Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

Đọc "Chuyện đời thường"

Có một anh tên Ngọc, vốn dân tỉnh lẻ lên thành phố. Hằng ngày chạy xe đi làm, anh thường tiện đường mời người đi bộ quá giang. Một lần khi hỏi thăm một cô gái trẻ đợi xe bên đường và ngỏ lời mời cô quá giang, cô gái đã giật mình sợ hãi, từ chối líu cả lưỡi. Anh lấy làm buồn đến mấy tuần.

Anh mang nỗi phiền muộn này giải bày với ông Khánh Đăng, người giữ chuyên mục “Chuyện đời thường” trên báo SGGP. Thư được đăng, rồi những cánh thư của bạn đọc gửi về phản hồi. Có ý kiến chia sẻ với anh và động viên tiếp tục hãy sống tốt và tin vào sự đương nhiên chiến thắng của cái thiện. Nhưng nhiều ý kiến hơn lại đồng tình với sự từ chối của cô gái. Theo họ, không chỉ người nhận cần phải đề phòng, mà ngay cả người cho vô tư như anh cũng cần phải như vậy. Trong thư hồi đáp cuối cùng, anh Ngọc đã hết hoài nghi và chọn sẽ vẫn sống và làm những điều tốt đẹp cho dù chỉ là những chuyện vụn vặt, và cảm ơn những bạn đã đồng cảm với mình.

Chuyện xảy ra vào năm 2000. Khi đó, lòng tốt vô tư đã bắt đầu bị lấn át bởi mối nghi kỵ.

http://f3.yahoofs.com/blog/466a2d0dz4910d545/50/__sr_/282f.jpg?mgAoK.IBxLAhWz2e


Không biết giữa đường phố Sài Gòn hối hả và hỗn tạp của năm 2008 này, liệu những người như anh Ngọc có còn không. Liệu chính anh có còn mời người khác đi quá giang nữa? Và một bức thư tương tự như bức của anh nếu đăng lên báo sẽ nhận được phản hồi thế nào?

Có lẽ tất cả sẽ bảo là anh hâm, điên, dư hơi. À mà có khi lại không phải. Biết đâu thời bây giờ sẽ có không ít cô gái trẻ thoải mái nhận lời mời kia thì sao. Xã hội thay đổi vù vù, nghe bảo bây giờ thậm chí nhiều em teen còn mời mọc các anh xa lạ đến “cứu net” cho mình. Chuyện leo lên xe người lạ để quá giang là chuyện nhỏ. Thời bây giờ sự nghi kỵ có thể đang bắt đầu nhường chỗ cho 1 cái gì khác rồi.

Tôi nhớ hồi ở Mumbai cách đây không lâu. Thỉnh thoảng tui vẫn liều lĩnh tự lái xe đi từ nhà đến nơi tập thể dục. Tôi không muốn phiền người khác chở mình vào cuối tuần. Vả lại, đoạn đường này không dài, xe cộ vắng hơn các khu khác. Trong một lần tự lái xe như thế, lúc tôi đang dừng trước đèn đỏ, chuẩn bị rẽ phải thì có một nhóm học sinh tiểu học đang đứng ở dãy phân cách đi đến gõ cửa xe tôi, định nói gì đó. Khi nhận ra là tôi không nói được tiếng Ấn, tụi nhóc này vừa cố nói bằng tiếng Anh, vừa bằng tiếng tay chân, rằng cho tụi nó xin đi quá giang một đoạn về nhà. Tôi thật sự kinh ngạc. Sao tụi nó lại có thể dạn dĩ và ngây thơ như thế, không lẽ bố mẹ chúng không dạy cho chúng phải biết đề phòng người lạ, ngay cả đơn giản như là nhận 1 cái kẹo? Sau này để ý, tôi mới biết là không chỉ có con nít, mà không ít người lớn ở đây cũng xin quá giang dọc đường. Ở một xứ như Ấn Độ năm 2005, lòng tốt vô tư vẫn còn là một điều bình thường được mong đợi. ?!

