Trước
Con người thật lạ. Họ thường chỉ nhận ra giá trị của một vật gì đó khi nó đã vĩnh viễn vuột khỏi tầm tay của mình.
Tôi đang trên đường ghé thăm Taj Mahal, một trong những kỳ quan của thế giới. Nơi đây, người ta nói rằng, là một kiến trúc biểu tượng cao quý nhất cho tình yêu của con người. Tôi cười_ lại một trò marketing tâng bốc đến tận mây xanh mà tôi vẫn hay dị ứng. Dẫu sao thì về mặt kiến trúc, nó làm sao cổ xưa và thách thức bằng những kim tự tháp Ai Cập, còn nói về sự hùng vĩ thì Vạn lý Trường thành của Trung Hoa có thể ngạo nghễ cười cái anh bạn trẻ láng giềng bên kia dãy núi Hymalaya này. Bởi dẫu sao thì Taj Mahal vẫn chỉ là một lăng tẩm ba trăm sáu mươi tuổi lẻ.
Chỉ là một lăng tẩm. Truyện kể rằng khi vợ của hoàng đế Mughal ( Mughal là chữ Ba Tư của Mongol_Mông Cổ ) Shah Jahan, hoàng hậu Mumtaz Mahal, mất đi khi lâm bồn đứa con thứ 14 của hai người, hoàng đế đã thương tiếc vô hạn và truyền xây dựng một lăng mộ đẹp nhất dành cho bà. Lăng xây dựng mất 22 năm ròng, với những vật liệu quý giá nhất, và những nhà nghệ nhân, nhà kiến trúc tài hoa nhất của khắp vùng Trung Á, Ba Tư và Vịnh Ả rập. Quả là một sự xa hoa vô độ. Có gì là cao quý khi một ông hoàng lắm của quyết chí xây dựng một công trình để thể hiện thói kiêu hãnh và tham vọng của mình? Một biểu tượng của tình yêu? Tại sao không phải là lúc còn sống, khi người ta đã chết rồi thì dù có đặt vào ngôi đền pha lê quý báu nhất cũng có ích gì? Phải chăng ông ta chỉ thực sự nhận ra tình yêu ấy sau khi bà vợ của mình mất?
Chỉ là một lăng tẩm. Nó làm tôi nhớ đến hệ thống lăng tẩm nhà Nguyễn bên bờ sông Hương xứ Huế, hay lăng mộ ngầm của Tần Thủy Hoàng đế ở Tây An, và cả những kim tự tháp trong thung lũng các vì vua nữa. Tại sao người ta có thể bỏ ra từng ấy công của của nhà nước, của sức dân để dồn vào một công trình mà họ hiểu là sẽ bỏ phí sau khi hoàn thành? Thậm chí đôi khi những công trình ấy còn tham lam hơn cả những ngôi đền, những tu viện thờ phụng các bậc linh thiêng; bởi nói cho cùng chúng cũng chỉ là những nhà mồ của người trần mắt thịt, hoặc của những người có mối liên hệ nào đó với thần linh.
Xuyên giữa vùng bình nguyên sông Hằng (Gangetic Plain), suốt từ Delhi đến Agra, xe tôi đi qua một vùng đất đỏ vàng ngút ngàn tầm mắt. Không một ngọn đồi, và khô cằn ít sông suối, vậy mà chỉ vài trăm km về phía Bắc đã là hệ thống Hymalaya ngàn thước lên cao ngàn thước xuống. Nếu đồng bằng sông Mekong không được đan dệt bởi chằng chịt kênh rạch và thay những ruộng lúa nước mơn mởn bằng những đồng lúa mạch thì có lẽ nó sẽ giống nơi đây chăng? Tôi đến Agra vào lúc trời nhá nhem tối. Thành phố bẩn bụi, nhiều người nghèo như phần lớn những thành phố xứ này mà tôi đi qua. Có điều nó mang vẻ nông thôn mộc mạc, và ngoài trời nhiệt độ gần 10oC. Thời tiết thật dễ chịu, sáng mai tôi ghé Taj Mahal.
Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2007
Taj Mahal_ Tình yêu và Cái đẹp 1
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét