Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Christopher Alexander và Về Bản chất của Trật tự_ Phần 4

Quá trình khai mở (Unfolding process)

Có rất nhiều hệ quả quan trọng từ quan điểm cho rằng sự sống tồn tại ở cấu trúc không gian. Trước hết, cái đẹp là cái chứa trong mình sự sống mãnh liệt. Một thứ gì đó đẹp khi sự hiện diện của nó cái cấu trúc đó ở gần con người làm cho người đó cảm thấy có kinh nghiệm sống sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn. Đi tìm kiếm cái đẹp, đối với Chris Alexander, chính là đi tìm sự sống.

Thứ hai, người ta có thể tạo ra những công trình có sự sống bằng cách lắng nghe cảm giác của mình và bằng những hiểu biết về Quy trình của sự sống (Living process). Để đạt được sự sống trong một cấu trúc nhân tạo (ví dụ như căn nhà, con đường, đô thị, ), có nhiều thứ có thể học được từ sự sống sinh học và từ các quy trình sự sống trong thế giới tự nhiên.

Khi quan sát tự nhiên, Christopher Alexander (NOO 2002) nhận thấy rằng tự nhiên luôn luôn tiến hóa theo quá trình phát triển từng bước (stepwise process), mỗi quá trình phát triển luôn trên nền tảng của cái đã có trước đó và luôn luôn theo hướng tạo ra một toàn thể (the wholeness), mỗi bước phát triển đều chữa lành những gì là khiếm khuyết để tạo ra cái toàn thể lành mạnh hơn. Tự nhiên không có trước một bản vẽ (blueprint) cho chiếc lá, ngọn núi, con sóng, nhưng tự nhiên dựa vào DNA, vào quy luật kiến tạo địa chất,.., rồi từ cái toàn thể cũ sẵn có tạo ra cái toàn thể mới từng bước một. Tất cả đều rất đẹp, rất bền vững. Tự nhiên không lắp ráp từ thành tố lại để tạo nên cái toàn thể mà ở mỗi lúc nó luôn luôn tồn tại như một toàn thể.

Phương cách của tự nhiên là sử dụng một số quy luật, nhiều khi rất đơn giản, khiến tự nhiên phát triển theo quy luật vô cùng đơn giản đó nhưng lại tạo ra một thế giới vô cùng phong phú.  (*) 


Image result for stages of human embryo
Phôi người trong các giai đoạn khác nhau. Ở bất cứ giai đoạn nào, nó đều là một toàn thể. Rồi từ cái toàn thể,cũ dần dần phân hóa ra các bộ phận tùy theo vị trí của chúng và dựa theo bộ luật DNA để tạo ra một toàn thể mới


Lấy ví dụ một cái cây. Trong tự nhiên không có bản vẽ hình dáng của cái cây đó lúc 1 tuổi, lúc 2 tuổi để 'con tạo' sản xuất ra giống vậy. Tự nhiên không làm cái lá, cái rễ rồi ráp nó lại với thân cây để thành cái cây. Ở bất cứ lúc nào, cái cây luôn là một toàn thể đang biến đổi và đang chuyển hóa. Tự nhiên chỉ có mã ADN của cây, rồi tùy theo lượng đất, lượng gió, nắng mưa mà mỗi ngày cây đó khai mở phát triển những hình dạng mới. Mỗi cái lá đều trông giống nhau nhưng đều khác nhau tùy theo vị trí của nó_ mối quan hệ cấu trúc của nó với chi, cành, rễ, với nắng và gió ở vị trí nó.  Trong tự nhiên, nếu ta chiết 2 cây và trồng chúng cạnh nhau, ta có hai cây trông giông giống nhau nhưng không hoàn toàn có hình dạng như nhau. Bởi vì vị trí của từng cây trong không gian khác nhau và trong quá trình phát triển từ bé đến lớn, từng cành cây, từng nhánh rễ, từng chiếc lá dù dựa vào cùng chuỗi ADN hoàn toàn giống nhau vẫn khai mở hình dạng khác nhau cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương của nó.