*

**

Quyển tản văn “Chuyện Đời Thường” của bác Khánh Đăng có những câu chuyện như chuyện anh Ngọc thế. Nó là tập hợp những bài viết đăng trên mục cùng tên của tác giả trên báo SGGP từ năm 1998 đến năm 2000. Những câu chuyện mà thật khó dùng từ nào hợp lý để tả hơn là từ … đời thường. Không mong đọc được những gì cao xa, chỉ cứ nhẩn nha theo ông nghe kể từng chuyện mắt thấy tai nghe, cùng ông bóc từng lá thư tâm tình của bạn đọc, hoặc ngồi nghe một ông bạn già than phiền, một ông khác nổi hứng yêu bồng bột, …, đôi lúc chợt thấy những bất ngờ rất thú vị, hoặc suy nghĩ miên man về cái tình người, hoặc nhớ tới những chuyện cũng đời thường khác của mình đã quên vì tưởng không có gì đáng nhớ.

Hoặc đơn giản mỉm cười chia sẻ với một ông lão cao niên mà trái tim vẫn còn tươi trẻ.

7 nhận xét:

  1. Ở Nga người ta rất hay vẫy tay ngoài đường để quá giang trên một xe bất kỳ nhưng sẽ trả tiền cho xe đó, giá cả sẽ được hai người thỏa thuận. Rất nhiều người hành nghề taxi tự do như vậy ở Matxcova. Tuy nhiên mọi người vẫn khuyên nhau là nếu trên xe có trên hai người thì không bao giờ đi. Cũng có lần mình và hai người nữa đi trên 1 taxi chỉ có 1 tài xế, nhưng sau đó chợt nhận ra nó đưa mình đến 1 vị trí khác hẳn, mà sau đó có 1 chiếc xe khác đi sát theo sau khi tên tài xế gọi điện thoại đi đâu đó. Mình với mấy đứa bạn bắt nó dừng lại rồi nhảy ra đi bộ xuống metro, sau đó nhận ra nó chở mình đi một đường ngược hẳn với nơi mình muốn đến.

    Trả lờiXóa
  2. Tối nay bố em cũng vừa kể lại câu chuyện đoạt giải truyện ngắn hay của Mỹ năm 89. Một bà già kể lại chuyện bà lên xe bus và khi được 1 thanh niên nhường chỗ, bà lăn ra bất tỉnh nhân sự. Khi bà tỉnh dậy, thấy một bóng người mờ mờ trước mặt, hóa ra là chàng thanh niên nọ. Bà lão liền nói “Cảm ơn anh!”. Và lần này, người lăn ra ngất xỉu lại là chàng trai đó!
    Lòng tốt có lẽ chưa và sẽ không bao giờ có thể tách rời sự nghi ngờ!

    Trả lờiXóa
  3. hehe, chuyện của Z tức cười và mỉa mai ghê nhỉ.
    Apomethe: cái vụ tài xế tự do bên Nga này tớ mới biết. Nghe thú vị, lại rất tiết kiệm cho xã hội nữa. Nhưng dĩ nhiên là chỉ nên dùng nếu như mình biết đường đi thôi.
    Thật ra thì tớ nghĩ sự cảnh giác luôn luôn cần thiết trong những trường hợp giúp đỡ như thế này. Nó là cái giá của việc sống trong một xã hội sophisticated. :( Ở làng quê, chuyện giúp đỡ nhau như thế này có lẽ là chuyện thường, không cần phải nghỉ ngợi gì. Tuy nhiên, đọc sách thấy vẫn có những người thực như anh Ngọc, thấy nỗi buồn như nỗi buồn của anh, không khỏi cảm thấy ấm lòng và yêu đời hơn. :)

