show biz, và đằng sau những điệu nhảy uốn éo, những kỹ thuật ánh sáng trình diễn, những tin lá cải đời tư, âm nhạc mất dần cái “live” của mình.

Cố nghe Britney, hay xem Ricky Martin, hoặc như sáng nay thử ngồi nghe với open-minded 1 bài hát “big hit” được yêu cầu_ “Because of you”, vẫn không tìm thấy cái chất liệu sống của nhạc đằng sau nó, và hiểu rằng, 10 năm nữa, sẽ khó có dịp nào tôi tình cờ nhớ lại bài hát này như cách tôi đang nhớ bài của Bee Gees chẳng hạn.

Chuyện xảy ở ở ngoài thì cũng xảy ra ở VN dù có chậm hơn một tí. Nhưng nhạc nước ngoài có dở cũng kô sao, nhạc Việt mà suy đồi thì khổ sở lắm, tại vì cái ca từ của nó đâm vào tai mình sâu hơn.

Mà nghĩ cũng buồn cười. Tôi trước giờ vẫn nghĩ là VN mình ngày trước đã đi đầu thế giới trong công nghệ biểu diễn nhạc nhẹ. Có sự chuyên nghiệp hóa rõ ràng giữa nhạc sỹ, ca sỹ và nhạc công. Mỗi bài hát có thể được trình bày bởi nhiều ca sỹ. Kết quả là với mỗi bài hát, mỗi dòng nhạc, người nghe có thể chọn cho mình một version trình bày tốt nhất. Nhạc sỹ cạnh tranh với nhạc sỹ, ca sỹ so tài với ca sỹ. Khán giả (và có thể là âm nhạc) là người chiến thắng.

Nhưng hình như người ta cảm thấy xấu hổ về điều đó (chắc tại nó kô có giống ngoại lắm). Cho nên họ chạy theo những phi vụ độc quyền bài hát, dựng hàng rào để cho các ca sỹ khác không chen vào vạch cho thính giả thấy sự yếu kém trong xử lý bài hát của mình. Trong khi từ bóng đá cho đến làm phim người ta thấy rõ lợi ích của việc chuyên nghiệp hóa, thì ở âm nhạc, VN mình từ chuyên nghiệp hóa lại vận động chuyển sang ôm đồm độc quyền hóa.

Hay đơn giản là tại vì tôi già? Age sucks.