Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Homo Deus : A Brief History of Tomorrow


Vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, loài người thức dậy, vươn vai nhìn quanh và thấy cuộc sống dễ dàng hơn bao giờ hết. Ba kẻ thù truyền kiếp_ nạn đói, bệnh dịch, chiến tranh_ giờ chỉ còn là những bóng ma nhạt nhòa của ngày hôm qua. Tiến bộ khoa học và công nghệ đã đưa con người lần đầu tiên bỏ qua chúng và vượt lên phía trước với tốc độ ngày càng cao. Cùng lúc đó, chủ nghĩa nhân văn tự do (liberal humanism) sau khi đã đánh bại các hệ tư tưởng hiện đại khác, trở thành ngọn đuốc soi đường duy nhất cho nhân loại tiến lên. Chủ nghĩa nhân văn về cơ bản là hệ tư tưởng đặt con người ở vị trí cao nhất và chỉ có con người với ý chí tự do của mình sẽ có quyền mang đến ý nghĩa cho mọi thứ. Nó thay thế hệ tư tưởng cũ của các độc thần giáo với Chúa ngồi ở cái ngai đó.

Họ sẽ tiến lên đâu trên đôi cánh công nghệ và đôi mắt nhân văn tự do? Yuval Noah Harari chỉ ra ba cái đích lớn con người hiện đại muốn và đang đạt tới: trường sinh bất lão, vui sướng triền miên, “tề thiên đại thánh”. Nhiều người nghĩ đây là mơ tưởng hão huyền và xa vời, nhưng từng phần từng phần những giấc mơ đó đang hiện thực hóa nhanh chóng, chúng ta đang nói xa vời là từng mỗi 10 năm, những gì không thể làm được nghĩa là làm được tầm 20 năm. Hãy cẩn thận với mơ ước của mình, nó có thể biến thành sự thật!

Lịch sử không tiến đều, nó dường như đứng yên rất lâu ở một nhà ga rồi bỗng dưng vụt đến một nhà ga khác. Sau vài trăm năm dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn, “con tàu tiến bộ giờ lại một lần nữa rút còi kéo ra khỏi nhà ga_ và đây có lẽ là chuyến tàu cuối cùng rời nhà ga mang tên giống người thông minh (Homo sapiens) . Những ai lỡ mất chuyến tàu này sẽ không có cơ hội lần thứ hai”.

Ai sẽ có cơ hội lên chuyến tàu này? Trước hết, đó là những tín đồ của một tôn giáo xuất hiện gần đây, chủ nghĩa nhân văn kỹ thuật (nhân kỹ? _ techno-humanism), một biến dị của chủ nghĩa nhân văn. Nếu như chặng đường trước đây mục tiêu tiến bộ là để vực những người yếu bệnh, nghèo khó lên mức trung bình, có tác dụng giữ cho xã hội gắn kết, thì con đường phía trước ngày càng chỉ hé ra cho một ít người có điều kiện để nâng cấp từ bình thường lên thành như những vị chúa, những homo deus (thần nhân, tạm dịch ) có năng lực về sức khỏe, tuổi thọ, trí tuệ và cảm xúc vượt ngoài giới hạn con người hữu cơ. Đó có thể bằng biến đổi gien, bằng kết hợp người và các bộ phận sinh học-cơ khí và bằng hàng loạt công nghệ mới của ngành sinh học, nano và máy tính.

Nhưng thậm chí ngay cả những thần nhân đó liệu có bám được lâu trên chuyến tàu này? Một bộ não gắn chip, hay một bộ não biến đổi gien của những thần-nhân kia liệu tranh đua được bao lâu với một bộ não siêu việt nâng cấp không ngừng và ngày càng nhanh của trí thông minh nhân tạo? Sự sống trải qua hơn 4 tỷ năm từ chỉ tiến hóa ở dạng hữu cơ giờ đã có thể nhảy qua hình thái vô cơ, và ở dạng đó nó có khả năng sinh tồn ưu việt hơn hẳn. Dạng sự sống đó đang thai nghén và lớn nhanh dưới sự tiên phong của một nhóm nhỏ người tin một hệ tư tưởng hoàn toàn mới mẻ và theo sau, một cách vô thức và ngây thơ, bởi đám đông hầu hết chúng ta. Hệ tư tưởng đó là chủ nghĩa data (dataism) ở đó data lật đổ con người và chiếm vào vị trí tối thượng họ ngồi mấy trăm năm qua.