Hãy hình dung bạn bước đi trong khu vườn mà ở đó hai chục cây bàng đều giống nhau y đúc tới từng cành, từng lá, từng vết sần sùi trên vỏ cây, từng cử động đung đưa. Tôi tin là phần đông con người nếu lạc bước vào sẽ đồng ý là cái khu vườn xanh tươi đó thật sự chết chóc ghê rợn hơn so với một khu vườn toàn xà bần và gạch vụn. Chúng ta thấy nó_ những kiểu mẫu giống nhau nhưng hơi khang khác_ hiện diện ở khắp nơi trong những đám mây, trong những con sóng, trong hình dạng đụn cát sa mạc hay trùng điệp núi đồi, ở mỗi vốc cát, ở mô tế bào dưới kính hiển vi hay từ kính viễn vọng nhìn ra vũ trụ. Những quy trình của sự sống tạo ra những hình dáng, những mẫu form tựa nhau nhưng không bao giờ giống nhau y đúc bất chấp hoàn cảnh tại chỗ của nó. 

Kiến trúc hiện đại vi phạm quy luật này theo hai cách. Hoặc là nó tạo ra những môi trường sống giống nhau y đúc. Hãy nhìn những cái hộp chữ nhật ở những tổ hợp nhà ở chọc trời. Hoặc là nó tạo ra những môi trường sống khác nhau, nhưng theo kiểu tùy ý không tính đến tính toàn thể. Sự khác biệt mà ở đó xuất phát từ trào lưu kiến trúc thịnh hành, theo concept, theo style, theo bất cứ ý tưởng độc đáo nào xuất hiện lúc đó trong đầu của KTS lúc đó. Alexander chống lại cả sự khác biệt theo kiểu này. Nên nhớ, mỗi một chiếc lá ở trên cây hơi khác nhau không phải bởi vì chúng muốn khác nhau, hay chúng thích giống một cái gai cho độc đáo sáng tạo, mà bởi vì cái lá đó mọc lên theo cách thích nghi với cái toàn thể đang có sẵn ở vị trí của nó.



Trái: Căn nhà hình trụ này được xây năm 1980s, bởi KTS Mario Botto_ được vinh danh như một trong những KTS hậu hiện đại xuất sắc nhất. Hình trụ chiếm lĩnh 'concept' của công trình hậu hiện đại này. Sự đối xứng, form của công trình là loại hay ho về mặt trí tuệ nhưng hoàn toàn xa lạ về mặt cảm xúc con người. Nó nông cạn so với một căn nhà đồng quê truyền thống ở Thụy Điển (phải), nơi hình dạng và sự đối xứng “trông có vẻ tầm thường” nhưng chạm được sâu hơn đến con người bất kể họ thuộc nền văn hóa nào. 

Một công trình kiến trúc hiện đại nổi tiếng khác: Habitat 67 của KTS Moshe Safdie. Được xây cho Expo 67 nó trở thành một trong những tòa nhà đáng kể nhất tại Canada. Concept của nó là từ những module tiền chế người ta lắp ghép chúng với nhau để tạo thành khối nhà. Tổng cộng có 354 modules như vậy lắp nên Habitat 67 với 158 căn hộ, mỗi căn hộ đều có sân vườn riêng. Thật là một ý tưởng tuyệt vời và một thiết kế thông minh. Thành công của nó hứa hẹn giải quyết bài toán nhà ở giá thấp mà vẫn có môi trường sống tốt. Thế nhưng mặc dù công trình này ngay lập tức đặt Moshe Safdie lên bệ phóng danh vọng và được xem như một kỳ tích kiến trúc hiện đại, nó cuối cùng không thành công trong bài toán mà nó định giải quyết.
Habitat 67 nhìn từ đường

A wide image showing a complete view of Habitat 67 as seen from the port.
Habitat 67 nhìn từ cảng Montreal

Đây là loại công trình mà Alexander phê phán. Bởi vì nó đi từ các bộ phận giống nhau mang từ nơi khác đến ráp thành cái toàn thể, những căn nhà xây theo kiểu trò chơi lego này đi ngược với quy trình của sự sống, do đó không thể tạo ra sự sống mãnh liệt. Nó sẽ chỉ gây thất vọng cho dù ý tưởng có hấp dẫn và người ta có thiết kế công năng tốt thế nào đi nữa.

Một nghệ sỹ tài năng khác của Canada, Leonard Cohen, nhìn ra sự chết chóc, thiếu nhân văn ở tòa nhà Habitat 67 này.





Tham khảo:

(*) 
Giáo trình thiết kế đô thị_ Phương pháp generative và Ngôn ngữ kiểu mẫu, Nguyễn Hồng Ngọc, 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét