Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2007

Karachi ngày ra đi




Hơn 2 tháng ở Pakistan.


Một cái office ngộp mùi khí điều hòa nhiệt độ rỉ, có khi phà hơi ấm vào mặt bức rức khó chịu, có khi lạnh tưởng mình là cục thịt đông. Văn phòng ở tầng 4, nằm sát xa lộ, ngó ra cảng. Lúc mới đến cảm thấy như ngồi ngòai đường bởi tiếng còi xe tải đủ âm điệu, sau người ta giúp khóa tiếng ồn đó bằng cách gắn 1 tấm cách âm dày cả mấy cm bọc toàn cửa sổ. Một sáng thứ hai bước vào chỗ làm, chợt thấy mình bước vào một cái hộp bưng bít im lìm. Từ đấy im ắng những tiếng còi xe và mỗi ngày vài lần tiếc nhớ cái cửa sổ ồn ào kia khi bóng đen bao trùm vì cúp điện. Mỗi sáng đi làm là một cuộc may rủi. Nếu may thì cái thang máy cục cạch bẩn xì đầy muỗi lâu lâu phát ra vài tiếng rắc sẽ hoạt động. Còn không thì phải leo bộ 2 tầng cầu thang bóng loáng và 2 tầng thang bẩn rác để đến cổng văn phòng, nơi một hai chú an ninh ngán ngẩm uể oải đứng dậy bồng súng chào khách đi qua.

Một cái khách sạn đáng lẽ vào hạng sang bậc nhất ở đây nhưng rơi vào tình trạng xuống cấp khó tưởng tượng. Vài ngày một lần chúng tôi đi đổi cái thẻ chìa khóa vào phòng bởi họ kô làm sao chỉnh cho cái thẻ đó hoạt động bình thường được. Sợ nhất là cái thẻ đó chết bất tử khi trên mình chỉ độc 1 bộ đồ mặc ở gym ướt nhem mồ hôi, lúc đó phải hiên ngang và làm cái vẻ thản nhiên nhất có thể đi thanh thản băng qua cái sảnh chính của khách sạn để đổi thẻ. Cái hồ bơi bé tí nước xanh rì như rêu bị đập ngay khi chúng tôi vừa đến, hẹn 1 tháng sau mới xong. Lúc này đã hơn 2 tháng, họ đang đoán năm sau sẽ xong. Có lẽ họ không ngờ trong những vị khách đến ở lại có những người ở dai đến nỗi kiểm chứng được những lời hẹn đó. Cái hành lang đá hoa cương lâu lâu sũng nước vì dột làm anh bạn tôi một lần té sướng mông. Vài ba cái nhà hàng lèo tèo khách, đầu bếp buồn so đứng chơi dao. Có anh đầu bếp người Phi bỏ vợ con đi làm, hợp đồng 2 năm không về, hết giờ làm anh ta đi ngủ bởi ở đây kô có họat động gì khác. Anh bảo tôi anh nhớ vợ con lắm, hết hợp đồng anh quyết kô ký tiếp ở đây mà chắc sẽ tìm việc làm ở châu Âu 2 năm. ?!

Cũng may những phòng chúng tôi ở khá tốt. Đó là một dãy phòng ở một khu riêng của khách sạn, mỗi phòng có 1 tầng lửng để làm phòng ngủ và phòng tắm, còn tầng dưới làm phòng khách và phòng làm việc. Giá 300$/đêm gấp mấy lần phòng bình thường, vậy mà nó còn không chịu miễn phí internet mà cắt cổ đến 30$/ngày, cái gía net mà ở những nơi khác bạn sẽ được hẳn 1 tháng internet tốc độ cao chứ không phải cà xịch cà tang như chỗ này. Ngoài hệ thống lạnh chạy lầm rầm như xe ủi, mấy hôm nay tự nhiên dột nước làm ướt hết giầy của tôi, và một lần bồn tắm xịt ra một thứ nước màu trà sữa (trà nhiều hơn sữa) thì tôi thấy không có gì để phàn nàn về nó.


Hơn 2 tháng ở Karachi.

Một thời khóa biểu tối giản. Vì những lý do an ninh, chúng tôi hạn chế ra đường tối đa. Một cõi đi về giữa văn phòng và khách sạn. Ngày lại ngày giở cái menu quá quen thuộc đến phát ngấy từ sau tuần thứ 2.

Tối tối nếu muốn đổi không khí thì đi tập gym. Ở đây cái gu nhạc thật lạ, họ mở đúng 1 cái băng nhạc mỗi ngày, thứ nhạc pop đã cũ của những năm 80s dù hay nhưng không hợp với không khí tí nào đặc biệt là sau khi nghe đi nghe lại đến lần thứ n+1 (+ + +), hoặc khi ban Europe gào lên lời hứa hẹn It's the "Final" countdown lần nữa. Kinh nhất là ở gym lâu lâu phát lên mấy bài nhạc sến, làm khách đang chạy bộ muốn đứt hơi chỉ muốn give up lăn đùng ra ngủ. Ở sảnh cafe có nhạc sống mỗi đêm. Cái ban nhạc 1 guitar điện, 1 organ, 1 ca sỹ chơi đúng thứ nhạc dở hơi của khách sạn, với cái hơi của ca sỹ còn dở hơn tiếng người ta bị chuột rút. Lũ chúng tôi dù ngán cái phòng ngủ kinh khủng vẫn chưa ai có can đảm buổi tối xuống thưởng thức ở sảnh cafe.

Không có rượu bia. Không ra ngoài nếu không cần thiết. Cafe tôi mang theo chỉ đủ cầm cự 1 tháng rưỡi là hết sạch. Có lần chương trình trao đổi văn hóa của Italy mời đầu bếp trẻ giỏi nhất 2006 của Italy qua Karachi nấu 1 tuần tại Sheraton. Quả là những món tinh tế đến tuyệt vời, nhưng hic đãi món Ý mà kô có rượu vang thì coi như giết đầu bếp rồi.

Một tháng kiêng Ramazan, 4 nhà hàng trong khách sạn đóng cửa còn lại 1.

Một vụ bắn nhau trước khách sạn làm chết 1 cảnh sát. Một vụ đánh bom tự sát làm chết trên 130 người. Một cuộc tự đảo chính lập lờ giữa Tình trạng khẩn cấp và Thiết quân luật.

Đền đặn mỗi ngày trên tờ Dawn là những tin biểu tình, đàn áp, bắn giết, hoặc tin phần tử cực đoan chặt đầu cảnh sát giữa chợ, bắn giết nữ sinh không che mặt. Dĩ nhiên là Dawn không thiếu những tin hài hước vd như sau ngày ban bố tình trạng khẩn cấp, khi toàn bộ đài truyền hình tư nhân bị cắt, chúng tôi bị tịt CNN, BBC và các hãng tin nước ngoài hoàn toàn, vậy mà nhân kỷ niệm ngày thành lập (50 năm?) bộ Thông tin, nguyên 1 trang quảng cáo của Bộ đăng dòng tự khen về việc đất nước Pakistan đang đạt được những tiến bộ về thông tin và tự do báo chí "chưa từng có", dĩ nhiên với ảnh của ngài Bộ trưởng và ngài Tổng thống đáng kính ở đầu trang.

Một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Chiếc xe tải kéo theo bồn xăng lao từ cầu vượt ở trên cao khỏi lan can rớt xuống dưới con đường nhỏ hẹp trước văn phòng mỗi ngày xe chúng tôi đi qua vài lần. Một xe hơi bị đè bẹp, vài chiếc khác hư hao. Chúng tôi ngồi ở lầu 4 thấy sàn rung lên tưởng có nổ bom ở đâu đây. Vậy mà kỳ diệu không ai chết.

Một cái sinh nhật.

Một lần thấy một người đàn bà vừa khóc vừa cầu nguyện trong bệnh viện Aga Khan, bộ áo đen trùm kín người không che nỗi tình thương toát ra nhu mì mà đứt ruột. Chợt nhớ mình lâu rồi như cánh đồng hạn nắc nẻ thiếu mưa.

Một con đường tìm mãi để đi.

Hơn 2 tháng của tôi ở lại với Karachi.

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2007

Karachi - Đường và Xe

ĐƯỜNG RÀY XE LỬA




ĐƯỜNG VÀ PHỐ

Đường sá ở đây sạch sẽ và tốt hơn ở Mumbai. Ấn tượng này có lẽ nhờ vào dân số ít hơn, xe cộ cũng không nhiều bằng Mumbai. Mấy ảnh dưới chụp chủ yếu vào ngày lễ Eid sau tháng chay Ramazan nên đường sá vắng hơn bình thường.





Không khí tranh cử.


Vỉa hè


Vỉa hè


Cầu vượt bên cảng Karachi. Cảng này cấm chụp hình. Ngay cả người ta lang thang ở trên cầu vượt với máy chụp hình sẽ bị cảnh sát mặc thường phục nhắc nhở.


Cầu vượt- Xe tải


XE BUÝT

Những chếc xe buýt trang trí sặc sỡ và rườm rà trên đường phố Karachi là một điểm ít ai có thể không nhận ra ngay được. Nhiều chiếc được trang trí rất công phu, màu sắc rực rỡ, có thêm các vật liệu làm phản quang sáng lấp loáng nữa. Những xe hiện đại hơn thì đơn giản bằng những vệt màu mạnh và nóng.










Ghế nằm và Ghế ngồi

XE TẢI
Có ở nơi đâu mà những chiếc xe chở hàng hóa thô (đôi khi cát, bao tải nông sản, v.v..) lại được đối xử như thế này?

Xe tải ở đây chắc chắn là niềm tự hào của những người chủ và cánh tài xế. Họ chăm chút cái xe thấy thương. Những chiếc xe đều được gắn cho 1 cái mũ ở trên đầu, nhiều cái bằng gỗ chặm khắc hoa văn, những chiếc đơn giản hơn thì cũng phải có sơn vẽ hoa hòe hoa sói. Nhiều khi phần trang trí lấn luôn cả mặt kính xe. Có chiếc trang trí khắp toàn thân (xem ảnh Cầu vượt- Xe tải ở trên). Chuyện làm sao để đọc được cái bảng số xe giữa rừng rậm hoa văn bắt mắt khác không phải là vấn đề quan tâm của họ.

Đi với màu sắc là cái còi xe, cũng đầy nét sáng tạo, và cá tính không kém. Họ thường nhấn còi ngân dài nhiều biến tấu trên đường. Người ta chắc có thể nhận biết từng chiếc xe chỉ qua tiếng còi thay cho cái bảng số vô hồn.




Trước


và Sau


Tốt gỗ hơn tốt nước sơn


Hoa hậu xe tải


XE NGỰA







More Phatographs here.