Ở chính giờ phút khải hoàn của nó ở đầu thiên niên kỷ thứ ba, chủ nghĩa nhân văn, bằng cách tận tụy đưa con người lên những tầm cao tối thượng, đang đồng thời đào mộ chôn cất loài người. Đa số sẽ nhận ra cái thiên đường mà loài người đang lao tới chính là địa ngục của tuyệt đại đa số giống người thông minh (homo sapiens) hiện nay, những sinh vật rất nhanh chóng trở nên vô dụng, thiểu năng, yếu ớt và thừa thãi. Họ sẽ được đối xử như thế nào, giống loài sẽ tồn tại được bao lâu. Harari nhắc chúng ta nhìn về cách con người đang đối xử với các loài khác, đặc biệt là nhìn vào sự tàn nhẫn cực độ ở ngành chăn nuôi công nghiệp hóa. Phải chăng gần đây người ta quan tâm nhiều hơn đến điểm nhức nhối này bởi vì ngày càng nhiều người lờ mờ hình dung ra những cảnh phim tương tự nhưng với cái twist là con người trong vai sinh vật hạ đẳng hơn?

Ở tuổi 35, nhà sử học người Israel đã gây bất ngờ lớn với thành công vang dội của quyển sách đầu tay Sapiens: A Brief History of Humankind. Rất đáng đọc  ; nếu chỉ được chọn một quyển sách sử để làm tài liệu giảng dạy phổ thông cho toàn thế giới, nó phải nằm trong những quyển đáng cân nhắc nhất. Trong quyển này Harari có nói, rằng lịch sử diễn ra theo những con đường riêng của nó, nhà sử học chỉ có thể nói nó đã diễn ra như thế nào, chứ thật khó nói được tại sao nó diễn ra như vậy. Thường ai chỉ biết một ít về thời đại nào đó thì sẽ rất sẵn sàng lý giải tại sao lúc đó từ lịch sử đi từ A đến B; những người càng biết nhiều hơn về thời đại đó sẽ càng nhận ra con đường từ A đến B không phải đương nhiên thậm chí nhiều khi là con đường đáng lý khó xảy ra hơn. Những người biết tường tận nhất về thời đại đó, không ai khác hơn những người đương thời, thì luôn luôn không biết gì chắc chắn rằng lịch sử sẽ tất yếu rẽ đi hướng nào tiếp. Không có tính tất định (deterministic)_Đó là quy luật sắt của lịch sử.

Do đó tôi bắt đầu đọc quyển 2 này với tâm thế nghi ngại: liệu không phải mâu thuẫn sao khi giờ chính Harari lại đi nói về tương lai, nhất là về tại sao lịch sử sẽ đi từ cái hiện thực 2016 đến cái tương lai đó. Khi gấp trang cuối lại tôi cảm thấy mình bị thuyết phục.

Có hai lý do biện hộ cho hành động của Harari_ một về nội dung, một về ý định. Thứ nhất, là bởi vì lần đầu tiên trong lịch sử loài người toàn thế giới kết nối với nhau thành một cái làng toàn cầu. Quan trọng hơn, cái khối thống nhất này chỉ có duy nhất một bó đuốc dẫn đường là chủ nghĩa nhân văn, mà dựa vào đó các nền tảng giá trị, đạo đức, thiết chế xã hội đương đại được thiết lập. Những tàn dư của các hệ tư tưởng cũ vẫn còn đấy, nhưng từ lâu rồi chúng không còn khả năng đẩy bánh xe lịch sử. Trong vài trăm năm qua, những bộ óc siêu việt nhất của loài người không nghĩ ra được gì hay hơn chủ nghĩa nhân văn. Nó đồng hành với tiến bộ khoa học hiện đại và mang lại ý nghĩa cho mọi thứ trong cuộc sống con người hiện đại. Cho nên, giờ đã có thể xét tương lai một cách hợp lý và tương đối chắc chắn khi ta giả lập bắn đi những mũi tên lịch sử dưới bộ dẫn đường duy nhất hiện có.

Thứ hai, thật ra Harari không hẳn dự đoán về tương lai. Cái hay của Homo deus ở chỗ đây là một quyển sách viêt về tương lai nhưng lại không thực sự có ý định tiên tri nó. Hơn nhiều “nhà tiên tri” ngoài kia, ông rất tỉnh táo nhận ra hạn chế của mình và loài người. Vd như làm sao mà con người homo sapiens có thể hiểu được những con đường mà thần-nhân homo deus sắp xuất hiện sẽ hoạch định? Với một bộ não biến đổi, họ có phổ ý chí, cảm xúc và nhiều trạng thái ý thức mới mẻ ở cái tầm mà chúng ta bất khả tư nghị; cũng giống như làm sao những con dù khôn nhất của loài sói có thể hiểu được ý tưởng binh pháp của Napoleon?. Thay vì đóng vai nhà tiên tri hão, Harari chỉ bày ra ván cờ của 2016, xét tất cả các nước đi có thể có, chỉ ra loài người đều sẽ sớm bị chiếu bí, sẽ game-over như thế nào; rồi mời gọi tất cả chúng ta dừng lại một phút để nghĩ về nó, ngay bây giờ trước khi quá muộn. Ông hy vọng vào hiệu ứng của hệ hỗn loạn bậc 2. (Xem thêm Sapiens, tr.268, 269 về hệ hỗn loạn và nhiệm vụ của sử gia)