    Trả lờiXóa
  4. Mình cảnh giác là chính thôi, chứ Matx rộng lắm, đâu nhớ hết được đường. Trường hợp mình gặp phải cũng hi hữu, mình đi taxi cũng khá lâu nhưng mới chỉ gặp một lần như vậy. Nhưng cũng thỉnh thoảng mình được chở miễn phí trên một đoạn đường ngắn. Hình thức taxi tự do như vậy rất phổ biến, và hầu hết mọi người đều dùng taxi tự do như vậy.
    Ở Nga có một loại xe có kích cỡ tương đương xe 15 chỗ, nhưng bên trong được thiết kế lại ghế ngồi để đi ra đi vào dễ hơn, gần đây có loại xe lớn hơn có thể ngồi được hơn 20 người. Nó là xe tư nhân nhưng chạy theo tuyến của xe bus hoặc một số tuyến đặc biệt ra các siêu thị lớn ở ngoại ô hay sân bay,... Giá đi trên nó thì rẻ hơn đi bus một tí và không dùng được vé xe tháng của sinh viên. Nhưng nó sẽ chạy thẳng và không dừng lại mỗi bến như xe bus và chạy nhanh hơn xe bus, nó sẽ dừng lại khi mình yêu cầu và đỗ lại dọc đường đi khoảng nửa phút để đón khách nếu có người vẫy. Xe như vậy thường đi nhanh nên không phải chờ lâu như đi bus và tiện cho những ai đang gấp. Có 1 lần mình đi trên chuyến xe như vậy ra siêu thị ở ngoại ô nhưng ngủ quên nên nó đi qua và đến 1 thành phố khác ở gần đấy. Tuy nhiên mình kịp thời bảo nó dừng lại dọc đường, vẫy taxi để quay lại thì được 1 đứa chở đến tận cửa siêu thị mà không lấy tiền. Cũng có lần mình về nhà vào giữa đêm, lúc gần về nhà thì tên tài xế lại không biết đường nên đi vòng vèo, rồi bị cảnh sát gọi lại kiếm tra giấy tờ, giấy tờ nó có vấn đề nên bị giữ lại, bọn cảnh sát kêu mình ra đi xe khác. Lúc đấy là 1h đêm rồi, không còn bus và chỗ đấy ngoài rìa thành phố nên rất vắng vẻ. May mà lúc đấy có 1 ông chạy xe Mercedes đến chở mình về nhà, tiền nong thì bảo trả bao nhiêu cũng được. Đi taxi tự do thì gặp được rất nhiều người, có người thì chửi bậy trên xe liên tục, người thì rất tốt. Bạn mình có lần bắt taxi đến trường vì muộn giờ, được một bà chở đến tận nơi bằng một con đường tắt rất ngắn và không bị kẹt xe mà bình thường taxi không bao giờ đi, bà ấy bảo vì con trai của bà cũng học trường này cho nên bà ấy biết con đường này. Ai cũng có thể làm taxi tự do, nhiều người nếu đang đi công việc nhưng cùng đường với mình thì mình có thể đi quá giang với giá rẻ.

    Trả lờiXóa
  5. Doi luc dang chay o doan duong highway, co nhung co gai va thanh nien ho vay tay xin di qua giang. Cuoc song o My la vay, doi luc minh rat cam thay ho toi nghiep va cung muon giup ho di qua giang den mot doan, nhung cuoc song o ben My.... vi co nhieu cai minh phai tu phong ve cho chinh minh hon, doi luc nhung nguoi xin qua giang do lai gay nguy hiem den tinh mang minh nua....Neu that su minh muon giup thi cach tot nhat se goi police tuan tra tren cac tuyen duong den giup. Police o day rat san sang giup do va do la mot cach hay nhat. Minh song o My cung kha lau, nhung doi luc thay nhieu truong hop xin qua giang nhu vay U khong bao gio dung xe.

    Trả lờiXóa
  6. Bác đã đọc entry này hôm còn ở Hà Nội. Bây giờ đọc lại, vẫn cảm thấy xúc động vì sự chia sẻ của Phát và các bạn. Ông già U70 này tràn trề niềm vui vì cuốn tản văn "Chuyện đời thường" của mình đã và đang được bạn đọc đồng cảm chia sẻ thật... đời thường như vậy.

    Trả lờiXóa
  7. Đời vẫn đáng sống.

    Trả lờiXóa