Yuval Noah Harari có biệt tài là ông có thể sắp xếp và trình bày mọi thứ một cách thật sáng tỏ mạch lạc, có hệ thống. Những lập luận của ông đều dựa trên kết quả khoa học, với cách phân tích logic, rất tỉnh, không gay gắt nhưng cũng không khoan nhượng, đặc biệt là không thiên vị. Ở quyển 1_ Sapiens: A Brief History of Humankind, ông khiến ta sửng sốt và thú vị bao nhiêu khi hé lộ những mũi tên có khi thâm trầm, tàng ẩn nhưng lại mang tính quyết định nhất của 250,000 năm lịch sử loài người. Ở quyển 2 này, không có nhiều sửng sốt ở đây bởi chúng ta ít nhiều đều lờ mờ nghĩ tới viễn cảnh đen tối phía trước và đều xua nó qua một bên để sống qua ngày hôm nay. Quyển 2 thay cảm giác thú vị bằng lo âu, nhưng bù lại nó đặt lên bàn nhiều vấn đề cấp bách đáng suy nghĩ hơn.

Tôi những mong quyển sách phân tích nhiều hơn đến hai điểm: đạo Phật và CNTB. Nếu chủ nghĩa nhân văn là bộ điều khiển dẫn đường, thì CNTB với cơn nghiện mang tên Tăng trưởng của nó là chính là động cơ đẩy gia tốc của con tàu Hiện Đại. Nếu không làm gì bộ điều khiển được thì có nên làm gì đó với động cơ không? Biết đâu, loài người sẽ học được cách cai nghiện Tăng trưởng, như họ gần đây học được cách kiêng ăn để giữ sức khỏe chính mình. Những hệ tư tưởng phương Đông với đề cao tương quan cân bằng (equilibrium) thay vì cực đoan một chiều, vd như đạo Lão hoặc kinh Dịch, liệu có giá trị gì trong hoàn cảnh mới không? Đặc biệt là đạo Phật. Trong khi chủ nghĩa nhân văn bắt đầu bị lung lay tận nền tảng bởi những phát hiện khoa học mới nhất, có nguy cơ chấm dứt vai trò lịch sử như một Kito giáo của thế kỷ 21, thì đạo Phật lại tiếp tục không mâu thuẫn, thậm chí còn tỏ ra liên quan, với những phát hiện này. Đáng kể nhất là ở kết luận khoa học rằng không có bằng cứ gì ủng hộ thuyết cho rằng tồn tại một cái tôi đích thực nào (no single authentic self) hầu như tương đồng với triết lý “vô ngã” của đạo Phật. Tôi nhớ tới câu nói của Albert Einstein “The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend a personal God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description.”  Sau khi vượt qua được sàng lọc của những thay đổi trời bể của khoa học Vật lý thế kỷ 20, nó dường như đang được khẳng định bởi khoa học Sự sống của thế kỷ 21.

P.S: Việc Harari không đề cập tới đạo Phật là một điều khiến tôi tò mò bởi ngoài việc nó dường như có liên quan và đáng xem xét cho chủ đề quyển sách nói tới thì đây không phải là một đề tài mà nhà sử học gốc Do Thái này không thiết thân. Ngược lại, Harari bắt đầu theo tập dòng thiền Minh Sát (Vipassana) rất nghiêm túc từ những đầu những năm 2000 khi làm nghiên cứu tiến sỹ ở ĐH Oxford. Mỗi ngày ông dành 2h thực tập thiền, và hàng năm ông rút về quy ẩn trong một khóa thiền 30 ngày trong yên lặng, không sách, không mạng xã hội. Chính quyển sách Homo Deus : A Brief History of Tomorrow này, Harari dành tặng cho người thầy của mình, cố thiền sư S.N. Goenka. Tôi chỉ biết hy vọng Harari sẽ đề cập đến những đề tài này trong quyển tới. Biết đâu..


1 nhận xét:

  1. Em chào anh, đọc blog của anh đã lâu, gần đây Homo deus ra bản tiếng Việt, em có đọc. Hôm nay em đọc lại review của anh, em có suy nghĩ về phần cuối như thế này.

    Lý do chính Harari không nói nhiều về đạo Phật, em cho rằng là bởi tư tưởng không biết (Ignoramus - chúng ta không biết). Em thấy Harari là người ủng hộ nhiệt thành của tư tưởng này, và vì thế, việc không nhắc nhiều (cơ mà đúng là hơi ít) tới đạo Phật, 1 phần cũng là mang tư tưởng đó: có thể đạo Phật đã rất đúng trong nhiều thứ, nhưng nó vẫn quá thiếu sót, và nó là 1 thứ đã chết, không còn được tu sửa nữa (em nghĩ vậy).

    Trả lờiXóa